Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Phụng Vụ đã mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời rất sớm. Điều đó muốn nói rằng niềm tin này kể từ đó cho đến nay đã được thiết lập một cách vững vàng rồi. Vả lại, một niềm tin như thế phát xuất từ những biện luận hữu lý hơn là từ ánh sáng đức tin: thân thể đã ban xác thịt cho Con Thiên Chúa phải chăng có thể chịu cảnh hư nát trong mộ? Người mẹ đã đón nhận Đức Giê-su trên trần thế, lại không được Con Mẹ đón tiếp vào cõi trời sao?

Phụng Vụ đã mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời rất sớm. Điều đó muốn nói rằng niềm tin này kể từ đó cho đến nay đã được thiết lập một cách vững vàng rồi. Vả lại, một niềm tin như thế phát xuất từ những biện luận hữu lý hơn là từ ánh sáng đức tin: thân thể đã ban xác thịt cho Con Thiên Chúa phải chăng có thể chịu cảnh hư nát trong mộ? Người mẹ đã đón nhận Đức Giê-su trên trần thế, lại không được Con Mẹ đón tiếp vào cõi trời sao? Và nếu sự chết là hậu quả của tội, Đức Trinh Nữ thanh sạch vô tì vết cũng phải chết sao?

Vì thế,  hằng năm nhiều nơi mừng kính lễ này dưới nhiều tên gọi khác nhau, như lễ “Đức Mẹ an giấc”, “Đức Mẹ chuyển biến”, “Đức Mẹ sinh ra trên trời”, “Đức Mẹ được triệu về Thiên Quốc”. Đặc biệt sau Công Đồng Ê-phê-sô (năm 431) trong đó Đức Mẹ được tuyên xưng là “Mẹ Thiên Chúa”, Lễ “Đức Trinh Nữ an giấc” (Dormitio) được long trọng mừng kính khắp nơi trong các Giáo Hội Đông Phương. Ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Pi-ô XII long trọng tuyên bố tín điều: Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời, và như vậy xác nhận niềm tin Ki-tô giáo này.

Vì Tân Ước đều tập trung vào một mình Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, nên không có bất kỳ bản văn Tân Ước nào thuật lại Đức Trinh Nữ lên trời, ngay sau khi chết. Về sự kiện này, các bài đọc phụng vụ chỉ dâng hiến những đề tài tiếp cận mà thôi.

Kh 11: 19; 12: 1-6, 10

Bài đọc I trích từ sách Khải Huyền của thánh Gioan. Qua thị kiến về một người Phụ Nữ và Con Mãng Xà, xuất hiện hình ảnh về Giáo Hội bị bách hại, nhưng Đức Ki-tô bảo đảm cuộc vinh thắng trên Xa-tan. Thị kiến này gợi lên một sự thân cận với bản văn Sáng Thế ở đó Đức chúa nói với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3: 15). Vì thế, Giáo Hội áp dụng vào Đức Ma-ri-a hình ảnh của người Phụ Nữ sinh Đấng Mê-si-a chiến thắng trong cơn đau đớn.

1Cr 15: 20-26

Trong thư thứ nhất gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nêu lên cuộc chiến thắng của Đức Ki-tô trên sự chết. Ở nơi Ngài, mọi người được sống lại “mỗi người theo thứ tự của mình”. Giáo Hội áp dụng viễn cảnh này vào Đức Ma-ri-a, Mẹ chiếm lấy vị trí hàng đầu giữa những người được sống lại trong vinh quang của Con Mẹ.

Lc 1: 39-56

Tin Mừng thuật lại chuyện tích Thăm Viếng, Đức Ma-ri-a cất lên bài “Ngợi Ca” (Kinh Mangificat) để chúc tụng Thiên Chúa về những điều kỳ diệu mà Ngài đã làm cho Mẹ.

