Chủ đề Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm C này là “niềm vui cứu độ.”
Isaiah 66:10-14
Ngôn sứ I-sai-a loan báo cho thành thánh Giê-ru-sa-lem điêu tàn sau năm mươi năm thử thách niềm vui về cuộc tái thiết thành đô sắp đến.
Gl 6: 14-18
Thánh Phao-lô nhắc cho các tín hữu Ga-lát nhớ rằng căn nguyên duy nhất của ơn cứu độ là thập giá của Đức Ki-tô. Chính qua con đường thập giá này, con đường của những thử thách mà thánh nhân phải chịu ở nơi thân xác của mình, thánh Phao-lô đã tự chứng tỏ là một thừa sai đích thật của Tin Mừng.
Lc 10: 1-12, 17-20
Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi thi hành sứ vụ. Nhờ vào tinh thần siêu thoát: không dính bén đến mọi sự vật trần thế, họ có một niềm vui thuần khiết, đó là không có gì ngoài sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người.
BÀI ĐỌC I (Isaiah 66:10-14)
Bản văn này trích từ tác phẩm của vị ngôn sứ vô danh, được gọi với biệt danh là I-sai-a đệ tam, một môn đệ của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Thầy ông đã thi hành sứ vụ an ủi những người lưu đày ở Ba-by-lon; về phần mình, ông thực hiện sứ vụ tương tự như thầy mình là an ủi những người lưu đày này khi họ được hổi hương trở về Giê-ru-sa-lem, sau khi được vua Ba-tư là Ky-rô giải phóng vào những năm 539-538 trước Công Nguyên. Tuy nhiên, trước thực trạng bi thương của đất nước, họ chán nản ê chề.
1. “Khăn tang” bao phủ Giê-ru-sa-lem:
Những người hồi hương ngậm ngùi trước cảnh tang thương: thành thánh Giê-ru-sa-lem không còn như xưa, nhưng điêu tàn và nghèo khổ. Đền Thờ vẫn hoang phế trơ gan cùng tế nguyệt suốt năm mươi năm trường sau cuộc tàn phá. Còn họ, họ khóc thương những người thân đã không còn nữa, nhà cửa bị đổ nát và đất đai bị cưỡng đoạt.
Trong cảnh ngộ thương tâm như vậy, vị ngôn sứ cất cao giọng loan báo niềm vui về cuộc tái thiết thành thánh sắp đến: “Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem, và hoan hỷ vì Thành hạnh phúc, hỡi những ai hằng mến yêu Thành”. Trước đây, trong đoạn văn chuẩn bị đoạn văn này, vị ngôn sứ viết: “Đức Chúa phán: Này đây Ta sắp sáng tạo trời mới đất mới…Phải, này đây, Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng” (Isaiah 65:17-19).
Vì thế, những người hồi hương “đang khóc vì Thành đau khổ, hãy cùng Thành hớn hở tưng bừng”, vì Giê-ru-sa-lem sẽ được thịnh vượng và tràn đầy niềm vui.
2. Những viễn cảnh của Giê-ru-sa-lem tương lai:
Chúng ta đang đọc một đoạn trích từ bài thơ vĩ đại có những dấu nhấn khải huyền. Giê-ru-sa-lem được mô tả như tiên trưng Giê-ru-sa-lem thiên giới: thành nhận được sự phú túc, thịnh vượng và niềm vui, cũng như con cái của thành được “hưởng nguồn an ủi và thỏa thích nếm mùi vinh quang”. Bởi vì Thiên Chúa đã mang đến cho thành ơn cứu độ và sự tái sinh.
“Này Ta đổ hòa bình tuôn xuống Thành Đô khác nào sông cả, khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ”. Chúng ta ghi nhận hai hình ảnh tương phản: hòa bình bắt nguồn từ Thiên Chúa được sánh ví với sông cả, nghĩa là những dòng nước hiền hòa, uy nghi, trong khi vinh quang của chư dân , tức nguồn phú túc của họ, được sánh ví với “thác vỡ bờ”, mà những dòng nước của nó thì thất thường, thậm chí nguy hiểm nữa.
