Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011 – Bài 1 – O Sacrum Convivium

Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011

Bài 1 – O Sacrum Convivium

Theo cuộc thăm dò dư luận của Trung Tâm Applied Research in the Apostolate (CARA) thuộc Đại Học Georgetown vào tháng 2, năm 2008, thì có 57% người Công Giáo Hoa Kỳ tin rằng Chúa Giêsu hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể, và chỉ có 31.4% tham dự Thánh Lễ hàng tuần.  Như thế nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ tuy có tin rằng Chúa hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng sự hiện diện của Người không mấy cần thiết cho đời họ.  Nhằm mục đích nhắc nhở các tín hữu về tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) đã chọn mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Luca: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” làm chủ đề cho ngày Chúa Nhật Giáo Lý 2011 và niên khóa 2011-2012.

Thánh Tôma Aquinô đã tóm lược thần học về Bí Tích Thánh Thể và nói lên tầm quan trọng của Bí Tích này trong đời sống Kitô hữu một cách rất cô đọng trong bài thánh ca O Scarum Convivium dưới đây. 

 

O sacrum convivium!

in quo Christus sumitur:

recolitur memoria passionis eius:

mens impletur gratia:

et futurae gloriae nobis pignus datur.

Alleluia.

 

Ôi Bàn Tiệc Thánh!

Trong đó chúng ta lãnh nhận Đức Kitô,

lễ tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Người được nhắc lại,

tâm trí được tràn đầy ân sủng,

và bảo chứng vinh quang tương lai được Chúa ban cho chúng ta.

Alleluia. 

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dẫn chứng những hàng này khi ngài diễn tả điều mà ngài gọi là “Sự kinh ngạc” về Thánh Thể, một cảm giác kinh ngạc mà chúng ta phải có khi suy niệm về Bí Tích này (xem Mane Nobiscum Domine,  s. 29).   Theo Thánh Tôma (trong Thần Học Tổng Lược 3.60.3) thì các Bí Tích được Đức Kitô thiết lập để giúp chúng ta nên thánh, và mỗi Bí Tích có thể được coi là bao gồm ba điểm:

  • Căn nguyên của ơn thánh hóa của chúng ta – chính là cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô
  • Cách thức thánh hóa chúng ta – là ân sủng và các nhân đức
  • Mục đích tối hậu của ơn thánh hóa –  là sự sống đời đời

Như thế Bí Tích nhắc lại cho chúng ta một điều gì trong quá khứ, biểu thị một điều gì đang hiện hữu, hứa hẹn về một điều gì sẽ xảy ra.

Nhưng nếu muốn hiểu ba bình diện quá khứ, hiện tại và tương lai của Bí Tích Thánh Thể chúng ta cần phải biết Dân Thiên Chúa ngày xưa hiểu những từ ngữ “tưởng niệm”, “tưởng nhớ”, “nhớ” như từ Chúa dùng trong câu Người truyền cho các môn đệ “Các con hãy làm việc này mà ‘nhớ’ đến Thầy” như thế nào.

Khi Thánh Kinh nói đến “tưởng nhớ”, thì các thánh ký không có ý nói về việc gợi lại chuyện cũ, hay nghĩ đến những gì đã xảy ra trong quá khứ, hoặc nhắc đến người nào trong quá khứ như chúng ta hiểu ngày nay. 

Đối với dân Do Thái thời Chúa Giêsu, tưởng nhớ là một nghi lễ, thường được đánh dấu bằng một hy lễ và một ngày hội.  Đồng thời nó luôn liên quan đến việc làm tái hiện diện một biến cố xảy ra xưa kia.

Khi dân Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua, họ không phải chỉ tưởng nhớ một cuộc giải phóng đã xảy ra trong quá khứ, nhưng “trong mỗi thế hệ, một người phải coi như chính mình vừa thoát khỏi Ai Cập” (Mishnah Pesahim 10.5e, trong Passover Haggadah, nxb Nahum Glatzer [New York: Schocken, 1989], viii).  Theo nghi thức thì Bữa Vượt Qua làm “tái hiện diện” cuộc giải phóng dân Do Thái khỏi Ai Cập trong quá khứ.  Nó vừa là một biểu hiệu, một dấu chỉ, nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa, nó đã thể hiện biến cố mà nó biểu thị.  Cả ngàn năm sau thời ông Môsê, mỗi gia đình Do Thái vẫn cảm nghiệm được cuộc giải phóng nhờ Lễ Vượt Qua.

Ở Palestine trong thế kỷ thứ nhất, Lễ Vượt Qua cũng là lễ mong đợi ngày Đấng Mêsia đến để kết hợp các chi tộc lại và quy tụ họ về quê cha đất tổ.  Vì thế các gia đình cầu nguyện trong Lễ Vượt Qua “cho Đấng khôi phục Giêrusalem”.  Việc khôi phục Giêrusalem rõ ràng là một biến cố trong tương lai, nhưng được diễn tả bằng thì hiện tại.  Trong mọi Lễ Vượt Qua, việc giải phóng trong tương lai được “nếm trước” trong hiện tại.  Giống như quá khứ được thực sự nhắc lại, nhớ lại, và hiện tại hóa.

Chính trong khung cảnh Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, khi Người cầm lấy bánh cùng rượu và công bố rằng chúng trở nên Mình Người và “Máu Giao Ước” (Mc 14:24, cũng xem Xh 24:8).  Rồi Người bảo các Tông Đồ: “Các con hãy làm việc này mà nhờ đến Thầy” (Lc 22:19).  Các Kitô hữu đầu tiên đều là tín hữu Do Thái sùng đạo nên họ không thể không hiểu Người có ý nói gì.  Trong thư gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô nói rõ về liên hệ giữa Lễ Vượt Qua và Bí Tích Thánh Thể: “Vì Đức Kitô, chiên Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã chịu hiến tế.  Vì thế, chúng ta hãy mừng đại lễ….  với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1 Corinthians 5:7-8).