BÀI ĐỌC I (Kh 11: 19; 12: 1-6, 10)

Thể loại văn chương được gọi là “khải huyền”, theo nguyên ngữ Hy-lạp “apocalypsis”, có nghĩa vén mở (“apo”) những điều ẩn kín (“calypsis”), đã xuất hiện ở Ít-ra-en vào tiền bán thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, với sách Đa-ni-en. Vài bản văn của Ê-dê-ki-en, Giô-en và Da-ca-ri-a đã chuẩn bị thể loại văn chương này.

Vào thời kỳ này, nguồn mạch trào lưu ngôn sứ đã cạn kiệt từ lâu. Văn chương khải huyền, theo một cách nào đó, kế nghiệp, nhưng nguồn cảm hứng mặc lấy ở đây một hình thức mới được bao phủ một cách mầu nhiệm hơn. Văn thể này rất gần với văn chương bói toán Đông Phương. Những giấc mơ và thị kiến, được nói đến từ thời Tổ Phụ, chiếm một chỗ quan trọng ở đây. Nhiều hình ảnh xem ra bắt nguồn từ ngôn ngữ biểu tượng của các câu chuyện thần thoại, nhưng đã trải qua lò luyện Cựu Ước và đã mặc lấy một màu sắc riêng. Hai thế kỷ trước thời Chúa Ki-tô, văn chương khải huyền nở rộ.

1. Sách Khải Huyền Tân Ước:

Vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, khi sách Đa-ni-en được biên soạn, dân Do thái đã trải qua một thời kỳ thử thách lớn lao: cuộc bách hại dữ dội bởi vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê vào những năm 167-164 trước Công Nguyên. Tác giả sách Đa-ni-en muốn đem đến niềm an ủi cho các tín hữu và cho họ nghe một giọng nói chứa chan hy vọng.

Thánh Gioan (chính thánh nhân bị bách hại và đày biệt xứ ở đảo Pát-mô “vì Lời Chúa”) nhắm đến một mục đích tương tự: khích lệ tấm lòng kiên trung cho những ai sắp đối mặt với những gian truân và cái chết, và cho họ thoáng thấy vinh quang tương lai bên cạnh Chúa Ki-tô vinh thắng.

Ngôn ngữ biểu tượng của các sách khải huyền trở nên ngôn ngữ “kháng cự” được mã hóa, đôi khi khó giải mã. Chính quyền Rô-ma bách hại được gọi dưới danh xưng Ba-by-lon, hay con điếm khét tiếng, hay bởi hình ảnh Con Thú, hay con số 666. Phải chăng tác giả nói đến cuộc bách hại vào thời hoàng đế Nê-ron (64-67) hay hoàng đế Đô-mi-xiên (91-96)? Chúng ta không biết chính xác, xem ra có thể cuộc bách hại của Đô-mi-xiên, vì tác giả ám chỉ đến việc phụng thờ hoàng đế, đánh dấu cuộc bách hại của hoàng đế Đô-mi-xiên, nhưng không loại trừ rằng vài phần của tác phẩm đã được biên soạn từ cuộc bách hại của hoàng đế Nê-ron.

Hậu cảnh là Ngày Chung Thẩm vào thời tận thế. Những đoạn văn mà chúng ta đọc của các chương 11 và 12 cho thấy vài dấu chỉ Ngày của Chúa này.

2. Dấu chỉ Đền Thờ:

“Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ”. Thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc cũng có Đền Thờ của mình, nguyên mẫu của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem tại thế; và cũng có Hòm Giao Ước, khuôn mẫu của Hòm Giao Ước chứa đựng Hai Bảng Thập Giới và đảm bảo sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài.

Ấy vậy, truyền thống truyền tụng rằng Hòm Giao Ước đã thoát khỏi cuộc tiêu hủy Đền Thờ bởi đạo quân Ba-by-lon vào năm 587 trước Công Nguyên; nó đã được ngôn sứ Giê-rê-mi-a cất giấu cẩn thận trong một hang đá, cạnh núi Xi-nai. Người ta sẽ không còn gặp lại nó trước Ngày của Chúa.

