Tâm Tình của Giuse với Biến Cố Nhập Thể

Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A

Con người, dù quyền cao chức trọng đến mức nào đi chăng nữa vẫn mang trong mình những giới hạn của phận người. Cảm thức trước giới hạn đó con người thường tìm đến vị thần linh, vị cứu tinh của đời mình để kêu cứu.StJosephnAngel

Thiên Chúa là Chúa, là vị cứu tinh của dân tộc Do Thái để rồi Ngài luôn dõi mắt theo nhìn hành trình đời người của đám dân Ngài chọn. Lúc ẩn, lúc hiện, lúc đồng hành, lúc khuất bóng nhưng mà hình như lúc nào Thiên Chúa cũng ở bên cạnh dân riêng của mình. Thiên Chúa luôn can thiệp trong hành trình cứu độ, hành trình đi trong sa mạc của dân Do Thái để cứu họ thoát khỏi sự dữ, sự chết.

Hôm nay, chúng ta được nghe Isaia thuật lại câu chuyện hết sức hấp dẫn. Thời ấy, người ta báo cho nhà Đavít rằng quân Aram đã đóng quân ở Épraim. Với cái tin rùng rợn ấy, Akhát rúng động như cây rừng rung rinh trước gió như sách ngôn sứ Isaia diễn tả. Akhát rúng động và không hề biết rằng Thiên Chúa sẽ ra tay cứu ông cũng như cứu dân. Qua Isaia, Thiên Chúa hứa rằng sẽ làm cho dân Giuđa phải khiếp sợ. Khi nghe Isaia nói như vậy, nhà vua cảm thấy bình an vì có Thiên Chúa ở bên ông, ở bên dân của ông.

Thiên Chúa thương dân Do Thái, Thiên Chúa thương Akhát đến độ còn hỏi vua: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Đứng trước tình yêu bao la, sự chở che, sự quan phòng của Thiên Chúa Vua Akhát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.”

Nếu tiếp tục theo dõi những trang sách Isaia tiếp theo, chúng ta sẽ thấy một cách hết sức thiết thực về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho vua Akhát cũng như cho dân. Thiên Chúa đã cho dân chiến thắng và qua miệng của Isaia còn hứa ban Đấng Cứu Độ như chúng ta vừa nghe: Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen.

Tâm tình của vua Akhát quả là một tâm tình dễ thương. Được Thiên Chúa yêu thương, được Thiên Chúa cho đòi hỏi nhưng ông lặng lẽ trước ân huệ, trước ơn cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban cho dân Người. Giữa dòng người ồn ào và náo nhiệt, rúng động trước những biến cố của cuộc đời thì lại có những người bình tâm để nghe tiếng Chúa nói, nghe lời Chúa hứa trên cuộc đời của mình.

Giữa mùa Vọng này, hình ảnh hết sức đẹp của một người trông chờ Chúa đã hiện lên một cách hết sức dễ thương. Hình ảnh ấy đó chính là hình ảnh của Thánh Cả Giuse. Nhà nhà náo động, người người náo động thì Giuse hoàn toàn lặng lẽ. Thái độ lặng lẽ trước ơn cứu độ của Thiên Chúa của Thánh Cả Giuse chúng ta vừa nghe Thánh Matthêu thuật lại. Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta “gốc tích” của Đấng Cứu Độ trần gian.

“Đây là gốc tích của Đức Giêsu…”. Sau quyển sách gốc tích của Đức Giêsu Kitô, thì đây là một nguồn gốc khác được trình bày cho chúng ta. Chúa Giêsu, bám rễ sâu vào một lịch sử, trong một dân tộc, cũng là Đấng đến từ nơi khác. Giacob sinh Giuse, chồng của Maria, từ nơi bà, Chúa Giêsu sinh ra… Giuse đã đưa đứa trẻ sắp sinh nhập vào trong dòng dõi tổ tiên mình một cách hợp pháp một cách xác tín, một cách âm thầm và lặng lẽ. Từ ngày báo mộng, Thánh Giuse bước vào, nhập cuộc vào chương trình cứu độ mà Thiên Chúa mời gọi Ngài.

Để Con Thiên Chúa làm người, cần tiếng Xin Vâng của Maria, nhưng cũng cần tiếng Xin Vâng khiêm tốn của Giuse. Nhận Maria đang mang thai về nhà mình, và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha: những hành động ấy đã cho Giuse một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Chúng ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra, nếu như Giuse cứ cương quyết bỏ Đức Maria.

Nhờ Giuse, Chúa Giêsu đã là người thuộc nhà Đavít. Những lời hứa của Thiên Chúa đã ứng nghiệm (x. 2Sm 7,13).

Thánh Giuse có thể tố cáo Maria dựa trên luật Israel lúc đó, nhưng Ngài không làm như vậy. Giuse muốn trốn đi vì việc này có thể được mọi người xung quanh hiểu như là một hành động bỏ trốn trách nhiệm làm cha và trên bình diện siêu nhiên thì có thể được hiểu như là việc chối từ cộng tác với chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã muốn cho Giuse một cơ hội, nên đã sai sứ thần đến xác nhận cho Giuse biết là: “Đừng ngại nhận Maria về làm Bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần”, và thiên thần mạc khải thêm về thân thế của Đấng Cứu Thế đang được cưu mang trong cung lòng Mẹ Maria và mời gọi Giuse cộng tác và Ngài sẽ đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu. Việc đặt tên cho con là quyền của người cha, như vậy khi mời gọi Giuse đặt tên cho Con Trẻ không do chính máu huyết của mình, có nghĩa là mời gọi Giuse chấp nhận quyền hay đúng hơn sứ mạng làm cha của Con Trẻ trên bình diện pháp lý.

