Ngày mùng 10 tháng 12 năm 2000, Đức Hồng Y Ratzinger, hiện là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đã nói chuyện với các tham dự viên của Năm Thánh cho Giáo Lý viên về “Tân Phúc Âm Hóa”. Bài nói chuyện này thật ý nghĩa mà mọi Giáo Lý viên cần phải đọc và sống. Chúng tôi xin mạn phép tạm dịch ra tiếng Việt ở đây để chia sẻ với các bạn.
Mở Đầu
Không ai có thể nhận chân được đời sống của mình. Cuộc đời chúng ta là một câu hỏi bỏ ngỏ, một công trình dở dang, còn phải được đưa tới kết quả và hoàn thành. Thắc mắc căn bản của mỗi người là: Làm sao để phát triển toàn bộ khả năng của mình? Làm sao để học nghệ thuật sống? Con đường nào sẽ đưa tôi tới hạnh phúc?
Rao giảng Tin Mừng là tỏ lộ con đường để dạy nghệ thuật sống hoàn hảo. Ngay từ khi mới ra rao giảng, Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để mang Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4:18). Điều đó có nghĩa là “Tôi đến để trả lời câu hỏi căn bản về sự hiện hữu của bạn. Tôi đến đây để chỉ cho bạn con đường sống, con đường hạnh phúc. Thật ra, chính Tôi là con đường ấy.”
Cái nghèo mạt rệp không phải là cái nghèo vật chất mà là cái nghèo tinh thần: là sự thiếu khả năng vui mừng, là tin rằng cuộc đời vô nghĩa và mâu thuẫn. Ngày nay, cái nghèo này đã lan tràn khắp nơi, cả trên các nước giàu có về vật chất cũng như các nước nghèo, bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự thiếu khả năng vui là kết quả và nguyên nhân của sự thiếu khả năng yêu thương. Nó đem lại sự ghen tương, và tham lam – là những sự bất toàn tàn phá đời sống cá nhân và thế giới.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần “Tân Phúc Âm hóa.” Nếu người ta vẫn chưa biết nghệ thuật sống, thì không làm được gì cả. Nhưng nghệ thuật này không phải là vấn đề của khoa học. Nghệ thuật này chỉ được truyền thông từ Đấng là Sự Sống, Đấng là hiện thân của Tin Mừng.
I. Cấu Trúc và Phương Pháp Tân Phúc Âm Hóa.
1. Cấu Trúc
Trước khi nói về nội dung căn bản của việc Tân Phúc Âm hóa, tôi muốn nói it lời về cấu trúc và phương pháp chân chính của nó.
Hội Thánh luôn luôn và không ngừng rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Thánh Thể hằng ngày, ban phát các bí tích, rao giảng Lời Ban Sự Sống, là Lời Chúa, và quyết tâm hoạt động cho công lý và đức ái. Việc Phúc Âm hóa này đã mang lại kết quả: nó đem ánh sáng và niềm vui cũng như chỉ cho nhiều người con đường sống; nhiều người khác, dù vô tình, cũng được hưởng ánh sáng và hơi ấm tỏa ra từ việc Phúc Âm hóa thường trực này.
Tuy nhiên chúng ta đang chứng kiến một cách lo ngại tiến trình tẩy xóa Kitô giáo trong xã hội cách tiệm tiến, và sự đánh mất những giá trị căn bản của con người. Một phần lớn nhân loại ngày nay không tìm thấy Tin Mừng trong việc rao giảng Tin Mừng thường trực của Hội Thánh: nghĩa là không tìm thấy câu trả lời có sức thuyết phục cho câu hỏi: “Phải sống thế nào?”
Đó là lý do tại sao, song song với việc không ngừng và thường trực rao giảng Tin Mừng, chúng ta đang tìm một phương thế rao giảng Tin Mừng mới, mà cái thế giới đã không phản ứng gì với phương pháp rao giảng Tin Mừng cổ điển, có thể nghe được. Ai cũng cần Tin Mừng; và Tin Mừng dành cho mọi người, chứ không phải chỉ cho những nhóm đặc biệt. Đó là lý do tại sao chúng ta có nhiệm vụ tìm các phương thế khác để đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Có một cám dỗ khác nằm ngay dưới công việc này là cám dỗ thiếu kiên nhẫn, là cám dỗ muốn thành công vĩ đại ngay, bằng cách tìm thấy một số người đông đảo. Nhưng đây không phải là đường lối của Thiên Chúa. Vì đối với Nước Trời và việc rao giảng Tin Mừng, là dụng cụ và phương tiện của Nước Thiên Chúa, dụ ngôn hạt cải luôn luôn đúng (xem Mc 4:31-32).
Nước Thiên Chúa luôn luôn được bắt đầu lại bằng dấu này. Tân Phúc Âm hoá không có nghĩa là lôi cuốn một số rất đông người đã rời xa Hội Thánh bằng những phương pháp mới và tinh vi hơn. Không, đây không phải là điều mà Tân Phúc Âm hóa hứa hẹn. Tân Phúc Âm hóa có nghĩa là không bao giờ thoả mãn với thực tại là cây vĩ đại là Hội Thánh Hoàn Vũ đã được mọc lên từ hạt cải; đừng bao giờ nghĩ rằng cây này có đủ cành cho đủ mọi loại chim đến đậu. Nhưng là dám phó thác cho Thiên Chúa bằng sự khiêm nhường của hạt cải bé nhỏ, để tùy Chúa cho khi nào nó mọc lên và mọc thế nào (Mc 4:26-29).
Các cây lớn đều bắt đầu từ hạt nhỏ, và các phong trào ào ạt đông người đều chóng tàn. Trong cái nhìn về tiến trình tíến hóa, Teilhard de Chardin nhắc đến “cái trắng của các căn nguyên” (le blance des origins): khởi nguyên của một giống thì vô hình và nghiên cứu khoa học không thể khám phá ra được. Các khởi nguyên này tiềm ẩn vì chúng quá nhỏ. Nói cách khác: các thực thể to lớn được bắt đầu từ sự bé mọn.
Hãy bỏ ra ngoài việc thuyết tiến hóa của Teilhard là đúng hay sai; luật “khởi nguyên vô hình” thực sự nói lên một chân lý, mà chân lý này được diễn tả ngay qua hành động của Thiên Chúa trong lịch sử: “Thiên Chúa đã không thương yêu và chọn ngươi vì ngươi đông đúc hơn các dân tộc khác, bởi ngươi nhỏ bé nhất trong các dân tộc. Nhưng Ngài chọn ngươi vì Ngài yêu thương ngươi”. Thiên Chúa phán điều này với dân Israel trong Cựu Ước, và như thế diễn tả một sự ngược đời căn bản của lịch sử Cứu Độ: Chắc chắn Thiên Chúa không đếm xỉa gì đến số đông; sức mạnh bề ngoài không phải là dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài.
Hầu hết các dụ ngôn của Chúa Giêsu chứng tỏ cách cấu trúc này trong cách can thiệp của Thiên Chúa, và như thế trả lời cho những lo âu của các môn đệ, là những người đang mong đợi những thứ thành công và dấu lạ từ Đấng Mêsia, là loại thành công mà Satan đã muốn tặng cho Chúa: Tất cả những vương quốc này, ta sẽ ban cho ông… (Matthew 4:9).
Đương nhiên, vào cuối đời, Thánh Phaolô tin rằng ngài đã rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất, nhưng khi đó các Kitô hữu là những cộng đoàn nhỏ bé rải rác khắp nơi, chẳng có gì đáng kể theo tiêu chuẩn thế gian. Trên thực tế, họ là những nắm men dậy lên trong đống bột và mang theo mình tương lai của thế giới (xem Matthew 13:33).
Có một câu châm ngôn xưa nói rằng: “Thành công không phải là một Danh Hiệu của Thiên Chúa.” Tân Phúc Âm hóa phải phó mặc cho mầu nhiệm hạt cải, và không được kiêu căng tin rằng nó có thể mọc thành một cây lớn ngay tức thì. Chúng ta hoặc đã sống quá lâu dưới sự an toàn của một tàng cây lớn, hay trong sự nóng lòng muốn có một cây lớn và đầy sinh lực hơn, thay vì thế, chúng ta phải chấp nhận mầu nhiệm này là Hội Thánh vừa là một cây lớn, đồng thời vừa là một hạt nhỏ. Trong lịch sử Cứu Độ, Thứ Sáu Tuần Thánh và Chủ Nhật Phục Sinh luôn luôn xảy ra cùng một thời gian….
2. Phương Pháp
Phương pháp đúng phải được rút ra từ cấu trúc Tân Phúc Âm hóa này. Dĩ nhiên là chúng ta phải dùng các phương pháp hiện đại để người ta có thể nghe thấy tiếng chúng ta cách hợp lý, hay nói đúng hơn, để làm cho người ta có thể đến gần và dễ dàng hiểu được Tiếng Chúa… Chúng ta không tìm cách nghe tiếng của mình, chúng ta không muốn gia tăng thế lực hay bành trướng tổ chức của mình, nhưng muốn phục vụ công ích của dân chúng và nhân loại bằng cách dành chỗ cho Đấng là Sự Sống.
Sự tự hiến của một người, dâng cho Đức Kitô vì phần rỗi của tha nhân là điều kiện căn bản của một quyết tâm thật sự phục vụ Tin Mừng. Chúa phán: “Ta nhân Danh Cha Ta mà đến, nhưng các ngưởi không chấp nhận Ta; nếu có người khác nhân danh mình mà đến, thì các ngươi lại chấp nhận người ấy” (Ga 5:43). Vậy dấu chỉ của tên Phản Kitô là hắn nhân danh mình mà nói.
Dấu chỉ của Chúa Con là sự hiệp thông của Người với Đức Chúa Cha. Chúa Con giới thiệu chúng ta vào sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, vào vòng Tình Yêu vĩnh cửu, mà các Ngôi là “sự liên hệ tinh khiết,” là hành động hiến mình cho nhau và đón nhận nhau. Chương trình của Chúa Ba Ngôi, được trở nên hữu hình nơi Đức Chúa Con, là Đấng không nhân danh Mình mà nói, cho chúng ta thấy đời sống của một nhà rao giảng Tin Mừng chính hiệu. Rao giảng Tin Mừng không phải chỉ là một cách thuyết pháp, nhưng là một cách sống, sống trong sự lắng nghe và để Chúa Cha dùng tiếng nói của mình. Chúa nói về Chúa Thánh Thần: “Ngài sẽ không nói bằng quyền năng của Ngài, nhưng chỉ nói những gì mà Ngài được nghe” (Ga 16:13).
Hình thức Kitô và Thánh Thần của việc rao giảng Tin Mừng cũng đồng thời là hình thức Hội Thánh: Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh và thông tin qua Hội Thánh. Việc rao giảng Nước Thiên Chúa phải bao gồm cả việc lắng nghe lời Ngài qua tiếng nói của Hội Thánh. “Không dùng quyền của mình mà nói” có nghĩa là nói trong sứ vụ Hội Thánh….
Có nhiều kết quả thực tế gặt hái được từ luật hiến mình này. Nên nghiên cứu tất cả các phương pháp hợp lý và phù hợp với luân lý, và việc dùng những phương tiện truyền thông có thể được này là một nhiệm vụ. Nhưng lời nói và nghệ thuật truyền thông không có thể đi sâu vào lòng người như Tin Mừng phải đi vào.
Cách đây mấy năm, tôi đọc tiểu sử của một linh mục thật thánh thiện của thế kỷ của chúng ta là cha Don Didimo, một linh mục ở giáo xứ Bassano de Grappa. Trong các ghi chú của cha, chúng ta có thể tìm thấy những lời vàng ngọc, là kết quả của một đời cầu nguyện và chiêm niệm. Thí dụ, cha Don Didimo nói với chúng ta rằng: “Chúa Giêsu dạy dỗ ban ngày, và Người cầu nguyện ban đêm.”
Với một ít lời như thế, cha muốn nói: Chúa Giêsu phải nhận được các môn đệ từ Thiên Chúa. Điều này luôn đúng đối với chúng ta. Chúng ta không thể tự mình tụ tập người khác lại được. Chúng ta phải lãnh nhận họ từ Thiên Chúa. Nếu không lấy cầu nguyện làm nền tảng thì mọi phương pháp đều trống rỗng. Lời chúng ta loan báo phải luôn luôn được thấm nhuần trong một đời cầu nguyện nhiệt tình.
Chúng ta phải thêm vào một bước nữa. Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy ban ngày và cầu nguyện ban đêm. Như Tin Mừng Thánh Luca diễn tả cách tuyệt vời, là cả cuộc đời của Người là con đường tiến về Thập Giá, đi lên Giêrusalem. Chúa Giêsu đã không cứu chộc thế gian bằng những lời hoa mỹ nhưng bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Sự Thương Khó của Người là nguồn sống vô tận cho thế gian; Sự Thương Khó này làm tăng quyền năng của Lời Người.
Chính Chúa đã diễn giải và nhấn mạnh dụ ngôn hạt cải. Người hình thành “luật sinh hoa trái” trong dụ ngôn hạt giống phải rơi xuống đất và chết đi (Ga 12:24). Luật này thật đúng cho đến tận thế, và song song với mầu nhiệm hạt giống, là nền tảng cho việc Tân Phúc Âm hóa. Toàn thể lịch sử chứng tỏ điều này.