Vì thế, việc “Đền Thờ mở ra và Hòm Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ” là dấu chỉ kỷ nguyên cánh chung. Nhưng trong quan điểm của sách Khải Huyền, những biểu tượng của Giao Ước Cũ giúp chuyển biên Giao Ước Mới: Đền Thờ này, được Thiên Chúa ở cùng, chính là Giáo Hội; Giáo Hội khai mạc triều đại vĩnh viễn của Nước Trời.

3. Người phụ nữ và Con Mãng Xà:

Giáo Hội vẫn còn được gợi ra trong thị kiến về người Phụ Nữ đối mặt với Con Mãng Xà, biểu tượng Giáo Hội chịu bách hại và sinh hạ những tín hữu trong đau đớn.

“Một người Phụ Nữ, mình khoắc mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”, thật ra biểu thị Dân Thiên Chúa với mười hai chi tộc, trở thành Giáo Hội với mười hai tông đồ. Triều thiên là dấu chỉ của cuộc khải hoàn vinh thắng. Theo nghĩa hẹp, bà sinh hạ Đấng Mê-si-a, “người con này sẽ chăn dắt muôn dân”, nghĩa là người con này đã được Đấng Tối Cao tiền định. Nhưng cuộc sinh hạ này không thể là cuộc sinh hạ ở Bết-lê-hem, nhưng là cuộc sinh hạ ở đồi Can-vê, cuộc sinh hạ của Đức Ki-tô, Đấng Phục Sinh vinh quang và chiến thắng Xa-tan.

Tình mẫu tử được hình dung ở đây không trực tiếp là tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a, thậm chí cho dù Đức Ma-ri-a ở dưới chân thập giá là một người mẹ đau khổ đi nữa. Đây là hình ảnh cộng đoàn; Giáo Hội của các thánh tử đạo sinh hạ những người con có chung vận mệnh với Đức Ki-tô và được dự phần vào vinh quang của Đấng Phục Sinh. Thị kiến về cuộc khải hoàn và niềm hy vọng là chủ đề cơ bản của sách Khải Huyền.

4. Con Mãng Xà:

Con Mãng Xà biểu tượng quyền lực sự Ác, quyền lực Xa-tan; nó sở hữu những phẩm tính biểu tượng về quyền năng. Con Mãng Xà này có bảy đầu, con số chỉ sự viên mãn, và mười sừng, dấu chỉ sức mạnh và đặc biệt hơn quyền lực trần thế. Trong sách Đa-ni-en, cừu đực có hai sừng, biểu thị đế quốc Mê-đi và Ba-tư, và con dê đực có “một cái sừng lớn giữa hai mắt” biểu thi đế quốc Hy-lạp (Đn 8: 3-8). Sách Khải Huyền của thánh Gioan lấy lại cùng những biểu tượng để miêu tả Con Thú, tức chính quyền Rô-ma bách hại.

“Đuôi nó quét một phần ba các ngôi sao trên trời”. Trong sách Khải Huyền thánh Gioan, một phần ba là mức độ tác hại. Diễn ngữ: “quăng xuống đất” có thể muốn nói đến sức mạnh rất lớn lao của Con Mãng Xà, nhưng diễn ngữ này có lẽ ám chỉ đến cuộc sa ngã của các thiên thần hơn. Hình ảnh các ngôi sao rơi xuống đất thường được dùng trong các sách khải huyền Do thái để gợi lên cuộc sa ngã của các thiên thần, chủ đề này chỉ xuất hiện với những sách khải huyền này (nhất là sách Kha-nốc). Ở đây Con Mãng Xà được biểu thị như kẻ chịu trách nhiệm về cuộc sa ngã của các thiên thần (x. những lời của Chúa Giê-su trong Lc 10: 18: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống”).

“Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con”. Chính là Xa-tan, nó linh cảm rằng Đức Ki-tô là Đấng đánh bại nó. Nhưng đây cũng là chính quyền Rô-ma sẵn sàng nghiền nát Giáo Hội tiên khởi, nhưng không thể nào bóp nghẹt Giáo Hội được.

