Suy Niệm Chúa Nhật 27 Thường Niên B

matrimony-Jesus

Qua Bài Đọc I và Tin Mừng, Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXVII đề cao tình chồng nghĩa vợ: cả hai trở nên một xương một thịt.

St 2: 16-24

Tự nguồn gốc, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng con người có nam có nữ, nhưng Ngài còn đứng ra làm chủ hôn cho đôi vợ chồng đầu tiên.

Mc 10: 2-16

Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su tái khẳng định tình yêu bất khả phân ly của hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Dt 2: 9-11

Đoạn trích thư gởi các tín hữu Do thái vạch lại mầu nhiệm của Đức Ki tô, mầu nhiệm hạ mình đoạn vinh quang, nhờ đó Đức Ki tô dẫn đưa nhan loại đến cùng một vận mệnh theo cùng những giai đoạn.

BÀI ĐỌC I (St 2: 18-24)

Sách Sáng Thế là sách đầu tiên của bộ Ngũ Thư và toàn bộ Kinh Thánh. Sách mở ra với hai chuyện tích về công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXVII nầy mời gọi chúng ta đọc chuyện tích thứ hai, chuyện tích cổ xưa hơn.

1.Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ:

Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra hình tượng người nam, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và người nam trở nên một sinh linh. Đoạn để người nam sống một mình trong vườn Địa Đàng. Tiếp đó, Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú và dẫn chúng đến với ông để ông đặt tên cho chúng, điều đó nói lên quyền thống trị của con người trên mọi loài thụ tạo khác. Nhưng trong các loài thụ tạo ấy, “con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng”.

Đức Chúa lấy cái xương sườn rút từ con người mà làm thành một người nữ. Chỉ có người nữ là “một trợ tá tương xứng” với người nam, nghĩa là, chỉ có người nữ mới có thể chung chia những tâm tư tình cảm về đời sống vật chất và tinh thần với người nam. Như vậy sự khác biệt giữa hai phái tính nam và nữ là nhằm bổ túc cho nhau.

2.Thiết lập hôn nhân:

Đức Chúa dẫn người nữ đến với người nam (2: 22). Ở đây, hành động của Đức Chúa tương tự như hành động của ông tơ bà nguyệt kết nghĩa phu thê cho người nam người nữ đầu tiên, đồng thời chính Ngài đứng ra làm chủ hôn trong hôn lễ tiên khởi. Trong bầu khí tràn ngập niềm hân hoan phấn khởi, người nam xướng lên bài tình ca đầu tiên gồm hai câu với từ “nàng” được lập đi lập lại nhiều lần: “Phen này, nàng là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng được gọi là đàn bà, vì nàng được rút từ đàn ông ra”.  Tác giả lại sử dụng hai trùng âm: ’ish / ’ishah (“nam” / “nữ”) để diễn tả mối quan hệ mật thiết giữa nam và nữ. Chuyện tích này mang tính tầm nguyên (truy tìm nguyên do), vì đưa ra câu trả lời cho những vấn đề muôn thuở: tại sao nam nữ lại có sức hấp dẫn lôi cuốn tự nhiên đến với nhau, và tại sao tình yêu nam nữ lại còn mãnh liệt hơn cả tình nghĩa cha mẹ và con cái? Sức hấp dẫn của phái tính và sức mạnh của tình yêu nam nữ đó phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa, nhằm mục đích thiết lập hôn nhân, như một mối dây liên kết bất khả phân ly. Cả hai thành một xương một thịt, nghĩa là một mối dây liên kết giữa chồng với vợ còn bền vững hơn cả mối liên hệ tình thân ruột thịt giữa cha mẹ và con cái.

BÀI ĐỌC II (Dt 2: 9-11)

Phụng Vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta đọc thư gởi tín hữu Do thái trong suốt bảy Chúa Nhật liên tiếp. Bức Thư nầy được gởi cho các Ki-tô hữu gốc Do thái, họ ôm ấp trong lòng nỗi nhớ nhung luyến tiếc về những ngày lễ uy nghi trang trọng trong Đền Thánh.

