Chúa Nhật I Thường Niên: Chúa Giê-su chịu Phép Rửa (2013)
Vào Chúa Nhật này, chúng ta tưởng niệm biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa trong nước bởi Gioan Tẩy Giả, và ngay liền sau đó, được Chúa Thánh Thần ngự xuống và được Chúa Cha chứng nhận.
Vào Chúa Nhật này, chúng ta tưởng niệm biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa trong nước bởi Gioan Tẩy Giả, và ngay liền sau đó, được Chúa Thánh Thần ngự xuống và được Chúa Cha chứng nhận: “Con là Con Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Đó là lý do tại sao các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Đức Ki tô như một trong ba lễ Chúa Hiển Linh, nghĩa là, biến cố Chúa tỏ mình ra : các nhà chiêm tinh thờ lạy Hài Nhi (Matthew 2:11), phép rửa của Đức Giê-su (Lc 3: 21-22; Matthew 3:13-17; Mc 1: 9-11) và dấu lạ đầu tiên ở tiệc cưới Ca-na (Galatians 2:11).
Isaiah 40:1-5,9-11
Bài đọc I gợi lên nguồn gốc nguyên khởi của thuật ngữ “Tin Mừng” được loan báo cho những người lưu đày ở Ba-by-lon.
Tt 2: 11-14; 3: 4-7
Thánh Phao-lô nhắc cho ông Ti-tô nhớ rằng giá trị vô song của phép rửa Ki-tô giáo, chính là tái sinh và đổi mới người Ki-tô hữu trong Chúa Thánh Thần.
Lc 3: 15-16, 21-22
Phép rửa của Đức Giê-su là nguyên mẫu phép rửa Ki-tô giáo. Chúng ta đã được lãnh nhận phép rửa dưới dấu chỉ của Thiên Chúa Ba Ngôi, “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
BÀI ĐỌC I (Isaiah 40:1-5,9-11)
Sứ điệp an ủi này được gởi đến cho những người lưu đày ở Ba-by-lon khi mà cuộc thử thách đã quá dài lâu đến mức người ta không còn chịu đựng được nữa. Những người lưu đày đầu tiên, tiếp đó là những đợt lưu đày khác nữa, đã bị dẫn đến đất nước ngoại bang này đã gần năm mươi năm rồi.
1. Bối cảnh:
Ở giữa những người đồng hương lưu đày của mình, một vị ngôn sứ đã đem đến cho những người chán chường thất vọng này một niềm an ủi khi ông hứa với họ cuộc giải phóng sắp đến gần. Người ta không biết một chút gì về vị ngôn sứ, ngay cả tên của ông; vì thế, người ta đặt cho ông một biệt danh là I-sai-a đệ nhị, vì tác phẩm của ông (Is 40-55) được sáp nhập vào tác phẩm của vị tiền nhiệm của ông (Is 1-39). Vào lúc đó, trên chính trường Trung Đông, vua Ba tư, Ky-rô, nổi lên như một thế lực hùng mạnh. Vị ngôn sứ thoáng thấy nơi nhân vật này khí cụ của Thiên Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông quả quyết: Thiên Chúa sắp can thiệp để giải phóng dân Ngài khỏi cảnh đời lưu đày.
2. “Hãy an ủi, an ủi dân Ta”:
“Hãy an ủi, an ủi dân Ta”. Đây là những lời đầu tiên của tác phẩm ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, chính xác được đặt dưới nhan đề “Sách An Ủi”. Diễn ngữ “dân Ta” này chắc chắn đã làm ấm lại lòng của những người lưu đày khốn khổ, họ cứ tưởng Thiên Chúa đã quên họ, không còn đoái hoài gì đến họ. Không, họ vẫn luôn luôn là “dân của Ngài”, dân Chúa chọn mà xưa kia đã được Ngài nuông chiều.
“Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem”. Tâm tư của những người lưu đày không bao giờ ngừng hướng về Thành Thánh. Bị trừng phạt vì tội bất trung dài lâu, điều quan trọng là dân thành được loan báo rằng Thiên Chúa tha thứ tội của dân và Ngài sẽ đích thân dẫn đưa dân trở về quê cha đất tổ.
“Thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm”. Chúng ta có thể hiểu diễn ngữ “gấp hai lần” theo sát nghĩa của từ, nếu chúng ta khảo sát hai cuộc thử thách lớn mà dân thành phải chịu: dân thành bị lưu đày đến Ba-by-lon và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài, bị phá hủy hoang tàn. Nhưng diễn ngữ này cũng được hiểu một cách đơn giản như ghi nhận muôn vàn đau khổ mà dân phải chịu.
3. Một cuộc xuất hành mới:
Để trở về cố hương, những người lưu đày sẽ phải băng qua hoang địa (sa mạc Syri-Palestine). Đây sẽ là một cuộc xuất hành mới ở đó Thiên Chúa sẽ lại hướng dẫn dân Ngài và thực hiện cho họ những điều kỳ diệu. Điều quan trọng là phải chuẩn bị tấm lòng đón nhận lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Ở nơi những hình ảnh của các câu “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hó thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu”, chúng ta gặp thấy một lời mời gọi hãy thay lòng đổi dạ, biến đổi sa mạc của tâm hồn. Các tác giả Tin Mừng sẽ áp dụng cho thánh Gioan Tẩy Giả dung mạo của vị ngôn sứ vô danh này, biệt danh là I-sai-a đệ nhị.
4. Nguồn gốc nguyên khởi của thuật ngữ “Tin Mừng”:
“Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao”. Chính ở nơi bản văn này mà các Ki tô hữu tiên khởi đã mượn diễn ngữ “Tin Mừng” để chỉ mặc khải của Đức Giê-su. Chính ở đây mà chúng ta ở nơi tận nguồn thần học về Tin Mừng.
“Tin Mừng” này đòi hỏi phải được loan báo từ trên núi cao để mọi dân trong các thành Giu-đê được nghe, đó là Tin Mừng gì? Thưa, chính Thiên Chúa đích thân đến cứu dân Ngài, giải thoát những kẻ bị giam cầm và đưa họ trở về quê cha đất tổ.
Vị ngôn sứ tưởng tượng cuộc hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem như một đám rước khải hoàn; nhưng ông tô đậm chân dung Đức Chúa vinh thắng khi liên kết Ngài với hình ảnh của người mục tử tận tình chăm sóc đàn chiên của mình: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Thiên Chúa tha thứ và dẫn đưa dân Ngài về Đất Hứa, trước hết là Thiên Chúa tình yêu.
Đó là “Tin Mừng” đầu tiên báo trước một Tin Mừng khác dứt khoát hơn, phổ quát hơn: giải phóng những người tội lỗi. Vì thế, đoàn rước khải hoàn mà vị ngôn sứ tưởng tượng không phải loan báo cuộc hành trình của những người được chọn về Thành Thánh Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc hay sao?
BÀI ĐỌC II (Tt 2: 11-14; 3: 4-7)
Ông Ti-tô là một trong số môn đệ và là bạn đồng hành của thánh Phao-lô. Ông được ủy nhiệm chăm sóc các cộng đoàn Ki-tô hữu thuộc đảo Cơ-rết-ta.
Hai đoạn trích (2: 11-14 và 3: 4-7), mà Phụng Vụ đề nghị cho chúng ta vào ngày lễ hôm nay, hình thành nên hai bản văn sóng đôi; cả hai là hai phần kết của những lời khuyên mà thánh Phao-lô gởi đến cho ông Ti-tô.
1. Thiên Chúa tình yêu thánh hóa chúng ta (2: 11-14):
Sau một loạt những chỉ thị chính xác liên quan đến những loại tín hữu khác nhau, thánh Phao-lô đưa ra lý do sâu xa về cách ăn nếp ở của người Ki-tô hữu: Ân sủng của Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải nên thánh; vì Đức Ki tô đã thanh luyện chúng ta ngõ hầu chúng ta có đủ khả năng làm việc thiện. Vì thế, “chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”.
Lời khuyên “sống chừng mực” ở đây thật có ý nghĩa, bởi vì thánh Phao-lô ngỏ lời với ông Ti-tô, một người Ki-tô hữu gốc Hy lạp sống ở giữa những người Ki-tô hữu gốc Hy lạp khác. Đây không là lần duy nhất trong bức thư này thánh nhân ám chỉ đến “đức điều độ” của dân Hy lạp này. Ki-tô giáo là chủ nghĩa nhân bản dẫn con người đến vận mạng tương lai, vận mệnh này sẽ được biểu lộ ở nơi vinh quang của Đức Ki-tô, “Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta”. Danh hiệu này được ban cho Đức Ki-tô thì hiếm dưới ngòi bút của thánh Phao-lô, chung chung thánh nhân dành riêng danh hiệu thần linh này cho Chúa Cha.
2. Thiên Chúa tình yêu tái sinh chúng ta (3: 4-7):
Đoạn trích thứ hai này trình bày một lý do khác về những đòi hỏi của Thiên Chúa: Thiên Chúa đầy lòng yêu thương đã tái sinh chúng ta. “Nhờ phép rửa” Ngài đã tái sinh chúng ta và đổi mới chúng ta trong Chúa Thánh Thần.
Đoạn văn này cùng với vài đoạn văn khác trong các thư của thánh Phao-lô được xem là một trong những chứng liệu xưa nhất liên quan đến phép rửa Ki-tô giáo. Đoạn văn này kể ra vài trong số muôn vàn thiên ân của phép rửa: tính nhưng không của ơn cứu độ, mối liên hệ giữa nước và Thánh Thần, muôn vàn ơn ban của Thánh Thần, được thừa hưởng sự sống đời đời. Những thiên ân này làm chứng “lòng nhân hậu và yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại”.
TIN MỪNG (Lc 3: 15-16, 21-22)
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ hai phân đoạn: phân đoạn thứ nhất (3: 15-16) về việc Đức Giê-su chịu phép rửa và phân đoạn thứ hai (3: 21-22) về cuộc hiển linh của Đức Giê-su.
1. Ý nghĩa của việc Đức Giê-su chịu phép rửa:
Thánh ký chỉ kể ra một cách ngắn gọn việc Đức Giê-su chịu phép rửa, nhưng rất có ý nghĩa: Đức Giê-su ở giữa đám đông dân chúng; Ngài hòa nhập vào dòng người tội lỗi, những người muốn thể hiện hành vi ăn năn sám hối. Như họ, Ngài bước vào dòng nước sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa, dấu chỉ bày tỏ lòng sám hối; kể từ giây phút này Ngài bày tỏ ý muốn của Ngài được liên đới với nhân loại tội lỗi. Cử chỉ công khai đầu tiên của Đức Giê-su tự nó đã là một cử chỉ cứu độ.
Dường như thánh Lu-ca gợi lên rằng việc Đức Giê-su chịu phép rửa kết thúc việc “toàn dân” đón nhận phép rửa, như để muốn nói rằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả đã đạt được mục đích của nó: chuẩn bị tấm lòng cho một sứ điệp khác và nhường chỗ cho một sứ vụ đang đến.
2. Lời cầu nguyện của Đức Giê-su:
Khi bước ra khỏi dòng nước sông Gio-đan, Đức Giê-su cầu nguyện. Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất ghi nhận nét đặc trưng này; thánh ký luôn luôn chủ ý nhấn mạnh thái độ này của Đức Giê-su trong những giờ phút quan trọng hay có tính quyết định (Lc 5: 16; 6: 12; 9: 18, 28-29; 10: 21; 11: 1; 22: 32, 40, 46; 23: 34, 46). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ cũng đang cầu nguyện, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống (Cv 2: 1-6).
Khi Đức Giê-su cầu nguyện, thì “trời mở ra”, nghĩa là, một sự thông hiệp giữa thế giới thần linh và con người bởi một cuộc thần hiển kép: Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình dáng chim bồ câu và Chúa Cha tỏ mình ra qua tiếng phán từ trời.
3. Chúa Thánh Thần tấn phong:
“Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su”. Phép rửa trong nước mà Đức Giê-su đón nhận bởi thánh Gioan Tẩy Giả trở nên phép rửa trong Chúa Thánh Thần, khuôn mẫu và nguyên mẫu phép rửa Ki-tô giáo. Đức Giê-su, đã hòa mình vào đám đông dân chúng tội lỗi, được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong; vì thế, Đức Giê-su đích thật là “Đấng được xức dầu”, nghĩa là, “Đấng Mê-si-a” theo tiếng Híp-ri, hay “Đấng Ki-tô” theo tiếng Hy-lạp. Xưa kia, các ngôn sứ đã được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong để có đủ tư cách thông truyền Lời Chúa. Cũng vậy, Đức Giê-su được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong làm ngôn sứ. Nhưng, phải nói một cách chính xác hơn, Đức Giê-su không đơn giản là một trong các ngôn sứ, được hiểu theo nghĩa “phát ngôn viên của Lời Thiên Chúa”, nhưng Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa tự thân, đã trở thành một phàm nhân.
Quả thật, Đức Giê-su, ngay từ khi thụ thai, được Chúa Thánh Thần ở cùng; Ngài sinh ra bởi tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng trong cuộc sống thầm lặng ẩn dật của Ngài, Chúa Thánh Thần đã không tỏ mình ra một cách rực rỡ. Vào ngày Đức Giê-su chịu phép rửa này đánh dấu khởi điểm sứ mạng của Ngài, Đức Giê-su được đảm bảo rằng Ngài sẽ luôn luôn được Chúa Thánh Thần phù trợ.
Chúa Thánh Thần tỏ mình ra qua một dấu chỉ bên ngoài “dưới hình dáng chim bồ câu”, như sau này, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ tỏ mình ra ở nơi “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” (Cv 2: 3). Như vậy thánh Lu-ca muốn nói rằng Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị biệt phân với Chúa Cha. Quả thật, phép rửa của Đức Ki-tô là mặc khải đầu tiên về Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện. Các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Đức Ki tô như một ngày Lễ Ba Ngôi; và chính dưới dấu chỉ Ba Ngôi mà phép rửa Ki-tô giáo được ban “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Diễn ngữ “dưới hình dáng chim bồ câu” chắc chắn nhắc nhớ những câu đầu tiên của Kinh Thánh trong chuyện tích về cuộc tạo dựng: “thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1: 2). Vì thế, trên mặt nước của dòng sông Gio-đan một cuộc tạo dựng mới bắt đầu.
4. Chúa Cha thánh hiến:
“Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Đây là câu trích dẫn từ Tv 2, 7, một thánh vịnh phong vương mang chiều kích Mê-si-a tuyệt vời. Vào ngày vua được phong vương, Đức Chúa công bố vị tân vương là “con của Ngài” (“thiên tử”). Thánh Vịnh này ngầm quy chiếu đến sấm ngôn của ngôn sứ Na-than được ngỏ lời với vua Đa-vít: “Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con” (2Sm 7: 13-14).
Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu cũng trích dẫn Tv 2 này, nhưng chỉ trích dẫn vế thứ nhất của câu 7: “Con là con yêu dấu của Cha” mà hai thánh ký liên kết thành một với bản văn của Isaiah 42:1 về ơn gọi của Người Tôi Trung: “Ta hài lòng về Người”, để loan báo Đấng Mê-si-a vừa là Vua, vừa là Người Tôi Trung: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Matthew 3:17) và “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1: 11).
Chỉ một mình thánh Lu-ca trích dẫn trọn vẹn câu 7 của Tv 2, theo đó Thiên Chúa xác nhận rằng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa”: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Lời công bố Đức Giê-su là Con Thiên Chúa này cũng sẽ được vang lên khi trời được mở ra vào biến cố Biến Hình (Lc 9: 35). Chính trên Con Thiên Chúa này mà thánh Lu-ca muốn nhấn mạnh: cuộc thần hiển ngay sau phép rửa là mặc khải công khai, chính thức, về mầu nhiệm của Đức Giê-su, Ngài thật sự là Con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ hai, những người phủ nhận Thần Tính của Đức Ki-tô đã khai thác vế thế hai của câu trích dẫn này để chủ trương rằng Đức Giê-su chỉ là một con người, con của ông Giu-se và bà Ma-ri-a, nhận được ơn nghĩa tử (được Thiên Chúa nhận làm con), ơn nghĩa tử này được công bố chính xác bởi những lời này “Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
Tư tưởng của thánh Lu-ca rất khác xa với một viễn cảnh như vậy. Rõ ràng ngay liền sau lời trích dẫn này, thánh ký tường thuật gia phả Đức Giê-su Ki-tô, ở đó thánh ký chủ ý lên cho đến A-đam, “con Thiên Chúa” (Lc 4: 38). Đức Giê-su là A-đam mới, được sinh ra từ Thiên Chúa, Ngài là thủ lãnh của một nhân loại mới. Phép rửa của Ngài là một sự khẳng định về một thực tại thần linh thường hằng ở nơi Ngài rồi. Qua phép rửa của chúng ta, nhờ kết hiệp với Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, nghĩa tử của Chúa Cha: “ngày hôm nay, chúng ta được sinh ra”.
Lm Inhaxiô Hồ Thông