Sự thất bại của Xa-tan là dấu chỉ chính yếu của thời cánh chung. Hoạt cảnh của sách Khải Huyền hình thành nên phản đề với hoạt cảnh của sách Sáng Thế ở đó con rắn chiến thắng người phụ nữ. Trái lại, ở nơi hoạt cảnh của sách Khải Huyền, lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3: 15).

“Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở”. Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, thoát khỏi những quyền lực của sự Ác. Giáo Hội không thuộc thế giới ở đó Xa-tan ngự trị. Sa-mạc là nơi ẩn náo của các thánh, nhưng cũng là nơi thử thách. Như xưa kia, dân Chúa chọn được Thiên Chúa bảo vệ, che chỡ và nuôi dưỡng bằng bánh man-na trong sa mạc như thế nào, thì nay Giáo Hội cũng được Thiên Chúa bảo vệ, che chỡ và nuôi dưỡng bằng sự sống thần linh trong cõi cô tịch của sa mạc như vậy.

Đức Ma-ri-a, ở nơi Mẹ mà các Ki-tô hữu áp dụng biểu tượng này, cũng đã được đưa ra khỏi quyền thống trị của sự Ác. Mẹ cũng đã kinh qua sự thử thách lớn lao. Mẹ là dung mạo đầu tiên của Giáo Hội, Giáo Hội đau khổ cũng như Giáo Hội khải hoàn, tham dự trước vinh quang của Con Mẹ.

BÀI ĐỌC II (1Cr 15: 20-27)

Vào lúc cộng đoàn Cô-rin-tô gặp phải một cuộc khủng hoảng trầm trọng vào những năm 55-56, thánh Phao-lô đã viết cho các tín hữu Cô-rin-tô thư thứ nhất, thư này bị thất lạc. Đoạn, thánh nhân đã sai cộng sự viên của mình, ông Ti-mô-thê, đến thăm viếng cộng đoàn Cô-rin-tô này. Ông đã trở về với những thông tin đầy khích lệ và với một loạt câu hỏi, vừa về luân lý lẫn tín lý, mà các tín hữu Cô-rin-tô ước muốn được thánh nhân soi sáng.

1. Vấn đề kẻ chết sống lại:

Trong số nhiều câu hỏi này, viễn cảnh về sự phục sinh từ cõi chết đã là vấn đề đối với các Ki-tô hữu gốc Hy-lạp. Tại sao thân xác, ngăn cản linh hồn được thăng hoa viên mãn, giam hãm linh hồn trong thế giới vật chất, lại được sống lại? Vì thế, vài tín hữu Cô-rin-tô từ chối chấp nhận thân xác sống lại.

Thánh Phao-lô dành toàn bộ phần cuối cùng của thư này (mà chúng ta gọi “thư thứ nhất”, nhưng thật ra là thư thứ hai) để trả lời cho nghi vấn mà các tín hữu Cô-rin-tô nêu lên.

2. Câu trả lời của thánh Phao-lô:

Một trong những lý chứng cốt yếu mà thánh nhân nhắc lại, và chúng ta đọc hôm nay vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đó là sự phục sinh của Chúa Ki-tô hàm chứa sự phục sinh của chúng ta: “Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chịu chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại”. Phép đối ngẫu này rất tâm đắc đối với thánh Phao-lô, thánh nhân thích đối lập A-đam, thủ lãnh của nhân loại tội lỗi và Đức Ki-tô, thủ lãnh của nhân loại tái sinh. Đức Ki-tô, nhập thể và phục sinh, muốn cứu toàn thể con người chúng ta. Ngài là người đầu tiên trong số một loạt đông đảo của những người được sống lại; nhưng Ngài sẽ chỉ bày tỏ quyền năng phục sinh này khi nào Ngài trao lại cho Cha Ngài muôn loài muôn vật được giải thoát khỏi mọi quyền lực của sự Ác.

3. Mỗi người theo thứ tự của mình:

“Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi đến lượt những kẻ thuộc về Người”. Chính trên giáo huấn này mà niềm tin vào việc “Đức Mẹ Lên Trời” đã được xây dựng. Ai là người hiêp nhất với Đức Ki-tô hơn Mẹ của Ngài? Và nếu Đức Ki-tô cho mỗi người sống lại theo thứ tự của mình, không phải Đức Ma-ri-a chiếm lấy vị trí hàng đầu sau Con của Mẹ sao?


TIN MỪNG (Lc 1: 39-56)

Trong Tin Mừng Lu-ca, chuyện tích Đức Ma-ri-a thăm viếng bà Ê-li-sa-bét, chị họ mình, tiếp theo sau chuyện tích Truyền Tin; hai biến cố đan bện vào nhau. Sứ thần đã mặc khải cho Đức Ma-ri-a ân ban mà chị họ của Mẹ đã nhận được: bất chấp tuổi đã cao và mang tiếng là hiếm hoi đã lâu, nay sắp làm mẹ. Sứ thần còn quả quyết: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” để cho cô thiếu nữ làng Na-da-rét hiểu rằng sứ điệp không thể tin được mà sứ thần đã ngỏ lời với cô, cũng hoàn toàn khả thi đối với Thiên Chúa.

1. Đức Ma-ri-a vội vả lên đường:

Đức Ma-ri-a vội vả lên đường vì hai lý do: trước hết để kiểm chứng những lời của sứ thần như điều đáng tin đối với những gì mà sứ thần đã loan báo cho cô; nhưng chắc chắn đó không là lý do chính yếu. Đức Ma-ri-a đã tin, cô đã không nghi ngờ sứ điệp từ trời. Việc cô vội vả ra đi đúng hơn là sự chuyển động của đức ái: đi giúp đỡ người chị họ cao tuổi của mình đang mang thai “nay đã có thai sáu tháng rồi”. Quả thật, Đức Ma-ri-a sẽ ở bên cạnh bà Ê-li-sa-bét cho đến khi bà sinh hạ Gioan Tẩy Giả, như thánh Lu-ca nói ở cuối chuyện tích của mình: “Cô Ma-ri-a lưu lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi mới về nhà”.

Đức Ma-ri-a “đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa”. Người ta nghĩ rằng đây là thị trấn Aïn-Karim, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 7 cây số về hướng tây. Từ làng Na-da-rét đến thị trấn này phải mất đến ba hay bốn ngày đường.

2. Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a, sự hiện diện của Thánh Thần:

“Cô vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét”. Đức Ma-ri-a là người nhở hơn về tuổi tác cũng như về vai vế, vì thế, cô là người đầu tiên chào hỏi người chị họ mình, bà Ê-li-sa-bét . Tuy vậy, vào lúc đó, xảy ra một sự kiện mà phải nhấn mạnh tất cả tầm mức của nó. Việc cô Ma-ri-a đến trùng với việc thai nhi Gioan Tẩy Giả được đày tràn Thánh Thần.. Sứ thần đã loan báo cho người cha của hài nhi, ông Da-ca-ri-a: “Ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần” (Lc 1: 15). Chính vào lúc Đức Ma-ri-a cất tiếng chào, thì Thánh Thần chiếm lấy hài nhi. Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a và sự hiện diện của Thánh Thần cũng sẽ trùng hợp với nhau vào ngày lễ Ngũ Tuần.

