Suy Niệm Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm B

Chúng ta có thể gọi Chúa Nhật XV là Chúa Nhật Sứ Vụ. Sứ vụ đem lại cho người lãnh nhận sự cao cả, niềm hân hoan, nhưng cũng không thiếu nỗi buồn phiền, vị đắng cay.

Amos 7:12-15

Bài đọc I nhắc nhớ rằng ngôn sứ A-mốt, vốn xuất thân từ vương quốc phương Nam, vương quốc Giu-đa, được Thiên Chúa sai đi thông truyền sứ điệp của Ngài cho dân chúng vương quốc phương Bắc, vương quốc Ít-ra-en. Sứ vụ thật khó khăn, dù bị trục xuất trở về vương quốc Giu-đa, nhưng ngôn sứ A-mốt không đi, vì như thế là làm trái với sứ vụ ngôn sứ của mình.

Mc 6: 7-13

Tin Mừng tường thuật việc Đức Giê-su sai nhóm Mười Hai ra đi thi hành sứ vụ với lời căn dặn phải có tinh thần siêu thoát hoàn toàn, cũng như báo trước những thất bại có thể có.

Ephesians 1:3-14

Trong phần mở đầu  thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô cho biết ý định muôn thuở của Thiên Chúa là cứu độ nhân loại. Thiên ý này được Đức Ki-tô mặc khải, hoàn thành và chuyển giao cho Giáo Hội.


BÀI ĐỌC I (Amos 7:12-15)

Các sự việc diễn ra ở vương quốc phương Bắc, dưới triều đại của vua Gia-róp-am II (787-747 BC)

1. Hoàn cảnh lịch sử.

Để hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử ở đó ngôn sứ A-mốt được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình, xin được nhắc lại, sau khi vua Sa-lô-mon băng hà, vào năm 931 trước Công Nguyên, mười hai chi tộc Ít-ra-en chia rẽ nhau. Hai chi tộc vẫn trung thành với vương triều Đa-vít, tức vương quốc phương Nam, còn gọi là vương quốc Giu-đa. Mười chi tộc còn lại tách ra khỏi vương triều Đa-vít, tự chọn cho mình một vị vua mới, vua Gia-róp-am, và thiết lập vương quốc phương Bắc, còn gọi là vương quốc Ít-ra-en.

Vương quốc phương Nam có lợi thế là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đối lại, vương quốc phương Bắc xây dựng hai đền thánh: đền thánh Ghin-gan, cực bắc xứ Pha-lê-tinh, và đền thánh Bết-En, cực nam cách Giê-ru-sa-lem khoảng chừng 15 cây số. Đền thánh Bết-En có ưu điểm là nhắc nhớ tổ phụ Gia-cóp; chính ở nơi đây mà vị tổ phụ này đã có một giấc mơ được lưu truyền mãi (một chiếc thang nối liền trời với đất) trong đó ông đã nghe tiếng Đức Chúa phán. Vì thế vị tổ phụ đã gọi nơi nầy là Bết-En, nghĩa là “Nhà của Thiên Chúa”.

Hai đền thánh nầy, cũng như các tư tế phục vụ chúng, hoàn toàn phụ thuộc vào vương triều, như ông A-mát-gia, tư tế đền thờ Bết-En, giải thích cho ngôn sứ A-mốt: “Đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều”.

2. Sứ vụ ngôn sứ của A-mốt:

Vốn là người sinh trưởng ở vương quốc phương Nam; vị ngôn sứ đã được Thiên Chúa sai đến vương quốc phương Bắc để thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình. Ngôn sứ xuất thân từ một thị trấn miền Bết-lê-hem; ông làm nghề chăn nuôi súc vật và chăm sóc vườn cây ăn trái, chính xác là châm những trái nho dại để làm cho chúng trở thành trái nho ngọt và mau chín (phải chăng đây cũng chính là ý nghĩa sứ vụ ngôn sứ của ông?).

