Suy Niệm Chúa Nhật XXX Thường Niên C

Các bản văn Chúa Nhật này ca ngợi tấm lòng khiêm hạ trong cầu nguyện.

Một lần nữa, Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật mời gọi chúng ta suy niệm về chủ đề cầu nguyện. Chúa Nhật vừa qua, các bản văn đặt dấu nhấn trên đức tính kiên trì trong cầu nguyện; các bản văn Chúa Nhật này ca ngợi tấm lòng khiêm hạ trong cầu nguyện.

Hc 35: 15b-17, 20-22aDore_-_Pharisee_and_the_publican

Bài đọc I, trích từ tác phẩm Huấn Ca của hiền nhân Si-rác, ca ngợi lời cầu nguyện của những người khiêm hạ và những kẻ nghèo; lời cầu nguyện của họ được Chúa lắng nghe và đón nhận.

2Tm 4: 6-8, 16-18

Những lời vĩnh biệt của thánh Phao-lô là bài ca khải hoàn và tâm tình cảm tạ tri ân. Lời cầu nguyện sau cùng của thánh nhân là tán dương Thiên Chúa.

Lc 18: 9-14

Tin Mừng Lu-ca thuật lại dụ ngôn nổi tiếng về người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Người Pha-ri-sêu cầu nguyện với thái độ tự mãn; còn người thu thuế cầu nguyện với tấm lòng khiêm hạ, ông ta nhận ra mình là tội nhân: lời cầu nguyện này được Chúa đoái thương và ban ơn công chính hóa: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi”.


BÀI ĐỌC I (Hc 35: 15b-17, 20-22a)

Ông Si-rác là một hiền nhân Do thái sống vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên. Vào thời kỳ này, kể từ sau cuộc chinh phục của đại đế A-lê-xan-đê, nền văn hóa Hy-lạp đã ảnh hưởng đến tận miền Pa-lét-tin. Giới quý tộc và tư tế Giê-ru-sa-lem đã mở rộng vòng tay đón nhận văn hóa Hy-lạp. Ông Si-rác không ác cảm với nền văn hóa này, nếu như Do thái giáo không đánh mất đi căn tính của mình. Chính vì để bảo vệ những giá trị truyền thống của cha ông mà ông đã soạn thảo tác phẩm của mình. Ông tỏ ra là người bênh vực nhiệt thành Lề Luật, nền tảng cốt yếu của Do thái giáo, nhưng là Lề Luật mà ở đó những đòi hỏi luân lý (công bình, đức hạnh, tình thương, vân vân) phải được xem cũng đòi buộc như những tuân giữ Lề Luật. Tác phẩm của Si-rác bộc lộ tâm tình tôn giáo tinh tế và bày tỏ nỗi bận lòng đến đức hạnh cá nhân với những điểm nhấn mới.

1. Việc phụng tự làm đẹp lòng Thiên Chúa:

Đoạn văn hôm nay được trích từ một trong những chương tiêu biểu nhất của sách Huấn Ca, chương 35, một trong những đỉnh cao của tác phẩm – ở đó tác giả định nghĩa phẩm chất của việc tế tự chân thật được Thiên Chúa đoái thương chấp nhận: “Từ bỏ gian tà thì đẹp lòng Đức Chúa, chấm dứt bất công là dâng lễ đền tội” (35: 3) hay “Đừng hối lộ, Người chẳng nhận đâu. Đừng ỷ vào hy lễ bất chính. Vì Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức” (35: 11-13).

2. Lời cầu nguyện của những người khiêm hạ:

Người nghèo hèn trong xứ, kẻ bị áp bức, cô nhi quả phụ đó là tất cả những người mà Cựu Ước gọi là “những người nghèo của Đức Chúa”, những người không của cải nào khác ngoài một lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và gặp thấy ở nơi Ngài là Đấng bênh vực họ: “Lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa được an lòng. Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý” (Hc 35: 17-18).

Lòng kính trọng mà ông Si-rác dành cho những người phận nhỏ này xem ra rập khuôn theo truyền thống, như chúng ta đọc thấy trong các thánh vịnh, tại các ngôn sứ. Như chúng ta biết, lời cầu nguyện chiếm lấy một chỗ quan trọng trong tác phẩm của ông; ông ca tụng lời cầu nguyện hết lời; ông dừng lại những luận bàn của mình để sáng tác một lời cầu nguyện của riêng mình. Ông đã thích cầu nguyện từ thời thơ ấu; chính nhờ cầu nguyện mà ông đã gặp thấy sự khôn ngoan.

Ông Si-rác đưa những người nghèo và những kẻ bất hạnh ra làm mẫu gương, không vì cảm thương số phận của họ cho bằng ca ngợi giá trị lời cầu nguyện của họ. Lời cầu nguyện của họ chỉ là lời cầu nguyện đơn thuần, trơ trụi, không có hiến lễ ngoạn mục nào đi kèm theo. Vì thế, lời cầu nguyện của họ chạm đến tấm lòng của Thiên Chúa, động lòng trắc ẩn của Ngài.


BÀI ĐỌC II (2Tm 4: 6-9, 16-18)

Đoạn cuối thư thứ hai gởi cho ông Ti-mô-thê là bản văn cảm động nhất trong số các thư của thánh Phao-lô. Đây là những lời trăn trối sau cùng của người sắp chờ đợi nhận lãnh phúc tử đạo, ấy vậy, những lời vĩnh biệt này lại vang lên khúc ca khải hoàn.

Thánh Phao-lô khảo sát hiện tại một cách nghiêm túc: thánh nhân sắp đổ máu ra làm của lễ. Thánh nhân khảo sát quá khứ với sự sáng suốt: ngài đã kiên vững trong đức tin và đã hoàn thành sứ mạng chịu thương chịu khó của mình cho đến cùng. Thánh nhân khảo sát tương lai với trọn niềm tin tưởng và phó thác vào sự công chính của Thiên Chúa và vào lời hứa vinh quang bất diệt của Nước Trời.

1. Hiến Lễ:

Trong các hy lễ của người Do thái cũng như của dân ngoại, người ta đổ dầu hay rượu trên tế vật trước khi hiến tế, như trong Xh 29: 40 hay trong Ds 28: 7. Thánh Phao-lô dâng hiến đời mình thành hy lễ và máu của ngài sẽ đổ ra làm rượu tế.

Trước đây, khi còn bị giam cầm có thể ở Ê-phê-sô, và không biết số phận dành riêng cho ngài, thánh nhân gợi lên cho các tín hữu Phi-líp-phê, theo cùng những từ ngữ, tình huống là ngài có thể bị án tử: “Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em…” (Pl 2: 17).

Thánh Phao-lô sẽ đổ máu mình, nhưng từ lâu ngài đã dâng hiến đời mình làm hy lễ rồi, như ngài đã khuyên nhũ mọi người Ki-tô hữu: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhũ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Romans 12:1).

2. Bài ca khải hoàn:

Phúc tử đạo này thánh nhân chờ đợi một cách nghiêm túc sẽ là giờ ngài phải ra đi. Thánh nhân gợi ra cái chết của ngài với cung điệu khải hoàn, như người lính chiến đã chiến thắng quân thù, như vận động viên đã dành được vòng nguyệt quế, như người Ki-tô hữu vẫn một mực trung tín cho đến hơi thở cuối cùng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính”.

Thánh Phao-lô nhắm đến việc Thiên Chúa sẽ trao phần thưởng cho ngài, vào Ngày Quanh Lâm, tức là vào ngày phán xét, và cùng với ngài, cho tất cả những ai đã hết lòng mong đợi Triều Đại Thiên Chúa. Ở phần cuối đoạn văn này, thánh nhân suy nghĩ thêm nữa đến số phận của chính ngài: “Chúa sẽ cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời”.

3. Tâm tình cảm tạ và tri ân:

Phần thứ hai của đoạn trích hôm nay mang giọng điệu đượm buồn. Thánh Phao-lô chứng thực rằng các bạn đồng hành xưa kia đã bỏ mặc thánh nhân. Không ai trong họ, kể cả các Ki-tô hữu Rô-ma, đến bênh vực thánh nhân, vào lúc thánh nhân bị điệu ra trước tòa lần đầu tiên. Như Chúa Ki-tô trong cuộc khổ nạn của Ngài, thánh nhân bị bỏ mặc; cũng như Chúa Ki-tô, thánh nhân tha thứ: “Xin Chúa đừng chấp họ”. Hành vi cảm tạ tri ân theo liền sau những giọng điệu buồn phiền. Thánh nhân trông cậy mọi sự vào Chúa. Trong suốt sứ vụ tông đồ của ngài, thánh nhân đã nương tựa vào Chúa. Thánh nhân đã thoát khỏi mọi nanh vuốt sư tử nhờ Chúa bảo vệ che chở; ngài đặt trọn niềm tin tưởng vào ơn phù trợ của Chúa trong những giờ phút sắp đến. Và rồi thánh nhân xướng lên bài thánh thi của những người được tuyển chọn: “Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời”.