“Đứa con trong bụng nhảy lên”. Chắc chắn động từ Hy-lạp được dùng ở đây mang nét nghĩa mạnh hơn nhiều so với bản dịch tiếng việt: “nhảy lên” (phải là như vậy, người mẹ mới có thể phát hiện một dấu chỉ siêu nhiên ở nơi sự chuyển động của thai nhi). Đến phiên mình, bà Ê-li-sa-bét, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, chào Đức Ma-ri-a bằng “lời chúc phúc” mà người ta ngỏ lời với những nhân vật vĩ đại hay Thiên Chúa: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ”. Đây là cách thức sê-mít diễn tả cách thức so sánh ở bậc cao nhất. Biểu thức này được dùng hai lần trong Cựu Ước để ca ngợi những bậc nữ kiệt đã cứu dân của mình bằng công trạng hiển hách. Vào thời thủ lãnh, bà Gia-ên đã giết tướng Xi-xơ-ra, kẻ thù của dân Do thái: “Phúc thay bà Gia-ên, phu nhân ông Khe-ve, người Kê-ni, hơn các phụ nữ, hơn các phụ nữ trong lều trại, bà thật là có phúc” (Tl 5: 24). Bà Giu-đi-tha cũng được ngợi khen như vậy khi bà giết được tướng của quân Át-sua là Hô-lô-phéc-nê: “Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa tối cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này” (Gdt 13: 18).

3. Đức Ma-ri-a, người phụ nữ được sủng ái nhất:

Ở đây, trong lời chúc phúc của bà Ê-li-sa-bét, Đức Ma-ri-a là người phụ nữ tuyệt vời nhất. Chúng ta tham dự một sự đảo ngược vai trò của hai người phụ nữ này. Chính nhân vật cao tuổi tỏ bày sự tôn kính đối với cô gái rất trẻ đến thăm mình. “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Tước hiệu “Chúa tôi” chỉ Đấng Mê-si-a. Trong Cựu Ước, tước hiệu này được dành riêng cho Đức Chúa, vì người ta không dám gọi Danh Thiên Chúa, tuy nhiên, được gán cho Đấng Mê-si-a trong vài bản văn ngôn sứ, nhất là qua vua Đa-vít, như Tv 110: “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: ‘Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”. Từ “Chúa Thượng tôi” chỉ nghĩa đầu tiên là vua, nhưng thánh vịnh này đã được xem như thánh vịnh Mê-si-a. Chúa Giê-su trích dẫn thánh vịnh này theo nghĩa này khiến những người Pha-ri-sêu cứng họng, không dám chất vấn Ngài nữa: “Vậy nếu vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng thì làm sao Đấng Ki-tô lại là con vua ấy được?” (Matthew 22:45). Ở đây tước hiệu này có nghĩa này, bà Ê-li-sa-bét không thể nghi ngờ tính cách thần linh mà tước hiệu này bao phủ.

“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Đây là Mối Phúc Tân Ước đầu tiên. Bà Ê-li-sa-bét càng ca ngợi Đức Ma-ri-a hơn vì chồng bà, ông Da-ca-ri-a đã thiếu lòng tin khi sứ thần loan báo cho ông việc Gioan Tẩy Giả sẽ chào đời trong tương lai, vì thế ông phải bị câm. Làm thế nào không nghĩ đến Mối Phúc sau cùng của sách Tin Mừng, được phát biểu sau biến cố Phục Sinh, Mối Phúc này cũng quy chiếu đến lòng tin: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20: 29).

Cuộc gặp gỡ của hai người mẹ tương lai này cũng là cuộc gặp gỡ của hai hài nhi được mong chờ. Cuộc gặp gỡ này thật đầy ý nghĩa: trước tiên, cuộc gặp gỡ này là cuộc bày tỏ đầu tiên niềm vui Mê-si-a, niềm vui này mà thánh Lu-ca rất thường gợi lên niềm vui cứu độ được ban cho nhân loại. Đây cũng là cuộc gặp gỡ của Cựu Ước và Tân Ước. Cuộc Viếng Thăm đánh dấu sự nối kết giữa hai thời kỳ; hay, chính xác hơn, điểm đoạn tuyệt. Giao Ước Cũ mà bà Ê-li-sa-bét đại diện, nghiêng mình trước Giao Ước Mới và nhường bước cho Giao Ước Mới.