Sứ mạng của vị ngôn sứ gặp nhiều khó khăn. Ông phải ngỏ lời với dân chúng đang sống trong cảnh thanh bình, thịnh vượng và phú túc. Tuy nhiên, xã hội đầy dẩy những chuyện bất công. Những kẻ lắm tiền nhiều của liên kết với những kẻ có thế có quyền đàn áp và bốc lột những người nghèo hèn trong xứ. Sứ điệp của ngôn sứ gởi đến vương quốc thịnh vượng nầy thật nghiêm khắc: “Chúng ghét người sửa trị nơi cửa công và thù oán kẻ ăn ngay nói thật. Vậy, bởi các ngươi chà đạp kẻ yếu hèn và đánh thuế lúa mì của họ, nên những ngôi nhà bằng đá đẻo các ngươi đã xây, các ngươi sẽ không được ở; những gốc nho ngon ngọt các ngươi đã trồng, các ngươi sẽ không được uống rượu của chúng. Bởi Ta biết tội ác các ngươi nhiều vô kể, tội lỗi các ngươi nặng tầy trời: nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ, nào áp bức kẻ nghèo hèn tại cửa công” (5: 10-12). Vị ngôn sứ phẩn uất trước những lễ hội xa hoa, những đám rước linh đình của những kẻ làm giàu trên xương máu của những người nghèo hèn và nhận thấy ở nơi những lớp vỏ thịnh vượng vật chất giả tạo bên ngoài là thực chất của một xã hội bất công thối nát. Vì thế, vào thời buổi nầy, cách xử thế khôn ngoan nhất là “Dĩ hòa vi quý”“Bởi thế thời buổi nầy, ai cẩn trọng thì làm thinh, vì đây là một thời khốn quẩn” (5: 13). Bởi thế, vị ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa tuyên sấm tố cáo lối sống gian trá của vương quốc nầy: “Vào ngày Ta trị tội Ít-ra-en Ta sẽ triệt hạ các bàn thờ của Bết-Ên: các sừng của bàn thờ sẽ bị bẻ gãy và quăng xuống đất. Biệt thự mùa đông, biệt thự mùa hè, Ta sẽ triệt phá; điện ngọc đền ngà sẽ sụp đổ, lâu đài dinh thự cũng tan hoang” (3: 14-15).

3. Sấm ngôn của A-mốt:

Quả thật, khi thấy hiểm họa xâm lăng của các đạo quân Át-sua, ngôn sứ A-mốt ra sức cảnh báo ngăm đe ngõ hầu vương quốc Ít-ra-en, vương quốc miền Bắc, có thể hồi tâm trở lại cùng Thiên Chúa của mình, thay đổi đời sống mà tránh khỏi án phạt: “Hãy tìm Đức Chúa thì các ngươi sẽ được sống”. Ngôn sứ A-mốt không nêu đích danh Át-sua; ông chỉ nói đơn giản “quân thù”: “Quân thù sẽ bao vây lãnh thổ, sẽ triệt hạ sức mạnh của ngươi, và đền đài của ngươi sẽ bị cướp phá…” (3: 11). Rảo khắp các thành thị và đền thánh, vị ngôn sứ cảnh báo: liệu Thiên Chúa sẽ gìn giữ dân của Ngài, nếu dân vẫn cứ ngoan cố trong tội ác của mình? Sấm ngôn của ông càng lúc càng vang dội lời cảnh báo ngăm đe: “Hãy tìm kiếm điều lành chứ đừng tìm điều dữ rồi các ngươi sẽ sống”.  Sấm ngôn của ông được ứng nghiệm. Vương quốc phương Bắc bị tiêu diệt dưới những cuộc tấn công của quân Át-sua và biến mất vĩnh viễn khỏi lịch sử vào năm 721 trước Công Nguyên.

4. Phẩm chất của ngôn sứ A-mốt:

Trước đó, tư tế A-mát-gia tố cáo vị ngôn sứ với vua Gia-róp-am: “A-mốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ Ít-ra-en, và đất nước nầy không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. Vì A-mốt nói như thế nầy: Gia-róp-am sẽ chết vì gươm, và Ít-ra-en sẽ bị đày biệt xứ” (7: 10-11). Trong đoạn trích hôm nay, tư tế A-mát-gia, hoặc thừa hành lệnh vua, hoặc nhân danh quyền của mình là tư tế lãnh đạo thánh địa Bết-Ên, ông truyền lệnh cho ngôn sứ A-mốt ra khỏi thánh địa nầy mà trở về vương quốc Giu-đa: “Nầy thầy chiêm ơi, Mời ông ra khỏi nơi này, cuốn gói về xứ Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm!”.

Tư tế A-mát-gia vu khống ngôn sứ A-mốt khi đồng hóa ông với các ngôn sứ mạo danh, họ xem việc tuyên sấm như một nghề để làm ăn, để kiếm tiền. Trước lời vu khống nầy, ngôn sứ A-mốt đáp lại: ông không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải xuất thân từ trường lớp ngôn sứ, nhưng chỉ là người chăn súc vật và chăm sóc vườn cây. Chính Đức Chúa “đã bắt lấy” ông khi ông đang làm công việc thường ngày của mình, nghĩa là, chính Thiên Chúa đã gọi ông và sai ông đi thi hành sứ vụ của Ngài mà ông không thể cưỡng kháng được. Đó là cứu thoát dân Ít-ra-en khỏi án phạt của Thiên Chúa sắp đến.

5. Sự nghiệp của ngôn sứ A-mốt:

Phải chăng lệnh truyền của tư tế A-mát-gia đã chấm dứt sự vụ của ngôn sứ A-mốt? Chúng ta không biết chính xác; nhưng xem ra sứ vụ ngôn sứ của A-mốt chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sứ điệp của ông vẫn lưu danh muôn thuở.

Ngôn sứ A-mốt là vị ngôn sứ bút ký sớm nhất mà sứ điệp của ông vẫn còn được bảo tồn bằng văn tự cho đến ngày nay. Ông đã khai sáng độc thần giáo luân lý, đây là nét đặc trưng của truyền thống ngôn sứ Ít-ra-en: “đưa đạo vào đời”. Ở nơi sứ điệp của ông chúng ta gặp thấy âm vang lời dạy của Công Đồng Va-ti-can II trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thật sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thật vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được quy tụ trong Chúa Ki tô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi đem đến cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên đới mật thiết với loài người và lịch sử loài người” (1).

BÀI ĐỌC II (Ephesians 1:3-14)

Thánh Phao-lô đã viết bức thư nầy khi ngài bị giam cầm ở Rô-ma vào những năm 61-63. Chủ đề của bức thư là ý định muôn thuở của Thiên Chúa không gì khác hơn là cứu độ nhân loại. Thiên ý này được Đức Giê-su mặc khải, hoàn thành và chuyển giao cho Giáo Hội.

1. “Chúc tụng Thiên Chúa…”

Đoạn văn mà chúng ta đọc là phần đầu của bức thư ngay sau lời chào hỏi mở đầu. Thánh nhân diễn tả tâm tình tạ ơn theo cách thức cầu nguyện của truyền thống Do thái, được gọi “berakah”: “Chúc tụng Thiên Chúa”. Dù tư cách cá nhân hay cộng đoàn, lời nguyện nầy bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, không trừu tượng, nhưng luôn luôn vì những ân phúc rõ ràng. “Lời chúc tụng” nầy có thể là lời cầu nguyện tự phát của cá nhân mà những lời kinh nguyện “magnificat” của bà An-na, mẹ ông Sa-mu-en, của ông Tô-bi-a, của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cung cấp cho chúng ta những ví dụ điển hình. Đây cũng là lời kinh nguyện gia đình trước bữa ăn và đặc biệt long trọng vào bữa ăn vượt qua. Đức Giê-su đã đọc “lời chúc tụng” trên bánh và rượu. Sau cùng, lời chúc tụng là hình thức tuyệt vời nhất của kinh nguyện hội đường.

Thánh Phao-lô, trước đây là kinh sư, vẫn trung thành với hình thức chúc tụng nầy. Toàn bộ bài thánh thi nầy kể ra muôn phúc lộc mà Thiên Chúa đã tuôn xuống cho nhân loại. Thánh nhân cũng bắt đầu thư thứ hai gởi các tín hữu Cô-rin-tô theo cùng một cách như vậy: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi nhân ái, và là Thiên Chúa hằng sẳn lòng ủi an những ai lâm cảnh gian nan khốn khó…” (2Cr 1: 3).

2. Ý định muôn thuở của Thiên Chúa.

Trước tiên, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng Thiên Chúa là nguyên lý và nguồn mạch của muôn phúc lộc và Ngài đã chuẩn bị từ muôn thuở kế hoạch của Ngài trên nhân loại.