1.Vấn đề về tác giả và người nhận:

Chúng ta không biết tác giả bức thư là ai, chắc chắn một người bạn đồng hành hay một môn đệ của thánh Phao-lô. Từ lâu, người ta gán bức thư nầy cho thánh Phao-lô, vì tư tưởng và cách nói rất quen thuộc với thánh Phao-lô; tuy nhiên, sứ vụ của Đức Ki tô được trình bày là chức vụ tư tế không là tư tưởng của thánh Phao-lô. Vài nhà chú giải nghĩ đến ông A-pô-lô quê A-lê-xan-ri-a, vì sở thích ẩn dụ rất thịnh hành trong thành phố Hy-lạp nầy.

Ngoài ra, chúng ta cũng không biết đích xác người nhận thư là ai. Nhan đề: “Thư gởi tín hữu Do thái” đã được thêm vào từ thế kỷ thứ hai, cũng không giúp chúng ta biết căn tính của người nhận thư. Những người trao đổi thư từ với tác giả bày tỏ nỗi xao xuyến và vỡ mộng vì tôn giáo mới quá thanh đạm so với tôn giáo của mình trước đó. Tác giả sẽ chứng minh cho thấy sự cao trọng tuyệt mức của Con Thiên Chúa, Ngài là Đấng Trung Gian cao vời khôn ví trên tất cả thiên sứ và ông Mô-sê, chức tư tế của Ngài thì cao trọng hơn chức tư tế của Giao Ước Cũ và hy tế của Ngài thì cao trọng hơn hy tế được tiến dâng trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đoạn văn mà chúng ta đọc thuộc vào phần thứ nhất: Con Thiên Chúa cao vời khôn ví trên các thiên sứ.

2.Đức Giê-su, một con người tuyệt vời:

Trước hết, tác giả áp dụng Tv 8 cho Đức Ki-tô. Thánh Vịnh này ca ngợi phẩm chất cao vời của con người và tán dương địa vị mà Thiên Chúa đã ban cho con người ở giữa lòng cuộc sáng tạo của Ngài: “Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người”.

Tác giả thư gởi tín hữu Do thái sửa đổi đôi chút bản văn để áp dụng vào Đức Giê-su, một con người tuyệt mức. Ông viết: “Đức Giê-su đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn”, tức là Người đảm nhận trọn vẹn thân phận con người, đó là điều tất yếu nhằm đảm bảo ơn cứu độ cho nhân loại. Tiếp đó, tác giả tóm tắt vắn gọn mầu nhiệm cứu độ. Với một văn phong cô động, tác giả khảo sát mầu nhiệm nầy dưới ba viễn cảnh: Thiên Chúa, Đức Ki-tô và nhân loại.

3.Sáng kiến của Thiên Chúa.

Sáng kiến cứu độ nhân loại phát xuất từ Thiên Chúa, Ngài là “nguồn gốc và cùng đích mọi loài”. Ngài đã muốn muôn loài muôn vật dự phần vào vinh quang của Ngài. Để đưa họ đến nguồn ơn cứu độ, Ngài đã chọn Đấng Thánh Hóa thập toàn là Đức Ki-tô.

4.Đức Ki tô, vị lãnh đạo thập toàn.

Đức Giê-su đã chấp nhận vai trò thánh hóa nầy. Thiên Chúa “đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn”. Như vậy, Đức Giê-su là “nguồn ơn cứu độ” của mọi người.

Một trong những nét đặc thù nhất của bức thư nầy, đó là đem lại một giá trị thành toàn cho đau khổ, thậm chí đối với Đức Ki tô. Đề tài này được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đức Giê-su, vốn là Thiên Chúa, thành toàn ngay từ khi mới thụ thai. Nhưng tác giả của bức thư không bao giờ đánh mất khỏi tầm nhìn hai bản tính của Đức Giê-su. Ấy vậy, chính nhờ nhân tính của mình mà Chúa Giê-su đã kinh qua đau khổ và cái chết mà Thiên Chúa không thể. Từ đó, Chúa Giê-su trở thành con người thành toàn, được Thánh Vịnh ca ngợi, có khả năng cảm thông với anh em đồng loại của Người (5: 2). Người là Đấng Trung Gian hoàn hảo, biến đau khổ thành nguồn ơn cứu độ.

5.Nhân loại được thánh hóa:

Nhân loại có thể dự phần vào ý định của Thiên Chúa nhờ ơn thánh hóa của Chúa Giê-su. Đức Giê-su tự mình liên đới với con người ngõ hầu những ai liên đới với số phận của Người, họ trở nên thánh thiện nhờ trung gian cứu độ của Người.