TIN MỪNG (Lc 18: 9-14)

Đây là dụ ngôn riêng của thánh Lu-ca, một hạt ngọc được đẻo gọt rất tinh xảo. Thánh Lu-ca họa nên chân dung người Pha-ri-sêu vênh vang tự đắc; còn thánh Mát-thêu thì đã kích kịch liệt hạng người này.

Người Pha-ri-sêu, theo nguyên ngữ Do thái có nghĩa “Biệt Phái”, là một bè phái của những người Do thái giáo trí thức và chính thống. Họ tự tách biệt mình khỏi đám đông bởi kiến thức Kinh Thánh và việc tuân giữ Lề Luật nghiêm nhặt của họ. Tuy nhiên, họ biết kết hợp duy luật với tinh thần rộng mở đối với đạo lý, chấp nhận những sự phong phú của truyền khẩu (trái với nhóm Xa-đốc). Theo thánh Lu-ca, vài người Pha-ri-sêu, thậm chí những bậc vị vọng, đã mời Chúa Giê-su dùng bữa tại nhà họ. Sự kiện này phù hợp với thực tại lịch sử, được sách Công Vụ củng cố, khi tường thuật việc một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên, lên tiếng can thiệp cho các tông đồ trong phiên xử của Thượng Hội Đồng (Cv 5: 34-39).

1. Lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu:

 “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác…Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Người Pha-ri-sêu này tiêu biểu những người Pha-ri-sêu, những người tự cho mình là đạo đức bằng việc tuân giữ nghiêm nhặt chẳng những những đòi buộc của Lề Luật, thậm chí còn hơn thế nữa. Ví dụ như Lề Luật chỉ buộc mỗi năm ăn chay chỉ một ngày, vào ngày lễ Xá Tội, họ còn sốt sáng ăn chay một tuần hai ngày vào ngày thứ ba và thứ năm. Vì thế, họ tự xem mình là người công chính và được người khác xem là những người đạo đức.

Người Pha-ri-sêu mà dụ ngôn miêu tả chân dung của ông ở nơi lời cầu nguyện này rất tương xứng với những gì mà thánh Phao-lô nói về con người Pha-ri-sêu xưa kia của ngài và con người Ki-tô hữu ngày nay của ngài: “Nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi. Nhưng những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của tôi. Vì Người mà tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3: 6-8).

2. Lời cầu nguyện của người thu thuế:

Những người thu thuế là những viên chức nhà nước được chính quyền Rô-ma ủy nhiệm thu thuế dân Do thái ở miền Pa-lét-tin. Họ bị thù ghét vì họ cộng tác với chính quyền chiếm đóng và bị cư xử như kẻ trộm cướp vì người ta nghi ngờ rằng họ làm giàu nhờ lạm dụng chức vụ của mình.

Dụ ngôn đưa ra sân khấu một người trong bọn họ. Lời cầu nguyện của người thu thuế này thì trái ngược với lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu về dáng điệu bên ngoài lẫn tâm tình bên trong. Anh ta không dám tiến lại gần, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời. Và lời cầu nguyện của anh chỉ võn vẹn một câu, nhưng đầy lòng khiêm hạ: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người thu thuế này, chắc hẳn là một người giàu có như bao người thu thuế khác, lại là một người có tâm hồn khó nghèo, những người mà Chúa lắng nghe những lời cầu nguyện của họ.

3. Lời kết:

Lời kết đặt câu chuyện vào bối cảnh thuần túy của sách Tin Mừng, tức tôn vinh đức khiêm hạ, như Đức Ma-ri-a đã cất tiếng ca trong Bài Ca “Ngợi Khen” (Mangificat): “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1: 52).

ời kết này cũng theo chiều hướng chủ đề của thánh Phao-lô về ơn công chính hóa nhờ Đức Tin chứ không nhờ Lề Luật. Tuy nhiên, ở đây, Chúa Giê-su không đối lập Lề Luật với Đức Tin (người Pha-ri-sêu là một người tin); nhưng Ngài đối lập tính tự mãn của kẻ lấy mình làm chuẫn mực đạo đức với đức khiêm hạ của người biết nhận ra những bất toàn của mình và cầu xin lòng xót thương của Chúa: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi”.

Lời cầu nguyện đích thật là một hành vi đầy khiêm hạ. Cầu nguyện, chính là nhận ra thân phận yếu đuối của con người và đức hạnh mõng dòn của con người để mà đặt trọn niềm tin, cậy và mến vào Chúa

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Romans 12:1
View in: NAB
1I BESEECH you therefore, brethren, by the mercy of God, that you present your bodies a living sacrifice, holy, pleasing unto God, your reasonable service.