Sức phá hoại của Xa-tan nơi hai ông bà nguyên tổ vì bất phục huấn lệnh của Thiên Chúa được tiếp tục nơi giai cấp lãnh đạo Do thái vì họ vu khống Đức Giê-su dùng tướng quỷ mà trừ quỷ. Nhưng lời hứa cứu độ của Thiên Chúa: “miêu duệ người nữ sẽ đạp nát đầu mi”, sẽ được Đức Giê-su thực hiện khi Ngài khẳng định rằng nước của Sa-tan sẽ sụp đỗ và thiết lập gia đình Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
St 3: 9-15:
Sách Sáng Thế mô tả những tác hại của việc hai ông bà nguyên tổ không vâng lời Thiên Chúa và đồng thời lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.
2Cr 4: 13-5: 1:
Được cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su nâng đỡ, thánh Phao-lô xác tín rằng thánh nhân cũng với các tín hữu thân yêu của ngài sẽ được sống với Chúa.
Mc 3: 20-35:
Đức Giê-su thực hiện lời hứa của Thiên Chúa bằng cách khẳng định nước của Xa-tan sẽ sụp đổ và thiết lập gia đình Thiên Chúa.
BÀI ĐỌC I (St 3: 9-19)
Sách Sáng Thế mô tả những tác hại của tội và lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.
1.Những tác hại của tội (3: 9-13):
Tác giả mô tả cách tinh tế tội gây tác hại cho nhân loại qua hai ông bà nguyên tổ như thế nào.
A.Tội phá vỡ mối giao hảo của con người với Đấng Tạo Hóa (3: 9-11):
Thuở ban đầu, vào lúc gió chiều hiu hiu thổi, Thiên Chúa thường đến dạo chơi trong vườn với hai ông bà và trò chuyện thân mật với hai ông bà. Nhưng kể từ nay khi nghe tiếng bước chân của Thiên Chúa, hai ông bà, thay vì mừng rỡ chạy ra nghênh đón Người, lại ẩn mình vào giữa lùm cây trong vườn, vì sợ giáp mặt với Thiên Chúa. Hình ảnh hai ông bà trốn vào lùm cây diễn tả phản ứng quen thuộc của những kẻ phạm tội; tội lỗi khiến con người tránh xa Thiên Chúa. Chính tội lỗi đã khiến cho kẻ phạm tội sợ phải diện đối diện với Thiên Chúa, tìm mọi cách xa lánh vị Thiên Chúa tốt lành của mình. Tội lỗi phá vỡ mối thân tình ban đầu giữa loài thụ tạo với Đấng Tạo Hóa của mình.
B.Tội làm rạn nứt tình chồng nghĩa vợ (3: 12-13)
Thuở ban đầu, khi mới gặp người nữ Thiên Chúa giới thiệu cho mình, con người đã thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2: 23); ấy vậy giờ đây người chồng đổ hết trách nhiệm cho vợ mình: “Người đàn bà Ngài đã cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (3: 12). Còn người nữ cũng thoái thác trách nhiệm của mình bằng cách đổ lỗi cho con rắn: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (3: 13). Lời của người nữ là thực, nhưng bà quên rằng mình đã để cho Con Rắn xảo trá lừa dối đến mức hiểu sai ý định tốt lành của Thiên Chúa. Tội đã làm rạn nứt mối tình nghĩa keo sơn bền chặt“nên một xương một thịt” giữa chồng và vợ, mỗi người tìm cách chối quanh co những lỗi lầm của mình, không ai dám nhận phần trách nhiệm của mình.
2.Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa (3: 14-15)
Thiên Chúa phán xử con rắn qua hai câu: câu thứ nhất là án phạt dành cho con rắn, câu thứ hai báo trước sự chiến thắng của loài người trên con rắn, tên cám dỗ.
A-Thiên Chúa luận tội con rắn (3: 14):
Trước hết, Thiên Chúa luận tội con rắn, kẻ cám dỗ:
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (3: 14).