3. Đức Chúa ân cần săn sóc dân Ngài như mẹ hiền âu yếm con thơ:
Đức Chúa cứu độ vì Ngài là một Thiên Chúa hằng yêu thương. Vị ngôn sứ sánh ví việc Thiên Chúa quan tâm đến dân Ngài như mẹ hiền âu yếm con thơ: “Các con sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm vào lòng, nâng niu trên đầu gối”. Những người hồi hương bất hạnh cảm thấy mình được an ủi vỗ về trong tình mẫu tử của Thiên Chúa; lòng họ sẽ vui hưởng niềm hoan lạc và thân hình của họ sẽ tràn đầy sức sống “như cỏ đồng xanh”.
“Chúa sẽ tỏ quyền lực của Người cho các tôi tớ biết”, nghĩa là Thiên Chúa sẽ ân cần săn sóc những ai trung thành với Người; trái lại, Người sẽ trừng phạt những quân vô đạo.
Niềm hoan hỷ của Giê-ru-sa-lem sau những năm thử thách cam go được sánh ví với niềm vui mà các tông đồ được hưởng sau những công lao khó nhọc từ sứ vụ của họ như Tin Mừng Lu-ca hôm nay tường thuật.
BÀI ĐỌC II (Gl 6: 14-18)
Bản văn này là phần cuối thư gởi cho các tín hữu Ga-lát. Phần kết này mang một cung giọng nồng nàn đầy sức thuyết phục. Thánh Phao-lô tiếp tục lấy mình làm mẫu gương để hỗ trợ cho những lời khuyên nhủ của thánh nhân.
1. Cắt bì đích thật:
Ở giữa những Ki-tô hữu Ga-lát gốc lương dân, những người Ki-tô hữu gốc Do thái tự phụ là mình tuân giữ phép cắt bì. Để trả lời cho những người Ki-tô hữu gốc Do thái này, thánh Phao-lô nói rằng thánh nhân không hãnh diện về bất cứ điều gì khác ngoài thập giá của Đức Ki-tô. Ấy vậy, luật của thập giá, chính là đóng đinh những đam mê xác thịt và những ham muốn trần thế vào thập giá để nên một với Đức Ki-tô. Đó mới là cắt bì đích thật. Thập giá là nguồn ơn cứu độ duy nhất. Nghi thức xưa không còn có nghĩa lý gì nữa; chỉ duy một điều đáng kể đó là “trở thành một thọ tạo mới”.
2. Dân Ít-ra-en mới:
Thánh Phao-lô cầu chúc sự bình an và lòng xót thương trên tất cả những ai bước theo con đường này, con đường của những ai biết đoạn tuyệt với Do thái giáo. Thánh nhân liên kết những Ki-tô hữu gốc lương dân với “Ít-ra-en của Thiên Chúa”, họ cũng trở nên con cái của Lời Hứa, như thánh nhân đã nói trước đó: “Nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3: 29).
3. Tông Đồ đích thật:
“Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi”. Lời phiền hà này được ngỏ với vài tín hữu Ga-lát, họ đặt vấn đề tính chính thống tước vị Tông Đồ của thánh nhân. Thánh Phao-lô đáp lại bằng cách nhắc nhở rằng ngài “mang trên mình những dấu tích của Đức Giê-su”, ám chỉ đến đòn vọt và những hành động hung bạo mà thánh nhân đã phải chịu ở Ga-lát (Cv 14: 19-20; x. 2Cr 6: 4-10). Những dấu tích này không phải là những dấu chỉ của tính chính thống tước vị Tông Đồ của ngài sao?
Lời chào cuối thư đặc biệt ngắn. Nó là lời chào duy nhất ở đó những người nhận thư được gọi “anh em”. Đây là lời nguyện xin sau cùng cho sự hiệp nhất.