Thật dễ dàng để chứng minh điều này trong lịch sử Kitô giáo. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại thời gian bắt đầu rao giảng của cuộc đời Thánh Phaolô. Ngài thành công trong của sứ vụ không phải vì tài hùng biện hay sự khôn ngoan trong mục vụ; thành công này dính liền với đau khổ, với sự thông phần vào cuộc tử nạn cùng Đức Kitô (xem 1 Corinthô 2:1-5; … 2 Corinthô 11:30; Galatê 4:12-14).
Chúa phán: “Trừ dấu lạ Giôna thì chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào khác.” Dấu lạ Giona là Đức Kitô chịu đóng đinh – họ là những nhân chứng đã hoàn tất “những gì còn thiếu trong những đau đớn của Đức Kitô” (Côlôsê 1:24). Qua tất cả các giai đoạn lịch sử, lời của Tertullian luôn luôn được minh chứng: “Máu các vị tử đạo là hạt giống.” Thánh Augustinô cũng nói điều ấy một cách đẹp đẽ hơn khi giải thích Gioan 21 rằng lời tiên báo tử đạo của Thánh Phêrô và lệnh chăn chiên, tức là việc thành lập quyền tối cao của ngài, luôn được gắn liền với nhau. Thánh Augustinô giải thích Gioan 21:16 như sau: “Hãy chăn các chiên của Thầy,” có nghĩa là hãy chịu đau khổ cho các chiên của Thầy…. Một người mẹ không thể cho đứa con sự sống nếu không phải đau khổ. Mỗi lần sanh nở đòi hỏi đau đớn, là sự đau đớn, và trở thành một Kitô hữu là một lần sanh đẻ.”
Chúng ta hãy lập lại lời của Chúa: Nước Trời đã chịu bạo lực (Matthew 11:12; Lc 16:16), nhưng đối với Thiên Chúa, bạo lực là đau khồ, là thập gíá. Chúng ta không thể đem lại sự sống cho người khác nếu không hy sinh mạng sống mình.
Tiến trình hiến thân trình bày ở trên là một hình thức cụ thể của việc hy sinh mạng sống mình, (được diễn tả bằng nhiều cách). Vậy chúng ta hãy suy nghĩ về Lời Chúa Cứu Thế: “Ai mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mark 8:35).
II. Nội Dung Thiết Yếu của Việc Tân Phúc Âm Hóa
1. Hoán Cải
Về nội dung của việc Tân Phúc Âm hóa, chúng ta trườc hết phải nhớ rằng Cựu Ước và Tân Ước không thể tách rời nhau được. Nội dung căn bản của Cựu Ước được tóm tắt bằng sứ điệp của Thánh Gioan Tẩy Giả: metanoeite – Hãy hoán cải! Nếu không có Thánh Gioan Tẩy Giả thì không ai đến được với Chúa Giêsu; không thể nào đến gần Chúa Giêsu mà không đáp lại lời kêu gọi của Đầng Tiền Hô. Hơn nữa Chúa Giêsu dùng chính sứ điệp của Thánh Gioan trong chính bài giảng của Người: metanoeìte kaì pisteúete èn tù eùaggelíu (Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng) (Mc 8:35).
Tiếng Hy Lạp metanoeite có nghĩa là nghĩ lại – tự hỏi mình về cách sống bình thường của mình; để Thiên Chúa đi vào hệ thống giá trị của đời mính, chứ không phải chỉ là phán đoán theo quan niệm thời đại. Cho nên, hoán cải có nghĩa là không sống như những người khác, không làm như họ, không cảm thấy cần phải biện minh cho những hành động mờ ám, mơ hồ, và xấu xa chỉ vì những người khác cũng làm như thế; nhưng bắt đầu nhìn vào đời sống của mình bằng cặp mắt của Thiên Chúa; có nghĩa là tìm sự thiện hảo, dù cảm thấy khó chịu; không nhắm đến phán đoán của số đông, của người ta, nhưng đến công lý của Thiên Chúa, hay nói cách khác là tìm một cách sống mới, một đời sống mới.
Tất cả những điều này không ám chỉ luân lý tính. Đơn giản hóa Kitô giáo thành hệ thống luân lý là không thấy điều thiết yếu của sứ điệp Kitô giáo. Đó là ơn được có một tình bằng hữu mới, ơn được hiệp thông với Chúa Giêsu, và nhờ đó được hiệp thông với Thiên Chúa. Một người trở về với Đức Kitô không tạo ra chủ quyền tuyệt đối về luân lý cho mình, không có ý dùng sức riêng của mình mà làm cho mình nên tốt lành.
“Hoán cải” (metanoia) có nghĩa hoàn toàn ngược lại: là bước ra ngoài sự tự mãn để khám phá ra và chấp nhận sự bần cùng của mình, của tha nhân, và chấp nhận Đấng Khác, để lãnh nhận sự tha thứ và tình bằng hữu của Người. Một đời sống không chịu hoán cải là đời sống tự biện minh cho mình (“Tôi đâu có tệ hơn những người khác”). Hoán cải là khiêm nhường phó thác vào tình yêu của Đấng Khác, một tình yêu sẽ trở thành mẫu mực và điều kiện của chính đời tôi.
Ở đây chúng ta không được quên diện xã hội của hoán cải. Trước hết, hoán cải chắc chắn là một hành động cá nhân, thật riêng tư. Tôi tự tách mình ra khỏi công thức “sống như những người khác.” (Tôi không còn cảm thấy phải tự bào chữa là tôi làm như những người khác), mà tôi tìm thấy chính tôi đang đối diện với Thiên Chúa, chịu trách nhiệm riêng của cá nhân tôi.
Nhưng sự nhân cách hóa thật luôn luôn là một sự xã hội hóa mới và sâu đặm hơn. Cái “tôi” lại một lần nữa tự mở ra cho cái “anh” với tất cả sự thẳm sâu của nó, và như thế nảy sinh ra cái “chúng ta” mới . Nếu cách sống này lan rộng khắp thế gian, bao hàm cả nguy hiểm không còn nhân cách hóa, không sống cho mình, nhưng cho tất cả những người khác, bằng cách hoán cải, chúng ta có thể đạt được cái ‘chúng ta” mới theo một con đường chung của Thiên Chúa.
Trong việc rao giảng sự hoán cải, chúng ta cũng phải gợi ra một đời sống cộng đồng, một chỗ chung cho cách sống mới này. Chúng ta không thể chỉ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói. Tin Mừng tạo ra sự sống, tạo ra cộng đồng đang tiến triển. Nếu chỉ hoán cải cá nhân mà thôi thì không thích hợp….
2. Nước Thiên Chúa
Trong lời kêu gọi hoán cải có tiềm ẩn việc tuyên xưng Thiên Chúa Hằng Sống như một điều kiện căn bản. Đặt trọng tâm vào Thiên Chúa là điều căn bản trong sứ điệp của Chúa Giêsu và cũng phải là trọng tâm của việc Tân Phúc Âm hóa.
Từ chính của lời Chúa Giêsu rao giảng là: Nước Thiên Chúa. Nhưng Nước Thiên Chúa không phải là một sự vật, một cơ cấu xã hội hay chính trị, một nơi không tưởng (utopia). Nước Thiên Chúa chính là Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa có nghĩa là: Có Thiên Chúa. Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trên thế gian, trong đời sống của chúng ta — của tôi.
Thiên Chúa không phải là một “căn nguyên tối thượng” ở đằng xa. Thiên Chúa cũng không phải là một “kiến trúc sư tối cao” của thần giáo, chỉ dựng nên bộ máy vũ trụ và bỏ mặc nó. Trái lại, Thiên Chúa là một thực thể hiện hữu và quyết định nhất trong mọi và mỗi hành động của đời tôi, trong mọi và mỗi giây phút của lịch sử.
Trong buổi họp khi rời Đai học Münster, thần học gia J.B. Metz đã nói nói lên một số điều không ngờ đối với ông. Trong quá khứ, ông Metz dạy chúng ta về thuyết lấy con người làm trọng tâm, rằng sự xảy ra thật của Kitô giáo là một khúc quanh của thuyết lấy con người làm trọng tâm, sự thế tục hóa, việc khám phá ra thế giới trần tục. Rồi ông ta dạy môn thần học chính trị, tức là đặc tính chính trị của đức tin, rồi đến “ký ức nguy hiểm”, và sau cùng là thần học tường thuật.
Sau con đường dài và khó khăn này, ngày nay ông nói với chúng ta: Cái vấn đề thật sự của thời đại chúng ta là “Khủng hoảng về Thiên Chúa,” sự vắng mặt của Thiên Chúa, được ngụy trang bằng một tín ngưởng rỗng tuếch. Thần học phải trở lại Theo-logy thật sự, tức là nói về Thiên Chúa.
Ông Metz nói đúng: unum necessarium (điều cần thiết duy nhất) của con người là Thiên Chúa. Dù có Thiên Chúa hay không thì mọi sự đều thay đổi. Tiếc rằng các Kitô hữu chúng ta thường sống như là không có Thiên Chúa (si Deus non deratur). Chúng ta sống theo khẩu hiệu: “Không có Thiên Chúa, mà nếu có Thiên Chúa, thì Ngài cũng chẳng nhằm nhò gì.”