4. Bài ca “Ngợi Khen” (Kinh Magnificat):

Đức Ma-ri-a bối rối khi nhận thấy rằng bà Ê-li-sa-bét đã đoán được điều bí ẩn của mình, hay đúng hơn bà đã được mặc khải điều này. Cô không còn lý do gì để giữ kín trong lòng nữa, nhưng để cho niềm tri ân của mình vỡ tràn thành bài ca tạ ơn.

Bài ca này của Đức Ma-ri-a hoàn toàn trong cùng dòng chảy của lòng mộ đạo Do thái. Không có biến cố nào, dù giản dị mấy đi nữa, mà lời nguyện Do thái không diễn tả tức khắc thành lời ngợi khen, lời ngợi khen này được gọi “berakah”. Một ngày của một người Do thái mộ đạo được đan dệt bằng lời ngợi khen. Phải có ở nơi tâm trí tính cách cụ thể của tư tưởng Do thái. Thiên Chúa không bao giờ được chiêm ngưỡng trong thế giới trừu tượng, người mộ đạo thân thưa với Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, Đấng hoạt động, Đấng can thiệp; người ta ngợi khen Ngài luôn luôn qua một sự kiện hay một biến cố chính xác, và trên hết, vì Giao Ước.

Do đó, biết bao lời nguyện tự phát mà Cựu Ước trích dẫn cho chúng ta nhiều ví dụ, đây là nguồn cảm hứng của nhiều Thánh Vịnh. Chúng ta hãy nghĩ đến bài ca của ông Mô-sê sau khi vượt qua biển Đỏ, bài ca đầu tiên thuộc văn thể này (Xh 15: 1-18), bài ca của bà Đơ-vô-ra sau cuộc chiến thắng quân Ca-na-an (5: 1-31), những bài ca của sách Tô-bi-a, nhất là bài ca sau cùng (Tobit 13:1-17) và cuối cùng, đặc biệt bài ca của bà An-na, mẹ Sa-mu-en, ngợi khen Thiên Chúa vì đã ban cho bà người con biết bao mong đợi này (1Sm 2: 1-10), bài ca của Đức Ma-ri-a được gợi hứng rất nhiều từ bài ca này.

Về chính bản văn, bài ca này được thánh Lu-ca phỏng theo bài thánh thi Ki-tô giáo, nhưng chính  yếu là Kinh Thánh và đầy những hồi ức Cựu Ước.

Đức Ma-ri-a ngợi khen Thiên Chúa trước tiên cho chính cô, cho ân phúc đặc biệt mà cô nhận được; đoạn, qua con người của cô, cô tán dương những người bé mọn và những người khiêm hạ, những người nghèo và những người thấp cổ bé miệng; sau cùng, cô chúc tụng Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân tộc của cô, vì Ngài vẫn trung tín với các lời hứa của Ngài. Cô hiểu rằng với cô và ở nơi cô những lời hứa này bắt đầu được thực hiện.

– Cho chính cô:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần khí tôi hớn hở vui mừng”. Bài ca của bà An-na bắt đầu theo một cách như vậy: “Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức Chúa…”.

“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”. Lời này không còn quy chiếu đến bài ca của bà An-na nữa, nhưng đến lời khấn hứa nồng nàn mà người mẹ này thổ lộ tâm can cùng Thiên Chúa xin cho mình được ân phúc làm mẹ: “Lạy Đức Chúa, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây” (1Sm 1: 10).

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Đây là lời thích ứng được cá nhân hóa của Tv 71: 19: “Ngài đã làm những việc lớn lao”. Đức Ma-ri-a thêm vào đây một lời khẩn nguyện: “Danh Người thật chí thánh chí tôn!”, mà biểu thức của nó mang đậm nét Do thái. Chúa Giê-su lấy lại trong Kinh Lạy Cha: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc 11: 2).

