Thập Giá- Nguồn Ánh Sáng Cứu Độ

Chúa Nhật 4 Mùa Chay B

Ga 3, 14-21

Bầu khí căng thẳng do sự kiện Chúa Giêsu vào đền thờ đánh đuổi những kẻ “buôn thần bán thánh” ra khỏi nơi thờ phượng vẫn chưa dịu xuống. Trong khi người Dothái, nhất là mấy vị thủ lãnh và phe cánh bị Chúa Giêsu “sờ gáy” bực tức ra mặt, thì vẫn có vài người hiểu chuyện, đó là Nicôđêmô- thủ lãnh Pharisêu. Nhờ có ông- qua cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, giúp chúng ta khám phá nhiều vấn đề thú vị.

Thánh Gioan mô tả việc ông Nicôđêmô đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm hẳn phải có lý do của nó. Thật sự thì sau lần gặp gỡ này, thánh sử còn cho ông Nicôđêmô xuất hiện một lần nữa, đó là vào lúc mai táng Chúa Giêsu. Ông cùng với ông Giôxép đem theo 100 cân mộc dược trộn với trầm hương để tẩm liệm xác Chúa (x. Ga 19, 39). Như thế, được gặp gỡ Chúa, Nicôđêmô đã biến đổi con người mình. Ông biến đổi từ chỗ đến gặp Chúa trong bóng tối vì sợ nghi kỵ bởi ông là thủ lãnh dân Dothái đến việc ông can đảm bước ra ánh sáng, sẵn sàng đi theo Chúa, dành cho Chúa những gì quý báu nhất trong ngày mai táng. Như thế, điều chúng ta khám phá ở đây là, Nicôđêmô đã nhìn ra điều mà lâu nay vẫn còn tiềm ẩn trong bóng tối đó là chính Chúa Kytô, Ánh sáng của thế gian đã đến. Và chính Người đã hy sinh chính mạng sống mình vì nhân loại.

Trong cuộc đối thoại đó, vấn đề “sinh lại bởi Ơn trên” được Nicôđêmô thắc mắc nhiều nhất. Mà thắc mắc cũng đúng thôi. Bởi theo ông, làm gì có chuyện người sinh ra rồi sau đó lại trở vào dạ mẹ lần thứ hai? Và để trả lời cho vấn nạn này, Chúa Giêsu đã giúp ông cũng như cho mỗi người chúng ta tìm ra câu trả lời.

Trước hết hình ảnh con rắn đồng được Chúa Giêsu nhắc đến xảy ra vào thời xuất hành của dân Dothái. Chúng ta biết, trong hành trình về Đất hứa, dân Chúa phải trải qua 40 năm trường trong hoang địa, thiếu thốn đủ bề. Chính vì thế, dân Dothái đã mất kiên nhẫn, thiếu niềm tin vào Thiên Chúa. Họ trở mặt quay lưng lại với Thiên Chúa. Họ trách mắng Thiên Chúa và ông Môsê tại sao lại đưa họ ra khỏi Aicập, để họ chết trong sa mạc, không thức ăn, không đồ uống,… (x. Ds 21, 4-9). Chính vì thế, Thiên Chúa đã cho đại dịch rắn lan tràn vào trong vùng có con cái Israel trú ngụ, cắn chết nhiều người. Dân hối hận, kêu cầu Môsê để ông cầu khẩn Thiên Chúa. Theo ý Chúa, ông Môsê treo một con rắn đồng lên cao, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng với lòng tin sẽ được thoát chết. Sách Khôn ngoan đã giải thích về hiện tượng này nhằm tránh cho dân một lối nhìn ma thuật: “Việc ai nhìn lên thì được cứu không phải do vật được nhìn, mà là do Chúa, Đấng cứu độ của mọi người” (x. Kn 16,7).

Chúa Giêsu liên kết hình ảnh con rắn đồng bị treo lên với chính hình ảnh của mình. Thật vậy, Chúa Giêsu cũng phải chịu treo lên cây thập giá để lôi kéo toàn thể nhân loại lên cùng Chúa và nhất là để ai nhìn lên hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh với niềm tin thì sẽ được “sự sống đời đời”.

Như thế, mầu nhiệm Thập giá chính là tình yêu “điên rồ” nhất mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Tình yêu “điên rồ” này đã được Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, đó chính là ý định cứu độ của Thiên Chúa khi sai chính Con Một của mình đến thế gian. Người Con đến không phải để lên án nhưng để nhờ đó thế gian được cứu độ qua chính cái chết trên thập giá của mình. Chính vì thế, điều quan trọng để được cứu độ chính là tin vào danh Con Một của Thiên Chúa.Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn mạc khải cho Nicôđênô biết chính Người là Ánh sáng thật của Thiên Chúa. Ánh sáng đó giờ đây đã đến thế gian. Việc chọn lựa ánh sáng hay bóng tối mà cụ thể là chọn điều lành hay làm điều xấu, chọn Chúa hay chọn ác thần, tất cả đều do con người tự do quyết định.

Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đã được tỏ bày qua Đức Giêsu Con Một của Người và mời gọi con người đáp trả bằng tự do chứ không ép buộc. Sự đáp trả đó được minh chứng bởi cuộc xét xử đang được thực hiện. Trong cuộc xét xử đó, hoặc con người khước từ Thiên Chúa, đóng cửa không đón tiếp, mù quáng không muốn nhận Ánh sáng, chìm đắm trong tối tăm và bị luận phạt; Hoặc cởi mở đón nhận Ánh sáng, đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thì phải thay đổi cuộc sống để bước theo đường lối của Thiên Chúa. Có như thế, con người mới trở thành “dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa” cho trần gian này.

Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhận chân giá trị đích thực của thập giá mà Chúa Giêsu đã dùng để cứu rỗi nhân loại. Chúa Kytô chính là Ánh sáng và Thập giá của Người chính là nguồn ơn cứu độ, là vinh quang, là tình yêu tự hiến của chúng ta. Ước gì cây Thập giá -nguồn Ánh sáng cứu độ trần gian, được mỗi người chúng ta không ngừng tuyên xưng và loan truyền cho thế giới này.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb