Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên, năm C

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên năm C ca ngợi những ai đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. 

Gr 17: 5-8:
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đối chiếu đời sống của kẻ gian ác với đời sống của người công chính
1Cr 15: 12, 16-20:
Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến thực tại phục sinh của thân thể Đức Ki-tô, và ý nghĩa của sự phục sinh ấy đối với người Ki-tô hữu.
Lc 6: 17, 20-26:
Thánh Lu-ca đối lập các Mối Phúc với các Mối Họa.

BÀI ĐỌC I (Gr 17: 5-8)
Trong đoạn thơ ngắn, ngôn sứ Giê-rê-mi-a sử dụng hai hình ảnh thiên nhiên đối nghịch nhau để mô tả hai hạng người, hạng người bị nguyền rủa và hạng người được chúc phúc:
1.Hạng người bị nguyền rủa (17: 5-6):
Hạng người bị nguyền rủa là những kẻ gian ác đặt niềm tin tưởng vào người đời mà xa lìa Thiên Chúa. Họ được sánh ví như bụi cây cằn cỗi mọc trong hoang địa nóng cháy, nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn, chẳng bao giờ thấy được hạnh phúc.
2.Hạng người được chúc phúc (17: 7-8):
Hạng người được chúc phúc là những người công chính đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Họ được sánh ví như cây trồng bên dòng nước, cành lá xanh tươi, trổ sinh hoa trái bốn mùa vì đâm rễ sâu vào mạch nước.
Bài Đọc I chuẩn bị Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca trong đó Đức Giê-su loan báo bốn Mối Phúc đối lập với bốn Mối Họa.
BÀI ĐỌC II (1Cr 15: 12, 16-20)
Có những người tín hữu Cô-rin-tô không tin kẻ chết sống lại. Thánh Phao-lô chứng minh rằng những người chủ trương “không có chuyện kẻ chết sống lại” thật phi lý khi vạch ra những hậu quả của sự từ chối này.
Thứ nhất, nếu không tin kẻ chết sống lại, thì lời rao giảng của thánh Phao-lô và những thầy dạy của họ về việc Đức Ki-tô đã từ cõi chết sống lại để chúng ta cùng được chết và sống lại với Đức Ki-tô là những lời nói láo. Thứ hai, nếu không tin kẻ chết sống lại, thì cũng sẽ từ chối những thành quả minh nhiên của niềm tin vào Đức Ki-tô sống lại qua những ân huệ dồi dào mà Thần Khí đã ban cho cộng đồng tín hữu Cô-rin-tô. Thứ ba, nếu không tin kẻ chết sống lại, thì niềm tin của những người tín hữu ở đời này thật là hão huyền và đáng thương, đồng thời các thành viên trong cộng đồng của họ đã qua đời phải bị tiêu vong.
Từ lập luận trên, thánh nhân quả quyết rằng Đức Ki-tô thật sự đã sống lại để mở đường cho những ai tin vào Ngài cũng sẽ được sống lại cùng với Ngài.
TIN MỪNG (Lc 6: 17, 20-26)
Hình ảnh Chúa Giê-su xuống núi và đến một chỗ đất bằng, tại đó dân Thiên Chúa tụ tập quanh Người gợi nhớ hình ảnh ông Mô-sê từ trên núi Xi-nai xuống mang theo sứ điệp của Thiên Chúa. Thính giả của Chúa Giê-su đại diện đầy đủ mọi thành phần Dân Thiên Chúa: nhóm Mười Hai, đông đảo môn đệ của Người và đoàn lũ dân chúng từ khắp nơi đến.
