(Mátthêu 20,1-16a – CN XXV TN – A)
Thiên Chúa không bỏ qua bất cứ nỗ lực nào mà không ban thưởng, nhưng Ngài vẫn giữ lại cho mình quyền tự do tuyệt đối.
1.- Ngữ cảnh
Trong các giáo huấn luân lý, ngay từ đầu Đức Giêsu đã tuyên bố rằng, là những con người, chúng ta không được tỏ ra thụ động, dửng dưng, chúng ta phải cộng tác để có thể thuộc về Nước Trời. Người đã khẳng định rõ ràng rằng chúng ta phải có một sự công chính “dồi dào hơn” (5,20), chúng ta phải làm thánh ý của Chúa Cha (7,21), để được vào Nước Trời. Trong dụ ngôn Kho tàng chôn giấu trong ruộng và Viên ngọc quý, Người cho thấy rằng Nước Trời xứng đáng được yêu cầu người ta dồn hết sức mà theo đuổi (13,44-46). Phêrô đã hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (19,27). Đức Giêsu không gạt bỏ câu hỏi về phần thưởng; Người hứa ban cho các môn đệ một phần thưởng gấp trăm và sự sống đời đời (19,29). Hành đông đúng và dấn thân trọn vẹn là những điều cần thiết, và chúng ta có thể chắc chắn là sẽ được Thiên Chúa quảng đại nhìn nhận và chúc phúc. Bài dụ ngôn Những người thợ vườn nho bổ sung cho nguyên tắc trên đây ở điểm: chúng ta không thể khẳng định một quyền gì trước nhan Thiên Chúa. Chính vì thế có liên từ “bởi vì/quả thế” (gar) mở đầu cho bài[1][1].
Bài này được ngỏ với các môn đệ, với người Pharisêu, hay là nhắm đến các tương quan giữa Do Thái và Dân ngoại? Ngữ cảnh gần cho thấy rất rõ là Đức Giêsu nói với các môn đệ: trong các bản văn trước cũng như trong các bản văn tiếp sau, các thính giả là các môn đệ. Và chính là nhân một câu hỏi rõ rệt của Phêrô mà Đức Giêsu kể dụ ngôn này. Có thể Người cũng nghĩ đến người Pharisêu hoặc toàn thể Israel, được tượng trưng bằng “những kẻ đứng đầu” lại thành “chót”? Rất có thể như thế, nhưng không có chi tiết nào trong bản văn bảo đảm như thế cả. Vậy phải giải thích dụ ngôn theo câu hỏi của Phêrô.
Nhân câu hỏi của Phêrô, Đức Giêsu đã nói về phần thưởng dành cho những ai bỏ mọi sự mà theo Người. Rồi Người kể dụ ngôn Những người thợ làm vườn nho. Dường như tâm trí Phêrô là tâm trí tính toán: phải tha mấy lần? Ông sẵn sàng tỏ ra quảng đại tối đa: tới bảy lần (con số chỉ sự hoàn hảo). Đức Giêsu đẩy đi xa hơn: Phải tha tới bảy mươi lần bảy, nghĩa là cứ cố gắng hoàn hảo “hơn”. Trong thực tế, Đức Giêsu cho biết rằng người ta không thể dàn xếp các vấn đề quan hệ liên vị dựa theo kiểu khối lượng được.
Rồi trong hoàn cảnh hiện tại, Phêrô muốn biết những ai đã bỏ mọi sự để phục vụ Đức Kitô thì được thưởng thế nào. Hai vế của phương trình phải cân bằng: phục vụ và hy sinh bao nhiêu thì phần thưởng bấy nhiêu. Đức Giêsu nồng nhiệt trả lời và đảm bảo rằng họ sẽ được ban thưởng bội hậu. Thế nhưng câu hỏi của Phêrô sai chỗ và cho thấy có một thái độ sai lạc. Nước Thiên Chúa không dựa trên luật có qua có lại; trong Nước này, không có chuyện các công trạng cá nhân được đánh giá theo số giờ làm việc. Trước tiên, đây là vấn đề đón nhận một ân huệ.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Ông chủ vườn nho thuê thợ suốt ngày (20,1-7);
2) Cách trả lương (20,8-12);
3) Ông chủ giải thích (20,13-15);
4) Kết luận (20,16a).