TIN MỪNG (Lc 10: 1-12, 17-20)
Chỉ duy một mình thánh Lu-ca kể cho chúng ta việc Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi thi hành sứ vụ. Như thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô, trước đó thánh Lu-ca cũng đã thuật lại việc Chúa Giê-su sai nhóm Mười Hai ra đi thi hành sứ vụ (Lc 9: 1-6; Matthew 10:5-15; Mc 6: 7-13). Những lời khuyên bảo và những chỉ thị Chúa Giê-su ban cho trong hai trường hợp gần như tương tự nhau. Tại sao lại có sứ vụ mới này?
1. Dấu chỉ phổ quát:
Con số bảy mươi hai (hay bảy mươi, theo vài thủ bản) rõ ràng quy chiếu đến bản liệt kê các dân tộc trên mặt đất của chương 10 sách Sáng Thế. Tất cả nhân loại đều là con cháu của ông Nô-ê và bị phân tán thành bảy mươi dân tộc theo bản Kinh Thánh Hy-bá, hay thành bảy mươi hai dân tộc theo bản Kinh Thánh Hy-ngữ.
Sứ vụ của nhóm bảy mươi hai môn đệ báo trước việc loan báo Tin Mừng khắp tận cùng thế giới; sứ vụ này chuẩn bị con đường cho Chúa: “các nơi mà chính Người định đến”. Sứ vụ bao la đến độ Đức Giê-su phải nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về”.
2. Ý nghĩa của việc sai đi:
Sự kiện một kinh sư sai các môn đệ của mình ra đi thi hành sứ vụ là một điều mới mẻ. Không một kinh sư nào ở Ít-ra-en, dù có đông đảo các môn đệ đến thế nào đi nữa, lại nẩy sinh ý tưởng là sai các môn đệ ra đi truyền bá sứ điệp của mình. Ấy vậy, Đức Giê-su “sai phái” các môn đệ ra đi thi hành sứ vụ. Trong Cựu Ước, chính Đức Chúa “sai phái” các sứ giả của Ngài ra đi thi hành sứ vụ, vì thế ngôn từ tự nó đã mặc lấy một cung giọng Mê-si-a. Đức Giê-su là “Đấng được Chúa Cha sai phái” để rồi đến lượt mình, Ngài sai phái các môn đệ của Ngài. Các tác giả Tin Mừng nhiều lần kể ra cử chỉ này của Đức Giê-su.
Ở đây, Đức Giê-su sai các môn đệ cứ từng hai người như Ngài đã làm như vậy đối với nhóm Mười Hai. Nếu có hai người cùng nhau làm việc, thì công việc sẽ dể hơn; nhưng nhất là, theo Lề Luật, một biến cố chỉ được chứng thực nếu có ít nhất hai nhân chứng. Ngoài ra, sứ điệp Tin Mừng không là công việc của một cá nhân.
3. Tinh thần siêu thoát:
Các môn đệ có nguy cơ gặp phải một thế giới thù nghịch: “Này Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói”. Chẳng quan trọng gì. Sự khó nghèo và niềm cậy trông vào ơn Quan Phòng của Chúa, đó phải là dấu hiệu của vị thừa sai. Không túi tiền bạc, không bao bị để đựng vài đồ dùng cá nhân hay thức ăn, thậm chí giày dép cũng không.
“Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Đây là lời khuyên thích hợp cho những người Đông Phương, vốn thích những hình thức chào hỏi xã giao dài dòng. Người môn đệ chỉ có một hành trang đích thật, đó là sự bình an tự tại mà người ấy có thể truyền đạt, bình an này vượt quá lời chào bình an (shalom) của người Do thái, vì đó là sự bình an bắt nguồn từ Chúa. Sự bình an này được nhân cách hóa; nếu sự bình an này bị khước từ, nó “sẽ trở về với anh em”.
4. Ở giữa dân ngoại:
Chúa Giê-su căn dặn nhóm bảy mươi hai môn đệ: “Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó”. Một huấn thị thật ý nghĩa trong khi thi hành sứ mạng giữa muôn dân, nhưng không được gặp thấy trong những lời dặn dò cho nhóm Mười Hai. Huấn thị này hàm chứa một bữa ăn được dọn ở tại nhà dân ngoại. Thánh Phao-lô cũng sẽ phát biểu như thế: “Nếu có người ngoại nào mời anh em…, thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em, không cần phải đặt vấn đề lương tâm” (1Cr 10: 27), vì “trái đất và muôn loài muôn vật trên trái đất đều là của Chúa” (1Cr 10: 26). Ngay từ bây giờ, Chúa Giê-su loan báo rằng người Ki-tô hữu được phép ăn mọi thứ thức ăn, không còn phân biệt những thức ăn thanh sạch với thức ăn không thanh sạch nữa. Hiển nhiên, huấn thị của Ngài nhắm đến sự loan truyền Tin Mừng ở giữa muôn dân.
5. Những thất bại:
Đức Giê-su báo trước cho các môn đệ những thất bại, tuy nhiên những thất bại sẽ không ngăn cản được công việc loan truyền Tin Mừng: “Vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra ngoài đường phố mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại cho các ông. Tuy nhiên các ông biết điều này: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”.
Việc “phủ bụi chân” là cử chỉ người Do thái thường làm khi trở về đất Pa-lét-tin, để không đưa bụi trần vào đất thánh của họ (như tín đồ Hồi Giáo cỡi giày dép trước khi bước vào đền thờ). Thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba, bị trục xuất khỏi thành An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a, “liền giũ bụi chân” (Cv 13: 51), cử chỉ này không bày tỏ sự khinh bĩ nhưng bày tỏ thái độ đoạn tuyệt.
6. Niềm vui đích thật:
Bảy mươi hai môn đệ trở về, lòng hớn hở; họ đã chứng kiến uy quyền của triều đại Thiên Chúa và sự thất bại của những quyền lực sự ác. Nhân danh Chúa Giê-su, họ đã trục xuất ma quỷ.
Chúa Giê-su khẳng định với các môn đệ rằng Ngài có quyền trên ma quỷ và Ngài ban quyền này cho họ. Ở đây, Ngài sử dụng kiểu nói thánh vịnh và ngôn ngữ khải huyền để cho họ thoáng hiểu rằng Ngài đã đến trên trần thế này cốt là để chiến thắng Ác Thần. Quả thật, thánh Vịnh 91 hứa với người công chính là Thiên Chúa sẽ ban ơn phù trợ: “Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc…”. Chính Thánh Vịnh này mà Xa-tan trích dẫn khi nó thử thách Đức Giê-su trong hoang địa (Lc 4: 10), vì thế, Đức Giê-su đã chiến thắng Ác Thần này ngay từ lúc ấy. Còn câu nói: “Thầy đã thấy Xa-tan từ trời sa xuống như chớp” là được gợi hứng từ ngôn ngữ của các sách khải huyền nói về sự sa ngã của các thiên sứ. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giê-su cũng loan báo bằng những ngôn từ như vậy: “Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài” (Ga 12: 31).
Thánh Lu-ca viết chương này như tham dự trước sứ vụ của Giáo Hội trong sách Công Vụ mà chính thánh ký cũng là tác giả. Trong sách Công Vụ, thánh nhân kể ra nhiều lần các môn đệ hớn hở vui mừng.
Tên của họ “đã được ghi trên trời”. Ám chỉ đến Sách Sự Sống, hình ảnh kinh điển của các sách khải huyền, mà nhiều đoạn văn Cựu Ước đã gợi lên rồi (Xh 32: 32; I s 4: 3; Tv 60: 29; Đn 12: 1). Điều này muốn nói rằng họ sẽ được liệt vào số những người được chọn và chính Thiên Chúa sẽ là nguồn hạnh phúc của họ.
Lm Inhaxiô Hồ Thông