Sau khi đã thường xuyên nói Chúa Giê-su giảng dạy, cuối cùng thánh Lu-ca sắp sửa đưa ra một trong những khuôn mẫu cô động nhất của công việc giảng dạy đó. Để làm điều này, thánh Lu-ca không tham khảo sách Tin Mừng Mác-cô nữa mà tận dụng Nguồn các lời”. Bài Diễn Từ Trên Cánh Đồng của thánh Lu-ca phù hợp theo mức độ nào đó với Bài Diễn Từ Trên Núi, một bài trình thuật rộng lớn mà thánh Mát-thêu ghi lại cho chúng ta từ chương 5 đến chương 7. Trong suốt sứ vụ công khai của Người ở những miền và những thành phố khác nhau của Ít-ra-en, chắc hẳn Đức Giê-su đã rao giảng những điều như vậy trong những dịp khác nhau. Khi sử dụng “Nguồn các lời” này, mỗi thánh ký, dưới ơn linh hứng của Chúa ThánhThần, đã sẽ chọn tường thuật những lời mà các ngài cho là hữu ích nhất trong việc giảng dạy cho độc giả đương thời của các ngài: người Ki-tô hữu gốc Do thái trong trường hợp thánh Mát-thêu, người Ki-tô hữu gốc lương dân trong trường hợp thánh Lu-ca.
Trước khi Chúa Giê-su công bố các Mối Phúc và các Mối Họa, thánh Lu-ca ghi nhận: “Đức Giê-su ngước mắt nhìn lên các môn đệ” (6: 20). Tại sao thánh Lu-ca lại ghi nhận cái nhìn của Đức Giê-su như thế? Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người để gặp con người, chứ không phải là một đạo sư truyền bá một đạo lý hay một giáo thuyết. Ánh mắt của Người, cũng chính là cái nhìn của Thiên Chúa, đang rọi xuống trên những con người đang hiện diện trước mặt Người. Nơi những con người mà Người đang đưa mắt nhìn, Đức Giê-su thấy những người con được Chúa Cha tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa; vì thế, Người mặc khải cho họ biết họ là ai và làm cách nào để sống cho xứng đáng là những người con đích thật của Chúa Cha.
1.Cách trình bày các Mối Phúc và các Mối Họa theo Tin Mừng Lu-ca:
Thánh Lu-ca đã tóm gọn Tám Mối Phúc của thánh Mát-thêu (Matthew 5:3-12) vào trong Bốn Mối Phúc, nhưng thêm Bốn Mối Họa đối lập. Quả thật, bốn Mối Phúc của Tin Mừng Lu-ca được phát biểu cách trực tiếp và cô động hơn tám Mối Phúc của Tin Mừng Mát-thêu: ví dụ trong Tin Mừng Lu-ca, Mối Phúc thứ nhất phát biểu cách trực tiếp và đơn giản “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, trong khi trong Tin Mừng Mát-thêu chúng ta đọc thấy “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, rõ ràng Mối Phúc này được phát biểu cách gián tiếp và chứa đựng một lời giải thích ngắn về ý nghĩa của đức nghèo khó.Thánh Lu-ca đặt hai nhóm người và hai mẫu tình huống tương phản một cách có hệ thống.
Bốn Mối Phúc là bốn Mối Họa đảo ngược:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói” “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê”
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc” “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười”
“Phúc cho anh em, khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sĩ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa” “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng”


