Thiên Chúa là Đấng cao cả tuyệt mức nhưng cũng là Đấng rất gần gũi với chúng ta tận cùng.
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật này mời gọi chúng ta suy niệm về sự thân cận cũng như sự siêu việt của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng cao cả tuyệt mức nhưng cũng là Đấng rất gần gũi với chúng ta tận cùng. Đây là hai chiều kích bất khả phân về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Đnl 30: 10-14
Lời Chúa, tức Lề Luật, không ở xa chúng ta, nhưng ở sát bên chúng ta, ngay trong miệng trong lòng để chúng ta đem ra thực hành.
Colossians 1:15-20
Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Cô-lô-xê sự ưu việt tuyệt đối của Chúa Ki-tô trong trật tự tự nhiên của công trình tạo dựng cũng như trong trật tự siêu nhiên.
Lc 10: 25-37
Tin Mừng thuật lại huấn lệnh “yêu người” của Đức Giê-su, được minh họa bởi dụ ngôn “người Sa-ma-ri nhân lành”. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su để cho thấy Ngài đến với chúng ta bằng trọn tấm lòng xót thương của Ngài, cúi xuống trên những khốn khổ của chúng ta và làm cho mình trở thành người thân cận của chúng ta.
BÀI ĐỌC I (Đnl 30: 10-14)
Đệ Nhị Luật là cuốn sách thứ năm và cuối cùng của bộ Ngũ Thư.“Đệ Nhị Luật”, tức “luật thứ hai” (deuteros: thứ hai và nomos: luật), vì thế cũng được gọi một cách ngắn gọn“Thứ Luật”, nhan đề này đã được bản Kinh Thánh Hy-lạp đặt cho sách vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên.
1. Bối cảnh:
Quả thật, sách được giới thiếu dưới hình thức ba bài diễn từ mà ông Mô-sê được cho là đang ngỏ lời với dân Ít-ra-en trước khi dân vào Đất Hứa. Thật ra, tác phẩm này đã được biên soạn nhiều thế kỷ sau này, vào thời kỳ mà dân Chúa bất trung cần những lời nhắc nhở về lịch sử Giao Ước và những yêu sách mà Giao Ước đòi hỏi. Cuộc khủng hoảng này chắc chắn xuất xứ từ vương quốc miền Bắc vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên và một thế kỷ sau đó đã để lại hệ lụy cho vương quốc miền Nam.
Vì thế, sách Đệ Nhị Luật là thể loại giáo lý về Giao Ước: trả lời cho một câu hỏi cơ bản: Tại sao dân Ít-ra-en lại thiếu niềm tin? Vì niềm tin này đã không được sống ở trong lòng; vì những huấn lệnh và chỉ thị của Thiên Chúa vẫn ở bên ngoài con người. Đoạn văn trích dẫn lời mời gọi đến tôn giáo nội tâm này, vốn là một trong những nét đặc trưng nhất của sách, thuộc về phần cuối diễn từ thứ ba của ông Mô-sê, tức là phần kết của tác phẩm.
2. “Anh em hãy nghe tiếng của Đức Chúa”:
Lệnh truyền “Anh em hãy nghe” là một trong những điệp khúc của sách Đệ Nhị Luật; nhất là, lệnh truyền này được gặp thấy ở nơi lời kêu gọi long trọng của 6: 4-9: “Hãy nghe đây, hỡi Ít-ra-en”, hình thành nên lời mở đầu kinh nguyện thường ngày của Do thái giáo, được gọi kinh “Shema”.
Lệnh truyền: “Hãy trở về với Đức Chúa, là Chúa của anh em, hết lòng hết dạ”, nhắc nhở Ít-ra-en phải một lòng một dạ với Thiên Chúa của mình. Chúng ta gặp thấy ở nơi lệnh truyền này một định nghĩa về Giao Ước, tức là một kết ước tình yêu từ hai phía. Phải đáp trả những ân tình của Thiên Chúa bằng cách “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Ở nơi tư tưởng này của sách Đệ Nhị Luật, người ta phát hiện ảnh hưởng của các ngôn sứ, đặc biệt là ngôn sứ Hô-sê. Ngôn sứ Hô-sê đã sánh ví tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài với tình yêu của người chồng đối với vợ của mình. Do đó, ngôn sứ Hô-sê xem Giao Ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài là Hôn Ước, vì thế, đòi hỏi dân Thiên Chúa phải một lòng một dạ với Thiên Chúa của mình, giữ trọn tình yêu nhất mực chung thủy với Thiên Chúa của mình.
3. Nội tâm hóa Lề Luật:
“Vì mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay”. Từ “hôm nay” này thường được lập đi lập lại trong sách Đệ Nhị Luật nhằm để chuyển từ chuyện tích sang lời khuyên bảo, từ quá khứ sang hiện tại, từ kỷ niệm sang hành động. Vì thế, “hôm nay” muốn nói lên tính thường hằng của những giá trị Lề Luật.
Lề Luật này không ở ngoài tầm tay của chúng ta, nhưng ở trong tâm trí của chúng ta. Sau này, ngôn sứ Giê-rê-mi-a sẽ phát biểu theo cùng một cách như vậy: “Này đến ngày Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã hủy bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân Ta” (Gr 31: 31-33).
4. Nhân cách hóa Lời Thiên Chúa:
Lề Luật bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì thế Lề Luật là Lời Thiên Chúa. Tác giả nhân cách hóa một cách nào đó Lời Thiên Chúa: “Vì Lời Chúa ở sát bên anh em, ngay trong miệng trong lòng, để anh em đem ra thực hành”.
Việc nhân cách hóa và nội tâm hóa Lời Chúa này xem ra như một linh cảm về Ngôi Lời. Các sách minh triết sẽ dâng hiến vài ví dụ như thế. Những tiếp cận của các hiền nhân này không xa lạ với thần học Ngôi Lời, mà thánh Gioan sẽ khai triển, không chỉ trong Tựa Ngôn, nhưng cũng trong ý nghĩa và tầm mức mà thánh nhân sẽ ban cho động từ “ở”. Thánh Phao-lô sẽ trích dẫn những câu Đệ Nhị Luật này để đối lập sức mạnh bên trong của Đức Tin với sự vô ích bên ngoài của Lề Luật (Romans 10:6-8).
Tin Mừng hôm nay, qua dụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân lành”, nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã đích thân đến ở kề bên chúng ta để cứu giúp chúng ta trong những khốn cùng của chúng ta.
BÀI ĐỌC II (Colossians 1:15-20)
Trong Thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê và trong Thư gởi các tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô còn lưu giữ cho chúng ta hai bài thánh thi tôn vinh Đức Ki-tô. Cả hai bài thánh thi này dường như thuộc về gia sản phụng vụ của Giáo Hội tiên khởi; chúng hình thành nên những chứng liệu quý báu. Bài thánh thi tôn vinh Đức Ki-tô trong Thư gởi các tín hữu Phi-líp-phê được ghi vào bối cảnh của lời khuyến dụ luân lý; còn bài thánh thi tôn vinh Đức Ki-tô trong Thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê đáp ứng mối quan tâm đạo lý.
1. Bối cảnh:
Thành phố Cô-lô-xê là một thành phố nhỏ thuộc miền Phygia, cách Ê-phê-xô chừng 200 km về hướng đông. Vào thời thánh Phao-lô, thành phố này đã mất đi nhiều tầm quan trọng xưa kia của nó. Thành phố này đã không được thánh Phao-lô đích thân rao giảng Tin Mừng, nhưng bởi một trong những cộng sự viên của thánh nhân, là ông Ê-páp-ra, nguyên quán Cô-lô-xê, ông cũng đã thiết lập các cộng đoàn Ki-tô hữu ở Lao-đi-xê và ở Hi-ê-ra-pô-li, hai thành phố khác được định vị trong thung lũng Lycus, như Cô-lô-xê.
Những khó khăn đạo lý nổi lên khiến ông Ê-páp-ra lo lắng; ông đến thỉnh ý thánh Phao-lô, lúc đó thánh nhân đang bị giam cầm, hoặc ở Rô-ma (61-62), hoặc còn ở Xê-da-rê trước khi bị chuyển đến Rô-ma (58-60). Thánh Phao-lô không thể đích thân đến tận nơi, nên viết thư này cho các tín hữu Cô-lô-xê.
Chúng ta khó biết được đích xác những biện luận sai lạc làm xao động các tín hữu Cô-lô-xê, chúng liệu cốt yếu mà chúng ta có được là bức thư này. Dù thế nào, chắc hẳn những biện luận này giảm thiểu vai trò của Đức Ki-tô, trong khi đề cao tầm quan trọng của các hữu thể thần thiêng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Quả thật, trong Thư, thánh Phao-lô nói về “mãnh lực thần thiêng hay quyền năng thượng giới”, “những yếu tố vũ trụ”, “việc cúng tế các thiên thần”, từ vựng gợi lên những biện luận tôn giáo hỗn hợp mà vài người Cô-lô-xê say mê.
Để trả lời, thánh Phao-lô trích dẫn liền ngay sau những lời chào hỏi thông thường và một lời mào đầu khuyến dụ, bài thánh thi ca ngợi quyền tối thượng của Đức Ki-tô cả trong công trình tạo dựng thuộc trật tự tự nhiên lẫn trong công trình tạo dựng thuộc trật tự siêu nhiên.
Vài người nghĩ rằng bài thánh thi này có nguồn gốc ngoại giáo nhằm ca ngợi sự hài hòa của vũ trụ theo trường phái triết học Stoiciens và đã được Ki-tô hóa. Nhưng bài thánh thi này, rất gần với lời mở đầu Thư gởi các tín hữu Do thái và với Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan, hướng về một nền tảng Kinh Thánh chung, đặc biệt nền tảng của các sách minh triết.
2. Quyền tối thượng của Đức Ki-tô trong công trình tạo dựng:
“Đức Giê-su Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, nắm quyền Trưởng Tử trên mọi loài thọ sinh, bởi chưng chính nhờ Người, Thiên Chúa đã tạo thành muôn vật trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình”. Những câu mở đầu này áp dụng cho Đức Ki-tô những từ ngữ ca ngợi tính ưu việt của Đức Khôn Ngoan, trong các bản văn thuộc trào lưu minh triết Kinh Thánh: “Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người” (Kn 7: 26), hoặc “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy, trước khi có mặt đất…Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời…Khi người đặt nền móng cho đất, ta hiện diện bên Người như tay thợ cả…” (Cn 8: 22tt.).
“Chính nhờ Người, Thiên Chúa đã tạo thành muôn vật trên trời cũng dưới đất…Hết thảy đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người”, nghĩa là Đức Ki-tô vừa nguyên nhân tác thành vừa nguyên nhân cùng đích của vũ trụ. Thánh Gioan sẽ lấy lại những từ ngữ của thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê này trong Tựa Ngôn của mình: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có chi tạo thành. Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Galatians 1:3).
“Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại và hiện hữu nhờ liên kết với Người”. Chúng ta đừng nghĩ rằng viễn cảnh này mang tính vũ trụ, trước hết nó mang tính thần học. Đức Ki-tô “thâu tóm” ở nơi Ngài toàn thể vũ trụ, như các nhà thần học nói.
3. Quyền tối thượng của Đức Ki-tô trong trật tự siêu nhiên:
Nếu Đức Ki-tô là khởi nguyên công trình tạo dựng trong trật tự tự nhiên, thì Ngài không kém là khởi nguyên toàn bộ sự sống siêu nhiên. Ngài là đầu Giáo Hội, thân thể mầu nhiệm của Ngài. Ngài là “Trưởng Tử trên mọi loài thọ sinh” như thế nào, thì Ngài là người đầu tiên từ cõi chết sống lại như vậy, nghĩa là Ngài đã khai mạc sự sống vinh quang; Ngài là Chủ Tể đời sống mới này. Ngài là “khởi đầu và kết thúc, An-pha và Ô-mê-ga”, thánh Gioan sẽ nói trong sách Khải Huyền.
Chính Đức Ki-tô là tác giả của ơn cứu độ: “Nhờ máu Người đổ ra khi chết trên thập giá, Thiên Chúa đã làm hòa với mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”. Song đối với sự hài hòa của vũ trụ là sự hài hòa của các tâm hồn mà việc tha thứ tội lỗi mang lại: sự bình an trong tâm hồn này là thành quả hy tế của Đức Ki-tô.
Khi trích dẫn bài thánh thi ca ngợi tính ưu việt của Đức Ki-tô này, thánh Phao-lô đã thấy ở đây trước tiên một vũ khí chống lại những lời nói vớ vẩn của các triết gia Cô-lô-xê; nhưng đồng thời thánh nhân cũng đã gặp thấy ở đây diễn ngữ thần học, diễn tả sâu xa thần học của thánh nhân. Biến cố trên đường Đa-mát đã mặc khải cho thánh nhân tầm quan trọng hàng đầu của vai trò Đức Ki-tô. Con người Đức Ki-tô ngự trị trên quan điểm về ơn cứu độ, quan niệm về Giáo Hội, cũng như kinh nghiệm nội tâm của thánh nhân. Đức Ki-tô là tất cả trong mọi sự.
