Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết tận dụng của cải ở đời này mà lo toan đến của cải tinh thần.
Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết tận dụng của cải ở đời này mà lo toan đến của cải tinh thần, vì của cải tinh thần mới là của cải chân thật, không hề bị hư hoại, và mới có thể đưa chúng ta vào Nước Trời.
Amos 8:4-7
Ngôn sứ A-mốt phê phán thói tham lam của những phú thương Sa-ma-ri: thay vì cử hành những ngày đại lễ để kính Đức Chúa, thì họ lại lợi dụng các ngày đại lễ để mà gian lận đầu cơ trục lợi những người cùng khốn và những kẻ nghèo hèn trong xứ.
1Tm 2: 1-8
Lời cầu nguyện được định vị vào trong số những của cải mà người Ki-tô hữu có. Thánh Phao-lô xin ông Ti-mô-thê quan tâm đến tính phổ quát của lời cầu nguyện trong những buổi hội họp phụng vụ của Giáo Đoàn Ê-phê-sô, vì Đức Ki-tô là Đấng Trung Gian duy nhất hoàn vũ của ơn cứu độ.
Lc 16: 1-13
Qua dụ ngôn người quản gia bất lương, Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ Ngài hãy tỏ ra khôn khéo trong việc phân phát của cải tinh thần mà Ngài giao phó cho họ cai quản. Họ phải chứng tỏ cho thấy mình xứng đáng với sự tín nhiệm của chủ: “Ai trung tín trong những việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong những việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em”.
BÀI ĐỌC I (Amos 8:4-7)
A-mốt là vị ngôn sứ bút ký đầu tiên. Ông công bố sứ điệp báo oán ở vương quốc miền Bắc (miền Ga-li-lê, thủ đô là Sa-ma-ri) vào giữa thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên. Tuy nhiên, ông xuất thân ở vùng Tơ-cô-a, gần Bết-lê-hem, thuộc vương quốc miền Nam, sống bằng nghề chăn cừu (1: 1) và chăm sóc cây sung (7: 14).
1. Ơn gọi:
A-mốt được Chúa gọi làm ngôn sứ của Ngài. Đây không lần đầu tiên cũng không là lần cuối cùng Thiên Chúa chọn một người chăn chiên để truyền đạt sứ điệp của Ngài. Chúng ta không biết Chúa gọi ông A-mốt trong hoàn cảnh nào, nhưng vị ngôn sứ nói về ơn gọi làm ngôn sứ của ông như không thể nào cưỡng kháng lại được: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã phán, ai chẳng nói tiên tri?” (3: 8).
Vốn là một người giản dị, quen với cuộc sống thanh đạm, gần gũi với thiên nhiên, A-mốt được Chúa sai đến vương quốc miền Bắc, vào lúc đó rất phồn vinh, để nhắc nhở dân chúng những huấn lệnh của Thiên Chúa: thực thi công chính, sống khiêm hạ, bảo vệ những người bị áp bức và những kẻ nghèo hèn trong xứ.
2. Bối cảnh vương quốc miền Bắc:
Vào thời đó, dưới triều đại vua Gia-róp-am II, vương quốc miền Bắc trở nên thịnh vượng và thanh bình. Thời kỳ cực thịnh này kéo dài suốt bốn mươi năm, có thể được sánh ví với thời kỳ hoàng kim dưới triều đại của vua Sa-lô-mon.
Tuy nhiên, chỉ lớp có quyền có thế mới hưởng được sự thịnh vượng nầy. Những quan lại, điền chủ và tầng lớp thương gia cấu kết với nhau ra sức áp bức bốc lột những kẻ nghèo hèn và thấp cổ bé miệng trong xứ. Giai cấp nầy huênh hoang tự đắc rằng chính nhờ tài trí của họ mà đất nước được vui hưởng cảnh thanh bình thịnh trị; và việc phụng tự ở những đền thánh trong vương quốc, như Bết-Ên hay Ghin-gan, có được vẽ huy hoàng rực rỡ là nhờ vào tiền đóng góp của họ. Họ cho rằng Thiên Chúa phải hài lòng với họ, vì mọi việc diễn tiến tốt đẹp.
Vì thế, thực hành tôn giáo đã trở thành những buổi phụng tự phô trương và những lễ hội linh đình, nhưng chỉ là trống rỗng, bởi vì chúng không tác động đến lương tâm của quần chúng. Tôn giáo không có bất cứ ảnh hưởng nào trên đời sống luân lý, chỉ như một loại ngụy trang cho phép những kẻ quyền thế làm bất cứ điều gì họ muốn và như một thứ thuốc phiện để ru ngủ quần chúng quên đi nhưng cảnh cùng khổ và bất công mà họ phải chịu. Hậu quả rõ nét là sự bất công xã hội tràn lan, tương phản với những phẩm chất của dân Thiên Chúa.
3. Nhân cách ngôn sứ của A-mốt :
Đây là hoàn cảnh vương quốc miền Bắc mà ông A-mốt được sai đến để loan báo sứ điệp của Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh bi thương như thế, vị ngôn sứ không thể không công kích dữ dội giai cấp cầm quyền thối nát và những kẻ giàu có hám lợi (5: 7, 10-12; 6: 1-14). Trong đoạn trích hôm nay, vị ngôn sứ tố cáo những phú thương lợi dụng các ngày đại lễ để gian lận đầu cơ trục lợi những kẻ bị áp bức và những người nghèo hèn trong xứ (8 : 4-6). Vị ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa mà tuyên án : “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (8 : 7).
Trong hoàn cảnh xã hội thối nát về mặt luân lý như vậy, không thể nào khác hơn là phải công kích bằng những lời lẽ thẳng thắn, bộc trực, không vì bất kỳ ân ban lợi lộc nào có thể làm thay đổi cung giọng của vị ngôn sứ được và cũng không bất kỳ chống đối hay hăm dọa nào có thể làm cho vị ngôn sứ phải nao lòng mà chùn bước được. Không bao lâu sau đó những thành phần bị công kích phản ứng.
Hoàn cảnh được gói gọn vào một buổi chiều giữa ngôn sứ A-mốt và tư tế đền thờ Bết Ên là ông A-mát-gia. Trước đó, tư tế A-mát-gia đã mật báo với vua rằng ông A-mốt âm mưu chống lại vua ngay trên lãnh địa của vua bằng cách tố cáo sự bất công và hăm dọa án phạt của Thiên Chúa. Trong cuộc gặp gỡ này, tư tế A-mát-gia bảo ngôn sứ A-mốt đừng đến đây quấy rầy họ và hãy trở về đất Giu-đa làm nghề ngôn sứ mà kiếm ăn. Sự căng thẳng giữa lời rao giảng của vị ngôn sứ và sự bác bỏ của vị tư tế tham dự trước đến tám trăm năm việc các vị lãnh đạo tôn giáo chống đối sứ vụ của Đức Giê-su. Trong trường hợp Đức Giê-su cũng vậy, giai cấp lãnh đạo tôn giáo phải vận động đến chính quyền dân sự để khai trừ “tên phản động” dám phê bình chỉ trích tình trạng hiện hành.
Nhân cách của ngôn sứ A-mốt có thể được tóm gọn trong những lời nhận xét sau đây : “Không một ngôn sứ nào gần gũi với thế giới ngày nay bằng A-mốt. Ông đã can đảm tố cáo những bất công trong xã hội nước Ít-ra-en ở thế kỷ thứ tám. Ông đã trở nên lương tâm của đất nước và cất tiếng nói thay cho những người thấp cổ bé miệng. Bài học quan trọng mà A-mốt vẫn còn muốn nhắc nhở các Ki-tô hữu hôm nay đó là: công bằng xã hội là chuyện của tôn giáo. Lòng đạo đức thật sự được đo lường bằng lối sống ở phố chợ hơn là ở nhà thờ” (Nhóm phiên dịch CGKPV, Dẫn Nhập Các Ngôn Sứ, tr. 702).
