Tất Cả Mọi Người Phải Trở Thành Môn Đệ Truyền Giáo

Không ai được miễn chước lời mời gọi trở thành Môn Đệ Truyền Giáo.

Tiếp tục loạt bài về chủ đề “Môn Đệ Truyền Giáo”, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch bàiNo one is exempt from call to be missionary disciple” của Đức Cha Michael Mulvey, Giám Mục Giáo Phận Corpus Christ, Texas. Trong bài này Đức Cha nói: “Hội Thánh ngày nay cần các môn đệ có một sự hiểu biết và lòng nhiệt thành để trở thành các nhà truyền giáo”.  Tất cảchúng ta được mời gọi làm chứng và rao giảng Tin Mừng của Chúa cho những người khác…, để giúp mở cánh cửa ân sủng cho những người đã xa lìa Hội Thánh và Thiên Chúa vì bất cứ lý do nào”.  Nhưng chúng ta phải “trước hết sống và cảm nghiệm sứ điệp Tin Mừng và chia sẻ sứ điệp ấy không chỉ bằng cách lặp lại các lời của Tin Mừng, mà bằng hoa quả của việc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong những lời ấy và ảnh hưởng của Người trong cuộc sống của mình”.  Ngài mời gọi mọi người hãy “xét lại bằng một cách mới mẻ tất cả những gì chúng ta nói và làm trong việc làm chứng và công bố Đức Kitô”.  Ngài kết luận rằng “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm mang Đức Kitô đến cho người khác.  Không ai được miễn chước lời mời gọi này”.  Bài này được đăng trên South Texas Catholic ngày 1 tháng 5 năm 2014: https://southtexascatholic.com/news/no-one-is-exempt-from-call-to-be-missionary-disciple.

 

Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxiô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không chỉ là các môn đệ của Đức Chúa Giêsu Kitô mà còn là “các môn đệ truyền giáo”.

Việc biết và đơn thuần nhận mình là môn đệ có thể bị hiểu lầm là cuộc hành trình đức tin của chúng ta chỉ liên hệ đến một vài nguyên tắc tâm linh, chẳng hạn như tham dự các lớp đào luyện ở các giáo xứ, v.v ….  Trong tất cả những điều ấy chúng ta có thể có cảm giác rằng mình là những môn đệ tốt lành và trung tín, nhưng đó có phải là điều chúng ta cần ngày nay không?

Hội Thánh ngày nay cần các môn đệ có một sự hiểu biết và lòng nhiệt thành để trở thành các nhà truyền giáo.  Khi còn trẻ, nhiều người trong chúng ta có thể đã có ý nghĩ muốn trở thành một nhà truyền giáo.  Nhiệt tình trẻ trung và mong ước tự hiến hoàn toàn của mình có thể đưa chúng ta đến kết luận ấy.  Ngày nay, theo tinh thần Tân Phúc Âm hóa, chúng ta được mời gọi làm chứng và rao giảng Tin Mừng của Chúa cho những người khác (Matthew 4:18).  Chúng ta được mời gọi để giúp mở cánh cửa ân sủng cho những người đã xa lìa Hội Thánh và Thiên Chúa vì bất cứ lý do nào.

Đức Thánh Cha, và thực sự là toàn thể Hội Thánh, đang mời gọi tất cả chúng ta khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo trong Hội Thánh để kêu gọi tha nhân và chính mình đến một đức tin mới trong Tin Mừng.

Hội Thánh đã tham gia vào công cuộc Phúc Âm hóa trong suốt thiên niên kỷ.  Vậy có gì là mới mẻ trong việc Phúc Âm hóa ngày nay? Sự mới mẻ là lời mời gọi chúng ta trước hết sống và cảm nghiệm sứ điệp Tin Mừng và chia sẻ sứ điệp ấy không chỉ bằng cách lặp lại các lời của Tin Mừng, mà bằng hoa quả của việc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong những lời ấy và ảnh hưởng của Người trong cuộc sống của mình.  Nhiều người ngày nay đang bị các tà thần thế tục nắm bắt và do đó tự mình xa lìa Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài.

Việc Tân Phúc Âm hóa là nỗ lực của chúng ta để loan báo Đức Chúa Giêsu Kitô, là Đấng từ Người mà mọi sự được phát sinh, bằng một cách thế mới mẻ với lòng nhiệt thành vui tươi.  Chúa Giêsu là Đấng đã được sai đến để mang lại cho chúng ta ơn cứu rỗi bằng cách hòa giải chúng ta với Chúa Cha.  Cuộc đời, cái chết và việc Phục Sinh của Người đã tỏ bày Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta, kể cả những người sống ở ngoại biên của Hội Thánh, là những kẻ không biết Người.

Là các môn đệ truyền giáo, sứ điệp cao cả nhất mà chúng ta phải chia sẻ và tặng cho những người khác là “Thiên Chúa yêu thương bạn“.  Thiên Chúa yêu bạn vô cùng.  Thiên Chúa thương xót những yếu đuối của chúng ta và có thể tha thứ cho tội lỗi cho chúng ta.  Nhiều người không biết Lòng Thương Xót nghĩa là gì; có lẽ bởi vì họ đã không cảm nghiệm được nó từ những người khác, hoặc không biết làm thế nào để cầu xin Lòng Thương Xót ấy.  Đó là công việc Phúc Âm hóa; đó là sứ điệp dành cho cho mỗi môn đệ truyền giáo để chia sẻ với tha nhân.

Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nhủ chúng ta hãy chia sẻ thực tại về tình yêu và Lòng Thương Xót này với nhiệt tình và niềm vui, bắt đầu từ nhà của mình, giữa các phần tử trong gia đình của mình, trong lối xóm của mình, trong các thành phố và thị trấn của mình, trong khắp giáo phận và ở mọi nơi.  Hãy tưởng tượng xem giáo phận của chúng ta sẽ đẹp thế nào, Hội Thánh nói chung sẽ đẹp đẽ ra sao nếu nhiệt tình và niềm vui này bùng nổ.

Tôi không đề cập đến một nhiệt tình thiếu thực tế hay niềm vui đạo đức, nhưng một nhiệt tình và niềm vui dẫn chúng ta đến sứ mệnh, trở thành những nhà truyền giáo.

Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng, qua những cuộc gặp gỡ truyền giáo với tha nhân, chúng ta sẽ trở nên lành mạnh hơn.  Khi vượt qua chính mình (từ bỏ mình), chúng ta bỏ lại phía sau một cuộc sống cô lập, là sự thiệt hại chính cho sức khoẻ và hạnh phúc.  Là các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô, chúng ta khám phá ra ý nghĩa của sức khỏe, nhiệt tình và vui mừng, bởi vì chúng ta mang trong mình Lời của Thiên Chúa như Đức Maria, Mẹ của Ngôi Lời.

Hôm nay chúng ta cần phải xem xét lại bằng một cách mới mẻ tất cả những gì chúng ta nói và làm trong việc làm chứng và công bố Đức Kitô.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp đi lặp lại trong suốt năm đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của ngài rằng tất cả chúng ta đều phải tham gia vào sứ mệnh Phúc Âm hóa.  Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm mang Đức Kitô đến cho người khác.

Không ai được miễn chước lời mời gọi này.

+ Giám Mục Michael Mulvey

Giáo Phận Corpus Christi, TX

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Matthew 4:18
View in: NAB
18And Jesus walking by the sea of Galilee, saw two brethren, Simon who is called Peter, and Andrew his brother, casting a net into the sea (for they were fishers).