Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên C

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên năm C mời gọi chúng ta phải thương yêu hết mọi người, ngay cả kẻ thù nữa.

1Sm 26: 2, 7, 9, 12-13, 22-23:

Đa-vít có cơ hội thuận tiện để giết vua Sa-un, kẻ đã truy sát mình, nhưng Đa-vít đã tha chết cho vua bởi vì ông tin làm như thế là chống lại với người được Thiên Chúa xức dầu tấn phong.

1Cr 15: 45-49:

Thánh Phao-lô so sánh A-đam với Đức Ki-tô. Nhờ A-đam, chúng ta được sự sống tự nhiên; nhờ Đức Ki-tô, chúng ta có được sự sống thần thiêng.

Lc 6: 27-38:

Đức Giê-su nhấn mạnh đến bổn phận yêu thương kẻ thù và những trách nhiệm của đức ái huynh đệ.

BÀI ĐỌC I (1Sm 26: 2, 7, 9, 12-13, 22-23)

Sách Sa-mu-en quyển một là một tác phẩm quan trọng đặc biệt vì sách ghi lại bước ngoặc “lịch sử” đã dẫn đưa dân Ít-ra-en lần từng bước từ “thể chế các thủ lãnh” sang “thể chế các vua”. Ba vĩ nhân thống trị tất cả mọi biến cố của giai đoạn lịch sử này là ngôn sứ Sa-mu-en, vua Sa-un và vua Đa-vít.

1. Đa-vít là nhân vật hấp dẫn nhất:

Đa-vít là nhân vật hấp dẫn nhất trong toàn bộ lịch sử Ít-ra-en. Ông có tất cả những nét quyến rũ của những anh hùng huyền thoại. Ông khôi ngô tuấn tú: “Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn” (1Sm 16: 12); nghệ sĩ đàn hạc (1Sm 16: 16, 23); dũng cảm đến độ liều lĩnh (1Sm 17: 34-36, 40t; 18: 6-9, 26-27); không biết mệt mõi, hiếu động, nhất là sau khi đã phải trốn chạy khỏi triều đình Sa-un, ông sống cuộc sống phiêu bạt rày đây mai đó (1Sm 21-30).

2. Đa-vít có tấm lòng khoan dung nhân từ:

Sách Sa-mu-en quyển một kể cho chúng ta một trong những câu chuyện Đa-vít phải rời bỏ triều đình vua Sa-un mà trốn chạy khỏi sự truy sát của vua Sa-un. Vua Sa-un dẫn một đạo quân đông tới ba ngàn người đi lùng bắt Đa-vít. Một đêm, vua Sa-un ngủ mê miệt trong trại thì Đa-vít đột nhập vào. Người tùy tùng của Đa-vít thấy đây là một dịp may hiếm có nên xúi Đa-vít giết chết vua Sa-un. Nhưng Đa-vít không nghe theo. Ông chỉ lấy cây giáo của Sa-un rồi sang phía bên kia hô lớn bảo vua Sa-un thức dậy cho người sang lấy lại ngọn giáo. Việc này khiến vua Sa-un cảm động và phải thừa nhận Đa-vít là người sau này sẽ hoàn thành nghiệp lớn.

BÀI ĐỌC II (1Cr 15: 45-49)

1. Nhờ A-đam, chúng ta có được sự sống tự nhiên:

Một lần nữa thánh Phao-lô chú ý đến A-đam (x. 15: 22-23). Cách thức chúng ta sống hiện nay, bản chất hiện nay, hình dáng, vẻ bên ngoài của chúng ta (“thân thể” của chúng ta) được tạo dựng theo khuôn mẫu của A-đam. Chúng ta được tạo nên hình thể từ đất nhưng chúng ta sống nhờ hơi thở mà Thiên Chúa thổi vào chúng ta. Chúng ta là một “sinh linh” (St 2: 7); chúng ta là một “thân thể có sinh khí” (1Cr 15: 44). Thân thể này có những đặc tính của một thân thể địa giới: kiếp sống phàm nhân phải chết, hèn hạ và yếu đuối (15: 42-43). Chúng ta ghi nhận rằng ở dây thánh Phao-lô trở lại quan điểm Kinh Thánh cựu trào hơn, khi nối kết cái chết với thân phận con người chứ không với tội lỗi.

2. Nhờ Đức Ki-tô, chúng ta có được sự sống thần thiêng:

Trái lại, nhờ Đức Ki-tô phục sinh, người Ki-tô hữu có được sự sống thần thiêng (15: 45). Thân thể của Ngài từ “trời mà đến” (15: 40), chứ không từ đất mà ra, vì thế là “thân thể có thần khí” (15: 44). Thân thể sống lại của chúng ta sẽ không là thân thể có sinh khí, nhưng thân thể có mối liên hệ với Thần Khí Thiên Chúa. Thân thể chúng ta sẽ không giống như mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, nhưng giống như thân thể của Đức Ki-tô phục sinh (15: 49), vì chúng ta được thông phần sự sống của Ngài.

