Phung Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này, đặc biệt bài đọc I và Tin Mừng, nêu bật quyền ưu tiên cho việc tiếp đón Thiên Chúa, tiếp đón Lời của Ngài.
St 18: 1-10
Sách Sáng Thế tường thuật ba vị khách bí nhiệm viếng thăm ông Áp-ra-ham. Vị tổ phụ tiếp đãi họ một cách hậu hĩnh. Để đáp lại, họ đoan chắc với ông Áp-ra-ham rằng sang năm vào độ này bà Xa-ra, vợ ông, sẽ sinh hạ một quý tử.
Colossians 1:24-28
Thánh Phao-lô nêu lên cho các tín hữu Cô-lô-xê những đau khổ tù đày của ngài mà ngài dâng hiến cho họ để họ giữ trọn niềm tin vẹn toàn của mình. Vì ơn cứu độ được thực hiện qua gian nan thử thách và được thành toàn chỉ trong và qua Chúa Ki-tô.
Lc 10: 38-42
Tin Mừng tường thuật tấm lòng hiếu khách mà hai chị em, cô Mác-ta và cô Ma-ri-a, tiếp đón Chúa Giê-su. Việc đón tiếp phải ưu tiên dành cho việc lắng nghe Lời Chúa. Đó là chuyện cần thiết duy nhất.
BÀI ĐỌC I (St 18: 1-10)
Chuyện tích nổi tiếng này thuộc chứng liệu Gia-vít (thế kỷ thứ mười trước Công Nguyên, thời đại của vua Sa-lô-mon). Theo chứng liệu này, Thiên Chúa, luôn luôn được gọi dưới danh xưng Gia-vê (Đức Chúa), rất thân cận với con người, nói chuyện với con người, hành xử như một con người. Các chuyện tích về vườn địa đàng, về sự thử thách và sa ngã có cùng một tác giả.
Ngay từ dòng đầu tiên giới thiệu các chương 18 và 19 sách Sáng Thế, tác giả báo trước cho chúng ta rằng chính Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham: “Một hôm, Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê”, ấy vậy, trong câu chuyện ông Áp-ra-ham lại đón tiếp không chỉ là một mà đến ba vị khách. Xa hơn, tác giả xác định rằng hai trong ba vị khách này là hai sứ thần (19: 1). Vài Giáo Phụ đã giải thích ba vị khách này tiên trưng Ba Ngôi Thiên Chúa. Quả thật, sự ngần ngại của bản văn giữa số ít và số nhiều gây bối rối cho độc giả. Truyền thống Ki-tô giáo sau này sẽ theo cùng một giải thích này, bằng chứng rõ ràng nhất là tượng thánh của tu sĩ Nga, André Roublev, được thực hiện ở Moscou vào năm 1425, bức tượng thánh này rất phong phú về biểu tượng.
1. Cụm sồi Mam-rê:
Ông Áp-ra-ham đã dựng lều của mình tại cụm sồi Mam-rê, cách thành Khép-rôn khoảng ba cây số về hướng bắc đất Pha-lệ-tinh. Cụm sồi Man-rê là nơi dân bản địa Ca-na-an cúng tế thần linh của mình, đến lượt mình, ông Áp-ra-ham xem cụm sồi này là thánh địa của mình khi dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa tại đó (St 13: 18). Vì thế, nơi này là nơi thuận tiện cho việc Thiên Chúa tỏ mình ra. Ngài hiện ra với ông trong khi ông Áp-ra-ham đang ngồi ở cửa lều, vào lúc trời nóng nực nhất trong ngày.
2. Những nghi thức bày tỏ lòng hiếu khách:
Khi ba người khách vừa xuất hiện, vị tổ phụ, mặc dầu cao tuổi, chạy đến đón họ. Ông ngỏ lời với họ lúc thì số ít lúc thì số nhiều; nhưng dường như ông phân biệt trong ba vị đó một nhân vật chính và phủ phục trước vị khách này. Đây không là cử chỉ thờ lạy, nhưng bày tỏ lòng tôn kính theo tập tục Đông Phương.
Sau đó, ông bày tỏ lòng hiếu khách theo các nghi thức cổ truyền: nước để làm mát chân và tẩy bụi đường; một bữa ăn được chuẩn bị…Truyền thống Á-rập đã duy trì tập tục này, theo đó người ta đàm luận với nhau trong bữa ăn và tặng quà cho nhau.
“Ông Áp-ra-ham lật đật vào lều tìm bà Xa-ra” hoặc ở trong một lều riêng hay trong cùng một lều có bức màn ngăn cách, nơi ở của người phụ nữ. Bữa ăn đã được chuẩn bị xong; các món ăn được dọn ra trước các vị khách. Theo phong tục tỏ lòng kính trọng khách thời đó, ông Áp-ra-ham không ngồi đồng bàn với khách, nhưng đứng hầu bên cạnh trong khi khách dùng bữa để đáp ứng nhu cầu của khách.
3. Quà tặng của ba vị khách:
Đây là đoạn văn Cựu Ước duy nhất ở đó Đức Chúa được mô tả như một con người, Ngài dùng bữa. Chuyện kể thật sống động và ý nhị, có thể được sánh ví với nhiều chuyện tích nêu bật tấm lòng hiếu khách. Nhưng câu chuyện này có một dáng vẻ đặc biệt. Ở Đông Phương, xưa và nay, người khách không bao giờ hỏi thăm vợ của gia chủ. Đó là điều bất lịch sự, không phải phép. Nhưng những nhân vật mà ông Áp-ra-ham đón tiếp không là những vị khách bình thường: họ chẳng những biết tên vợ của vị tổ phụ mà còn biết cả hoàn cảnh của vợ chồng son sẻ này. Chân tính mầu nhiệm của ba vị khách bắt đầu được vén mở. Để tri ân sự tiếp đón chân thành và hậu hĩnh của gia chủ, họ tặng cho gia chủ một món quà đẹp nhất, quá mức mong đợi: lời hứa ban một quý tử: “Sang năm vào độ này, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai”.
Ở đây cũng vậy, chúng ta có ấn tượng là mình đang sống trong một câu chuyện thần tiên, ở đó một vị thần tiên loan báo cho vua hay hoàng hậu việc chào đời của một hoàng tử hay cô công chúa. Tuy nhiên, phải vượt qua những điểm tương đồng của thể loại văn chương này. Trong những bản văn được biên soạn chín thế kỷ sau khi những biến cố đã xảy ra, chúng ta phải tính đến truyền thống chính truyền, tùy theo mức độ chúng ta có thể gặp lại nó, đến nghệ thuật kể chuyện và ý định thần học của tác giả linh hứng. Ý định thần học này mới là điểm cốt lõi của câu chuyện. Vì thế, không được tách riêng chương 18 và chương 19 ra khỏi mạch văn của sách Sáng Thế; chúng hình thành nên toàn bộ câu chuyện. Đức Chúa đã thân hành ngự xuống trần gian không chỉ để nói chuyện với ông Áp-ra-ham và lập lại lời hứa trước đó với ông một cách chính xác hơn, nhưng còn để trừng phạt những thành phố tội lỗi: thành Xơ-đôm và thành Gô-mô-ra. Trước khi tấn thảm kịch này xảy ra, kinh nghiệm tôn giáo của ông Áp-ra-ham đã trở nên sâu xa – đây là điểm nhắm của bản văn này -; kinh nghiệm này sắp giúp cho vị tổ phụ có đủ bạo dạn để can thiệp vào công việc của Thiên Chúa, mà chúng ta sẽ đọc vào Chúa Nhật tới.
BÀI ĐỌC II (Colossians 1:24-28)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-lô-xê, đây là một trong những bức thư được viết khi thánh nhân bị giam cầm ở Rô-ma giữa năm 60-62. Cung giọng thật thống thiết.
Với tấm lòng đầy cảm xúc, thánh Phao-lô ngỏ lời với các tín hữu Cô-lô-xê, niềm tin của họ có nguy cơ bị biến chất trước mối đe dọa của những giáo thuyết sai lạc. Những đau khổ tù đày cùng với tất cả mọi hoạt động truyền giáo đầy gian nan thử thách của thánh nhân được định vị vào trong cùng hàng với cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô.
1. Những đau khổ sinh nhiều ơn ích:
“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân, cho đủ mức. Như thế là vì lợi ích cho thân thể Người, là Hội Thánh”. Thánh Phao-lô không muốn nói rằng những đau khổ cứu chuộc của Đức Ki-tô còn thiếu sót. Hy tế của Đức Ki-tô đã là hoàn hảo và hoàn toàn hữu hiệu. Đức Giê-su đã chịu đau khổ để khai sinh Nước Trời; nhưng vương quốc này phải được xây dựng và tăng trưởng không ngừng. Được kêu gọi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, thánh nhân mang một nỗi ưu tư đặc biệt đến công việc này. Sứ vụ tông đồ đòi hỏi những nỗi nặng nhọc vất vả. Thánh nhân biết rõ điều này hơn ai hết.
2. “Đức Ki-tô đang ở giữa anh em”:
Đây là câu chủ đạo tóm gọn lời loan báo Tin Mừng: mặc khải về một sự hiện diện, sự hiện diện của Đức Ki-tô Phục Sinh, ở nơi Ngài Thiên Chúa đã tỏ mình ra một cách hữu hình.
Thánh Phao-lô nhắc lại những khía cạnh cốt yếu giáo huấn của thánh nhân bằng ba động từ: “Chính Người là Đấng chúng tôi ‘loan báo’, khi ‘khuyên bảo’ mọi người và dạy dỗ mọi người, với tất cả sự khôn ngoan Thiên Chúa ban, để giúp mỗi người ‘nên hoàn thiện’ trong Đức Ki-tô, trước mặt Thiên Chúa”. Những dòng sau cùng này nhắm đến những giáo lý sai lạc mà những nhà giảng thuyết mạo danh ở Cô-lô-xê đề xướng: vài người đòi hỏi phải nên hoàn thiện bằng việc tuân giữ lề luật Mô-sê, còn những người khác thì nhấn mạnh hành động cứu độ đến từ các thiên thần. Thánh Phao-lô cải chính: sự hoàn thiện và ơn cứu độ chỉ được gặp thấy ở nơi Đức Ki-tô. Chỉ mình Ngài mới có thể “ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang”.
3. Hiệp thông các thánh:
Trong đoạn trích thư này, chúng ta có một bức phác họa về thần học “Nhiệm Thể của Đức Ki-tô”, mà thánh Phao-lô sẽ khai triển trong thư gởi cho các tín hữu Ê-phê-xô (cả hai bức thư được viết cùng một thời kỳ). Có một mối liên đới mật thiết giữa các chi thể và Đầu là Đức Ki-tô. Thần học về sự đau khổ được ghi khắc ở nơi sự liên đới này, sẽ được gọi “sự hiệp thông của các thánh”. Từ đó, niềm vui nội tại có thể được liên kết với sự đau khổ.
TIN MỪNG (Lc 10: 38-42)
Câu chuyện ngắn về hai nhân vật này, cả đều bày tỏ lòng mến đối với Chúa Giê-su bằng hai thái độ khác nhau, là một trong những hạt ngọc của Tin Mừng Lu-ca.
1. Bối cảnh:
Thánh Gioan cho chúng ta biết cô Mác-ta và cô Ma-ri-a là hai người chị của anh La-da-rô. Thánh Gioan còn mô tả hai cách tiếp đón Chúa Giê-su của hai chị em tương tự như thánh Lu-ca: trong bữa ăn thiết đãi Đức Giê-su ở làng Bê-ta-ni-a, cô Mác-ta lo hầu bàn, còn cô Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa Giê-su, lấy dầu thơm quý giá mà xức chân Ngài (Ga 12: 2-3). Thánh Gioan còn cho chúng ta thêm thông tin về gia đình ba chị em này: sau những lần thi hành sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su hay ghé thăm gia đình này, họ là những người bạn thân của Ngài ở làng Bê-ta-ni-a cách thành đô Giê-ru-sa-lem không xa: “Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô” (Ga 11: 5, 33; 12: 1-3).
Thánh Lu-ca không ghi rõ địa danh nơi câu chuyện này xảy ra. Về phương diện địa lý, câu chuyện này không thể xảy ra vào lúc khởi đầu cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su được vì làng Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem khoảng chừng 3 cây số. Nhưng ý định của tác giả thì rõ ràng, nhằm đưa ra một giáo huấn bổ túc cho dụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân lành”. Ở dụ ngôn này, Chúa Giê-su nhắc lại huấn lệnh “yêu người” khi đảo ngược câu hỏi của kinh sư và mở rộng khái niệm người thân cận đến với hết mọi người, đặc biệt là những ai cần đến sự giúp đỡ. Tại nhà cô Mác-ta và cô Ma-ri-a, Chúa Giê-su muốn cho hiểu rằng “mến Chúa” phải đặt ưu tiên hàng đầu trong tất cả mối bận lòng của con người.
2. Hai thái độ một tấm lòng:
Trong câu chuyện này, chúng ta không thấy nói tới cha mẹ của họ, nếu có họ phải là gia chủ ra chào hỏi khách. Vì thế, chúng ta có thể hiểu hoàn cảnh của gia đình này, cha mẹ đã qua đời sớm, ba chị em đùm bọc nhau. Với tư cách là chị cả, cô Mác-ta quán xuyến mọi việc trong gia đình; vì thế trong việc đón tiếp Chúa Giê-su, cô bận rộn lo toan đủ mọi thứ hầu bày tỏ tấm lòng tấm lòng quý mến của cô đối với Chúa Giê-su, Ngài không chỉ là khách mời mà còn là một người bạn thân trong gia đình.
Từ lúc Chúa Giê-su bước vào nhà, cô em gái là Ma-ri-a “cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy”. Thái độ như vậy xem ra không phù hợp với phong tục tập quán vào thời đó cho lắm, vì phụ nữ không được phép dự phần vào giáo huấn của các kinh sư. Chúng ta chẳng có gì phải ngạc nhiên khi gặp thấy nét bút này của thánh Lu-ca, thánh ký rất quan tâm đến sự hiện diện của các người phụ nữ trong vòng thân cận với Chúa Giê-su và việc các người phụ nữ góp công góp của vào sứ vụ của Ngài.
Cô Mác-ta tất bật lo việc phục vụ Chúa một bữa ăn, còn cô Ma-ri-a thì ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe lời Ngài. Vì thế, cô Mác-ta nóng ruột thưa với Chúa: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo em con giúp một tay”. Cô tin rằng Chúa cũng đồng ý với cô; ấy vậy, Chúa Giê-su chẳng những trách khéo cô mà còn bênh vực cô Ma-ri-a nữa: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.
3. Phục vụ hay lắng nghe?
Với lối chủ giải tượng trưng đặc thù của mình, các Giáo Phụ đã đọc thấy nơi công việc phục vụ của cô Mác-ta và nơi việc lắng nghe lời Ngài của cô Ma-ri-a hai cách thế hiện diện không thể thiếu được của Giáo Hội trong cuộc sống tại thế: đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động. Trong hai công việc đó, việc“Ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Ngài” phải là ưu tiên, bởi vì việc lắng nghe Lời Chúa khơi nguồn và định hướng cho mọi công việc phục vụ của Giáo Hội. Trong Tin Mừng của mình, thánh Lu-ca thường ghi nhận rằng ngay từ sáng sớm Chúa Giê-su một mình đi vào nơi thanh vắng để trò chuyện với Chúa Cha trước khi bắt đầu một ngày mới bận rộn với sứ vụ của mình.
Tuy nhiên, Đức Giê-su cũng đã không bao giờ coi thường công việc phục vụ. Chính Ngài đã công bố về sứ vụ của mình: “Con Người đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ”. Khi các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai trong nhóm họ là người lớn nhất, Chúa Giê-su căn dặn các ông: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22: 24-27).
Điều Ngài quở trách cô Mác-ta không phải vì cô quan tâm phục vụ Ngài cho thật chu đáo và nồng hậu, nhưng vì cô để hết cả tâm trí vào việc phục vụ đến mức xao lãng một hình thức tiếp đón khác: ngồi hầu chuyện với khách mời của mình, đó mới là điều quan trọng bậc nhất trong trường hợp này, bởi vì lời mà cô Ma-ri-a lắng nghe chính là Lời Thiên Chúa. Giáo huấn này được xác minh sau này khi Chúa Giê-su căn dặn các môn đệ: “Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm…Hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12: 29-31).
Phải đặt ưu tiên cho một chuyện cần thiết duy nhất: lắng nghe Lời Chúa. Cũng chính thánh Lu-ca trong sách Công Vụ tường thuật rằng chính vì mối bận tâm đặt ưu tiên cho việc phục vụ Lời Thiên Chúa mà nhóm mười hai Tông Đồ thiết lập nhóm Bảy người: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6: 2-4).
Lm Inhaxiô Hồ Thông
nguồn kinhthanhvn.org