3.- Vài điểm chú giải
– Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền (2): Một đồng quan là lương thông thường một ngày làm việc vào thời Đức Giêsu. Ghi nhận về sự thỏa thuận này quan trọng để có thể đưa tới kết luận đầy kịch tính. Sách Mishnah tính là một người cần tối thiểu 200 quan một năm để có thể sống, tức giả thiết là một người làm công có thể tìm ra việc ít nhất 200 ngày một năm. Một quan có thể mua được từ 10 đến 12 ổ bánh mì nhỏ; 3 đến 4 quan thì mua được 12 lít lúa mạch (để làm được 15 ký bánh mì) hoặc một con chiên; 30 quan mua được một bộ quần áo nô lệ; 300 quan mua được một con bò. Theo giá đó, ta biết đời sống của một người làm công cũng khó khăn.
– Khoảng chín giờ sáng (3): Dịch sát là “Giờ thứ ba”. Mặc dù giờ pháp lý bắt đầu vào lúc mặt trời lặn, người ta vẫn tính giờ kể từ khi mặt trời mọc. Do đó, giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín và giờ thứ mười một tương đương với 9g, 12g, 15g và 17g. Ngày làm việc kết thúc vào khoảng 18g.
– bắt đầu từ những người vào làm sau chót (8): Cách trả lương như thế là bất thường. Nhưng câu truyện được xây dựng sao cho độc giả hiểu được lý do khiến những người thợ đầu tiên phải cằn nhằn.
– Này bạn (hetaire, 13): Hetairos là “người bạn đường”. Người ta thường dùng từ này để xưng hô với kẻ mà người ta không biết tên. Những người thợ làm giờ đầu đã không thưa gửi gì cả với ông chủ, nên ông chủ đã làm họ phải bẽ mặt khi bắt đầu câu trả lời bằng lời này. Ở đây hẳn là lời xưng hô này vừa toát ra sự tốt lành, vừa nhuốm màu trách móc.
– Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? (15): Dịch sát là “Hay mắt bạn xấu vì tôi tốt lành?”. Câu này là chìa khóa mở ra bài học của dụ ngôn. Đối với người Do Thái, căn cứ của tư tưởng, tức của những tâm trạng tốt và xấu, là trái tim; trái tim thông truyền các phản ứng của nó ra bên ngoài qua con mắt. Do đó, phẩm chất của con mắt cũng chính là phẩm chất của trái tim, hoặc của tâm hồn (x. 6,22; x. Mc 7,22; Cn 22,9; 23,6-7; 28,22).
4.- Ý nghĩa của bản văn
Đức Giêsu đã tạo ra một dụ ngôn với khung cảnh là việc chăm sóc vườn nho. Ông chủ nhà (oikodespotês) đi ra chợ thuê mướn thêm thợ, từ lúc đầu ngày, khi mặt trời mọc, cho đến khi chỉ còn một giờ nữa là chấm dứt ngày làm việc.
* Ông chủ vườn nho thuê thợ suốt ngày (1-7)
Ông chủ mời gọi mọi người ông gặp, những người ông gặp ngay lúc sáng sớm, cũng như những người ông gặp lúc trưa, lúc xế chiều, thậm chí lúc trời đã về chiều. Với những người được mướn đầu tiên, ông đã thỏa thuận với họ tiền lương thông thường một ngày làm việc là một quan (c. 2); với những người khác, ông hứa trả cho họ hợp lẽ công bằng, và hẳn họ hiểu là chỉ một phần đồng quan thôi (cc. 4-5); còn những người cuối cùng, ông sai họ đi làm vườn nho mà không nói minh nhiên về phần lương (c. 7). Thời gian làm việc của mỗi nhóm rất khác nhau. Thuê thợ vào hai giờ cuối ngày là chuyện lạ lùng, khiến thính giả chú ý. Có những tác giả, chẳng hạn Jeremias và Flusser, giải thích rằng cần phải thu hoạch nho trước khi những trận mưa thu đến. Nhưng bản văn không xác định là đang thu hoạch nho trong mùa thu; biết đâu thợ đang làm cỏ cho vườn nho vào mùa xuân? Chi tiết này muốn thính giả hay độc giả phải tự hỏi về khả năng lên kế hoạch của ông chủ và chờ đợi xem cách trả lương vào cuối ngày.
Tác giả dành một khoảng thời gian cho những người được mướn vào giờ cuối cùng. Ông chủ hỏi tại sao họ đứng đây không làm gì cả. Họ trả lời câu hỏi “thừa” này là không có ai mướn họ cả. Dĩ nhiên, vì chính ông chủ cũng thấy là họ không có việc (cc. 6-7). Mẩu đối thoại ngắn này nhắm làm cho thính giả cũng phải dừng lại với những người thợ này. Phải chăng họ quá lớn tuổi, hay là đau ốm? Phải chăng họ ngủ quên, nên hụt mất giờ thuê mướn thợ sáng sớm? Tác giả không cung cấp một chi tiết nào để trả lời các câu hỏi này. Ngài chỉ muốn thính giả để ý tới họ thôi.
Thính giả có thể cũng đã quen với hình ảnh ông chủ vườn nho là Thiên Chúa; Ngài kêu gọi dân Ngài làm việc cho Ngài. Nhưng không có chỗ nào trong truyền thống kinh sư nói rằng ông chủ mướn thợ vào các giờ khác nhau. Do đó, dụ ngôn này vẫn giữ được tính độc đáo riêng.
* Cách trả lương (8-12)
Đến chiều (opsias genomenês), người ta trả lương. Đây là truyền thống của Kinh Thánh và Do Thái giáo (x. Lv 19,13; Đnl 24,14-15). Đến c. 8, “chủ nhà” (oikodespotês) đột ngột biến thành “chủ vườn nho” (kyrios tou ampelônos); chi tiết này cũng làm cho người ta nghĩ đến Thiên Chúa. Người quản lý (epitropos) xuất hiện chỉ để thi hành lệnh lạ lùng của ông chủ: trả lương trước cho những người làm giờ cuối cùng. Mục đích hẳn chỉ là để những người làm giờ đầu tiên thấy những người kia được nhận lương thế nào.
Những người đầu tiên đã làm mười hai giờ, “đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (c. 12). Những người cuối cùng chỉ làm có một giờ mà thôi. Như thế, những người làm giờ đầu tiên đã phải làm dài giờ mà còn phải chịu cái nóng nực, còn những người làm giờ cuối cùng đã làm ít giờ lại được hưởng cái mát mẻ của buổi chiều. Nếu cứ theo cách tính toán chính xác thông thường, những người cuối cùng hẳn là chỉ được nhận một phần mười hai số lương của những người đầu tiên, nghĩa là một phần mười hai của một quan. Thế nhưng với những người thợ cuối cùng, dù ông chủ không hứa gì cả, ông đã trả cho họ trọn một quan. Đây là điều hoàn toàn bất ngờ, trái với sự tính toán thông thường.
Vậy những người thợ đầu tiên nghĩ rằng họ sẽ được nhận nhiều hơn, và có lẽ các thính giả cũng nghĩ như vậy. Thế nhưng mỗi người cũng chỉ nhận được một quan.
* Ông chủ giải thích (13-15)
Do đó, ông chủ đã khiến những người đầu tiên càm ràm phản đối: dường như là ông chủ đã vị phạm cách võ đoán nguyên tắc căn bản về công bình khi coi những người chỉ làm có một giờ ngang hàng với những người suốt ngày phải chịu nặng nhọc và nắng nôi. Ông chủ đã trả lời trả lời cho người phát ngôn của nhóm thứ nhất, với lời thưa gửi mở đầu là “bạn” (hetaire). Trước tiên, ông bảo vệ cách cư xử của ông dựa trên nền tảng là công bình hình thức, theo những gì đã thỏa thuận (c. 13). Thế thì người phản đối chỉ có thể cầm lấy phần của mình mà về nhà. Ông chủ cũng bảo vệ cách cư xử của mình khi nói đến quyền của người chủ là được tự do định đoạt về của cải của mình (c. 15). Cuối cùng, ông nêu một câu hỏi cho thấy động lực chân thật thúc đẩy ông ứng xử như thế: ông tốt bụng, cho dù ông không buộc phải hành động như thế. Phải chăng sự ghen tức đã thúc đẩy những người thợ đầu tiên phản đối ông?
Như vậy, ông đã trả lời để mở rộng cái nhìn hạn hẹp của họ và nhắc họ nhớ đến một loạt những yếu tố khác cũng quan trọng đối với việc lượng định lối xử sự của ông. Ông không nói với đám đông, nhưng nói với riêng một người. Các tôi tớ không được để cho mình bị ảnh hưởng bởi ý kiến của đám đông, nhưng mỗi người phải tự mình cân nhắc quan điểm của ông chủ.
* Kết luận (16a)
Có những tác giả coi câu này như câu cốt yếu của dụ ngôn. Nhưng thật ra những người đầu đâu có trở thành chót (trừ chuyện nhận lương); họ tất cả đều được hưởng một đồng lương như nhau. Đối với các người thợ, chỉ tiền bạc mới đáng kể. Câu này không được rút ra từ dụ ngôn, mà chỉ được thêm vào vì tương tự với đề tài. Trong thực tế, câu châm ngôn này nói đến sự đảo ngược các chỗ, còn dụ ngôn thì nói đến sự đối xử đồng đều.
