Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm B
Mc 13, 33-37
Chúa Giêsu cùng các Tông đồ đang ở tại khuôn viên Đền thờ Giêrusalem. Có người chỉ Đền thờ và trầm trồ khen ngợi về kiến trúc của ngôi Thánh Đường. Chúa Giêsu nhân đó đã tiên báo cảnh sụp đổ của Đền thờ – xảy ra vào năm 70, do tướng Titus phá hủy. Kế đó các Tông đồ hỏi Chúa về các sự việc ấy xảy đến và vào thời chung cuộc thì có những điềm báo gì? Đáp lại, Chúa Giêsu tiên báo hàng loạt những việc bách hại sẽ xảy đến cho các Tông đồ cũng như cho những ai tin vào Thiên Chúa. Đồng thời Ngài cũng nhận rằng ngày đó là ngày nào thì không ai biết được, chỉ có Chúa Cha biết được mà thôi (x. Mc 13, 1-32). Và để kết luận, Chúa đã dạy cho các Tông đồ biết phải sẵn sàng để chờ đợi ngày đó như được nói đến trong Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng này.
Tin mừng hôm nay chỉ vắn gọn trong năm câu, nhưng có đến bốn lần Chúa Giêsu dùng từ “canh thức” và một lần dùng từ “tỉnh thức” cũng đủ nói lên tính khẩn trương của việc chuẩn bị chờ đón ngày Chúa đến. Các Tông đồ muốn biết ngày đó là ngày nào và sẽ xảy đến ra sao, bởi các ông cho rằng sẽ là hợp lý khi biết trước để tránh, biết trước để chuẩn bị vẫn tốt hơn ở thế bị động. Chúa Giêsu không thể khẳng quyết chính xác ngày đó là ngày nào bởi nó nằm trong sự quan phòng của Chúa Cha. Điều Người có thể khẳng quyết cách chắc chắn rằng ngày đó- không sớm thì muộn, nhất định sẽ xảy đến. Khi khẳng quyết như thế, Chúa Giêsu không làm gì khác hơn là khuyên nhủ các Tông đồ hãy thanh thản sống giây phút hiện tại một cách có ý nghĩa. Sống giây phút ấy trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, trong sự tỉnh thức thật nhậy bén cũng như dùng giây phút hiện tại để dấn thân cho Tin mừng Chúa Kytô cách trọn vẹn. Cũng giống dụ ngôn người kia trẩy đi phương xa, trao tất cả quyền hành cho đầy tớ, sắp đặt mỗi người một việc và dặn người gác cửa phải tỉnh thức. Khi sánh ví như thế, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến việc không biết trước ngày nào, giờ nào chủ sẽ về và việc chủ nhà đến bất thình lình cho thấy công việc và mục đích duy nhất của người đầy tớ là hãy sống giây phút hiện tại trong sự tỉnh thức.
Tính cách bất ngờ, không báo trước ngày ông chủ về đã được thánh sử Máccô ghi lại mang dụng ý thần học hơn là cách trình bày sự việc cách đơn thuần. Nếu người Phương đông chia đêm thành năm canh thì trái lại, người Rôma lại chia thành bốn canh. Chúa Giêsu cũng dùng cách chia này nhưng lồng vào đó một ý nghĩa có tính chất tiên báo về bốn giai đoạn của cuộc thương khó mà Người sẽ trải qua. Bốn giai đoạn đó tượng trưng cho sự phản bội (chập tối), dễ sa chước cám dỗ (nửa đêm), chối Chúa (lúc gà gáy) và trốn chạy (tảng sáng). Chúng ta nhận thấy là, trong bốn canh của đêm tối, không giờ nào lại không có sự sa ngã, không lúc nào lại không có sự hiện diện của thế lực thù địch với Thiên Chúa. Thế nên vũ khí để có thể thắng đựơc các thế lực thù địch ấy- theo Chúa Giêsu, chỉ có thể là tỉnh thức. Tỉnh thức ở đây không chỉ là việc chống lại với sự buồn ngủ của thể lý mà còn là việc sẵn sàng nghênh đón những biến cố xảy đến cách bất thình lình nữa. Tỉnh thức ở đây cũng không phải mang một tâm trạng nặng nề ủ dột hay thất vọng đến độ tiêu cực cho bằng một thái độ sống biết phó thác, tin tưởng và chờ đợi ngày Chúa sẽ trở lại trong vinh quang của Người. Như thế, tỉnh thức là biểu hiện của một trạng thái sẵn sàng, hiên ngang ngẩng cao đầu, sống một cách trọn vẹn cho giây phút hiện tại, và vì thế, việc ông chủ về bất cứ lúc nào dường như không còn quan trọng lắm đối với họ, bởi họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, không thiếu sự gì để nghênh đón ông cách chu đáo.
Mùa Vọng nhắc nhớ chúng ta chuẩn bị tâm hồn, luôn luôn tỉnh thức để đón chờ ngày Chúa đến trong Vinh quang. Và bởi vì ngày Vinh quang của Chúa đến cách đột ngột, không báo trước, nên chúng ta cần phải ra sức chuẩn bị tâm hồn để khỏi hối hận về sự đã rồi. Ngày đó chắc chắn sẽ đến. Vấn đề ở chỗ chúng ta có tỉnh thức đủ để chuẩn bị tâm hồn, trở về với nẻo chính đường ngay, ngõ hầu lúc nào cũng sẵn sàng, sẵn sàng và sẵn sàng cho ngày đó hay không?.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb