Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIII này cho chúng ta thoáng thấy, qua những dấu chỉ, cuộc thay hình đổi dạng của những người được cứu độ.
Isaiah 35:4-7
Ngôn sứ I-sai-a loan báo rằng Thiên Chúa sắp can thiệp để giải phóng họ khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lon. Những dấu chỉ báo trước ơn cứu độ của Ngài, đó là giải phóng con người khỏi những quyền lực sự dữ.
Gc 2: 1-5
Trong đoạn trích thư Gia-cô-bê, thánh nhân nhắc nhở rằng trong cộng đoàn của những người đã đón nhận ơn cứu độ, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào giữa người giàu và người nghèo, bởi vì Thiên Chúa dành chỗ ưu tiên cho người nghèo.
Mc 7: 31-37
Thánh Mác-cô tường thuật việc Đức Giê-su chữa lành một người vừa câm vừa điếc ở miền Thập Tỉnh, việc chữa lành này là giáo huấn về dấu chỉ thời Mê-si-a, thời cứu độ của Thiên Chúa.
BÀI ĐỌC I (Isaiah 35:4-7)
Bản văn nầy được đưa vào trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhất (ch. 1-39), thuộc một trong những ngôn sứ tiền lưu đày, vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên. Nhưng rõ ràng giọng văn lại là của vị ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (40-55), thuộc một trong những ngôn sứ thời lưu đày với một viễn cảnh đặc thù của ông: ngày giải phóng những người lưu đày ở Ba-by-lon sắp đến rồi.
1. Ngày giải phòng sắp đền gần rồi:
Vị ngôn sứ mời gọi những người lưu đày: “Hãy can đảm lên, đừng sợ!”, vì sắp tới ngày Thiên Chúa báo phục cho dân Ngài, ngày Thiên Chúa giải phóng họ khỏi những kẻ áp bức họ. Và ông trưng dẫn hai dấu chỉ của thời cứu độ này: những bệnh hoạn tật nguyền thể lý sẽ biến mất và sa mạc sẽ không còn vùng đất khô cằn nữa, vì trên con đường hồi hương trở về (từ Ba-by-lon đến Giê-ru-sa-lem, phải băng qua sa mạc Sy-ri) Thiên Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu: “kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” và “miền nóng bỏng biến thành hồ ao, đất khô khan có suối nước dâng trào”.
Chắc chắn những hình ảnh nầy là lối nói ngoa dụ để diễn tả niềm hân hoan của những người lưu đày khi gặp lại cố hương. Nhưng sâu xa hơn, những hình ảnh nầy diễn tả một thực tại tinh thần. Thiên Chúa đã bày tỏ lòng xót thương; Ngài đã không còn nhớ đến những tội lỗi của dân Ngài và đưa họ trở về quê cha đất tổ, theo cách nào đó, Ngài làm mới lại Giao Ước của Ngài với họ.
2. Giải phóng khỏi những quyền lực sự ác:
Những người mù sẽ được sáng mắt để được nhìn thấy ý nghĩa sâu xa của biến cố; những người điếc nghe được những tin vui và những người què sẽ vui mừng hớn hỡ. Trong một đoạn văn trước đó trong cùng văn mạch, chúng ta đọc thấy: “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát khỏi cảnh mù lòa tối tăm và sẽ được nhìn thấy. Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Ít-ra-en, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng” (Isaiah 29:18-19). Chúng ta có thể xác định thêm nữa. Vào thời nầy, cũng như vào thời Đức Giê-su, những tật nguyền thể lý được coi như những hình phạt vì tội lỗi (Ga 9: 1-3). Vì thế, nếu những người mù được mở đôi mắt để thấy, nếu những người điếc được mở đôi tai để nghe, chính vì những nguyên nhân gây nên những đau khổ của họ đã biến mất: những tội lỗi của họ đã được tha thứ.
Rõ ràng, sấm ngôn mang chiều kích Mê-si-a: “Chính Người sẽ đến cứu anh em”, nghĩa là, Ngài bày tỏ lòng xót thương và ban ơn tha thứ tội lỗi của thế giới. Việc chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền thể lý là tiên báo việc chữa lành những đau khổ của tâm hồn. Khi Gioan Tẩy Giả băn khoăn muốn biết phải chăng Đức Giê-su thật sự là Đấng Mê-si-a, Đức Giê-su trả lời cho ông qua những người được thánh nhân sai đến: “Các ông cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được…” (Matthew 11:4). Đây là những dấu chỉ thời Mê-si-a mà các ngôn sứ đã báo trước. Tin Mừng hôm nay khẳng định lời loan báo nầy.
BÀI ĐỌC II (Gc 2: 1-5)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Gia-cô-bê. Bản văn là kim chỉ nam thực hành những nhân đức, trong đó đức khó nghèo chiếm một chỗ quan trọng.
1. Thái độ phản chứng đối với những giá trị Tin Mừng.
Có sự phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo trong buổi hội họp cộng đoàn Ki-tô hữu, vì thế thánh nhân đã lên án nghiêm khắc thái độ phản chứng đối với những giá trị Tin Mừng này. Cách tiếp đón ân cần vồn vã và khúm núm đối với những người giàu và cách chào đón khinh thường đối với những người nghèo lại trở nên kỳ chướng hơn nữa khi những người Ki-tô hữu họp nhau lại để cầu nguyện và chúc tụng “Đức Giê-su Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang”.
2. Tình huynh đệ Ki-tô hữu:
Thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh rằng tình huynh đệ Ki-tô hữu phải cho thấy không có bất kỳ cách đối xử thiên tư nào. Xem ra trong cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do thái mà thánh nhân ngỏ lời có một sự phân biệt đáng kể giữa những người nghèo và những người giàu, những người hèn mọn và những người có địa vị trong xã hội. Chúng ta phải nhắc nhở cho những người giàu chỗ danh dự mà Thiên Chúa đã ban cho những người nghèo trong ý định của Ngài. Phù hợp với truyền thống Kinh Thánh liên quan đến “những người nghèo của Đức Chúa”, thánh Gia-cô-bê ca ngợi tấm lòng rộng mở và tràn đầy niềm tin của những người nghèo: người nghèo thì “giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc”.
TIN MỪNG (Mc 7: 31-37)
“Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tinh”: Ngài rảo khắp vùng đất dân ngoại để thi hành sứ mạng của mình. Chúa Giê-su vừa mới chữa lành đứa con gái người phụ nữ dân ngoại (7: 24-30), giờ đây Ngài sắp thi ân giáng phúc cho một người dân ngoại khác, người vừa câm vừa điếc. Mác-cô là tác giả duy nhất trong bốn thánh ký thuật lại việc chữa lành người câm điếc này. Cuộc hành trình qua lãnh địa rộng lớn của dân ngoại có thể do ý định của Mác-cô như tham dự trước sứ mạng của Giáo Hội cho dân ngoại.
1. Tác nhân chính của việc chữa lành:
Thánh Mác-cô đã dàn dựng hoạt cảnh chữa lành nầy khá đặc biệt: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”. Vào thời Đức Giê-su, người ta cho là nước miếng có hiệu lực chữa lành, đặc biệt hơn đối với mắt, như một trong những bản văn của sử gia La-tin, Tacite, làm chứng điều nầy (Tacite, Histoire, IV, 8, 1.). Đức Giê-su cũng sẽ dùng cách thức nầy trong việc chữa lành người mù ở Bết-xai-đa (Ga 9: 6). Đang ở giữa vùng đất dân ngoại, Chúa Giê-su đã thích ứng lối chữa bệnh rất phổ biến này vào môi trường của họ. Loại chữa bệnh này được gặp thấy đầy dẫy trong các giai thoại ở vùng đất dân ngoại thời đó, nên các độc giả đầu tiên của Tin Mừng Mác-cô chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, vì họ biết các tập tục của những người đương thời với họ.
Tuy nhiên, tác nhân chính của việc chữa lành chính là “lời của Đức Giê-su” mà thánh Mác-cô trích dẫn bằng tiếng A-ram “Ép-pha-ta” nghĩa là “hãy mở ra”. Ở giữa bản văn Hy ngữ, thánh ký đã gìn giữ những lời A-ram của Chúa Giê-su như câu chuyện phục sinh con gái của ông Gia-ia: “Ta-li-tha-khum”, nghĩa là: “Này cô bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!” (5: 41). Đừng thấy ở nơi chi tiết này ý muốn gây nên một điều kỳ lạ đến sửng sốt, nhưng đúng hơn nổi bận lòng về tính xác thực: chính những lời nầy của Đức Giê-su chứ không gì khác, đã có hiệu lực chữa lành và phục sinh người chết.
Người ta có thể nghĩ rằng việc Đức Giê-su chữa lành người câm điếc nầy có kèm theo lời cầu nguyện: “Người ngước mắt lên trời” chỉ cho thấy tác động của lời cầu nguyện. Sau nầy, Đức Giê-su chữa lành một em bé bị quỷ ám bằng lời cầu nguyện, mà trước đó, các môn đệ đã không thể vì thiếu lời cầu nguyện (Mc 9: 28-29).
2. Ý nghĩa cử chỉ của Đức Giê-su:
Dù thế nào, chúng ta cũng thắc mắc những cử chỉ nầy của Đức Giê-su có ý nghĩa gì, khi kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông và chỉ có các môn đệ Ngài là những chứng nhân. Lời giải thích chắc chắn được gặp thấy ở nơi toàn cảnh của các chương 6, 7 và 8 của Tin Mừng Mác-cô. Kể từ phép lạ bánh hóa nhiều, thánh ký nêu bật tâm trí quá ngu muội của các môn đệ: “Các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội” (6: 52). Đức Giê-su quở trách sự mù lòa và câm điếc của các ông trước sứ điệp của Thầy mình: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (8: 18).
Đúng là những lời quở trách nầy được thốt lên vào thời điểm phân cách hai việc chữa lành: việc chữa lành người vừa câm và vừa điếc ở đây và chữa lành một người mù ở Bết-xai-đa sau này (8: 22-26). Hai việc chữa nầy được thuật lại gần giống nhau. Trong cả hai trường hợp, Đức Giê-su cách ly bệnh nhân, và trong cả hai trường hợp, việc chữa lành không ngay lập tức (việc chữa lành anh mù ở Bết-xai-đa được thực hiện qua hai giai đoạn). Cuối cùng, trong cả hai trường hợp, thánh ký đều cho thấy chỉ có các môn đệ là những chứng nhân.
Làm thế nào chúng ta không thể hiểu rằng cử chỉ nầy là một dấu chỉ được diễn tả bằng hành động như hành động biểu tượng mà các ngôn sứ đã từng thực hiện kèm theo những lời cảnh báo của họ: như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đập vỡ tan từng mãnh một bình gốm trước cổng thành Giê-ru-sa-lem để loan báo cuộc tàn phá thành thánh Giê-ru-sa-lem sắp đến gần rồi, hay như ngôn sứ Ê-dê-ki-en thực hiện dáng điệu của một người bị phát lưu trong nhiều ngày liền để loan báo cho đồng bào của mình số phận đang chờ đợi họ. Cũng theo một cách như vậy, Đức Giê-su đã tỏ cho thấy các môn đệ đã chậm hiểu như thế nào; Ngài muốn họ hiểu rằng Ngài đã đổ hết công sức như thế nào để khai lòng mở trí cho họ hiểu sứ điệp và con người của Ngài. Rõ ràng, lệnh truyền “Hãy mở ra” được gởi trực tiếp đến từng môn đệ của Ngài, họ là những người vừa câm vừa điếc.
3. Không được tiết lộ cho ai biết:
Lẽ ra sau khi bệnh nhân được chữa lành, trình thuật có thể chấm dứt ở đây. Tuy nhiên, một lần nữa, Chúa Giê-su truyền cho những người chứng kiến phải giữ kín chuyện này, không được tiết lộ cho ai biết, như trước kia Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho người phong hủi được chữa lành (1: 44) và cho gia đình của cô bé được sống lại (5: 43). Trong sách Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô thường nhấn mạnh lệnh cấm này mà các nhà chuyên môn gọi là “Bí Mật Đấng Thiên Sai”. Trong tất cả các trường hợp ấy, Đấng Mê-si-a đã biểu lộ quyền năng Nước Thiên Chúa nơi bản thân Ngài. Tuy nhiên Ngài không muốn công bố sứ mệnh Mê-si-a trước kỳ hạn, bởi vì người ta có thể hiểu sai tư cách “Mê-si-a” của Ngài. Tước hiệu này Ngài chỉ nhận được cách thỏa đáng qua lời tuyên xưng đầy ý thức của Phê-rô nhân danh các môn đệ (8: 30). Và tước hiệu ấy sẽ chỉ nhận được ý nghĩa trọn vẹn qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.
4. Phản ứng của dân chúng:
“Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra”: Như vậy, ngay lúc này đây, Mác-cô lại cho thấy rõ là lệnh truyền giữ im lặng của Chúa Giê-su đã bị người ta cố tình vi phạm. Sở dĩ như thế là vì trong khi Mác-cô ghi lại trình thuật này, Tin Mừng Chúa Ki-tô Cứu Thế đã loan ra đến tận các vùng dân ngoại, đến tận cả Rô-ma. Giờ đây quả thực tốt đẹp biết bao vì Tin Mừng ấy đã được “rao truyền” ở giữa lòng thế giới.
Lời phát biểu của đám đông: “Ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được” ám chỉ đến sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a (bài đọc I), như vậy, sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a đã được ứng nghiệm nơi sứ vụ của Chúa Giê-su, Ngài là Đấng đến để giải phóng con người khỏi quyền lực sự dữ. Cuối cùng, thánh Mác-cô còn muốn trình bày ở đây phản ứng của quần chúng ngoại giáo bằng một lời tuyên xưng đức tin rất mãnh liệt. Họ dùng những lời của ngôn sứ I-sai-a để chúc tụng Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su thực sự mời gọi các bạn hữu của Ngài – kể cả Mác-cô cũng như các độc giả của ông – mở rộng tấm lòng mà đón nhận lời nói và hành động của Ngài, đồng thời can đảm “rao truyền” lời nói và hành động của Ngài cho thế giới.
Lm Inhaxiô Hồ Thông