Chúng ta ghi nhận rằng “lời chúc tụng” này được xây dựng theo kỷ thuật đóng khung rất quen thuộc với thánh Phao-lô, bắt đầu: “Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (1: 3) và kết thúc: “Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa, anh em đã nghe chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em đã được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (1: 13-14).  Như vậy, lời chúc tụng này bắt đầu trong Đức Ki-tô mà Thiên Chúa ban xuống muôn vàn phúc lộc của Thánh Thần cho chúng ta để rồi kết thúc cũng trong Đức Ki-tô mà chúng ta nghe được Tin Mừng cứu độ và cũng trong Đức Ki-tô mà Thiên Chúa đóng ấn chúng ta bằng Thánh Thần, là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng Gioan: “Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Galatians 1:16).

3. Đức Ki-tô và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Trong nhiệm cục xưa, mọi sự đều nhằm chuẩn bị cho cuộc giáng trần của Đức Giê-su; trong nhiệm cục mới, mọi sự đều khởi đi từ Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô đặt ở trung tâm lời chúc tụng của mình công trình cứu độ của Đức Ki-tô. Chính nhờ Đức Ki-tô, Thánh Tử của Người mà kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện. Việc mặc khải thiên ý mầu nhiệm nầy là một sự khai mở diệu kỳ, cao vời khôn dò và khôn ví, vượt quá sự khôn ngoan thông hiểu của loài người (chúng ta nhận ra ở đó một đề tài rất tâm đắc của thánh nhân trong thư gởi tín hữu Ê-phê-sô nầy).

Sau cùng, thánh nhân gợi lên vai trò của Đức Giê-su, “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô”. Động từ Hy lạp “ana-kephalaïô”, ở đây được dịch “quy tụ”, được thánh Phao-lô dùng một lần khác trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma để nói lên rằng giới luật Đức Ái “thâu tóm” tất cả mọi giới luật khác (Romans 13:9). Trong đoạn trích này, ý nghĩa cũng như vậy. Đức Giê-su “thâu tóm” toàn thể vũ trụ vì ở nơi Ngài mà muôn loài trong trời đất đều quy hướng về Ngài để gặp thấy sự hiện hữu của chính mình và ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Theo sau thánh Phao-lô, động từ “thâu tóm” đã đi vào trong từ vựng thần học, nhất là với thánh I-rê-nê, và trở thành đối tượng của biết bao sự khai triển.

Nói một cách chính xác, thánh Phao-lô không gán cho Đức Ki-tô vai trò vũ trụ, nhưng triển khai khái niệm “Nhiệm Thể”. Theo cách nầy, thánh nhân đáp trả vũ trụ quan của Do thái, mà ngài đã chống lại rồi trong thư gởi các tín hữu Cô-lô-sê, đồng thời cũng đáp trả vũ trụ quan của phái khắc kỷ.

Xin nhắc lại rằng trong vài môi trường Do thái, người ta gán cho các thiên thần một vai trò đặc biệt và xem các ngài là những người tổ chức và điều hành vũ trụ. Các Ki-tô hữu xuất thân từ Do thái giáo duy trì những niềm tin như thế nên giảm nhẹ vai trò của Đức Ki tô. Thánh Phao-lô sửa sai vũ trụ quan này.

Đối với phái khắc kỷ, họ thấy sự hòa điệu và trật tự của vũ trụ do bởi tác động của sức mạnh thần thiêng. Những biểu ngữ của thánh Phao-lô rất gần với phái khắc kỷ, nhưng thánh nhân loại bỏ tất cả khuynh hướng phiếm thần. Về điểm nầy, thánh nhân định vị tư tưởng của mình vào trong truyền thống minh triết Cựu Ước, nghĩa là thánh nhân mượn vài đề tài ở nơi trường phái khắc kỷ nhưng định vị chúng vào trong viễn cảnh của Đức Chúa cao siêu mầu nhiệm (Hc 43: 26-28; Kn 1: 7; 7: 22-23; 12: 1, vân vân).

3. Kế hoạch của Thiên Chúa được diễn tiến trong lịch sử:

Lúc đó thánh Phao-lô nhắm đến kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại được diễn tiến trong lịch sử, được gọi Lịch Sử Cứu Độ. Lịch sử cứu độ này được bày tỏ qua ba giai đoạn: hành động của Chúa Cha, hành động của Chúa Con, hành động của Chúa Thánh Thần.

Trước tiên, thánh nhân gợi lên việc tuyển chọn Ít-ra-en, dân Chúa chọn, để làm nhân chứng về việc trông đợi Con của Người. Ở đây, thánh nhân ngỏ lời với các tín hữu gốc Do thái mà ngài kể mình vào trong số họ với đại từ “chúng tôi”: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây…”. Tiếp đó, thánh nhân nói với các Ki-tô hữu gốc lương dân bằng đại từ “anh em”: “Trong Đức Ki-tô cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em…”. Sau cùng, thánh nhân đề cập đến việc Chúa Cha sai phái Chúa Thánh Thần một cách nào đó như là thực hiện lời cam kết theo đó Người đã hứa ban gia nghiệp, nghĩa là được sống bên Ngài để “ngợi khen vinh quang Thiên Chúa”.

Diễn ngữ “ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” lập lại đến ba lần (1: 6, 12, 14) như một điệp khúc trong lời chúc tụng nầy. Đó là mục đích tối hậu của kế hoạch Thiên Chúa: đó là cứu cánh của nhân loại.

TIN MỪNG (Mc 6: 7-13)

Trong chương trước, thánh Mác-cô đã tường thuật việc Đức Giê-su chọn nhóm Mười Hai và xác định sứ vụ của họ: “Ngài thiết lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (3: 14). Thánh Lu-ca tường thuật cùng một sự kiện và nói thêm: “Đến sáng, Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ (Lc 6: 13). Thật ra, các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đã tránh dùng danh xưng “Tông Đồ” cho các môn đệ – thánh Gioan không bao giờ dùng thuật ngữ nầy – vì “Tông Đồ” tức là “người được sai đi” mà chỉ mình Đức Giê-su xứng đáng với danh xưng này: Ngài là Đấng được sai đi từ Chúa Cha. Chung chung các thánh ký thường nói: “nhóm Mười Hai” hay đơn giản “các môn đệ”.

1. Nguồn gốc sứ vụ của các môn đệ:

Sau một thời gian chuẩn bị: “nhóm Mười Hai” đã sống với Ngài, đã nghe giáo huấn của Ngài, đã thấy các phép lạ của Ngài, cũng như sự thất bại của Ngài ở Na-da-rét, Đức Giê-su cho rằng đã đến lúc đặt các ông vào trong thử thách khi sai các ông đi thi hành sứ vụ.

Cử chỉ nầy của Đức Giê-su thật sự là mới mẽ. Vào thời của Ngài, các kinh sư quy tụ chung quanh mình một nhóm môn đệ, để chia sẻ cuộc sống của thầy; tuy nhiên, họ không bao giờ nghĩ đến việc sai các môn đệ ra đi và ủy quyền cho họ thi hành sứ vụ. Chính Đức Giê-su đích thân sai các ông đi, như sau nầy Ngài sẽ nói với họ trước khi từ giả các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi” (Ga 20: 21).

2. Sai đi từng hai người một.

Chúa Giê-su sai các ông đi từng hai người một. Thánh Mát-thêu đã bảo tồn cho chúng ta nhóm từng hai người một nầy: Phê-rô và An-rê, Gia-cô-bê và Gioan, Phi-líp-phê và Ba-tô-lô-mê-ô, Tô-ma và Mát-thêu, Gia-cô-bê và Ta-đê-ô, Si-mon và Giu-đa.

Có phải ở đây Đức Giê-su quan tâm đến tâm lý? Chắc chắn, công việc dể dàng hơn nếu có hai người cùng nhau bàn bạc, bổ sung và giúp đỡ nhau trên dặm đường truyền giáo, nhưng, con số “hai” cũng là biểu tượng cộng đoàn, nghĩa là các vị thừa sai không làm việc đơn lẻ một mình, nhưng cùng nhau chung sức theo từng nhóm. Ngoài ra, theo quy định của Lề Luật, một lời chứng chỉ có giá trị nếu có hai nhân chứng (x. Đnl 17: 6; 19: 15; Ds 35: 30). Các môn đệ sẽ làm chứng từng hai người một về những dấu chỉ của Vương Quốc Thiên Chúa: trước hết, quyền năng trên những thế lực sự Dữ; thứ nữa, siêu thoát khỏi những bận lòng trần thế để nhắm đến những của cải tinh thần.

