Địa lý giáo phận Long Xuyên chúng tôi là một vùng rộng lớn đồng bằng sông Cửu Long. Đâu cũng là đồng ruộng. Bốn mùa được nhận ra từ cây lúa. Ngày lúa chín là lúc rất cần kịp thời thu hoạch. Nếu không gặt về, lúa chín bỏ đó, thì kể như mất mùa.
Kinh nghiệm nông thôn trên đây dẫn tôi vào lời Chúa Giêsu phán xưa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về. Chính anh em hãy ra đi” (Lc 10,2-3).
Lời Chúa trên đây ám chỉ việc truyền giáo. Cánh đồng lúa là cánh đồng truyền giáo. Thợ gặt là những người truyền giáo. Ra đi truyền giáo là ưu tư bức xúc của Chúa Giêsu.
Vâng lời Chúa, tôi bước vào cánh đồng truyền giáo. Tôi thấy một cảnh mênh mông bát ngát. Tôi nhận ra hai vùng khác nhau. Một vùng đợi chờ giới thiệu Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa. Một vùng mong mỏi tái truyền giáo cho những người gọi là biết Chúa, nhưng biết không đúng và sống đạo không đúng.
Cả hai vùng đều đặt ra những vấn đề rất phức tạp. Một trong những điều tôi cho là rất khó giải quyết, đó là tính dễ thay đổi, tính dễ biến chất của bao người theo tôn giáo. Xin phép đưa ra vài thí dụ:
Hãy nhớ lại nước Do Thái thời Chúa Giêsu và các tông đồ. Hồi đó phong trào trở lại đi theo Chúa Giêsu là rất phấn khởi. Nhưng nay còn gì đâu, nơi dân Do Thái, trên đất nước Do Thái. Mà đó chính là nơi Chúa Cứu thế và các tông đồ đã truyền giáo và đã đổ máu ra.
Rồi hãy nhớ lại những giáo điểm thời thánh Phaolô. Hồi đó các giáo điểm đó rất phát triển về công giáo. Nay các nơi đó đang là đất của tôn giáo khác.
Rồi hãy nhìn vào mấy nước Âu châu. Trước đây, Hội Thánh tại những nước đó rất sốt sắng. Họ đã gởi bao người của mình đi các nơi xa xôi, để truyền giáo. Nay các nước đó đang rơi vào cơn khủng hoảng ghê gớm: Số người giữ đạo giảm mau. Số người đi tu bớt hẳn.
Rồi hãy nhìn vào nhiều gia đình Việt Nam trong nước và ở ngoài nước. Cách hiểu đạo và cách giữ đạo giữa thế hệ lớn tuổi và thế hệ nhỏ tuổi đang làm nên khoảng cách.
Còn bao nhiêu phức tạp khác nữa do chuyển biến của xã hội và con người về mặt tâm lý, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, kinh tế, chính trị, môi trường. Tất cả đều tác động đến tâm thức tôn giáo.
Được sai đi truyền giáo giữa một tình hình đầy diễn biến như thế, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Đến đây, tôi xin phép kể một sự kiện đã xảy ra cho tôi, hy vọng có thể gợi ý cho anh chị em trên đường truyền giáo.
Năm 1975, tôi được thụ phong Giám Mục, theo sự bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Cho dù tình thế là rất khó khăn, tôi vẫn nghĩ rằng: Chúa chọn tôi và sai tôi đi để truyền giáo. Truyền giáo là ưu tư lớn nhất của tôi.
Một đêm, trong chiêm bao, tôi một mình lặng lẽ đi giữa một cánh đồng lúa mênh mông. Bỗng, tôi nhìn thấy xuất hiện một người từ bờ ruộng đàng xa bên trái tôi. Người lạ đó dần dần bước tới gần tôi. Khi gặp, tôi nhận ra ngay người lạ đó chính là Chúa Giêsu.
Ngài hiền từ, uy nghi, gần gũi. Ngài cầm tay tôi, dẫn tôi qua một con đường dài. Rồi hai người cùng vào phố. Ngài đưa tôi vào một bệnh viện lớn. Ngài dắt tôi đi thăm từng phòng, từng giường bệnh nhân. Tôi rất xúc động, cảm thương những người đau bệnh.
Tôi quay sang hỏi Ngài. Nhưng Ngài đã biến mất. Tôi tỉnh lại. Và lập tức tôi hiểu bài học Chúa Giêsu muốn dạy tôi về việc truyền giáo.
Bài học đó gồm hai điểm chính: Một là gặp gỡ Chúa Giêsu, gắn bó với Chúa Giêsu, bước theo Chúa Giêsu, đồng hành với Chúa Giêsu. Hai là yêu thương bác ái đối với mọi người, nhất là với người đau khổ.
Hai điểm đó cũng đã được được ghi trong Phúc Âm bằng nhiều lời dạy: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
“Thần Linh Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18).
Với những lời Chúa dạy trong Phúc Âm, và với những hình ảnh đầy cảm động gây ấn tượng trong tôi do chiêm bao đêm đó, tôi ra đi truyền giáo và tái truyền giáo.
Gặp gỡ Chúa Giêsu, và thực thi yêu thương bác ái, đó là những khởi đầu, mà tôi cho là rất cần thiết, rất quan trọng, rất căn bản trong việc truyền giáo.
Tiện đây, tôi cũng xin chia sẻ một điều riêng tư. Đó là đang khi tôi cố gắng truyền giáo và tái truyền giáo cho những người khác, thì chính bản thân tôi cũng được Chúa thường xuyên tái truyền giáo, bằng nhiều cách. Một trong những cách Chúa dùng để tái truyền giáo người môn đệ Chúa, là Chúa gởi thánh giá đến. Thánh giá đủ loại, đặc biệt là sự yếu đuối về mọi mặt. Đây là điều tôi cảm thấy cần phải nói ra, để những ai dấn thân vào việc truyền giáo hãy xác tín: Mình phải rất khó nghèo, rất khiêm tốn, rất từ bỏ.
Tôi vẫn nghĩ rằng: Chúng ta, dù là ai, cũng vẫn chỉ là tiếng kêu bên ngoài, như thánh Gioan Baotixita đã tự nhận. Còn Lời nói bên trong vẫn là Chúa Giêsu. Chính Ngôi Lời nói trong lòng ta mới là yếu tố quyết định. Vì thế, chúng ta phải rất gắn bó với Chúa Giêsu. Chỉ Ngài là đường, là sự thực và là sự sống. Chỉ Ngài là Đấng cứu độ chúng ta.
Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta hiểu thêm những gì Chúa Giêsu đã dạy về truyền giáo.
Trích tập sách ĐƯỢC CHỌN và SAI ĐI của Đức Cha G.B. BÙI TUẦN, LONG XUYÊN năm 2003