Cho nên việc rao giảng Tin Mừng phải nói về Thiên Chúa trước hết, rao truyền một Thiên Chúa Thật Duy Nhất: Đấng Tạo Hóa, Đấng Thánh Hóa, Đấng Phán Xét (Xem GLCG).
Ở đây chúng ta cũng phải nhớ đến khía cạnh thực hành. Chúng ta không thể làm cho người khác nhận biết Thiên Chúa chỉ bằng lời nói. Không ai có thể biết một người khi chỉ biết về người ấy qua người khác. Rao giảng về Thiên Chúa là giới thiệu sự liên hệ với Thiên Chúa: dạy cầu nguyện thế nào. Cầu nguyện là Đức Tin diễn tả bằng việc làm. Và bằng chứng là có Thiên Chúa chỉ xuất hiện nhờ cảm nghiệm được sống với Thiên Chúa.
Đó là lý do tại sao các trường dạy cầu nguyện, các cộng đồng cầu nguyện, thật quan trọng. Có một sự bổ túc giữa cầu nguyện cá nhân (“trong phòng của mình”, một mình trước nhan Thiên Chúa), và cầu nguyện “bán phụng vụ” chung (“các kinh thông dụng”) và cầu nguyện trong Phụng Vụ.
Tất nhiên là Phụng Vụ là cầu nguyện hàng đầu; nét đặc trưng của nó là đối tượng chính của Phụng Vụ không phải là chúng ta (như cầu nguyện riêng hay đọc kinh), nhưng là chính Thiên Chúa – Phụng Vụ là một actio divia – việc làm của Thiên Chúa, và chúng ta đáp trả lại việc làm này của Ngài. Nói về Thiên Chúa và thưa chuyện với Thiên Chúa phải luôn đi đôi với nhau. Việc rao giảng về Thiên Chúa là sự hướng dẫn đến hiệp thông với Thiên Chúa trong sự hiệp thông huynh đệ. Sự hiệp thông này được Chúa Giêsu thiết lập và làm cho sinh động. Đó là lý do tại sao Phụng Vụ (các bí tích) không phải là đề tài phụ thuộc theo sau việc rao giảng Thiên Chúa Hằng Sống, mà là việc thể hiện mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa.
Trong khi nói về đề tài này, tôi xin mạn phép đưa ra một nhận xét chung về vấn đề Phụng Vụ. Cách thức chúng ta cử hành Phụng Vụ thường quá duy lý. Phụng Vụ trở thành một giáo huấn, mà tiêu chuẩn là là cho chúng ta được hiểu, mà hậu quả của việc này là làm cho mầu nhiệm trở nên tầm thường, sự thịnh hành của các lời chúng ta dùng, sự lập lại các câu có vẻ làm cho người ta dễ đến gần và dễ thấy thú vị.
Phải, đây không những là một sai lầm về thần học mà cả về mục vụ nữa. Trào lưu bí truyền, sự lan rộng của các phương pháp tĩnh dưỡng và tự xả chứng tỏ có một điều gì thiếu xót trong phụng vụ của chúng ta. Đó chính là trong thế giới của chúng ta hôm nay chúng ta cần sự thinh lặng, sự siêu huyền bí của cá nhân, của cái đẹp. Phụng Vụ không phải là sáng kiến của linh nục chủ tế hay của một nhóm chuyên môn; mà Phụng Vụ (“nghi thức”) được tạo thành bởi một tiến trình hữu cơ qua nhiều kỷ nguyên, nó mang theo với nó kết quả của cảm nghiện Đức Tin của tất cả mọi thời đại.
Mặc dù người tham dự không hiểu tất cả mọi chữ, họ cũng nhận thức được ý nghĩa sâu xa, sự hiện diện của mầu nhiệm, vượt trên mọi lời nói. Vị chủ tế không phải là trọng tâm của hành động Phụng Vụ; vị chủ tế không nhân danh mình mà đứng trước dân chúng, vị ấy không nói cho mình, hay nói theo ý mình, nhưng “in persona Christi” nhân danh Đức Kitô. Khả năng của cá nhân vị chủ tế không là gì, chỉ có Đức Tin của ngài là đáng kể, bởi vì qua Đức Tin ấy, người ta thấy Đức Kitô. “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ đi” (Ga 3:30).
3. Chúa Giêsu Kitô
Với suy tư này, đề tài về Thiên Chúa đã được mở rộng và đã đạt tới trong chủ đề về Đức Chúa Giêsu Kitô: Chỉ trong Đức Kitô và nhở Đức Kitô mà đề tài về Thiên Chúa trở nên cụ thể.: Đức Kitô là Đấng Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là sự cụ thể hóa Đấng Hằng Hữu, là một câu trả lời cho thuyết thần giáo.