Khi gọi Đức Ki-tô là “A-đam cuối cùng” (15: 45), thánh Phao-lô công bố rằng Ngài là người đầu tiên khai mở mục đích tối hậu của lịch sử. Thánh nhân cũng công bố rằng A-đam đầu tiên dự kiến A-đam sau cùng: con người, như mục đích tự nhiên của mình, phải mang hình ảnh của Đức Ki-tô.

TIN MỪNG (Lc 6: 27-38)

Tin Mừng hôm nay áp dụng “Các Mối Phúc và các Mối Họa” của Tin Mừng tuần trước vào cuộc sống cụ thể của con người. Tin Mừng bắt đầu với lời của Đức Giê-su: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây” (6: 27) nhắc nhớ đến đám thính giả vây quanh Đức Giê-su để nghe Người giảng dạy và để được chữa lành bệnh tật (6: 17-19).

1. Yêu thương kẻ thù (6: 27-35):

Sau các Mối Phúc ngỏ lời với những người bị đè bẹp trong cuộc sống và các Mối Họa được gởi đến cho những người chỉ coi sự giàu sang phú quý như cứu cánh cuộc đời mình, thì phần này mở ra và đóng lại với huấn lệnh “hãy yêu thương kẻ thù” (6: 27 và 6: 35). Những kẻ thù ở đây được nhận dạng qua những hành vi họ làm: “nguyền rủa anh em” và “vu khống anh em” (6: 28), đó là những kẻ bách hại các Ki-tô hữu đã được nói đến ở Mối Phúc thứ tư (6: 22).

Ở trung tâm của phân đoạn này là luật vàng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (6: 31). Luật này được giải thích bởi những huấn lệnh vây quanh, trước hết những huấn lệnh thuộc thể truyền lệnh ở ngôi thứ hai số ít: “Anh” (6: 29-30) và sau đó những mệnh lệnh thuộc thể điều kiện ở ngôi thứ hai số nhiều: “Anh em” (6: 32-34). Hình ảnh đưa cả má bên kia cho người ta tát và trao luôn cả áo trong cho kẻ khác, xin thì cho, lấy thì đừng đòi lại, đó là một thái độ bất bạo động không tìm cách chống cự lại kẻ ác. Để ý đến việc chuyển từ ngôi thứ hai số ít sang ngôi thứ hai số nhiều gợi lên sự vượt quá tương quan liên bản vị. Như thế luật vàng được trình bày một cách tích cực: tính hỗ tương mà luật này phải dựa vào: làm cho người khác điều thiện mà mình muốn người khác làm cho mình được xác định trong các câu 29-30, ngay cả vượt qua trong các câu 32-34. Thực vậy, ba câu hỏi nhắc lại rằng chỉ có việc không tính toán, không cho để được cho lại, hoàn toàn vô vị lợi mới phân biệt cách ăn nếp ở của người tín hữu với cách ăn nếp ở của những người tội lỗi, những người này cũng biết nhân ái đối với những ai đối xử với họ như vậy. Trong phân đoạn này, thính giả được mời gọi hằng ngày phải vượt qua chính mình, phải sáng tạo để “làm điều thiện” cho tha nhân, nhất là cho những kẻ không muốn làm điều thiện cho mình.

Tất cả những thực hành trên phải được hiểu theo quan điểm của cặp đóng khung (6: 27 và 35): lòng yêu thương đối với kẻ thù được đòi hỏi cách triệt để ở đây. Những thực hành như thế không mong được đền ơn đáp nghĩa nào trên bình diện con người; nếu có đó chỉ là phần được ban mà thôi. Người tín hữu chỉ trông chờ lời đáp của Thiên Chúa. Đáp lại ba hành vi phục vụ người khác (6: 35a) là phần thưởng đến từ Thiên Chúa (6: 35b). Ở đây cũng như Matthew 5:9,45, chính trên cơ sở những tương quan liên vị mà người tín hữu được đồng hóa với Đấng là Con duy nhất của Thiên Chúa. “Ở nơi việc yêu thương kẻ thù chiếu sáng trong chúng ta họa ảnh của Thiên Chúa, Cha chúng ta, Ngài, qua cái chết của Con của Ngài, đã chuộc lại khỏi sự hư mất đời đời và hòa giải với Ngài nòi giống con người, trước đây vốn đã không thân thiện và thù ghét Ngài” (St Pius V Catechism, IV, 14, 19).

2. Phải có lòng nhân từ (6: 36-38)

Lời mời gọi của Đức Giê-su: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”, là câu then chốt của đoạn Tin Mừng này, tức lả “bắt chước Thiên Chúa”, như Fray Luis giải thích: “Phẩm chất đầu tiên của nhân đức này chính là nó làm cho con người nên giống Thiên Chúa và giống đức tính vinh quang nhất ở nơi Người, lòng từ bi nhận hậu của Ngài (Lc 6: 36). Vì chắc chắn sự hoàn thiện bậc nhất một thọ tạo có thể có là phải nên giống Đấng Tạo Hóa của mình; và càng nên giống Người, càng nên hoàn thiện” (Book of Prayer and Meditation, third part, third treatise).

Khuôn mẫu của lòng nhân từ mà Đức Giê-su phô bày trước chúng ta là chính Thiên Chúa, Đấng mà thánh Phao-lô nói về Người: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn năng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2Cr 1: 3-4). Đức Pi-ô X dạy rằng “Đây là luật mà một người Ki-tô hữu phải áp dụng: phải có lòng nhân từ đối với những ai lâm cảnh gian nan khốn khó như thử chính chúng ta, và cố gắng chữa trị họ. Giáo Hội công bố luật này khi cho chúng ta một loạt những công việc vật chất đầy lòng nhân ái như thăm viếng và săn sóc bệnh nhân, cho người đói khát của ăn thức uống… và những công việc tinh thần đầy lòng nhân ái như dạy những người thất học, sửa lỗi người bị lầm lạc, tha thứ những xúc phạm…”(Catechism, 944t.).

Như vậy, những câu 37-38 cũng minh họa điều mà lòng nhân ái phát sinh. Bằng bốn ý tưởng: hai câu phủ định: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án”, và hai câu khẳng định: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại”, Chúa Giê-su kêu gọi đừng phê phán người khác, đừng giam hãm người ta mãi mãi theo cách đánh giá chắc chắn như đinh đóng cột. Người tín hữu không có thể thay thế Thiên Chúa để lên án người khác, cũng không muốn người khác đối xử với mình như vậy, đấy là công việc của một mình Thiên Chúa mà thôi: rốt cuộc chính Ngài sẽ xét xử, sẽ lên án hay tha thứ, sẽ ban ơn dư dật. Cách hành xử của tôi đối với người khác như thế nào thì Thiên Chúa cũng sẽ cư xử với tôi như vậy.

Chúng ta đã đọc trong Kinh Thánh chuyện tích bà góa xứ Xa-rếp-ta, bà mà Thiên Chúa đã truyền nuôi ngôn sứ Ê-li-a thậm chí dù chỉ với một nắm bột còn lại trong hũ và chút dầu còn lại trong vò. Ấy vậy, Người đã thưởng cho tấm lòng quảng đại của bà với một hũ bột không vơi và vò dầu không cạn (1V 17: 9tt.). Sự việc cũng đã xảy ra như thế khi một cậu bé đã sẵn lòng dâng hiến năm chiếc lúa mạch và hai con cá cho Đức Giê-su mà Người hóa nhiều để nuôi một đám đông dân chúng (x. Galatians 6:9). Đây là hai ví dụ sống động về điều Thiên Chúa làm khi chúng ta cho Ngài điều chúng ta có, ngay cả nếu quà tặng của chúng ta chẳng là bao nhiêu. Thiên Chúa không để cho ai đó vượt qua mình về tấm lòng quảng đại: “Hãy đến với Người với lòng quảng đại và hỏi Người như trẻ thơ: Còn gì mà Chúa không cho con khi Chúa đã đòi con ‘điều này’?” (Bl. J. Escriva, Con Đường, 153). Chúng ta cho Thiên Chúa bao nhiêu trong cuộc đời này, Ngài sẽ cho chúng ta bấy nhiêu, thậm chí còn nhiều hơn trong cuộc đời mai sau.

3. Không thỏa hiệp với sự gian ác:

Tuy nhiên, việc từ chối xét đoán người khác không đồng nghĩa với thái độ dửng dưng với điều chân và thiện. Đôi khi, trong hoàn cảnh mà kẻ gian ác là người có thế lực và quyền hành, viện cứ yêu thương kẻ thù mà từ chối xét đoán lại trở nên đồng lõa với hành động của kẻ gian ác. Đó không là đức ái mà Đức Giê-su đã dạy, như lời dạy của Công Đồng Vatican II: “Thực ra, đức ái và lòng nhân hậu này không bao giờ cho phép chúng ta trở nên dửng dưng với điều chân và thiện. Hơn thế nữa, chính đức ái thúc bách các môn đệ Chúa Ki-tô loan báo cho mọi người chân lý cứu rỗi. Nhưng phải phân biệt lầm lỗi, điều luôn luôn phải loại bỏ, với người lầm lỗi vì người lầm lỗi vẫn còn giữ được nhân phẩm, ngay cả khi họ có những ý niệm sai lầm hoặc hơi lệch lạc về tôn giáo. Chỉ có mình Thiên Chúa là quan tòa và là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn: bởi vậy Ngài ngăn cấm chúng ta xét đoán tội lỗi bên trong của bất cứ người nào” (Gaudium et spes, 28).

Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Matthew 5:9,45
View in: NAB
9Blessed are the peacemakers: for they shall be called children of God.
45That you may be the children of your Father who is in heaven, who maketh his sun to rise upon the good, and bad, and raineth upon the just and the unjust.
Galatians 6:9
View in: NAB
9And in doing good, let us not fail. For in due time we shall reap, not failing.