Hội Thánh thẳng thắn nói về thực trạng của việc tưởng nhớ Lễ Vượt Qua mới này giờ đây được hoàn tất nơi Đức Chúa Giêsu Kitô.  Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết: “Tưởng Niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua,…. Khi cử hành phụng vụ, những biến cố này bằng một cách nào đó trở nên hiện diện và sống động” (GLCG 1363).  Và “Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô; và cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì hy tế của Ðức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn hiện diện sống động để đem lại ơn cứu độ” (GLCG 1346).

Toàn thể thời gian lịch sử thánh trong quá khứ, hiện tại và tương lai đồng quy khi chúng ta rước Lễ.  Chúng ta thực sự tham gia vào những biến cố xảy ra xưa kia.  Chúng ta thực sự dự phần vào vinh quang trong tương lai.  Nhưng chúng ta không bao giờ xa rời giây phút hiện tại.

Đó là điều xảy ra khi cõi vĩnh hằng nhập vào thời gian, như đã làm khi Ngôi Lời nhập thể.  Đó là điều mà Bí Tích làm cho có thể xảy ra.  Quá khứ, hiện tại và tương lai kết hợp với nhau trong một giây phút độc nhất.

Lời vĩnh cửu đã mặc lấy một cuộc đời dương gian để cho chúng ta được chia sẻ sự sống vĩnh cửu của Người.  Khi rước Lễ, “chúng ta được tham dự vào thiên tính” (2 Proverbs 1:4).  Khi đó và ở nơi đó Con Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả mọi sự Người có: Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính – và như thế chúng ta “giờ đây thành con cái Thiên Chúa” (1 Galatians 3:2), dù chúng ta chưa được thấy Người.  Chúng ta được nếm trước Thiên Đàng, nhưng không phải một cách bền vững và vĩnh viễn.  Như ĐTC Bênêđictô thường nói, chúng ta cảm nghiệm cả một sự kiện “đã xảy ra” và “chưa xảy đến”.

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rất đúng rằng sự kinh ngạc về Bí Tích Thánh Thể là một phản ứng chính đáng.   Khi diễn tả sự ngạc nhiên này một lần nữa trong Thông Điệp cuối cùng của ngài, Ecclesia de Eucharistia, ngài lại dẫn chứng O Sacrum Convivium khi mời gọi các tín hữu Công Giáo đến sự “phung phí” thánh thiện trong lúc họ diễn tả “sự ngạc nhiên và sùng kính trước hồng ân vô giá của Bí Tích Thánh Thể” (Ecclesia Eucharista, số 48).

Dù ý niệm về một “bữa tiệc” thường ám chỉ một sự quen thuộc, Hội Thánh không bao giờ lùi bước trước cám dỗ tầm thường hóa “sự liên hệ mật thiết” này với Đức Lang Quân của mình bằng cách quên rằng Người cũng là Chúa của mình, và “bữa tiệc” vẫn luôn luôn là một bữa tiệc hiến tế được đánh dấu bằng Máu đổ ra trên đồi Golgôtha.  Bữa Tiệc Thánh Thể thật sự là một tiệc thánh, trong đó sự đơn giản của dấu chỉ che dấu sự thánh thiện khôn lường của Thiên Chúa: O sacrum convivium, in quo Christus sumitur! [Ôi bữa tiệc thánh, trong đó chúng ta lãnh nhận Đức Kitô!].  Tấm bánh bị bẻ ra trên các bàn thờ, được ban cho chúng ta, những kẻ lữ hành trên đường dương thế, là panis angelorum, bánh các thiên thần, là điều không thể đến gần được nếu không có lòng khiêm nhường như viên bách đội trưởng trong Tin Mừng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con” (Matthew 8:8; Lc 7:6).

Lòng súng kính Bí Tích Thánh Thể đó đã dựng nên các Thánh Đường và trang trí chúng bằng vàng hay đá cẩm thạch.  Đó là lòng sùng kính đã gợi hứng cho các bài thơ của Thánh Tôma Aquinô (không phải chỉ có bài O Sacrum Convivium) và những bài phổ nhạc thời danh bởi những nhà soạn nhạc vĩ đại trong lịch sử: Palestrina, Victoria, Liszt và Tallis.

Hầu hết chúng ta không bao giờ soạn một bản nhạc cổ điển hay tạc một bức tượng hoặc xây dựng một công trìng kiến trúc tuyệt mỹ để Chúa Thánh Thể của mình ngự.  Nhưng đức tin không cần phải được đo lường bằng những phương cách xa xỉ như trong văn hóa.  Hai “đồng bạc cắc nhỏ” của bá góa (x. Mc 12:42) cũng đã là “xa xỉ” rồi.  Vậy chúng ta hãy tha hồ hoang phí trong sự ngạc nhiên của mình.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết theo tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011 của HĐGMHK

1 Corinthians 5:7-8
View in: NAB
7Purge out the old leaven, that you may be a new paste, as you are unleavened. For Christ our pasch is sacrificed.
8Therefore let us feast, not with the old leaven, nor with the leaven of malice and wickedness; but with the unleavened bread of sincerity and truth.
Proverbs 1:4
View in: NAB
4To give subtilty to little ones, to the young man knowledge and understanding.
Galatians 3:2
View in: NAB
2This only would I learn of you: Did you receive the Spirit by the works of the law, or by the hearing of faith?
Matthew 8:8
View in: NAB
8And the centurion making answer, said: Lord, I am not worthy that thou shouldst enter under my roof: but only say the word, and my servant shall be healed.