3. Hành trang của vị thừa sai.

Những căn dặn của Đức Giê-su cho các vị thừa sai nhắm đến hành trang thật gọn nhẹ, hay đúng hơn không trang bị gì cả: không lương thực, không bao bị, không tiền giắc lưng, không áo để thay đổi. Có vài chi tiết khác biệt giữa các Tin Mừng Nhất Lãm, tuy nhiên bài học thì rõ ràng: đức khó nghèo và sự phó thác hoàn toàn vào ơn Quan Phòng phải là những dấu ấn mà các vị thừa sai để lại trong lòng mọi người. Phong thái của họ cực kỳ đơn giản giống như những lữ khách lòng không vương vấn bất cứ điều gì cả. Họ được mô tả như những lữ khách luôn luôn sống trong tư thế lên đường, không tìm cách định cư ở một nơi nào nhất định, bởi vì còn có những nơi khác nữa cần đến sứ điệp của họ. Vào lúc dùng bữa sau cùng với các môn đệ, Đức Giê-su sẽ hỏi các ông: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”. Mọi người đồng thanh đáp: “Thưa không” (Lc 22: 35).

Quả thật truyền thống hiếu khách Đông Phương tạo cơ hội thuận tiện cho việc thi hành sứ vụ của các các môn đệ lữ hành. Tuy nhiên Đức Giê-su căn dặn họ một sự ổn định nào đó: “Khi anh em vào nhà nào mà người ta đón tiếp, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi”.

4. Giũ bụi chân.

Vì là những người được sai đi rao truyền sứ điệp một cách vô vị lợi, nên họ được hưởng quyền được tiếp đón một cách vô vị lợi từ những gia đình mà họ viếng thăm. Nhưng Đức Giê-su cũng tiên liệu sứ điệp kêu gọi hoán cải mà họ rao giảng có thể có những người khước từ: “Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”.

Đây là tập tục của người Do thái sau cuộc hành trình trở về. Khi đặt chân lên miền đất Pha-lệ-tinh, họ giũ bụi đường khỏi giày dép để không đưa bụi phàm trần vào đất thánh của mình. Trong lời căn dặn của Đức Giê-su, không có bất kỳ một sự khinh bĩ nào đối với những người khước từ sứ điệp, nhưng hành động “giũ bụi chân” nói lên sự tuyệt giao.

Lời rao giảng của các môn đệ chưa trọn vẹn vì họ chưa rao giảng con người của Đức Giê-su – vã lại vào giây phút này họ chưa có thể hiểu đầy đủ về Ngài – nhưng chỉ chuẩn bị các tâm hồn: kêu gọi hoán cải. Như Đức Giê-su, lời rao giảng của họ kèm theo những dấu chỉ: trừ quỷ, xức dầu bệnh nhân và chữa lành bệnh tật.

5. Xức dầu bệnh nhân:

Vào thời Cựu Ước, người ta xức dầu để làm dịu vết thương; các tông đồ xức dầu, không như một phương thuốc, nhưng như dấu chỉ biểu tượng của một tác động siêu nhiên. Công Đồng Tren-tô đã thấy trong cử chỉ của các tông đồ nầy một trực giác, một phác thảo bí tích xức dầu bệnh nhân. Thư thánh Gia-cô-bê chứng thực rằng bí tích nầy đã được thực hành ngay từ thời các tông đồ: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội , thì sẽ được Chúa tha thứ” (Gc 5: 14-15).

Bệnh nhân được chữa lành, ma quỷ bị trục xuất, những cử chỉ này của các tông đồ được ghi khắc trên cùng bình diện với các cử chỉ của Đức Giê-su. Các sự dữ được gán cho tội lỗi, vì thế, việc chúng bị giảm đi loan báo thời đại lòng xót thương của Chúa.