Lời luận tội này mang tính tầm nguyên về loài rắn, nhằm để trả lời cho những câu hỏi như: tại sao con rắn lại bò sát đất, lại ăn đất? Tại sao nó khác biệt với các loài khác? Tại sao lại có mối thù giữa loài người và loài rắn? Thực ra, bản án không gì khác chỉ như một lời chứng nhận: con rắn không có chân nên phải “bò bằng bụng”, nhưng tác giả đã nối kết nét đặc trưng này với hình tượng kinh điển về sự thất bại, bị hạ nhục và khinh dể: “Phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (x. Isaiah 49:23; Mark 7:17; Tv 72: 9; v.v.). Ở đây, tác giả một lần nữa phản bác việc phụng thờ thần rắn để cầu xin cho được phong nhiêu và phồn sinh thường thấy tại Lưỡng Hà Địa, Ai-cập, Pa-lét-tin… Trong các đền thờ, thần rắn được tạc tượng giống như con rồng có chân đứng thẳng để nhận những hành vi thờ bái của các tín hữu; thần rắn cũng được cho rằng có thể ăn lễ vật do các tín đồ sốt sáng dâng lên, nhưng từ nay “phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi”.
B-Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ (3: 15):
Tiếp đó, Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ qua việc dòng giống người nữ sẽ chiến thắng trên dòng giống con rắn:
“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (3: 15).
Lời tiên báo này có thể được giải thích cách rộng lớn hơn khi hiểu toàn thể nhân loại qua kiểu nói:“dòng giống của người đàn bà”, và tất cả những quyền lực của sự ác qua kiểu nói: “dòng giống của con rắn”. Qua lời tiên báo này, Thiên Chúa hứa rằng Người sẽ can thiệp để phục hồi nguyên trạng cho con người. Lời hứa này mở ra cho nhân loại một niềm hy vọng là một ngày kia nhân loại sẽ chiến thắng trên những quyền lực của Ác Thần.
Tuy nhiên, bản dịch Hy-ngữ (bản Bảy Mươi) đặt chủ từ ở số ít giống đực: “Chính người con trai đó sẽ đạp dẹp đầu người”. Theo cách hiểu của bản dịch này, lịch sử sẽ là một cuộc chiến đấu dài lâu giữa nhân loại và các quyền lực của sự dữ; nhưng nếu cuộc chiến thắng sau cùng được đảm bảo cho nhân loại, thì cuộc chiến thắng này hàm chứa một vị lãnh tụ có khả năng chiến thắng sự Dữ, tức là Đấng Cứu Thế. Còn các Giáo Phụ thì đọc thấy lời hứa này là lời tiên báo theo đó ở giữa lòng nhân loại sẽ sinh hạ một người nữ, bà này sẽ đạp dập đầu Quỷ Dữ, người đàn bà đó là Mẹ của Đấng Cứu Thế; vì thế bản dịch La-ngữ (bản Phổ Thông) của thánh Giê-rô-ni-mô đặt chủ từ ở số ít giống cái: “Chínhngười đàn bà đó sẽ đạp dập đầu ngươi”, để áp dụng vào Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.
Dù thế nào, cách hiểu của hai bản dịch này không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau. Người Đàn Bà chiến thắng sự Dữ chỉ bởi và nhờ Người Con của Bà. Thật đáng lưu ý rằng khi tạc tượng vẽ hình về Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đạp dẹp đầu con rắn, các nghệ sĩ luôn luôn trình bày Hài Nhi Giê-su trong vòng tay của Mẹ Mình. Chúng ta biết rằng sách Khải Huyền của thánh Gioan âm vang bản văn Sáng Thế này trong một thị kiến về Người Phụ Nữ đối lập với Con Rồng, “con rắn xưa”, nhưng trong đó Đức Ma-ri-a đã không được trực tiếp chỉ ra (Kh 12). Vì thế, lời tiên báo này được truyền thống Ki-tô giáo giải thích là “tiền tin mừng”, nghĩa là tin mừng “đầu tiên” loan báo hừng đông ơn cứu độ.
BÀI ĐỌC II (2Cr 4: 13-5: 1)
Thánh nhân vạch rõ rằng đau khổ của Đức Giê-su mặc khải tình yêu Thiên Chúa và ban sự sống như thế nào, thì những đau khổ của thánh Phao-lô nẩy sinh trong tình yêu mà thánh nhân dành cho các tín hữu Cô-rin-tô cũng như vậy. Được cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su nâng đỡ, thánh Phao-lô xác tín rằng thánh nhân sẽ được sống lại “với Chúa” (4: 14; x. 1Tx 4: 14, 17). Tuy nhiên, điểm nhấn ở đây được đặt trên “cùng với anh em” (4: 14). Điều nhấn này giúp chúng ta thấu hiểu tình yêu thánh nhân dành cho những người mà thánh nhân chia sẻ Tin Mừng và cũng giúp cho chúng ta thấu hiểu lòng nhiệt thành thánh nhân dâng hiến cho sứ mạng của mình ngỏ hầu Tin Mừng có thể đạt đến nhiều người chừng nào có thể.