BÀI ĐỌC II (1Tm 2: 1-8)
1. Thân thế của ông Ti-mô-thê:
Ti-mô-thê vừa là một môn đệ vừa là cộng sự viên trung tín của thánh Phao-lô. Thánh nhân đã gặp người môn đệ này ở Lýt-ra, miền Tiểu Á, trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai của thánh nhân. Sách Công Vụ nói với chúng ta ông được cộng đồng chứng nhận là một người Ki-tô hữu đạo hạnh (Cv 16: 2). Thánh Phao-lô muốn ông đồng hành với thánh nhân trong những cuộc hành trình truyền giáo.
Cha ông là người Hy-lạp, mẹ và bà ngoại của ông là người Do-thái. Ngay từ thuở nhỏ ông đã được mẹ và bà ngoại nuôi nấng dạy dỗ Kinh Thánh, vì thế ông hiểu biết thấu đáo Kinh Thánh. Thánh Phao-lô và ông Ti-mô-thê đã cộng tác với nhau mật thiết đến độ trong số những thư của thánh nhân có đến sáu bức thư đều có ông Ti-mô-thê đồng kính gởi.
Thánh Phao-lô đã ký thác cho ông Ti-mô-thê Giáo Đoàn Ê-phê-sô. Thánh Phao-lô rất yêu quý Giáo Đoàn này mà ngài đã thành lập và đổ nhiều công sức. Qua vị đứng đầu cộng đoàn thánh nhân thăm hỏi hết thảy mọi thành viên trong cộng đoàn.
Thật khó để xác định niên biểu thư này, vì những năm tháng sau cùng cuộc đời của thánh Phao-lô chỉ được phỏng đoán. Tuy nhiên, thư thứ hai gởi cho Ti-mô-thê được viết chẳng bao lâu trước cuộc tử đạo của thánh nhân (năm 67), thư thứ nhất chắc chắn được viết sau thư thứ hai độ hai hay ba năm.
2. Ơn cứu độ phổ quát:
Thánh Phao-lô khuyên nên cầu nguyện không ngừng. Ở đây thánh nhân nhấn mạnh tính hoàn vũ mà lời cầu nguyện phải mặc lấy trong các buổi họp cộng đoàn. Phải cầu nguyện cho hết mọi người, vì Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Chính vì mục đích này mà lời cầu nguyện phải là cầu xin, khẩn nguyện và nài van. Thánh Phao-lô còn thêm “tạ ơn cho tất cả mọi người”, thái độ này hoàn toàn phù hợp với truyền thống Kinh Thánh, theo đó người tín hữu tin chắc chắn rằng lời cầu nguyện của mình được nhận lời. Nhưng thánh nhân định vị ngài đặc biệt vào trong tinh thần Giáo Hội hướng lời cầu nguyện cộng đoàn theo chiều kích tạ ơn và gọi phụng vụ cốt yếu của mình là tạ ơn.
3. Cầu nguyện cho tất cả những người cầm quyền:
Thánh nhân đã bày tỏ – và giải thích – bổn phận của người công dân trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt. Thật thế, làm điều thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ…” (Romans 13:1-7). Nhưng khi thánh Phao-lô viết cho Ti-mô-thê, hoàng đế vào lúc đó là Nê-ron, kẻ bách hại đầu tiên các Ki-tô hữu và điên cuồng sát hại họ vào năm 64.
Đừng quên rằng thánh Phao-lô xưa kia là một kinh sư; lập trường của ngài được sáng tỏ nếu chúng ta nhớ lại một sự kiện lịch sử quan trọng. Kể từ thời hoàng đế Âu-gút-tô, người Do thái được hưởng đặc ân là cầu nguyện với Thiên Chúa của mình cho hoàng đế, mà không bị buộc phải kêu cầu thần Jupiter hay vị thần linh dân ngoại nào. Bao lâu đế quốc Rô-ma vẫn còn, dân Do thái được đặc quyền này. Người Do thái không bị buộc thờ lạy hoàng đế được phong thần phong thánh. Lẽ nào thánh Phao-lô có thể nghi ngờ rằng người Ki-tô hữu, xuất thân từ Do-thái giáo, bị chối từ được hưởng đặc ân này? Tuy nhiên, câu cuối cùng để cho thấy một mối lo lắng nào đó về tương lai: “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”.
4. Chỉ có một Thiên Chúa và chỉ có một Đấng Trung Gian là Đức Ki-tô.
Lời nguyện phổ quát mà thánh Phao-lô căn dặn đặt nền tảng trên sự duy nhất của Thiên Chúa và Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Ki-tô.
Lời tuyên tín mà thánh nhân công bố có thể là lời trích dẫn của một bản văn phổ biến trong Giáo Hội tiên khởi. Khởi đầu là lời khẳng định: “Vì Thiên Chúa thì chỉ có một”, tương tự với lời khẳng định khởi đầu lời kinh nguyện hằng ngày của người Do thái (shema). Tiếp đó, thánh nhân nhấn mạnh phẩm chất duy nhất của Đức Ki-tô: “Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người cũng chỉ có một: đó là Đức Giê-su Ki-tô”. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giê-su vừa là con người vừa là Thiên Chúa; vì thế, với tư cách là con người, chỉ duy một mình Ngài mới có thể “tự hiến làm giá chuộc mọi người”. Diễn ngữ thánh Phao-lô dùng cũng là diễn ngữ mà Chúa Giê-su đã dùng theo Mát-thêu và Mác-cô: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Matthew 20:28; Mc 10: 45).
Việc thánh Phao-lô nhấn mạnh phẩm chất của Đức Giê-su, Đấng trung gian duy nhất và hoàn vũ chắc chắn là lời đáp trả cho những niềm tin Do-thái giáo vẫn còn sống động giữa vài người Ki-tô hữu xuất thân từ Do-thái giáo, theo niềm tin này, các thiên thần được gán cho một vai trò cầu bầu. Thánh Phao-lô dựa những lời khuyên bảo của mình trên ơn gọi làm tông đồ cho dân ngoại của ngài.
Câu cuối cùng trở lại với động cơ cầu nguyện (kỷ thuật văn chương đóng khung). Thánh nhân đòi hỏi rằng cử chỉ giơ tay lên khi cầu nguyện phải tương xứng với tư thế sẵn sàng bên trong: “tâm hồn thánh thiện và đức ái huynh đệ”.
TIN MỪNG (Lc 16: 1-13)
Trong suốt cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su giáo huấn những phẩm chất cần phải có để làm môn đệ Ngài, nhằm một mục đích duy nhất là được gia nhập Nước Trời: siêu thoát những của cải trần thế, từ bỏ bản thân, mang lấy thập giá của mình, sẵn lòng chịu trách nhiệm nghiêm trọng và xem ơn cứu độ như là của cải tối thượng, kho tàng không hề hư hoại. Chương 16 nêu lên vấn đề về thái độ đối với tiền bạc. Chương này bắt đầu với dụ ngôn “người quản gia bất lương” và hoàn tất với dụ ngôn “ông phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó”. Hai dụ ngôn này phụ thuộc lẫn nhau và soi sáng cho nhau.
Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần thứ nhất là dụ ngôn “người quản gia bất lương”, phần riêng của thánh Lu-ca; phần thứ hai, có chung với thánh Mát-thêu, là giáo huấn của Chúa Giê-su về việc quản lý của cải tinh thần, phần này hoàn tất với một suy tư về của cải.
1. Vấn đề:
Dụ ngôn “người quản gia bất lương” nêu lên nhiều vấn đề cho các nhà chú giải, nhất là vấn đề biết ai là người phú hộ? Danh xưng “kurios” được dùng ở đây có thể được hiểu là “Chúa”, như thế chỉ Đức Giê-su (thánh Lu-ca sử dụng tước hiệu này nhiều lần, trái với thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu), nhưng cũng có thể được hiểu là “ông chủ”, như thế chỉ gia chủ giàu có, ông đã thuê viên quản gia này. Theo tập quán Do thái thời đó, viên quản gia là người được toàn quyền thay chủ trông coi gia sản của chủ. Các nhà chú giải chia thành hai do “từ hai nghĩa” này.