Những lý do nêu ra cũng ở thế đối lập với nhau:

“Vì Nước Thiên Chúa là của anh em” “Vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi”
“Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” “Vì các ngươi sẽ phải đói”
“Vì anh em sẽ được vui cười” “Vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”
“Vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” “Vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”.


Ba cặp Phúc-Họa đầu tiên được cấu trúc rất đối xứng: những kẻ nghèo khó, đang phải đói và khóc lóc ám chỉ cùng một nhóm người như nhau; những kẻ giàu có, đang được no nê và vui cười cũng vậy. Sáu từ ngữ thực tế chỉ hai loại người trong xã hội. Cặp Phúc-Họa thứ tư là cặp cuối cùng được cấu trúc hoàn toàn khác và được khai triển thành ba phần: trước hết, những thử thách phải chịu trong hiện tại:“bị oán ghét”,“bị khai trừ” và “bị sỉ vả” (6: 22) đối lập với việc “được mọi người ca tụng” (6: 26); tiếp đó, lời mời gọi hãy vui mừng, không phải trong tương lai nhưng hiện nay với sự bách hại, vì được bảo đảm rằng họ sẽ nhận được phần thưởng lớn lao: ơn cứu độ và sự sống ngay giữa cơn gian nan thử thách (6: 23a-b); sau hết, người bị bách hại được đồng hóa với các ngôn sứ Cựu Ước: “Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế”. Sự kiện này thật đáng lưu ý: nếu người giàu đối lập với người nghèo, thì ở đây những người bách hại không phải đối lập với những người bị bách hại, mà là những kẻ được ca tụng, tức là bị đồng hóa với các ngôn sứ giả.
Trong bản văn đối xứng của mình, thánh Lu-ca công bố một sự đảo ngược của các tình cảnh hiện nay vào thời cánh chung; thực ra thời cánh chung đã khởi sự rồi. Trong cặp Mối Phúc thứ hai và thứ ba,“bây giờ” và “thời sẽ đến” đối kháng với nhau rõ ràng (6: 21). Ngược lại, trong Mối Phúc thứ nhất, điều kiện của việc đảo ngược đã được hiện thực rồi: “Nước Thiên Chúa là của anh em”. Mối Phúc cuối cùng cũng tương tự như thế: “Vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”. Một sự đảo ngược giữa các tình cảnh như vậy là một đề tài được thánh Lu-ca ưa chuộng. Chúng ta đã gặp thấy cấu trúc này trong bài ca “Ngợi Khen” (1: 51-53) cũng như sau này trong một bản văn khác riêng của thánh Lu-ca: dụ ngôn ông phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó (16: 19-31).
2.Nghèo khó trong khiêm tốn:
Ở đây, trên môi miệng của Đức Giê-su Na-da-rét, từ ngữ “những kẻ nghèo khó” phải được hiểu ưu tiên theo chiều kích kinh tế và xã hội; thuật ngữ này chỉ những người không được bảo vệ và không có quyền lợi, bị khinh dễ, họ trông chờ ơn cứu độ chỉ ở nơi một mình Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đứng ra bênh vực quyền lợi của họ, vì vậy Ngài phải nắm trọn chủ quyền (“Xin cho triều đại Chúa mau đến!”: 11: 2). Hành động giải phóng của Chúa Giê-su đã là dấu chỉ hữu hiệu cho thấy Thiên Chúa ra tay hành động. Chính nơi bản thân của Đức Giê-su và công việc của Người mà hoạt động cánh chung của Thiên Chúa và “triều đại” của Ngài được bày tỏ.
Vì vậy, dường như thánh Lu-ca cũng không thỏa mãn hơn chúng ta trước những Mối Phúc của Chúa. Nếu vấn đề của cải được nêu rõ trong Tin Mừng Lu-ca và sách Công Vụ, chính vì giữa lòng Giáo Hội vào thời thánh Lu-ca có những người túng thiếu và những người giàu có. Như vậy đâu là tính thời sự của Tin Mừng? Thánh Lu-ca hiểu thế nào về người nghèo khó mà Chúa Giê-su nói ở đây?
Nếu người ta tách riêng những Mối Phúc và những Mối Họa ra khỏi tác phẩm của thánh Lu-ca, người ta sẽ phạm phải sai lầm lớn trong công việc giải thích. Trong trường hợp đó, sự đối kháng rõ rệt và được lập đi lập lại giữa “bây giờ” và “thời sẽ đến” đề xuất cuộc đảo lộn các giá trị sau này. Người nghèo sẽ được khuyến khích tự an ủi về hiện trạng khốn khó khi nghĩ đến một tương lai huy hoàng… trong lúc đó, người giàu có thể tiếp tục chè chén say sưa mà không sợ người nghèo La-da-rô tìm cách lật đổ hiện trạng của mình (x. 16: 17-31). Như vậy, thánh Lu-ca sẽ chuốc lấy lời phê phán của Karl Marx khi triết gia này phê phán tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng.
