Chúa Nhật XI Thường Niên Năm C
2 Samuen 12: 7-10, 13; Tvịnh 32; Galát 2: 16, 19-21; Luca 7: 36-8:3
Tuần này chúng ta chắc chắn không muốn bỏ qua bản văn của thánh Phaolô vì hôm nay ngài đã đưa ra bản tóm kết giáo huấn về đức tin và việc làm. Thánh Phaolô đã phê bình ông Phêrô và Banaba (2,11-14) vì hai ông đã dùng bữa với Dân ngoại nhưng khi những người Kitô hữu Dothái khắt khe, không chấp nhận Dân ngoại chưa cắt bì trở lại Kitô giáo cách trọn vẹn, thì ông Phêrô đã rút lui và từ chối dùng bữa với Dân ngoại.
Phải chăng những Kitô hữu gốc Dothái “tốt hơn” bởi họ đã tuân giữ truyền thống của tiền nhân thì làm những việc “chính đáng”? Hay, tất cả mọi Kitô hữu, bất kể những xuất thân khác nhau, đều được tháp nhập vào Đức kitô cách tròn đầy như nhau?
Thánh Phaolô đưa ra điểm cốt yếu này: tất cả được đón nhận và được làm cho nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô. Tất cả chúng ta cùng nhau bước vào vương quốc Thiên Chúa nhờ việc tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Trong Nước Chúa, không có công dân hạng nhất hay hạng hai. Chúng ta có thể xuất thân khác nhau, đến với Đức Kitô bằng những nẻo đường khác nhau, diễn tả đức tin bằng những nền văn hóa khác nhau – nhưng tất cả đều bình đẳng trong cộng đoàn những người tin.
Hôm nay thánh Phaolô thách thức chúng ta. Liệu chúng ta có thể tiếp tục tín thác nơi Đức Giêsu và tiếp tục đặt lòng tin nơi Người ngay cả sau khi ta đã phạm tội? Nếu chấp nhận những gì thánh Phaolô nói, chúng ta không phải cố gắng đoạt cho được sự tha thứ bằng nghi thức thanh tẩy tỉ mỉ; cũng chẳng phải thân hành đi lên núi thánh hay tắm trong những dòng sông cụ thể nào đó. Chúng ta được mời gọi trở về vì ta “không nên công chính nhờ làm những gì Luật dạy”, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô cũng như sự tha thứ chúng ta được nhận từ nơi Người.
Trong phần thư Galat này, khi nói về “việc làm những gì Luật dạy”, thánh Phaolô muốn đề cập cụ thể đến sự khác biệt giữa dân Dothái và Dân ngoại – cắt bì, luật giữ chay và kiêng thịt. Thánh Phaolô nói “con người không phải được nên công chính nhờ những gì luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô…” Những từ như công chính, tốt lành xuất phát từ hê thống tòa án. Cũng một cách như thế, khi người tội lỗi đến trước “tòa” của Chúa, dù họ đang trong tình trạng tội lỗi, họ cũng có thể nhận được sự thương xót của Thiên Chúa, không phải vì họ tự sức đã làm được việc gì để khiến cho mình nên công chính trước nhan Chúa, nhưng là nhờ ân huệ của lòng Chúa xót thương.
Từ thư của thánh Phaolô chúng ta rút ra được rằng qua đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mạc khải một cách thức mới mẻ để làm cho chúng ta nên công chính. Chúng ta không tìm được thế đứng mới trước nhan Chúa nhờ năng cầu nguyện hay các thực hành mang tính đạo đức và hãm mình – những việc này chỉ đến sau khi chúng ta nhận được ân sủng. Ân sủng làm cho ta nên công chính trước nhan Chúa, được ban cho ta qua Đức Giêsu Kitô. Đây không chỉ là ân ban cho từng người nhưng cho cả cộng đoàn những người tin được mời gọi vào trong sự sống của Thiên Chúa ngay ở đây, vào lúc này.
Sau khi thánh Phaolô nói đến việc được làm cho “công chính” với Chúa, không phải do việc làm của ta nhưng nhờ tin vào Đức Kitô, thì phải chăng thông điệp của bài Tin mừng đi ngược lại? Một phụ nữ, được cho là “một người phụ nữ tội lỗi trong thành”, bước vào nhà ông Simon, người Pharisêu, và thực hiện một hành vi khiêm nhường, thống hối bằng cách lấy nước mắt của mình mà rửa chân cho Đức Giêsu, lấy tóc mà lau rồi xức dầu thơm. Đó có vẻ như là một việc tốt cô làm để “được” Đức Giêsu tha cho cô “vô vàn tội lỗi”.
Chính bản dịch có vẻ xác nhận rằng cô nhận được sự tha thứ nhờ hành vi thống hối của mình. Đức Giêsu nói: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Có vẻ như chính việc bày tỏ “lòng yêu mến nhiều” – những việc thiện – đã mang lại cho cô sự tha thứ. Chắc hẳn chúng ta đã từng được nghe giảng về câu Kinh thánh này rằng hãy làm việc thiện và thống hối để được tha thứ tội lỗi.
Khi kiểm tra các bản dịch khác, nhà giảng thuyết cũng như độc giả có thể thấy được giúp đỡ vì đôi khi đọc bản gốc sẽ tìm thấy nhiều ý nghĩa tốt hơn. Ví dụ, Bản Chuẩn Mới Chỉnh Sửa (NRSV) sẽ cho thấy cái nhìn tốt hơn về câu mà Đức Giêsu nói với ông Simon: “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Đức Giêsu muốn ám chỉ rằng điều gì đó đã xảy ra trước trong cuộc đời người phụ nữ này khiến cô nhận ra cô có thể được tha thứ nhờ những gì cô làm. Cảm nghiệm được sự tha thứ ấy, cô đã làm cả hai việc: dù không được mời vẫn vào nhà của người Pharisêu thuộc tầng lớp cao hơn, nơi Đức Giêsu được mời dự tiệc, để bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu mến đối với Đức Giêsu, nguồn ơn tha thứ của cô.
Hành vi của người phụ nữ và lời đáp của Đức Giêsu làm nảy sinh một thắc mắc quan trọng, những người đồng bàn thốt lên “Người này là ai mà có thể tha tội?” Khi Đức Giêsu tiếp tục làm những việc cả thể, thì danh tiếng Người đến tai Hêrôđê và ông này cũng không khỏi thắc mắc: “vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” (Lc 9,9)
Những kẻ chưa tin cũng thắc mắc như thế, nhưng họ sẽ không ngừng bị chất vấn qua chính cuộc sống của chúng ta khi ta: phải đưa ra quyết định quan trọng; khi phải đối diện với sự thành thật của mình; chọn cách thế sử dụng tài nguyên của bản thân; quyết định chọn bạn; cân nhắc các sử dụng thời giờ nhàn rỗi; có đi lễ không và đi ở đâu… Cách nào đó, chúng ta cần phải trả lời cho thắc mắc: “Người này là ai mà có thể tha tội?”, “ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Những chọn lựa hàng ngày và cách chúng ta sống bộc lộ, hơn bất kỳ từ ngữ nào, về cách chúng ta trả lời cho câu hỏi này ra sao.
Hôm nay, thánh Phaolô giúp chúng ta trả lời những thắc này theo cách riêng của ngài. Trước đây ngài sống như một người Pharisêu đạo đức, xác tín rằng ngài đã làm tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Sau khi gặp được Đức Giêsu, ngài chuyển hướng cuộc đời 180o. Đức Giêsu trở thành chính cuộc sống của ngài, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. Ngài nói, ngà đã được “cùng đóng đinh với Đức Kitô” – ngài đã chết đối với luật. Nên một với Đức Kitô nghĩa là chết cho luật vì ngài nhận ra rằng ân sủng của Thiên Chúa đã bày tỏ cho ngài qua Đức Kitô. Nghĩa là một lối sống hoàn toàn mới.
Đức Kitô phục sinh đang sống trong ngài và hướng dẫn ngài nhờ đó cuộc sống của ngài được hoàn toàn thay đổi. Nếu như Hêrôđê muốn hỏi Phaolô: “ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Thánh nhân sẽ trả lời rằng: “Đức Giêsu là Đấng làm cho tôi nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Nay không gì có thể chia cắt tôi khỏi tình yêu của Thiên Chúa”.
Nếu chúng ta hỏi thánh Phaolô: “Niềm tin vào Đức Giêsu đã biến đổi cuộc sống ngài ra sao?” Tôi nghĩ ngài sẽ trả lời rằng: “Hiện nay, tôi không chỉ biết cách sống cuộc đời này, nhưng còn có ý chí và sức mạnh để sống như Đức Giêsu đã sống”. Rồi ngài nói: “Tạ ơn Chúa!”.
Lm Jude Siciliano OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp