Suy Niệm Chúa Nhật XI Thường Niên C

Chủ đề trọng tâm của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay là “ơn tha thứ của Thiên Chúa”, đây là thành quả lòng xót thương của Thiên Chúa và lời đáp trả đầy lòng ăn năn và đức tin của người tội lỗi.

2Sm 12: 7-10, 13

Bài đọc I thuật lại cho chúng ta ngôn sứ Na-than trách cứ vua Đa-vít về tội ngoại tình sát nhân của vua. Vua Đa-vít đã ngoại tình với vợ ông U-ri-gia, một trong những sĩ quan trung thành nhất của mình và đã bí mật sai đặt ông ở hàng đầu, chỗ mặt trận ác liệt nhất để ông phải chết. Vua Đa-vít nhận ra tội của mình. Vị ngôn sứ đảm bảo với vua Thiên Chúa tha thứ cho vua.

Gl 2: 16, 19-21

Thánh Phao-lô cảnh giác các tín hữu Ga-lát coi chừng tính tự phụ khi cho rằng mình được nên công chính nhờ chỉ duy việc thực thi Lề Luật. Đức Ki-tô đã phó mạng mình cho chúng ta; chỉ mình Ngài mới có thể làm cho chúng ta nên công chính. Niềm tin vào Ngài là nguồn ân sủng thánh hóa chúng ta.

Lc 7: 36-8: 3

Tin Mừng Lu-ca tường thuật việc Chúa Giê-su tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi vì chị đã bày tỏ đức tin, đức cậy và đức mến sâu xa đối với Ngài.


BÀI ĐỌC I (2Sm 12: 7-10, 13)

Hai cuốn sách Sa-mu-en tự nguồn gốc hình thành nên chỉ một cuốn sách. Việc phân chia thành hai cuốn sách khá giả tạo, có lẽ do các kinh sư đã sao chép tác phẩm này thành hai cuộn sách.

Ông Sa-mu-en là vị Thủ Lãnh cuối cùng; ông đã thiết lập vị vua đầu tiên ở Ít-ra-en, vua Sa-un; vị vua này đã phải nhường ngôi cho Đa-vít trước khi kết thúc triều đại của mình. Vì thế, chủ đề của hai cuốn sách Sa-mu-en thuật lại bước khởi đầu thời kỳ quân chủ vào cuối thiên niên kỷ thứ hai và đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên.

Tác phẩm này là bộ sưu tập; nó thu thập những chứng liệu và truyền thống có nguồn gốc và giá trị khác nhau. Đoạn trích hôm nay thuộc vào một phân đoạn mà nguồn của nó, ở nơi vài chỉ dẫn, xem ra rất gần với các biến cố: đây là phân đoạn liên quan đến tội ngoại tình sát nhân của vua Đa-vít (2Sm các chương 11 và 12).

1. Tội của vua Đa-vít:

Vua Đa-vít đã ngoại tình với vợ ông U-ri-gia, người Khết, một trong những sĩ quan trung thành nhất của mình và đã bí mật sai đặt ông ở hàng đầu, chỗ mặt trận ác liệt nhất để ông trúng thương mà chết. Sự việc đã xảy ra đúng như vậy. Lúc đó vua Đa-vít cưới bà vợ góa của ông U-ri-gia, bà Bát Se-va.

“Nhưng hành động của vua Đa-vít không đẹp lòng Thiên Chúa” (11: 12). Thế nên, ngôn sứ Na-than can gián vua về điều ô nhục vua đã làm (12: 1-7), điều ô nhục càng lớn hơn nữa vì Thiên Chúa đã ban cho vua biết bao ân huệ của Ngài. Trước hết, ngôn sứ Na-than đã kể cho vua dụ ngôn về một người giàu với đàn gia súc đông đúc, nhưng lại bắt một con chiên duy nhất của một người nghèo mà làm tiệc đãi khách. Đa-vít bừng bừng nỗi giận vì cách hành xử của người giàu này. Lúc đó, Na-than đã đáp lại: “Kẻ đó chính là bệ hạ” và kể ra biết bao ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho vua: “Chính Ta đã xức dầu tấn phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en, Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã ban cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao lại khinh dể lời Đức Chúa mà điều dữ trái mắt Người?”.

Ngôn sứ Na-than nhắc cho vua Đa-vít hai tội của vua: tội ngoại tình và tội sát nhân, và tiên báo cho vua một loạt hình phạt: “Gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi”. Ba đứa con của vua Đa-vít, Áp-sa-lôm, Am-nôn và A-đô-ni-gia-hu bị chết thảm. Còn đứa con của tội ngoại tình cũng sẽ phải chết.

2. Vua Đa-vít ăn năn sám hối:

Vua Đa-vít nhận ra tội của mình: “Tôi đắc tội với Chúa”.

Bản văn chỉ diễn tả rất giản dị vua Đa-vít hối lỗi, nhưng chúng ta lưu ý rằng tội của vua Đa-vít được nhắc lại ở đầu Thánh Vịnh 51:

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài…”.

3. Thiên Chúa tha thứ:

“Thiên Chúa đã bỏ qua tội lỗi của ngài; ngài sẽ không phải chết”.

Ngôn sứ Na-than nói với tư cách con người của Thiên Chúa, Đấng biết rằng cái chết là án phạt cho tội nhân; nhưng vì tấm lòng ăn năn hối lỗi của vua mà Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu đã bỏ qua tội của vua.

BÀI ĐỌC II (Gl 2: 16, 19-21)

Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Ga-lát này dẫn chúng ta vào điểm quan trọng của vấn đề: thánh Phao-lô thiết lập sự đối lập giữa Đức Tin và Lề Luật.

Những người Ki-tô hữu mà thánh Phao-lô ngỏ lời phải chăng là những người Ki-tô hữu gốc Do thái, những người này, do ảnh hưởng của những nhà thuyết giáo không được ủy quyền, toan tính quay trở về Luật Mô-sê và đòi buộc những tân tòng gốc lương dân thực hành Lề Luật.

Trước đây, thánh Phao-lô đã đưa ra cho họ mẫu gương của chính mình, thánh nhân đã đoạn tuyệt với Lề Luật này và đã gắn bó với Đức Ki-tô, vì chỉ mình Ngài là nguyên lý của ơn cứu độ. Trong lời khuyên bảo nồng nàn, thánh nhân sẽ chứng minh cho họ lý do tại sao Lề Luật lại vô tác động và điều cần thiết phải tin vào Đức Ki-tô. Trong vài dòng, thánh Phao-lô tóm tắt đạo lý mà thánh nhân sẽ khai triển trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma.

1. Lề luật không giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi:

“Con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy”. Đối với thế giới Do thái, Lề Luật là cách thức diễn tả thánh ý Thiên Chúa; thực hành Lề Luật một cách nghiêm túc là bước trên con đường công chính. Thánh Phao-lô không phủ nhận giá trị của Lề Luật với tư cách giai đoạn cần thiết và tạm thời (sau này thánh nhân sẽ diễn tả quan niệm này: Gl 3: 24; Romans 3:31 và 10: 4), nhưng thánh nhân muốn cho thấy những giới hạn của tinh thần duy luật ở đây. Việc thực hành Lề Luật dể khiến chúng ta nghĩ rằng chính chúng ta là những người kiến tạo ơn cứu độ của mình.

“Không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy”, đây là một lời khẳng định được mượn khá tự do ở Tv 143, lời cầu nguyện rất khiêm tốn của một người công chính: “Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện…trước nhan thánh Ngài chẳng có người nào là công chính cả”.

2. Chỉ duy Đức Ki-tô là nguồn ơn cứu độ:

Để sự chứng minh của mình thêm phần thuyết phục, thánh Phao-lô lấy lại cung giọng của mình. Đức Giê-su đã bị kết án nhân danh Lề Luật, vì thế Ngài đã giải thoát con người khỏi chế độ Lề Luật. Thế nên, thánh nhân “đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa”.

|Thánh Phao-lô kết hiệp với Đức Ki-tô chết và sống lại một cách tròn đầy đến mức thánh nhân thốt lên một tiếng kêu bất hũ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.  Biểu thức gây ấn tượng mạnh này biểu dương tác động ân sủng và trực tiếp nối kết tác động ấy với cái chết và cuộc phục sinh của Đức Ki-tô.