6. Ý nghĩa:

Bài diễn từ sai các môn đệ lên đường nầy rất cổ kính vì mang đậm nét các phong tục thời xưa. Tuy nhiên, sứ điệp của nó rất hiện thực. Tin Mừng được truyền bá bằng những cuộc sống đơn sơ giản dị và trao ban một cách vô vị lợi, vì thế, mời gọi mọi người đón nhận nó cũng một cách vô vị lợi. Sứ điệp được đi kèm theo các dấu chứng chiến thắng của Đức Ki-tô trên sự Ác và Tử Thần là sứ điệp muôn thuở của bài trình thuật cổ kính nầy.

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Amos 7:12-15
View in: NAB
12And Amasias said to Amos: Thou seer, go, flee away into the land of Juda: and eat bread there, and prophesy there.
13But prophesy not again any more in Bethel: because it is the king's sanctuary, and it is the house of the kingdom.
14And Amos answered and said to Amasias: I am not a prophet, nor am I the son of a prophet: but I am a herdsman plucking wild figs.
15And the Lord took me when I followed the flock, and the Lord said to me: Go, prophesy to my people Israel.
Ephesians 1:3-14
View in: NAB
3Blessed be the God and Father of our Lord Jesus Christ, who hath blessed us with spiritual blessings in heavenly places, in Christ:
4As he chose us in him before the foundation of the world, that we should be holy and unspotted in his sight in charity.
5Who hath predestinated us unto the adoption of children through Jesus Christ unto himself: according to the purpose of his will:
6Unto the praise of the glory of his grace, in which he hath graced us in his beloved son.
7In whom we have redemption through his blood, the remission of sins, according to the riches of his grace,
8Which hath superabounded in us in all wisdom and prudence,
9That he might make known unto us the mystery of his will, according to his good pleasure, which he hath purposed in him,
10In the dispensation of the fulness of times, to re-establish all things in Christ, that are in heaven and on earth, in him.
11In whom we also are called by lot, being predestinated according to the purpose of him who worketh all things according to the counsel of his will.
12That we may be unto the praise of his glory, we who before hoped Christ:
13In whom you also, after you had heard the word of truth, (the gospel of your salvation;) in whom also believing, you were signed with the holy Spirit of promise,
14Who is the pledge of our inheritance, unto the redemption of acquisition, unto the praise of his glory.
Amos 7:12-15
View in: NAB
12And Amasias said to Amos: Thou seer, go, flee away into the land of Juda: and eat bread there, and prophesy there.
13But prophesy not again any more in Bethel: because it is the king's sanctuary, and it is the house of the kingdom.
14And Amos answered and said to Amasias: I am not a prophet, nor am I the son of a prophet: but I am a herdsman plucking wild figs.
15And the Lord took me when I followed the flock, and the Lord said to me: Go, prophesy to my people Israel.
Ephesians 1:3-14
View in: NAB
3Blessed be the God and Father of our Lord Jesus Christ, who hath blessed us with spiritual blessings in heavenly places, in Christ:
4As he chose us in him before the foundation of the world, that we should be holy and unspotted in his sight in charity.
5Who hath predestinated us unto the adoption of children through Jesus Christ unto himself: according to the purpose of his will:
6Unto the praise of the glory of his grace, in which he hath graced us in his beloved son.
7In whom we have redemption through his blood, the remission of sins, according to the riches of his grace,
8Which hath superabounded in us in all wisdom and prudence,
9That he might make known unto us the mystery of his will, according to his good pleasure, which he hath purposed in him,
10In the dispensation of the fulness of times, to re-establish all things in Christ, that are in heaven and on earth, in him.
11In whom we also are called by lot, being predestinated according to the purpose of him who worketh all things according to the counsel of his will.
12That we may be unto the praise of his glory, we who before hoped Christ:
13In whom you also, after you had heard the word of truth, (the gospel of your salvation;) in whom also believing, you were signed with the holy Spirit of promise,
14Who is the pledge of our inheritance, unto the redemption of acquisition, unto the praise of his glory.
Galatians 1:16
View in: NAB
16To reveal his Son in me, that I might preach him among the Gentiles, immediately I condescended not to flesh and blood.
Romans 13:9
View in: NAB
9For Thou shalt not commit adultery: Thou shalt not kill: Thou shalt not steal, Thou shalt not bear false witness: Thou shalt not covet: and if there be any other commandment, it is comprised in this word, Thou shalt love thy neighbour as thyself.