Thánh Giuse có thể từ chối, nhưng Ngài đã không từ chối mà vâng phục lời thiên thần truyền, Ngài chu toàn vai trò Thiên Chúa muốn trong việc cứu rỗi. Khi Mẹ Maria sinh Con Trẻ thì Giuse đặt tên Con Trẻ là Giêsu. Ngoài mẫu gương hành động của Giuse, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nơi bài đọc II nhắc chúng ta nhớ đến một mẫu gương hành động trước mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, đó là mẫu gương của thánh Phaolô tông đồ, một khi chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, thì con người không thể nào có thái độ dửng dưng được nữa, nhưng phải để cho Con Thiên Chúa Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô chiếm lấy, biến mình trở thành môn đệ, thành người cộng tác với Chúa để mang ơn cứu độ đến cho mọi người, mọi dân tộc.

Thực tế, Hài Nhi Giêsu đến từ một Đấng khác: đứa con bà sinh ra là bởi Chúa Thánh Thần. Vai trò là cha nuôi của Chúa Giêsu với Thánh Cả Giuse không phải là chuyện đơn giản. Phải hết sức trầm lắng mới có thể hiểu được ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc đời của Ngài. Giuse, người công chính, sẽ đặt tên cho Hài Nhi: bà sẽ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu. Tên gọi có ý nghĩa, cho biết Hài Nhi không phải là hậu duệ như những người khác, đóng kín trong những giới hạn của khả năng loài người: bởi chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi. Ai có thể giải thoát khỏi tội lỗi, nếu không phải là Thiên Chúa? Lời ngôn sứ nhận lấy đầy đủ tất cả ý nghĩa: người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi. Chúa Giêsu ghi tên vào một gia phả, nhưng Ngài làm nổ tung gia phả đó. Chính Thiên Chúa bước vào trong thế giới loài người chúng ta.

Khi đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian rồi, Giuse vẫn giữ một thái độ sống hết sức mẫu mực và lặng lẽ để làm gương sáng cho đứa con yêu của Ngài bởi lẽ Ngài hiểu được tầm quan trọng của hình ảnh người cha đối với việc tạo thành nhân cách của Hài Nhi. Chính nhờ gần gũi với Giuse mà Chúa Giêsu sẽ học biết người cha là gì. Chính nơi Giuse, Chúa Giêsu nhìn thấy phản ánh nhân loại tình phụ tử của Thiên Chúa. Biết nói với chúng ta rõ ràng về Cha của Ngài, phải chăng khi đã nhìn thấy Giuse mà Ngài đã có kinh nghiệm về sự âu yếm của cha: “Ai trong các anh, nếu đứa con xin bánh mà lại cho một hòn đá ư? Hay, nếu nó xin một con cá, mà lại cho nó một con rắn?” (7,9-10). Ngài đã học biết rằng, các người cha dưới đất biết cho con cái mình những sự tốt lành. Ngài đã học biết điều đó nơi thánh Giuse. Qua bài học lặng thầm của Thánh Giuse để lại, Chúa Chúa Giêsu như được củng cố thêm tình thương của Cha để Ngài bước vào cuộc khổ hình thập giá một cách hiên ngang hơn, một cách quyết liệt hơn.

Đối diện với những thử thách cam go của cuộc đời, thánh Giuse vẫn luôn giữ thái độ im lặng. Một thái độ thầm lặng để vâng theo ý Chúa. Người không lên tiếng, ăn to nói lớn, Người không bào chữa cho những hành động của Người, nhưng tất cả đều theo ý Thiên Chúa. Thánh Giuse đã im lặng, chấp nhận dù rằng người cũng rất trăn trở, băn khoăn, bồn chồn, lo lắng. Mọi biến cố xẩy đến trong cuộc đời của thánh Giuse đều được Người chấp nhận với lòng tin thâm sâu: Người hy sinh lợi ích riêng cho kế hoạch, cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Sự thinh lặng thánh, sự ngụp lặn âm thầm theo Thánh ý Chúa của thánh Giuse gợi lên cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta bài học hết sức ý nghĩa. Vì chỉ có sự phó thác thẩm sâu nơi bàn tay nhân từ của Thiên Chúa với tất cả đức tin sâu xa, con người mới nhận ra đôi mắt nhân hiền, trái tim quảng đại và tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với từng người. Thánh Giuse đã có mặt trong mọi lúc nguy biến mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ cần đến, nhưng tới thời Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai thì cuộc đời của thánh Giuse cũng bắt đầu chấm dứt nơi trần gian này. Sự thinh lặng kéo dài suốt cuộc đời của thánh Giuse từ lúc Người được sinh ra cho đến ngày Người nhắm mắt xuôi tay. Sự thinh lặng thánh của thánh Giuse diễn tả cuộc đời của một con người hoàn toàn thuộc về Chúa, cho Chúa và vì Chúa và như thế, thánh Giuse là mẫu gương tuyệt vời cho mọi người noi theo.

Những ngày chờ đón Đấng Cứu Độ đến trần gian ắt hẳn mở ra nhiều tâm tình, nhiều thái độ, nhiều tình cảm nhưng chắc có lẽ tâm tình âm thầm và trầm lắng của Thánh Giuse là tâm tình, là thái độ hết sức dễ thương mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Chỉ trong âm thầm, chỉ trong chịu đựng những đau khổ chúng ta mới có thể hiểu được Thánh ý tuyệt vời mà Thiên Chúa tô vẽ trên cuộc đời mỗi người chúng ta.

An Mai