Toàn bộ đoạn trích hôm nay dâng trào cảm xúc của vị sứ đồ: thánh nhân biết rằng vấn đề của những lời khuyên bảo của mình không chỉ là tương lai của các Ki-tô hữu Ga-lát, nhưng còn là tương lai của toàn thể Giáo Hội: cốt là đoạn tuyệt với Do thái giáo và công bố rằng Đức Ki-tô là Luật Mới, Luật duy nhất này mới có thể cứu chúng ta.


TIN MỪNG (Lc 7: 36-8: 3)

Tin Mừng Lu-ca tường thuật câu chuyện bất hũ về một người phụ nữ vốn nổi tiếng tội lỗi trong thành được tha thứ.

1. Bối cảnh:

Tình tiết có vài điểm tương tự với tình tiết mà ba sách Tin Mừng khác tường thuật và đinh vị câu chuyện xảy ra ở Bê-ta-ni-a, vài ngày trước cuộc Thương Khó, trong nhà của ông Si-mon Cùi (Matthew 26:6-13; Mc 14: 6-9; Ga 12: 1-8). Một người phụ nữ lấy nước mắt mà tưới ướt chân Đức Giê-su và lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Tại Tin Mừng Gioan, chính là cô Ma-ri-a, em của chị Mát-ta và anh La-da-rô; cô lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mình mà lau.

Câu chuyện của thánh Lu-ca mở ra một hướng đi khác. Bữa ăn không được diễn ra tại nhà một người bạn trong bầu khí thân tình chung quanh Đức Giê-su, nhưng tại nhà một người Pha-ri-sêu. Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất kể đến ba lần những người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa tại nhà mình (Lc 7: 36-49; 11: 37-39; 14: 1-6). Đức Giê-su chấp nhận lời mời, vì đối với Ngài đây là những dịp để Ngài có thể đưa ra những bài học thích đáng cho gia chủ, vả lại những bài học này ít nhiều được tiếp nhận. Lời chứng của thánh Lu-ca đáng chú ý: thánh ký muốn người đọc hiểu rằng nhiều người Pha-ri-sêu có tinh thần rộng mở cố gắng hiểu Đức Giê-su hơn. Chắc chắn sự kiện này phù hợp với thực tại lịch sử hơn những công kích dữ dội của thánh Mát-thêu.

2. Cử chỉ của người phụ nữ tội lỗi:

Theo tập quán thời đó, Đức Giê-su nằm dài trên trường kỷ, đầu tựa vào khuỷu tay trái, tay phải tự do để ăn uống, hai chân duỗi thẳng về phía sau, bỏ dép ra. Tư thế đó cho phép người phụ nữ có thể đứng gần chân Chúa Giê-su.

Ở Pa-lét-tin mỗi khi có một kinh sư được mời đến nhà nào dự tiệc, thì mọi người được tự do đến nghe những lời khôn ngoan của ông. Thói quen này giải thích sự có mặt của người phụ nữ vốn nổi tiếng tội lỗi trong thành. Chị bước vào. Chị biểu lộ tấm lòng khiêm hạ bất chấp những đôi mắt soi mói nhìn chòng chọc vào chị. Chị đi thẳng đến Đức Giê-su, chứ không đến chào gia chủ, như phép lịch sử phải có. Chị tiến đến người mà chị nghe thiên hạ nói Ngài là bạn của những người tội lỗi; chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc. Đức Giê-su không làm bất kỳ cử chỉ nào để xua đuổi chị; Ngài chấp nhận những đụng chạm có nguy cơ gây ô uế cho Ngài. Chị đứng đó mà khóc. Nước mắt của chị chắc hẳn là những dòng nước mắt ăn năn, nhưng còn hơn thế nữa, chắc chắn những dòng nước mắt dâng trào niềm cậy trông. Chị để nước mắt của mình ướt đẫm chân Đức Giê-su và lấy tóc mình mà lau, rồi lấy dầu thơm trong bình bạch ngọc mà chị đem theo đổ trên chân Ngài với thái độ đầy tin tưởng của chị.

3. Dụ ngôn về hai con nợ:

Thánh Lu-ca là một người Hy-lạp; thánh ký miêu tả ba bữa ăn mà Đức Giê-su dùng bữa tại nhà của những người Pha-ri-sêu, gần giống những “hội nghị chuyên đề” của người Hy-lạp, ở đó người ta vừa ăn uống vừa bàn luận những chủ đề quan trọng và đa dạng. Chính ở những bàn tiệc này mà hiền triết Socrate đối thoại với các môn đệ của mình.

Người chủ nhà Pha-ri-sêu đón tiếp Đức Giê-su, thầm nghi ngờ thanh danh của vị ngôn sứ này. Chúa Giê-su đọc được tư tưởng thầm kín của ông nên Ngài lịch sự ngỏ lời với ông. Chúa Giê-su kể cho ông dụ ngôn về hai con nợ, một người nợ năm trăm quan tiền và một người nợ năm chục; nhưng cả hai đều không có tiền trả, vì thế, chủ nợ thương tình tha cho cả hai. Chúa Giê-su kết thúc dụ ngôn bằng cách hỏi ông Pha-ri-sêu: “Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”.

Dụ ngôn quá đơn giản nên người Pha-ri-sêu mau mắn trả lời: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Nhưng Chúa Giê-su đảo lộn hoàn cảnh, đây không còn phẩm chất ngôn sứ của Ngài được đặt thành vấn đề, chính là thái độ không đúng của người Pha-ri-sêu, ông đã bỏ qua những phép lịch sự cần phải có đối với khách mời của ông: một nụ hôn bình an của gia chủ cho khách mời để tỏ lòng kính trọng, đổ nước mát trên chân khách để rửa sạch bụi đường và làm mát chân khách, đốt hương liệu cho thơm hoặc đổ dầu thơm lên đầu khách.

Dụ ngôn rõ ràng minh chứng sự tha thứ đi bước trước. Chính sự tha thứ quảng đại gây nên lòng mến dẫn đến sự biết ơn sâu sắc. Tuy nhiên, câu kết của dụ ngôn đi ngược lại: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Phải chăng lòng mến là nguyên do của sự tha thứ? Quả thật, có hai chuyển động. Lòng xót thương của Thiên Chúa đi bước trước; chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nhưng Ngài dể dàng tha thứ hơn cho ai đến với Ngài trong thái độ khiêm hạ về sự khốn cùng của mình. Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế rất gần với dụ ngôn Chúa Giê-su đề nghị hôm nay.

4. “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”:

Đức tin không được tách rời khỏi đức mến: chính đức tin đầy lòng mến của người phụ nữ tội lỗi đã được biểu lộ ở nơi những dáng điệu cử chỉ của chị. Chính duy niềm tin vào Đức Giê-su mới có thể dẫn chúng ta đến ơn cứu độ. Tình tiết của người phụ nữ tội lỗi được tha thứ củng cố lời nói của thánh Phao-lô trong thư gởi cho các tín hữu Ga-lát mà chúng ta đọc hôm nay.

5. Những người phụ nữ đi theo Đức Giê-su:

Thánh Lu-ca đóng lại chương này với việc nêu lên những người đi theo Ngài: trước tiên, nhóm Mười Hai, kế đến nhóm người phụ nữ, họ cũng là môn đệ của Ngài như bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà đã được Chúa chữa lành khỏi bảy quỷ và đi theo Ngài. Như vậy, người phụ nữ tội lỗi trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay và bà Ma-ri-a Mác-đa-la là hai nhân vật khác nhau, cho dù truyền thống có khuynh hướng đồng hóa hai người làm một.

Chỉ duy một mình thánh Lu-ca nói cho chúng ta sự hiện diện của những người phụ nữ quanh Chúa Giê-su. Đây là một nét hoàn toàn khác lạ so với các trường lớp của các kinh sư. Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất ban cho người phụ nữ một chỗ thân cận bên cạnh Chúa Giê-su trong triều đại Tin Mừng.

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Romans 3:31
View in: NAB
31Do we, then, destroy the law through faith? God forbid: but we establish the law.
Matthew 26:6-13
View in: NAB
6And when Jesus was in Bethania, in the house of Simon the leper,
7There came to him a woman having an alabaster box of precious ointment, and poured it on his head as he was at table.
8And the disciples seeing it, had indignation, saying: To what purpose is this waste?
9For this might have been sold for much, and given to the poor.
10And Jesus knowing it, said to them: Why do you trouble this woman? for she hath wrought a good work upon me.
11For the poor you have always with you: but me you have not always.
12For she in pouring this ointment upon my body, hath done it for my burial.
13Amen I say to you, wheresoever this gospel shall be preached in the whole world, that also which she hath done, shall be told for a memory of her.