Ngày nay cám dỗ để làm Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhỏ đi, và trở thành một Giêsu thuần túy lịch sử, thành một phàm nhân mà thôi. Người ta không cần phải chối từ Thiên Tính của Chúa Giêsu, nhưng dùng một vài phương pháp để lọc ra từ Thánh Kinh một Chúa Giêsu cùng kích thước với chúng ta, một Chúa Giêsu mà phạm vi ghi chép lịch sử cho là có thể có và có thể hiểu được.
Nhưng “Chúa Giêsu lịch sử này” là một tác phẩm, một hình ảnh của các tác giả thay vì hình ảnh của Thiên Chúa Hằng Sống (xem 2 Corinthô 4:4 trở đi; Colôxê 1:15). Đức Kitô của Đức Tin không phải là một huyền thoại; nhưng cái được gọi là Giêsu lịch sử là một nhân vật huyền thoại, được một số nhà chú giải Thánh Kinh tự sáng tác ra. Hai trăm năm lịch sử của một “Chúa Giêsu lịch sử” phản chiếu cách trung thực lịch sử của các triết thuyết và hệ thống tưởng của giai đoạn này.
Trong phạm vi của buổi họp này, tôi không thể đi vào nội dung của việc rao giảng Đấng Cứu Độ chúng ta, tôi chỉ muốn vắn tắt nhắc đến hai khía cạnh quan trọng.
Khía cạnh thứ nhất là Theo Đức Kitô — Đức Kitô đã hiến Mình làm con đường cho đời sống của tôi. Theo Chúa Giêsu không có nghĩa là bắt chước con người Chúa Giêsu. Tập làm như thế chắc chắn là thất bại, là lỗi thời. Theo Đức Kitô dẫn đến một mục tiêu cao cả hơn nhiều: là được đồng hoá với Đức Kitô, là đạt được sự kết hợp với Thiên Chúa. Những lời như thế có vẻ khó nghe đối với những người thời đại. Nhưng, trên thực tế, tất cả chúng ta đều khao khát sự không cùng: một sự tự do không cùng, một hạnh phúc vô biên.
Toàn thể lịch sử cách mạng trong hai thế kỷ vừa qua chỉ có thể giải thích được bằng cách này. Ma túy chỉ có thể được giải thích cách này. Con người không thỏa mãn với các giải pháp nằm dưới mức thần thánh. Nhưng tất cả các con đường mà “con rắn” (STK 3:5) đề ra, có nghĩa là bằng kiến thức trần thế, đều thất bại. Chỉ có một con đường duy nhất là hiệp th ôg với Đức Kitô, đạt được qua đời nhiệm tích. Theo Đức Kitô không phải là vấn đề luân lý, mà là một đề tài “huyền bí” – là một kết hợp giữa vệc làm của Thiên Chúa và sự đáp trả của chúng ta.
Như vậy trong đề tài Đi Theo, chúng ta tìm thấy sự hiện diện của một trọng tâm khác của Kitô học, mà tôi muốn nhắc đến là Mầu Nhiệm Phục Sinh, Thập Giá và Sống Lại. Trong việc dựng lại “Chúa Giêsu lịch sử” thường thì đề tài về Thập Giá chẳng có ý nghĩa gì. Trong cách giải thích của giới tư sản, nó chỉ là một việc tình cờ xảy ra mà không thể tránh được; nó không có một ý nghĩa thần học nào cả. Trong cách giải thích cách mạng nó trở nên một cái chết anh hùng của một tên phản loạn.
Sự thật hoàn toàn khác hẳn. Thập Giá thuộc về mầu nhiệm của Thiên Chúa, là cách diễn tả tình yêu đến cùng (Ga 13:1). Theo Đức Kitô là tham dự vào Thập Giá, là kết hợp với tình yêu của Người, để biến đổi cuộc đời chúng ta, và điều đó trở thành sinh ra một người mới, được tạo dựng theo ý Thiên Chúa (xem Êphêsô 4:24). Ai bỏ Thập Giá đi, thì cũng bỏ đi điều chính yếu của Kitô giáo (xem 1 Côrinthô 2:2).