TIN MỪNG (Mc 10: 2-16)

Đức Giê-su đang lên đường lên Giê-ru-sa-lem, đây là giai đoạn cuối cùng cuộc đời trần thế của Người. Một lần nữa, dân chúng lại tuôn đến với Người. Những người Biệt Phái một lần nữa tìm cách gài bẫy Người bằng những câu hỏi thâm hiểm. Ở đây, họ hỏi Đức Giê-su vấn đề ly dị với hy vọng câu trả lời của Đức Giê-su sẽ đặt Người vào trong thế đối nghịch với Luật Mô-sê để mà có cớ hãm hại Người.

1.Cuộc tranh luận về vấn đề ly dị:

Câu hỏi mà những người Pha-ri-sêu nêu lên với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chồng có được rẫy vợ không?”, thật ra là một đề tài thường xuyên được tranh luận trong các trường phái kinh sư. Bản văn của thánh Mát-thêu phản ảnh rõ nét bầu khí tranh luận nầy:“Có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” (Matthew 19:3). Thánh Mác-cô viết cho một công chúng rộng lớn hơn, vì thế không nêu lên lý do nào người chồng được phép ly dị vợ, nhưng đặt vấn đề một cách khái quát hơn: “Chồng có được phép rẫy vợ không?”.

Đức Giê-su sử dụng phương thế Người thường dùng: thay vì trả lời ngay thì Ngài hỏi họ ngược lại: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?”. Khi đặt cho họ câu hỏi như thế, Đức Giê-su muốn dẫn đối phương của Người đến tận nguồn gốc của cuộc tranh luận.

Họ trả lời “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”. Câu trả lời của họ căn cứ trên Đnl 24: 1-4. Như vậy, họ xem ly dị là hợp pháp. Trong Do thái giáo thời xưa, việc ly dị không phải là một hành vi pháp lý công khai tại tòa án. Một câu trong sách Đệ Nhị Luật đã mở đường cho tất cả mọi lạm dụng: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà” (Đnl 24: 1). Như vậy, luật này cho phép người chồng ly dị vợ với bất kỳ lý do gì, chỉ còn một chút nhân đạo bằng cách buộc người chồng phải trao cho người vợ một“chứng thư ly dị”. Thật ra, trong bối cảnh “thượng tôn nam giới” vào thời đó, Luật Mô-sê buộc người chồng phải cấp một giấy chứng thư ly dị để trả lại sự tự do cho người phụ nữ là nhằm bảo vệ người phụ nữ có thể tái hôn. Đã có những trường hợp những người chồng đuổi vợ đi và lấy vợ khác, nhưng nếu người vợ cũ đi với một người đàn ông khác, người chồng có thể tố cáo vợ trước là ngoại tình (và nàng sẽ bị xử tử).

Khi trả lời họ: “Chính vì lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông”, Đức Giê-su xem lời dạy của Đnl 24: 1-4 như một sự nhượng bộ trước sự yếu đuối của con người và một sự miễn trừ trái với kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân. Để chứng minh cho thấy việc ly dị là vi phạm ý muốn của Thiên Chúa, Đức Giê-su trích dẫn chuyện tích sáng tạo thứ nhất: “Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ” (St 1: 27). Tiếp liền ngay sau đó, Ngài trích dẫn chuyện tích sáng tạo thứ hai:“Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2: 24). Cuối cùng, Ngài kết luận như một lời khẳng định: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Quan điểm của Chúa Giê-su thì rất rõ ràng. Phá hỏng sự bố trí này của Đấng Tạo Hóa là một hành vi xuyên tạc thô bạo và chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Người ta hiểu Đức Giê-su muốn rút ra hậu quả tiêu cực là cấm ly dị và tái kết hôn, bởi vì ly dị và đa thê không thuộc về chương trình của Thiên chúa. Chỉ hôn nhân một vợ một chồng và bất khả phân ly mới tôn trọng chương trình của Thiên Chúa và hoàn tất mục tiêu Thiên Chúa nhắm đến khi tạo dựng tính dục.