– Nhân danh những người phận nhỏ:

Qua mầu nhiệm mà từ đây bao phủ vận mệnh của cô, Đức Ma-ri-a chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài hằng thương xót đời nọ đến đời kia những ai kính sợ Ngài, tức là những người phận nhỏ nương tựa vào Ngài, phó thác vào Ngài, trong khi những phường kiêu ngạo, những kẻ quyền thế và giàu phải sửng sờ kinh ngạc. Bài ca của bà An-na cũng đã chúc tụng Đức Chúa theo cùng một cách tương tự:

“Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,

Người hạ xuống thấp, Người cũng nhấc lên cao.

Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi cát bụi,

ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,

đặt ngồi chung với hàng quyền quý,

tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng”.

Chúng ta có thể trích dẫn nhiều thánh vịnh, chưa nói về các bản văn ngôn sứ, ca ngợi “những người nghèo của Đức Chúa” theo một cách như vậy và mối quan tâm của Đức Chúa dành cho họ. Đức Ma-ri-a không phải là ví dụ đáng chú ý nhất sao? Từ sự đảo lộn những giá trị trong cái nhìn của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a là bông hoa đẹp nhất.

Nhân danh toàn dân Ít-ra-en:

Đức Ma-ri-a hoàn tất lời tạ ơn của cô bằng một tấm chân tình tri ân đối với Thiên Chúa, Ngài đã không quên lời hứa của Ngài. Kể từ tổ phụ Áp-ra-ham, dân Ít-ra-en mong chờ…Thiên Chúa vẫn trung tín: “Người nhớ lại”, diễn ngữ thường lập đi lập lại trong Kinh Thánh: diễn ngữ này loan báo sự can thiệp đúng lúc của Thiên Chúa: Thiên Chúa nhớ đến ông Nô-ê (St 8: 1), Ngài dừng trận đại hồng thủy, Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Ngài với tổ phụ Áp-ra-ham (Xh 2: 24), Ngài cứu thoát dân do thái ra khỏi Ai-cập, vân vân. Bây giờ Đức Ma-ri-a biết rằng lời hứa ban Đấng Mê-si-a đang được ứng nghiệm: “Thiên Chúa nhớ lại lòng thương xót”.

Lm Ignatiô Hồ Thông

Matthew 22:45
View in: NAB
45If David then call him Lord, how is he his son?
Tobit 13:1-17
View in: NAB
1And Tobias the elder opening his mouth, blessed the Lord, and said: Thou art great, O Lord, for ever, and thy kingdom is unto all ages:
2For thou scourgest, and thou savest: thou leadest down to hell, and bringest up again: and there is none that can escape thy hand.
3Give glory to the Lord, ye children of Israel, and praise him in the sight of the Gentiles:
4Because he hath therefore scattered you among the Gentiles, who know not him, that you may declare his wonderful works, and make them know that there is no other almighty God besides him.
5He hath chastised us for our iniquities: and he will save us for his own mercy.
6See then what he hath done with us, and with fear and trembling give ye glory to him: and extol the eternal King of worlds in your works.
7As for me, I will praise him in the land of my captivity: because he hath shewn his majesty toward a sinful nation.
8Be converted therefore, ye sinners, and do justice before God, believing that he will shew his mercy to you.
9And I and my soul will rejoice in him.
10Bless ye the Lord, all his elect, keep days of joy, and give glory to him.
11Jerusalem, city of God, the Lord hath chastised thee for the works of thy hands.
12Give glory to the Lord for thy good things, and bless the God eternal, that he may rebuild his tabernacle in thee, and may call back all the captives to thee, and thou mayst rejoice for ever and ever.
13Thou shalt shine with a glorious light: and all the ends of the earth shall worship thee.
14Nations from afar shall come to thee: and shall bring gifts, and shall adore the Lord in thee, and shall esteem thy land as holy.
15For they shall call upon the great name in thee.
16They shall be cursed that shall despise thee: and they shall be condemned that shall blaspheme thee: and blessed shall they be that shall build thee up.
17But thou shalt rejoice in thy children, because they shall all be blessed, and shall be gathered together to the Lord.