Các Mối Phúc đòi hỏi phải được đọc dưới ánh sáng phần còn lại của sách Tin Mừng Lu-ca và sách Công Vụ Tông Đồ. Nếu thánh Lu-ca có thể nhắc lại các Mối Phúc chính vì thánh ký diễn tả Giáo Hội lý tưởng là một cộng đoàn nơi đó “không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự điều là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4: 32-35). Những bản văn khác sẽ cho chúng ta thấy việc chia sẻ với người nghèo, tuy khiêm tốn hơn, phải được thực hành ngay ngày hôm nay, trong cộng đoàn Giáo Hội. Nếu không, cộng đoàn sẽ không có khả năng loan báo các Mối Phúc và chứng thực thực tại của ơn cứu độ đã khởi sự.
3.Khó nghèo theo Tin Mừng:
Ngay vào thời thánh Âu-gút-ti-nô, có nhiều người không thể hiểu đúng người nghèo và người giàu; họ lậpluận như sau: “Nước Trời thuộc về người nghèo, ông La-da-rô đói khát của cải thế giới này; mọi người giàu thì xấu xa, như ông phú hộ này”. Cách suy nghĩ này đã khiến thánh Âu-gút-ti-nô giải thích ý nghĩa sâu xa của sự giàu có và sự nghèo khó theo tinh thần của Tin Mừng: “Hỡi người nghèo, hãy lắng nghe tôi giải thích những lời của bạn. Khi bạn tự cho mình là anh La-da-rô, một thánh nhân ung nhọt đầy mình, tôi sợ là niềm tự phụ của bạn làm cho bạn mô tả mình không đúng. Đừng khinh bĩ những người giàu đầy lòng từ bi nhân ái và khiêm hạ: hay nói một cách ngắn gọn, đừng khinh bĩ những người giàu mà nghèo. Hỡi người nghèo! Chính bạn hãy là nghèo; nghèo, có nghĩa khiêm tốn… Vì thế, hãy lắng nghe tôi. Hãy thật sự nghèo, phải là chân thành, phải là khiêm tốn; nếu bạn tự phụ về sự nghèo khổ rách rưới và mụn nhọt đầy người của bạn, nếu bạn tự phụ là mình giống như người ăn xin đó nằm ở ngưỡng cửa của người giàu, lúc đó bạn đang ghi nhận sự nghèo khổ của anh ta chứ không gì khác. Bạn hỏi, điều gì tôi nên ghi nhận? Hãy đọc Kinh Thánh rồi bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Anh La-da-rô là một người nghèo, nhưng anh được đưa vào lòng của một người giàu. Kinh Thánh viết: ‘Thế rồi người nghèo này chết và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham’. Vào đâu? Vào lòng của ông Áp-ra-ham hay, hãy để tôi nói, vào nơi mầu nhiệm ở đó ông Áp-ra-ham đang yên nghỉ. Hãy đọc… và hãy nhớ rằng ông Áp-ra-ham là một người rất giàu khi còn sống trên cõi thế này: ông giàu có tiền bạc, một gia đình rộng lớn, súc vật đầy đồng, ruộng vườn; tuy nhiên người giàu này thì nghèo, vì ông khiêm hạ. ‘Ông Áp-ra-ham tin vào Thiên Chúa và được xem là công chính’… Ông đã là trung thành, ông đã làm điều tốt, ông đã đón nhận mệnh lệnh hiến tế người con trai của ông, và ông đã không từ chối dâng hiến những gì ông đã nhận được cho Đấng từ Ngài ông đã nhận được. Ông đã được chấp nhận trong thánh nhan Thiên Chúa và phô bày trước chúng ta một mẫu gương đức tin”(Sermon 14).
Tóm lại, đức nghèo khó không cốt ở nơi điều gì đó thuần túy bên ngoài, ở nơi việc có hay không có những của cải, nhưng ở nơi điều gì đó còn sâu xa hơn, tác động đến tấm lòng và tâm hồn của một con người; nó cốt là có một thái độ khiêm tốn trước Thiên Chúa, là lòng mộ đạo, là một niềm tin tròn đầy. Nếu một người Ki-tô hữu có những đức tính này và cũng có những của cải dư đầy, người ấy phải siêu thoát khỏi sự giàu có của mình và hành xử bác ái đối với tha nhân, thì mới thật sự làm đẹp lòng Thiên Chúa. Mặt khác, nếu ai không được sung túc, không vì thế mà người ấy được công chính trước Thiên Chúa, nếu như người ấy không nỗ lực đạt được những đức tính mà đức nghèo khó đích thật đòi hỏi.“Điều nên chú ý là: không phải tự thân, sự nghèo nàn và khổ sở là hạnh phúc, nhưng chúng mang lại hạnh phúc vì chúng giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân, sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất đời này” (“Hạt Giống Nẩy Mầm”).

LM Inhaxiô Hồ Thông

Matthew 5:3-12
View in: NAB
3Blessed are the poor in spirit: for theirs is the kingdom of heaven.
4Blessed are the meek: for they shall possess the land.
5Blessed are they that mourn: for they shall be comforted.
6Blessed are they that hunger and thirst after justice: for they shall have their fill.
7Blessed are the merciful: for they shall obtain mercy.
8Blessed are the clean of heart: for they shall see God.
9Blessed are the peacemakers: for they shall be called children of God.
10Blessed are they that suffer persecution for justice' sake: for theirs is the kingdom of heaven.
11Blessed are ye when they shall revile you, and persecute you, and speak all that is evil against you, untruly, for my sake:
12Be glad and rejoice, for your reward is very great in heaven. For so they persecuted the prophets that were before you.