4. Sự Sống Đời Đời
Điều chính yếu quan trọng cuối cùng của việc rao giảng Tin Mừng chân chính là sự sống đời đời. Ngày nay chúng ta phải rao truyền Đức Tin của chúng ta với mãnh lực mới của đời sống hằng ngày. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc đến một khía cạnh của việc rao giảng của Chúa Giêsu, mà ngày nay người ta thường bỏ qua: đó là rao giảng về Nước Thiên Chúa là rao giảng về sự hiện diện của Thiên Chúa, một Thiên Chúa biết chúng ta, lắng nghe chúng ta. Một Thiên Chúa đi vào lịch sử để thực thi công lý.
Cho nên việc rao giảng này cũng là việc rao giảng công lý, công bố nhiệm vụ của chúng ta. Điều gì một người làm hay tránh làm đều sẽ bị phán xét. Người ấy phải chịu trách nhiệm về mọi việc của mình. Xác tín này đúng cho cả những người quyền thế lẫn những người đơn hèn. Ở đâu mà xác tín này được tôn trọng, thì giới hạn của mọi quyền lực trên thế gian đều được vạch ra. Thiên Chúa thực thi công lý, và chỉ có mình Ngài sau cùng có thể làm điều này.
Càng có thể sống dưới đôi mắt của Thiên Chúa và truyền thông sự thật về chân lý cho thế gian, chúng ta càng nhận rõ điều này. Vậy đức tin vào công lý, động lực trong việc đào luyện lương tâm, là một đề tài chính của Tin Mừng và thực sự là một tin mừng. Tin mừng cho những người đang là những nạn nhân của bất công trên thế giới và của những ai đang tìm công lý.
Đó cũng là điều giúp chúng ta hiểu sự liên quan giữa Nước Thiên Chúa và “người nghèo,” người đau khổ và tất cà những người mà Bát Phúc trong Bài Giảng trên Núi nói đến. Họ được bảo vệ bởi sự chắc chắn của công lý, bởi xác quyết rằng có một công lý.
Đây là nội dung thật của sứ điệp về công lý, về Thiên Chúa là Đấng Phán Xét, rằng có công lý. Các bất công của thế gian không phải là lời cuối cùng của lịch sử. Có công lý. Chỉ có những ai không muốn có công lý là chống lại chân lý này.
Nếu chúng ta suy nghĩ một cách kỹ lưỡng về sự Phán Xét, và từ đó về trách nhiệm nghiêm trọng của chúng ta, thì chúng ta sẽ có thể hiểu rõ ràng một phương diện khác của sự rao giảng này, đó là Ơn Cứu Độ, Chúa Giêsu thật sự đã gánh tội chúng ta trên Thập Giá. Chính Thiên Chúa, qua sự Thương Khó của Con Ngài, trở thành Đấng Bào Chữa cho các người tội lỗi, và như vậy làm cho việc hối cải thành sự thật, là niềm hy vọng của các hối nhân, một niềm hy vọng được Thánh Gioan diễn tả cách tuyệt với về việc Thiên Chúa tái bảo đảm cho tâm hồn chúng ta, dù Ngài có khiển trách chúng ta điều gì đi nữa: “Vì Thiên Chúa vĩ đại hơn tâm hồn chúng ta, và Ngài biết mọi sự” (1 Galatians 3:19…). Lòng lành của Thiên Chúa thật vô biên, nhưng chúng ta không được thu nhỏ lòng lành này thành một cảm xúc ủy mị không có thật. Chỉ bằng cách tin vào sự phán xét của Thiên Chúa, chỉ nhờ đói khát công lý (xem Matthêu 5:6) mà chúng ta sẽ mở tâm hồn và cuộc đời ra đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Kết Luận
Chúng ta có thể thấy điều này. Không phải là việc tin vào sự sống vĩnh cửu làm cho đời sống trần thế ra tầm thường. Ngược lại, chỉ khi nào phạm vi của đời sống chúng ta vô tận, chúng ta mới thấy cuộc đời dương thế của mình cao quý và có giá trị bao la. Thiên Chúa không phải là đối thủ trong cuộc đời chúng ta, nhưng là Đấng bảo đảm cho sự cao quý của chúng ta. Bằng cách này chúng ta trở lại khởi điểm là Thiên Chúa.
Nếu chúng ta cân nhắc thật cẩn thận sứ điệp Kitô giáo, chúng ta không nói về nhiều điều. Trên thực tế, sứ điệp Kitô giáo thật đơn giản: chúng ta nói về Thiên Chúa và con người, và như thế, chúng ta nói về tất cả.
Đức Hồng Y Giuse Ratzinger
Diễn từ cho các Giáo Lý viên và các Thày Cô dạy về Tôn Giáo
Năm Thánh cho Giáo Lý viên, ngày 12 thánh 12 năm 2000.
GLV Phaolô Phạm xuân Khôi chuyển ngữ