TIN MỪNG (Mc 3: 20-35)
Bối cảnh không gian của phân đoạn này chính là Đức Giê-su đang ở trong một ngôi nhà có đám đông vây quanh. Còn bối cảnh thời gian thì rộng lớn hơn bối cảnh không gian: thân nhân của Người từ làng Na-da-rét đến Ca-phác-na-um để bắt Ngài về vì nghĩ rằng “Người đã mất trí” (3: 21), trong khi các kinh sư Do thái xuyên tạc hành động của Ngài và vu khống Ngài dùng tướng quỷ mà trừ quỷ.
Bản văn này được cấu trúc theo lối hành văn “đối xứng đồng tâm nghịch đảo” như sau:
A-Thân nhân cáo giác Đức Giê-su (3: 20-21).
B-Các kinh sư vu cáo Đức Giê-su (3: 22).
C-Đức Giê-su tự biện hộ (3: 23-27).
B’-Đức Giê-su phê phán các kinh sư (3: 28-30).
A’-Đức Giê-su phê phán thân nhân của Ngài (3: 31-35).
A-Thân nhân cáo giác Đức Giê-su (3: 19b-21):
20. “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến”: Giới thiệu hoàn cảnh của Đức Giê-su vào lúc đó. Đây chắc là nhà của thánh Phê-rô.
21.Bà con họ hàng của Đức Giê-su đến để bắt Người về, vì họ nghĩ rằng Người đã mất trí. Khi xử sự như thế, họ chỉ muốn gìn giữ thể diện danh giá của gia tộc và bảo vệ mạng sống cho Đức Giê-su. Nhưng điều ấy cho thấy rằng các thân nhân của Người tỏ ra không hiểu gì về sứ mạng của Người và không nhận ra Người có một sứ mạng thần linh.
B-Các kinh sư vu cáo Đức Giê-su (3: 22):
Các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến kết án Chúa Giê-su hai tội: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám”và “Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Trong lời biện hộ, Đức Giê-su sẽ trả lời cho họ lời kết tội thứ hai trước (3: 23-26), rồi đến lời kết tội thứ nhất sau (3: 27).
C-Đức Giê-su tự biện hộ (3: 23-27):
23. “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?”: Chúa Giê-su trả lời cho lời buộc tội thứ hai của các các kinh sư, những người này không thể nào bác bỏ những việc trừ quỷ của Đức Giê-su, vì thế họ giải thích rằng Người đã dùng tướng quỷ mà trừ quỷ. Qua ba câu 24-26, Đức Giê-su vạch rõ cho thấy lời giải thích này thật là phi lý.
24-26. Điểm cơ bản được minh họa theo ba cách, mỗi cách theo cùng một cấu trúc. Nếu một nước, một nhà hay Xa-tan chia rẽ, thì nó không thể đứng vững được. Nếu câu 24 và câu 25: một nước, một nhà là dụ ngôn, thì câu 26 lại là lời trả lời trực tiếp: nếu Đức Giê-su dùng tướng quỷ mà trừ quỷ hóa ra Xa-tan sẽ đặt các thuộc hạ của mình chống lại nhau, vì thế, tự tiêu diệt chính mình và vương quốc của mình. Câu kết luận không cần phải nói ra Đức Giê-su không thể nào thuộc về vương quốc của Xa-tan được, nhưng là đối thủ đáng gờm của Xa-tan.
27. “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó”: Qua câu 27 này, Đức Giê-su trả lời cho lời buộc tội thứ nhất của các kinh sư khi họ tố cáo Người bị quỷ ám. Nếu Đức Giê-su bị quỷ ám thì Người phải dưới quyền thống trị của Xa-tan. Nhưng rõ ràng Đức Giê-su là “người mạnh hơn Xa-tan”, Người đã đột nhập vào nhà của nó, đã trói nó và “cướp sách sạch nhà nó”, tức là những người được giải thoát khỏi bệnh tật và ma quỷ. Chính cuộc giải phóng này loan báo cuộc trất quyền của Xa-tan và Triều Đại Thiên Chúa ngự đến.
B’-Đức Giê-su phê phán các kinh sư (3: 28-30):
28. “Tôi bảo thật anh em”: Lời dẫn nhập long trọng và đầy xác quyết này có giá trị như một lời cam đoan.
– “Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều mấy đi nữa, thì cũng còn được tha”: “Tội nói phạm thượng” theo nghĩa hẹp là nói những lời xúc phạm đến Thiên Chúa, đến Danh Thiên Chúa (Mc 2: 7; 14: 64; Ga 10: 33-36); theo nghĩa rộng là lời nói xúc phạm đến một đặc quyền thần linh nào đó (Cv 6: 11), một tổ chức thánh (Ed 35: 12; 1Mcb 7: 38); theo văn mạch ở đây là tội nói xúc phạm đến Chúa Giê-su, vì Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến và có quyền năng của Thiên Chúa (15: 29tt; Lc 22: 64-65; 23: 30). Tất cả mọi tội xúc phạm đến Đức Giê-su đều được tha.
29. “Nhưng ai phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”: Bản liệt kê các thứ tội mà loài người phạm đều có thể được tha nhằm làm nổi bật tội phạm đến Thánh Thành chẳng đời nào được tha. Vậy tội phạm đến Thánh Thần là tội gì? Chúa Giê-su đang trả lời cho các kinh sư Do thái, theo họ Thần Khí không chỉ mặc khải sự thật của Thiên Chúa cho loài người nhưng còn khai lòng mở trí cho loài người hiểu biết sự thật ấy. Theo văn mạch, Thánh Mác-cô đã trình bày ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã được Chúa Thánh Thần ở cùng và hướng dẫn Người trên con đường thi hành sứ mạng. Như vậy, Thánh Thần hoạt động trong những việc chữa lành và trừ quỷ nơi Đức Giê-su để mặc khải cho loài người sự thật của Đức Giê-su và giúp con người hiểu biết sự thật ấy. Nhưng các kinh sư chẳng những không mở rộng lòng mình để tiếp nhận sự thật mà Thánh Thần mặc khải mà còn cố tình xuyên tạc sự thật ấy bằng cách gán những hành động của Thánh Thần ở nơi Đức Giê-su cho quyền lực của quỷ. Thật ra, “tội nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha thứ”, không có nghĩa rằng Thánh Thần không tha thứ, mà chính đương sự tự ý khép kín lòng mình trước sự thật và nhất quyết sống trong sự gian dối.
30. “Đó là vì họ đã nói ông ấy bị thần ô uế ám”: Những ai cho rằng những gì Đức Giê-su làm đều ở dưới quyền lực của ma quỷ, chịu sự tác động của ma quỷ, những người ấy không thể đón nhận ánh sáng của ân sủng, không muốn đón nhận ơn tha thứ mà Thánh Thần ban cho hết mọi người. Câu này mặc nhiên khẳng định rằng Chúa Thánh Thần chứ không Xa-tan là nguồn quyền năng của Đức Giê-su.
A’-Đức Giê-su phê phán thân nhân của Ngài (3: 31-35):
31. “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài cho gọi Người ra”: Nhóm người nầy tương tự như (hay ít ra một phần) “thân nhân của Người” được kể ra ở 3: 21. Từ “anh em” trong tiếng Híp-ri có một phạm vi ngữ nghĩa rất rộng như là anh em ruột, anh em họ, và cả bà con xa gần. Trong câu chuyện trước đó (3: 20-21), tác giả đã kể rằng khi hay tin Chúa Giê-su say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, “thân nhân của Người liền đi bắt Người vì họ nói rằng Người mất trí” (Mc 3: 21). Chuyến đi đó họ “không bắt” (nghĩa là “không ngăn cản”) Chúa Giê-su được. Có lẽ vì thế mà bây giờ, họ dẫn thêm Đức Ma-ri-a. Câu chuyện này cho thấy Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giê-su. Đã nhiều lần Mẹ phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối cùng, dưới chân Thập Giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giê-su. Quả thật, Công Đồng Va-ti-can đã nói về cuộc hành trình đức tin của Đức Ma-ri-a.
32. “Đám đông đang ngồi chung quanh Người”: Đám đông được mô tả như những môn đệ vây quanh Người, chăm chú lắng nghe Lời Người.
– “Có kẻ nói với Người rằng: ‘Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”: Theo cách mô tả của thánh Mác-cô, những thân nhân của Đức Giê-su đang đứng ở bên ngoài, còn đám đông thì đang ngồi chăm chú lắng nghe Người ở bên trong. Như vậy, với hai cặp không gian đối nghịch nhau: “ở bên ngoài” và “ở bên trong”, thánh Mác-cô muốn diễn tả chủ đề chính của phân đoạn này, theo đó những kẻ đang ngồi lắng nghe lời Người ở bên trong thì thân thiết và gần gũi với Người còn hơn những thân nhân của Người đang đứng ở bên ngoài.