Như vậy, Chúa Giê-su đã đưa ra một tầm nhìn cao vời bất ngờ cho câu hỏi“Chồng có được phép rẫy vợ không?”. Sau này thánh Gioan nhận định, nơi đây quả có một vị ngôn sứ còn cao cả hơn ông Mô-sê, nhà lập pháp của dân Thiên Chúa (1: 17). Với quyền năng Thiên Chúa tràn đầy, Đức Giê-su đã đến phục hồi mọi sự vào đúng trật tự Đấng Tạo Hóa muốn. Nếu có tham gia vào cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các bậc khôn ngoan (các giáo sĩ ưu tú lúc bây giờ), Chúa Giê-su cũng không để mình bị rơi vào bẫy của các nhà luật học Do thái cũng như vào chủ nghĩa vị luật của họ. Người xác nhận mạnh mẽ ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân theo ý muốn của Thiên Chúa.

2.Giáo huấn các môn đệ:

“Khi về đến nhà, các môn đệ hỏi Người về điều ấy”: Kiểu nói “Khi về đến nhà”là một biểu thức mà thánh Mác-cô chủ ý dùng để giới thiệu một giáo huấn của Đức Giê-su trong chốn riêng tư giữa thầy và họ. Con đường Đức Giê-su mở ra mang tính đòi hỏi hơn các quan điểm nhân loại rất nhiều. Sự nghiêm khắc của con đường ấy không ngừng hạch sách các bạn hữu thân tình của Người. Như thường lệ, chính các môn đệ cũng ngỡ ngàng về lời dạy khắc khe của Thầy mình.  Và họ đang tìm cách xác định tư tưởng của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su trả lời cho các môn đệ một biểu thức đầy kinh ngạc khi đưa ra lời phán quyết: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”. Để đo lường tính cách mạng của lời phán quyết nầy, chúng ta nên nhớ rằng trong nền văn hóa Do thái “độc tôn nam giới”, chỉ có người chồng mới được phép rẫy vợ. Ngoài ra, tội ngoại tình chỉ được dùng để nêu lên sự bất trung của người vợ; không hề có án phạt được dự kiến đối với người chồng bất trung. Như vậy, Chúa Giê-su tái lập sự bình đẳng của chồng và vợ trong việc kính trọng phải có đối với hôn nhân. Thánh Mát-thêu đã không trích vế thứ hai “Ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”, vì thánh nhân viết Tin Mừng cho người Ki-tô hữu gốc Do thái. Nhưng ở Hy-lạp cũng như ở Rô-ma, người vợ có quyền nầy, vì thế thánh Mác-cô không thể nào giữ im lặng về vấn đề này được.

3.Đức Giê-su và các trẻ em:

Từ việc phục hồi quyền hôn nhân, Đức Giê-su chuyển sang việc phục hồi quyền trẻ con. Thật khó để nghĩ rằng trình tự nầy thì ngẫu nhiên. Sau đoạn văn về hôn nhân, đến đoạn văn về trẻ em cũng là chuyện hợp tình hợp lý. Cả hai đều có nét chung: người phụ nữ và trẻ em bị coi thường trong xã hội lúc ấy; nhưng dưới mắt Đức Giê-su, họ cũng là những nhân vị, và có lẽ còn được Thiên Chúa chiếu cố đặc biệt, vì họ là những người bé mọn. Nước Thiên Chúa được dành cho những con người như thế.

Người vừa mới quở trách các đối thủ của Người là lòng chai dạ đá khi từ chối luật hôn nhân đích thật bắt nguồn từ Thiên Chúa. Đối lập với tinh thần quỷ quyệt của họ, Đức Giê-su nói đến đức tính trung thực, độ cảm thụ tuyệt vời và khả năng chân thành đón nhận Nước Thiên Chúa của con trẻ: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì chẳng được vào”.

“Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng”. Thánh Mác-cô một lần nữa trích dẫn những cử chỉ đầy thương mến của Đức Giê-su (ông là thánh ký duy nhất trích dẫn cử chỉ này). Qua cử chỉ này, Chúa Giê-su không chỉ bày tỏ tấm lòng yêu thương con trẻ của Người nhưng còn dâng hiến tinh thần trẻ thơ như một linh đạo.

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Matthew 19:3
View in: NAB
3And there came to him the Pharisees tempting him, and saying: Is it lawful for a man to put away his wife for every cause?