Nhưng ngay liền sau đó, câu tiếp theo lại nêu lên vấn đề, ai đã có thể nói: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” nếu không là Đức Giê-su? Hơn nữa, khởi đi từ những lời: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”, không có gì phải phân vân nữa. Đây rõ ràng là biểu thức Chúa Giê-su sử dụng trong bài giảng trên núi.
Mặt khác, chúng ta nhớ rằng trong các sách Tin Mừng, đây không là trường hợp duy nhất Chúa Giê-su quy chiếu đến hạnh kiểm không gì tốt đẹp của nhân vật để từ đó rút ra bài học của Ngài, ví dụ như viên quan tòa bất chính, “ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”. Viên quan tòa này, sau một thời gian dài từ chối biện hộ cho một bà góa, nhưng cuối cùng đành phải bênh vực bà góa này vì bà cứ năm phen bảy lượt van xin mãi đến đinh tai nhóc óc (Lc 18: 1-8). Nếu như Đức Giê-su không nhấn mạnh tính bất chính của viên quan tòa này, liệu nhân tố kích thích của dụ ngôn có thể được sinh động hay không. Cũng trường hợp như vậy đối với viên quản gia bất lương. Có một bài học mâu thuẩn phải rút ra từ sự khôn khéo của y.
2. Bận lòng đến tương lai trần thế:
Viên quản gia đã biển thủ của cải của chủ mình. Chuyện đến tai ông chủ, ông liền gọi anh đến và nói với anh: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy thanh toán sổ sách công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa?”. Vì thế, anh bị lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, nếu không tìm được một lối thoát. Anh tự nhủ: “Mình biết phải làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”; lúc đó anh vận dụng thủ đoạn xảo trá mà dụ ngôn mô tả. Anh biết tận dụng thời gian đương nhiệm còn lại của mình nhờ của cải không phải của anh để mà sau này những con nợ của chủ biết ơn anh và hậu tạ anh.
Anh được chủ khen ngợi không phải cái tính bất lương của anh, nhưng sự khôn khéo, biết lo toan, tính toán làm sao cho tương lai của mình được đảm bảo sau này. Chính ở nơi những nổ lực này mà Chúa Giê-su muốn thính giả của Ngài để tâm lưu ý đến. Ngài chuyển dụ ngôn từ tương lai trần thế sang tương lai vĩnh cửu. Nếu con cái ánh sáng để hết tâm trí vào ơn cứu độ của mình cũng sinh động như người quản gia bất lương này thì tốt biết mấy. Họ sẽ sử dụng tối đa cuộc sống tràn thế của mình để đảm bảo cho mình được tiếp đón trong Nước Trời: không phải tên biển thủ của dụ ngôn đã bày tỏ sự khinh miệt của anh đối với tiền của khi sử dụng nó như phương tiện để đạt cho bằng được mục đích của anh là đảm bảo cho mình một tương lai sao?
3. Quan tâm đến tương lai vĩnh cửu:
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”. Chúa Giê-su phát biểu như một ông chủ sở hữu của cải tinh thần mà môn đệ của Ngài sẽ là những quản gia. Họ phải biết tỏ ra khôn khéo trong việc phân phát của cải tinh thần mà Ngài giao phó cho họ cai quản. Của cải tinh thần này mới là của cải chân thật duy nhất, không hề hư hoại. Họ phải chứng tỏ cho thấy mình xứng đáng với sự tín nhiệm của chủ: “Ai trung tín trong những việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong những việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em”. Cuối cùng, Chúa Giê-su cảnh giác coi chừng đừng làm tôi hai chủ: “Thiên Chúa hay Thần Tài”.
Lm Inhaxiô Hồ Thông