TIN MỪNG (Lc 10: 25-37)
Trong nhiều dụ ngôn riêng của Tin Mừng Lu-ca, dụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân lành” là một trong những dụ ngôn danh tiếng nhất. Dụ ngôn này minh họa một trong hai huấn lệnh “Mến Chúa và Yêu Người”. Thánh Lu-ca đặt dụ ngôn này ngay trước cuộc viếng thăm của Đức Giê-su tại nhà hai chị em cô Mát-ta và cô Ma-ri-a, ở đó thái độ của cô Ma-ri-a được đưa ra làm mẫu gương về việc tuân giữ huấn lệnh thứ nhất, liên quan đến “mến Chúa”. Như vậy, thánh ký có một bức tranh bộ đôi dồi dào về ý tứ và phong phú về giáo huấn.
1. Bối cảnh:
Cuộc đối thoại giữa Đức Ki-tô và người thông luật về vấn đề giới luật nào quan trọng nhất, cũng được thánh Mát-thêu (22: 34-40) và thánh Mác-cô (12: 28-31) thuật lại. Cả hai thánh ký này đều định vị cuộc đối thoại này vào khuôn khổ sứ vụ của Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem, vài ngày trước cuộc Thương Khó; trong khi thánh Lu-ca đặt cuộc đối thoại này ở đầu cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su.
Thánh Mác-cô nhận định thái độ tích cực của vị thông luật này: khi chứng kiến Chúa Giê-su đối đáp hợp tình hợp lý với những người thuộc nhóm Xa-đốc về vấn đề kẻ chết sống lại, vị kinh sư này đến gần Ngài và hỏi. Ông chân thành muốn biết trong mọi giới luật, giới luật nào đứng hàng đầu. Khi thấy câu trả lời xác đáng của Chúa Giê-su, chính ông đã tán thưởng: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng” (Mc 12: 32). Trái lại, thánh Lu-ca cũng như thánh Mát-thêu xem ý định của vị thông luật này là có ác ý: hỏi một vấn đề nan giải để “thử” Chúa Giê-su ngỏ hầu để Ngài lỡ lời mà bắt bẽ hay để Chúa Giê-su không trả lời được mà dèm pha bêu xấu Ngài.
Trong Tin Mừng thánh Lu-ca, vị thông luật này lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Nhưng thay vì trả lời, Chúa Giê-su lại hỏi ngược lại vị thông luật này, vì thế chính vị thông luật này đặt câu hỏi và cũng chính ông trả lời bằng cách liên kết giới luật: “mến Chúa” được dạy trong sách Đệ Nhị Luật (6: 5) và giới luật “yêu người” được ghi trong sách Lê-vi (19: 18). Có thể các kinh sư trước thời Chúa Giê-su đã đối chiếu hai bản văn này rồi. Tôn giáo về một Thiên Chúa tình yêu đã là mặc khải của Cựu Ước, đây là một mặc khải duy nhất và đáng kính so với quan niệm về Thượng Đế tại các dân tộc khác, kể cả triết học Hy-lạp. Trong câu chuyện song song của Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Mác-cô, chính Đức Giê-su công bố hai giới luật mến Chúa và yêu người là ngang bằng nhau. Chắc chắn các tiến sĩ Luật đã không đẩy lời dạy của họ xa cho đến mức xem hai giới luật này ngang bằng nhau như vậy.
Sau khi nghe câu trả lời của vị thông luật, Chúa Giê-su chỉ còn xác nhận: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Nhưng để chứng tỏ câu hỏi của mình là có lý, vị thông luật lại hỏi Chúa Giê-su: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”. Để giúp vị thông luật hiểu rõ hơn, Đức Giê-su kể dụ ngôn “người Sa-ma-ri nhân lành”.
2. Từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô:
Hai thành phố này cách nhau khoảng hai mươi lăm cây số với độ chênh lệch khá lớn (Giê-ru-sa-lem được định vị ở độ cao khoảng 800 đến 900 mét; Giê-ri-cô ở dưới mực nước biển khoảng 250 mét). Đoạn đường giữa hai thành phố này có những đồi núi khô cằn, những hốc đá và những khe núi, vì thế, đầy những hang ổ trộm cướp và những chuyện cướp bóc xảy ra cho khách bộ hành. Vì thế, câu chuyện của Chúa Giê-su phản ảnh thực tế con đường này.