+ Kết luận
Dựa trên c. 15, chúng ta hiểu được chiều hướng của câu truyện: nói đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa được biểu hiện cụ thể trong đời sống của Đức Giêsu. Giống như ông chủ vườn nho cư xử với những người thợ cuối cùng, Đức Giêsu cư xử tốt với những người không có một chuẩn mực nào mà đòi hỏi Thiên Chúa. Nhân danh Thiên Chúa, Đức Giêsu bảo vệ những kẻ tội lỗi, những người không tuân giữ Lề Luật; những phụ nữ và những người nghèo, những người vì nhiều lý do, không giữ được trọn Lề Luật; những bệnh nhân bị loại khỏi cộng đồng; những người thuộc đám đông dân chúng, không biết Lề Luật là gì. Vậy bài dụ ngôn không chỉ kể về lòng nhân ái của Thiên Chúa, nhưng còn giải thích lối cư xử của Đức Giêsu đối với dân chúng.
Chúng ta không thể khẳng định mình có một quyền hay một giá trị gì trước nhan Thiên Chúa; không thể xác định được một sự tương ứng cứng ngắc giữa phần ta đóng góp và phần thưởng từ phía Thiên Chúa. Thiên Chúa không bỏ qua bất cứ nỗ lực nào mà không ban thưởng, nhưng Ngài vẫn giữ lại cho mình quyền tự do tuyệt đối; và trên nền tảng là lòng nhân lành hoàn toàn tự do của Ngài, Ngài có thể ban tặng vượt xa mọi công trạng.
Hành động và các công trạng của con người không bao giờ thiếu ý nghĩa; chúng vẫn luôn có giá trị trước mặt Thiên Chúa, nhưng không thể áp đặt cho Ngài bất cứ quy tắc nào về ban thưởng, cũng không thể giới hạn tự do của Ngài trong lối hành động cũng như lòng nhân lành của Ngài. Với dụ ngôn này, Đức Giêsu lưu ý chúng ta là không được tính toán với Thiên Chúa, và quy định cho Ngài những gì Ngài phải ban cho chúng ta và người khác.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Nếu tác giả (Đức Giêsu) muốn cống hiến một bài học về công bình xã hội, thì hẳn là Người đã thất bại, bởi vì câu truyện không hề tôn trọng các luật lệ sơ đẳng nhất về sự bình đẳng. Thật ra tác giả không có ý giới thiệu một ông chủ thông thường, ban thưởng theo những đóng góp đã bỏ ra, nhưng là một ông chủ đặc biệt, có lối xử sự vượt quá kiểu tương quan bình đẳng. Giống như nhân vật chính của bài dụ ngôn, Thiên Chúa xử sự như thế trong tương quan với loài người, và theo đường lối Ngài, Đức Kitô cũng xử sự như thế khi ban ơn cứu độ cho loài người.
2. Thiên Chúa gọi mọi người đi vào vườn nho của Ngài, vào các thời điểm khác nhau. Những người Do Thái được gọi trước, nhưng rồi mọi người đều được chiếu cố, dù có lúc đã tưởng mình bị bỏ quên (“Vì không ai mướn chúng tôi”, c. 7). Bài dụ ngôn không nhấn mạnh đến sự quý chuộng riêng ông chủ tỏ ra với một ai, nhưng nhấn trên những quyền bình đẳng mà mọi người đều có trước lời mời và trước phần lương được ban. Nếu trước đây ông chủ đã hoặc có thể tỏ ra thiên vị, thì từ nay không còn như thế nữa.
3. Chúng ta không được so đo về các ân huệ của Thiên Chúa và than trách Ngài vì tưởng rằng chúng ta được nhận ít. Chúng ta phải chu toàn nhiệm vụ và đón nhận với lòng biết ơn những gì Ngài ban cho chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng tự do và lòng nhân lành của Ngài, và vui mừng khi thấy bất cứ dấu chỉ nào cho thấy lòng nhân lành của Ngài, cho dù không liên hệ đến chúng ta mà liên hệ đến người thân cận.
4. Ông chủ không ban phát đồng quan cách ngẫu hứng, cho ai nhiều ai ít tùy hứng. Ông ban cho mọi người điều họ cần, và ông ban phát rộng rãi tùy theo nhu cầu của người ta. Ông không gây thiệt hại cho ai cả, nhưng lòng tốt thúc bách ông ban tặng điều cần thiết để sống, cho cả người không được may mắn. Bài học của dụ ngôn vẫn tiếp diễn trong lòng cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô, trong đó vẫn vang lên lời kêu gọi sống khiêm nhường, sống tế nhị, quảng đại, như Đức Giêsu đã nhiều lần ngỏ với các môn đệ Người (x. 18,1tt; 20,22).
———————————————
[1] Xem Bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm