Chủ đề của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến cuộc sống đời sau. Cuộc đời dương thế này không kết thúc bằng cái chết nhưng cái chết chỉ là cửa ngỏ bước vào cõi sống trường sinh với Thiên Chúa, nếu trong cuộc đời này chúng ta hằng trung tín với giáo huấn của Ngài.
2Mcb 8: 1-2, 9-14
Đoạn trích sách Ma-ca-bê quyển hai hôm nay kể cho chúng ta tấm gương trung tín của bảy anh em, họ chấp nhận chịu mọi khổ hình và cả cái chết với một niềm tin kiên vững vào sự phục sinh cả xác và hồn trong cõi sống bất tử mai sau.
2Tx 2: 16-3: 5
Thánh Phao-lô kết thúc đoạn trích Thư thứ hai gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca với những lời nguyện tha thiết sau đây: “Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa, và biết chịu đựng như Đức Ki-tô”.
Lc 10: 27-38
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định với chúng ta rằng Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.
BÀI ĐỌC I (2Mcb7: 1-2, 9-14)
Sách này dù được gọi là “sách Ma-ca-bê quyển hai” nhưng không phải là tác phẩm nối tiếp sách Ma-ca-bê quyền một, vì sách Ma-ca-bê quyển hai này bắt đầu trước triều đại vua An-ti-ô-khô IV và chấm dứt trước khi ông Giu-đa Ma-ca-bê qua đời. Như sách Ma-ca-bê quyển một, sách Ma-ca-bê quyển hai cũng kể lại cuộc nổi dậy của nhà Ma-ca-bê chống lại chính sách tôn giáo dưới triều vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-phan-nê vào hậu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên.
Vua An-ti-ô-khô dùng bạo lực bắt dân Do thái phải sống theo tôn giáo Hy-lạp là quốc giáo của vua. Đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tục hóa, biến thành đền thờ Zê-út. Tất cả nghi lễ Do thái đều bị thay thế bằng nghi thức ngoại giáo. Trong hoàn cảnh này, cũng không có thiếu những người Do thái vì để bảo toàn mạng sống mình mà chấp nhận.
Đoạn trích của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay thuật lại bảy anh em chấp nhận chịu chết để giữ trọn niềm tin của cha ông mình. Trong câu chuyện này chúng ta không thể thán phục niềm tin của bà mẹ, bà ở bên cạnh các con để khuyên bảo các con nhất mực trung tín với niềm tin của cha ông, dù bà phải đau đớn khi chứng kiến những đau khổ và cái chết của từng đứa con thân yêu của bà.
Câu chuyện về cuộc tử đạo của bảy anh em này rất quan trọng vì ở đây chúng ta thấy niềm tin kiên vững về sự phục sinh cả hồn lẫn xác dù phải chịu những khổ hình và cả cái chết. Đây cũng là niềm tin Ki-tô giáo như lòi tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. A-men”. Các Giáo Phụ đã coi bảy anh em tử đạo này như hình bóng của các vị tử đạo trong Ki-tô giáo.
BÀI ĐỌC II (2Tx 2: 16-3: 5)
Như chúng ta đã nói trong Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật trước, Thư thứ hai gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca nhằm mục đích là trấn an các tín hữu, vì những tin đồn thất thiệt về ngày Chúa quang lâm khiến các tín hữu hoang mang lo sợ đến nỗi một số tín hữu chẳng tha thiết làm việc gì cả nên làm xáo trộn trật tự của cộng đoàn.
Trong đoạn trích hôm nay, thánh Phao-lô kể ra những ý hướng cầu nguyện của mình. Thánh nhân cầu xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu “niềm an ủi bất diệt” và “niềm cậy trông tốt đẹp” cũng như “làm cho tâm hồn của họ được vững mạnh”. Nhưng đồng thời thánh nhân cũng xin các tín hữu cầu nguyện Chúa cho công việc loan báo Tin Mừng được nhanh chóng phổ biến qua đời sống đức tin của Giáo Hội và cho các nhà truyền giáo “thoát khỏi tay người độc ác xấu xa”. Cuối cùng thánh nhân khuyên nhũ các tín hữu rằng dù không biết chắc khi nào Chúa lại đến, nhưng phải sống trong niềm hy vọng và mong chờ Chúa đến. Chính niềm hy vọng và mong chờ này sẽ là động lực giúp họ “biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng vì Đức Ki-tô”.