Một người bị sa vào tay bọn cướp, “chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết”. Một thầy tư tế, đoạn một thầy Lê-vi đi qua con đường đó mà trở về nhà sau khi đã chu toàn nghĩa vụ của mình ở Đền Thánh. Chúa Giê-su không nói cho chúng ta biết tại sao họ tránh qua một bên mà đi. Có thể họ không muốn mình bị ô uế qua việc đụng chạm đến xác chết (Leviticus 21:11) hay lo sợ an nguy đến tính mạng của mình, vì có thể tên cướp vẫn còn ẩn khuất ở một nơi nào đó để rình. Xem ra thật hơn, Chúa Giê-su đã chọn họ vì họ là những người đại diện tầng lớp đáng kính trọng nhất trong xã hội, để tạo nên sự tương phản với nhân vật Sa-ma-ri lai căn, bị khinh bĩ, bị khai trừ, nữa đạo nữa ngoại, mà người Do thái tránh giao tiếp. Điểm nhấn chính là hai người này sau khi đã chu toàn nghĩa vụ của lòng mến đối với Thiên Chúa lại dửng dưng trước đau khổ của anh em mình.
Một người Sa-ma-ri tình cờ đi ngang qua đó. Thấy cảnh ngộ đáng thương của người bị nạn, anh động lòng thương. Chuyện tình cờ xày ra trên đường: đức ái không luôn luôn đến từ nơi người ta chờ đợi. Chẳng quan tâm đến việc xem nạn nhân là người Do thái hay không, anh làm tất cả những gì có thể để cứu giúp nạn nhân bất hạnh này. Săn sóc tại chỗ, đưa về quán trọ, anh còn dự liệu cả hoàn cảnh khó khăn mà người này có thể gặp phải khi không có anh bên cạnh, vì thế anh nói với chủ quán: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.
3. Ai là người thân cận với tha nhân:
Sau khi kể xong dụ ngôn, Chúa Giê-su trở lại câu hỏi của người thông Luật và hỏi anh: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Trong sách Lê-vi, người thân cận được định nghĩa là người thuộc vào dân Thiên Chúa và phải được cư xử là một người anh em; khái niệm này được mở rộng đến khách kiều cư (Leviticus 19:11-18). Chúa Giê-su phá vỡ quan niệm hẹp hòi này. Đối với Ngài, không phải Lề Luật quyết định “ai là người thân cận của tôi”, nhưng “tôi phải trở nên là người thân cận của bất cứ ai cần đến sự cứu giúp của tôi trên đường đời”.
4. Chúa Giê-su muốn ám chỉ gì ở nơi nhân vật Sa-ma-ri nhân lành này?:
Phải chăng ở nơi nhân vật Sa-ma-ri nhân lành này, Chúa Giê-su muốn gợi lên hành động của chính Ngài, Đấng Cứu Độ đầy lòng xót thương? Và kẻ bị đánh trọng thương, bị trấn lột, bị bỏ rơi dỡ sống dỡ chết bên đường, đó không phải thân phận của nhân loại tội lỗi bị sự Ác đè nặng nên không thể tự mình cứu mình được sao?
Lời giải thích này thật sự trở nên kinh điển tại các Giáo Phụ, họ đã phân tích dụ ngôn này cho đến từng chi tiết. Đức Giê-su đã xuống từ Giê-ru-sa-lem thiên giới để cứu chữa nhân loại bị trọng thương do tội lỗi. Dầu và rượu biểu tượng các bí tích; quán trọ là hình ảnh Giáo Hội mà Chúa Ki-tô trao gởi những tội nhân để băng bó và chữa lành, khi chờ đợi ngày Ngài trở lại, ngày Ngài hoàn tất ơn cứu độ của chúng ta, sau khi đã giải thoát chúng ta khỏi mọi nợ nần.
Nhưng theo văn mạch của câu chuyện này, mỗi người Ki-tô hữu phải thấy chính mình ở nơi người Sa-ma-ri nhân lành này. Chính hành động làm cho anh em khốn khổ của mình trong đời thường mới làm nên con người tôn giáo chứ không là địa vị hay chức vụ, dù đó là thầy tư tế hay thầy Lê-vi đi nữa. Đối với nghĩa vụ Đức Ái, không có bất kỳ hạn định nào. Như thế, Chúa Giê-su chấm dứt tinh thần duy luật, chấm dứt chủ nghĩa quốc gia, tinh thần cục bộ, chấm dứt mọi lý lẽ đưa ra để biện minh cho thái độ “tránh sang một bên” trước những anh em đồng loại khốn khổ của mình trong cuộc sống đời thường. Nói như Lu-the, “Điều làm tôi kinh hãi không phải kẻ ác làm điều ác mà là người thiện dững dưng trước những đau khồ của anh em mình”.
Lm Inhaxiô Hồ Thông