33. “Ai là mẹ tôi?, ai là anh em tôi?”: Khi nghe tin mẹ và anh em từ làng quê Na-da-rét đến ở bên ngoài, chẳng những Đức Giê-su không ngừng công việc rao giảng, nhưng Người còn nêu lên một câu hỏi lạ lùng này.
34. “Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ chung quanh”: Đây là cách thức thánh Mác-cô nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo huấn mà Chúa Giê-su đưa ra sau đó.
– “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi”: Đức Giê-su đang chỉ những người ở bên trong, họ mới thật sự là mẹ và anh chị em của Người.
35. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa”: Lời nói trọng tâm nầy chứa đựng ít nhất một ghi nhận tiêu cực về gia đình huyết thống của Đức Giê-su. Những thân nhân huyết thống “ở bên ngoài”, những người đang đến đó không phải để nghe Lời Người nhưng để ngăn cản Người thi hành sứ vụ của Người vì cho rằng “Người đã mất trí” (3: 21), đối lập với những thân nhân đức tin “ở bên trong”, tức là tất cả những ai lắng nghe Lời Người và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Mác-cô muốn làm nổi bật hai mẫu gia đình: gia đình huyết thống thì “ở bên ngoài”, còn gia đình đức tin thì “ở bên trong”.
Trong Cựu Uớc, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ (Hc 43: 16; Tv 29: 5), vì thế làm theo ý muốn của Thiên Chúa là điều con người phải ước muốn ưu tiên hàng đầu: “Con thích làm theo thánh ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng” (Tv 40: 9). Chúa Giê-su cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành, chẳng hạn như “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lũ có dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi” (Lc 6: 47-48).
– “Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Trong một xã hội mà gia đình đóng một vai trò quan trọng đặc biệt, thì ý tưởng về một gia đình đức tin có tác dụng làm tương đối hóa những mối liên hệ huyết thống, đây mới thực sự là gia đình của Đức Giê-su không căn cứ trên huyết thống hay chủng tộc nhưng trên việc thực thi thánh ý Thiên Chúa. Tác giả không nhằm phê phán Đức Ma-ri-a cũng như anh chị em của Người, nhưng có chủ ý cho thấy các tín hữu, tức là những người môn đệ ở cùng nhà và chia sẻ đời sống với Đức Giê-su, không chỉ như những người “ở với Người và để Người sai đi” (x. 3: 14), nhưng còn như những thành viên của cùng một gia đình, gia đình của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su cho hiểu rằng những người đang quây quần chung quanh Người được nối kết với Người một cách sống động và thực sự: Người thuộc về họ và họ thuộc về Người. Tuy nhiên, sợi dây liên kết này không căn cứ trên căn bản huyết thống, những trên mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Họ là những người liên kết với Đức Giê-su cách mật thiết nhất, bởi vì họ thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Qua những lời này, Chúa Giê-su cho hiểu rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, “sống theo ý muốn của Thiên Chúa” mới thật sự trở nên gia đình của Người chứ không là mối liên hệ huyết thống. Như vậy, gián tiếp Người cho hiểu rằng Đức Ma-ri-a có một vị trí cao quý tột bậc không phải vì là “thân mẫu của Người” cho bằng đã “sống theo ý muốn của Thiên Chúa”. Những thân nhân huyết thống của Đức Giê-su cũng không bị loại khỏi mối hiệp thông với Người, nếu họ sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Đây quả là một cách thức vừa rõ ràng vừa đơn giản mà thánh Mác-cô muốn trình bày cho các Ki-tô hữu đương thời về Giáo Hội. Cuộc bách hại của người Rô-ma đã đẩy nhiều gia đình đến những cuộc phân ly đau đớn. Những ai trở lại đạo thường bị buộc phải chọn lựa hoặc là thân quyến hoặc là cộng đồng Ki-tô hữu. Thánh Mác-cô chứng tỏ cho họ thấy ngay chính Chúa Giê-su cũng từng bị buộc phải đoạn tuyệt với thân nhân của Người: vì thế các Ki-tô hữu không thể đòi cho mình được đặc quyền hơn Người. Như thế, trên con đường rao giảng của Chúa Giê-su, thánh Mác-cô đưa ra hai loại tương giao giữa Chúa Giê-su và những kẻ đương thời của Người: một số khước từ và một số khác đón nhận Người. “Bản thân là một người Ki-tô hữu, tôi đã thuộc về Đức Ki-tô. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Người. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Người như thế. Hôm nay Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Chúa Giê-su không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Người.” (“Epphata”)
LM Ignatiô Hồ Thông