TIN MỪNG (Lc 20: 27-38)
Chúa Giê-su đã đến thành thánh Giê-ru-sa-lem sau một cuộc hành trình dài được gọi “cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9: 51-19: 27). Ngài đã vào đền thờ với tư cách Đấng Mê-si-a và đã thanh tẩy đền thờ. Với quyền bính của Đấng Mê-si-a, Chúa Giê-su hằng ngày giảng dạy trong khuôn viên đền thờ. Ngài biết rõ điều gì sắp xảy đến cho Ngài. Ngài không đến Giê-ru-sa-lem với ước mơ còn có thể tránh khỏi thập giá, vì thế Ngài vẫn ung dung tự tại thi hành phận sự của Ngài trong thành thánh cho đến khi bị giết chết.
Trong các chương 20-21 này, thánh ký thuật lại cho chúng ta một loạt những tranh luận của Chúa Giê-su với các thượng tế, các kinh sư và các kỳ mục về quyền bính của Ngài (20: 1-8) và về việc nộp thuế cho Xê-da (20: 20-26), với bè Xa-đốc về kẻ chết sống lại (20: 27-40). Về phần mình, Chúa Giê-su kể cho họ dụ ngôn những tá điền gian ác (20: 9-19) và hỏi lại họ việc giải thích Tv 110: 1 như thế nào (20: 41-44). Chúa Giê-su còn phê phán lối sống giả hình của các kinh sư và nêu gương tấm lòng chân thành của một bà góa (20: 45-21: 4). Sau cùng, Ngài ban cho một bài diễn từ dài báo trước cuộc tàn phá thành đô Giê-ru-sa-lem và ngày tận thế (21: 5-36). Toàn bộ phân đoạn này mở ra với 19: 47-48 và đóng lại với 21: 37-38, xác định nơi chốn Chúa Giê-su ban giáo huấn sau cùng của Ngài.
Trong Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội chỉ trích dẫn cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và bè Xa-đốc về vấn đề “kẻ chết sống lại” (20: 27-38).
– Dẫn nhập (20: 27)
Nhóm Xa-đốc tuy thiểu số nhưng rất giàu có và có thế lực. Họ là giai cấp thống trị, cộng tác chặt chẽ với chính quyền Rô-ma, thông thường trong những xứ bị chiếm đóng, các nhà giàu cộng tác với kẻ xâm lược chỉ vì họ không muốn mất mát của cải, địa vị. Về phương diện tôn giáo, nhóm Xa-đốc này chỉ chấp nhận thẩm quyền của bộ Ngũ Thư mà thôi, dựa trên lối giải thích Ngũ Thư của họ, họ không tin kẻ chết sống lại.
A.Vấn nạn mà bè Xa-đốc đặt ra cho Chúa Giê-su (20: 28-33)
Họ đến gặp Chúa Giê-su và hỏi Ngài một câu hỏi xem ra không thể trả lời được. Căn cứ theo luật Lê-vi (x. Đnl 25: 5tt.), nếu một người qua đời mà không có người nối dõi tông đường, thì người em phải cưới chị dâu ấy để cho anh mình có người con nối dõi tông đường. Dựa trên luật này, họ hư cấu một câu chuyện bảy người anh em lần lượt lấy một người vợ để có người con nối dõi tông đường, nhưng đều chết mà không có con; vậy nếu có sự sống lại thì ai sẽ là chồng của người phụ nữ này. Như vậy, niềm tin vào sự sống lại thật là lố bịch.
B.Câu trả lời của Chúa Giê-su (20: 34-38)
Câu trả lời của Chúa Giê-su khẳng định rằng sẽ có sự phục sinh, đồng thời cũng giải thích những đặc tính của sự phục sinh mà biện luận của bè Xa-đốc đơn giản là loại bỏ.
a.Quan niệm quá duy vật của bè Xa-đốc (20: 34-36)
Trước hết, Ngài phê phán quan niệm về sự sống lại như trên của bè Xa-đốc là quá duy vật khi hiểu cuộc sống lại như tiếp tục cuộc sống trần thế, dù được nâng cao lên đến mức độ nào. Nếu hiểu như vậy là giới hạn quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Bè Xa-đốc cũng như bao người Do thái chính thống đều tin một Thiên Chúa duy nhất, nhưng việc Thiên Chúa có ban cho con người được sống lại hay không thì thuộc về thẩm quyền của Ngài. Vì thế, nhóm này không tin vào sự sống lại mai sau, bởi vì không có bằng chứng nào về một niềm tin như thế được tìm thấy trong bộ Ngũ Thư, đây là bộ Kinh Thánh duy nhất mà bè Xa-đốc xây dựng niềm tin của mình và loại bỏ các sách khác như các sách ngôn sứ, các sách Huấn Giáo… Hơn nữa, không có một kinh sư nào giải đáp cho vấn nạn mà họ nêu lên.
b.Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống (20: 37-38)
Căn cứ trên bộ Ngũ Thư, bè Xa-đốc bài bác niềm tin vào sự sống lại. Vì thế, Chúa Giê-su viện dẫn sách Xuất Hành (Xh 3: 2, 6), một trong sách thuộc về bộ Ngũ Thư, để cho thấy cách hiểu sai lầm trầm trọng của bè Xa-đốc. Từ Xh 3: 2, 6 trong đó Thiên Chúa tự bày tỏ mình cho ông Mô-sê: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp”, Chúa Giê-su rút ra câu kết luận: “Thiên Chúa không là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”, có nghĩa rằng Thiên Chúa vẫn thường hằng có mối quan hệ với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, dù các vị tổ phụ này đã chết từ lâu rồi. Vì thế, dù những người công chính này đã chết trên bình diện thể lý, họ vẫn đang sống, thật sự sống trong Thiên Chúa và mong chờ cuộc phục sinh.
Chúa Giê-su đã bắt lẽ các người Xa-đốc ngay trong chính lý luận của họ, khiến họ phải đuối lý không thể nào trả lời được. Vì thế, không lạ gì mà các kinh sư khi chứng kiến cuộc tranh luận đã phải thốt lên lời khen ngợi: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm” (20: 39).
W. Barclay đã đưa ra một lời nhận xét rất xác đáng như sau: “Có thể chúng ta cảm thấy đoạn Kinh Thánh này thật khô khan. Nó đề cập đến những vấn đề có vẻ sôi bỏng trong thời Chúa Giê-su với những lý luận mà một kinh sư cho là rất mạnh, nhưng người thời nay lại không thấy thế. Nhưng từ chỗ khô khan đó, ta rút được một chân lý lớn lao cho những ai giảng dạy hoặc muốn làm chứng về Ki-tô giáo. Chúa Giê-su đã dùng những lý luận mà dân chúng đang nghe Ngài có thể hiểu được, Ngài nói với dân chúng theo ngôn ngữ riêng của họ, Ngài gặp gỡ họ trên chính mảnh đất của họ và chính đó là lý do tại sao giới bình dân đã nghe Ngài cách thích thú. Đôi lần, chúng ta đọc những sách đạo hoặc về thần học, ta thừa nhận rằng những gì được viết quả là đúng, nhưng không thể đem trình bày cho những đầu óc mới hiểu biết ít, và họ lại là đa số trên thế giới cũng như trong Hội Thánh. Chúa Giê-su đã dùng ngôn ngữ và lý luận mà dân chúng có thể và đã hiểu được, Ngài gặp gỡ họ trong ngữ vựng của họ. Chúng ta sẽ giảng đạo, làm chứng cho họ Chúa tốt hơn nhiều, khi học tập đường lối phổ biến Tin Mừng của chính Chúa Giê-su” (“Tin Mừng theo Thánh Lu-ca”, 238-239).
Lm Inhaxiô Hồ Thông