Chúa nhật 4 thường niên B
Mc 1, 21 – 28
Trách nhiệm của một tín hữu Dothái trong ngày lễ Sabát là đến hội đường để cùng nhau cầu nguyện, hát thánh vịnh và đọc sách luật. Chúa Giêsu cũng vậy. Người không miễn trừ cho mình khỏi trách nhiệm ấy. Thế nhưng, ngoài nhiệm vụ của một công dân Dothái chu toàn luật ngày Sabát, Chúa Giêsu còn đến hội đường để giảng dạy. Hội đường mà Chúa Giêsu đến giảng dạy hôm nay thuộc Caphácnaum, một thành nằm ở tây bắc biển hồ Galilê và cách phía tây cửa sông Giođan độ 4 cây số. Chính tại đây, Chúa Giêsu giảng dạy và chữa lành người bị thần ô uế ám như một Đấng có uy quyền.
Điều các tín hữu Dothái nhận thấy nơi lời giảng dạy của Chúa Giêsu có gì đó rất khác so với những gì họ từng nghe các Kinh sư giáo huấn. Điểm khác biệt ở đây chính là Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có đầy đủ uy quyền chứ không như các Kinh sư của họ. Chúng ta biết các Kinh sư thường dựa vào lời các ngôn sứ hoặc dựa vào truyền thống của tiền nhân để giảng dạy. Chính vì thế, lời giáo huấn của họ phần lớn rập khuôn theo truyền thống mà không có sự sáng tạo, thiếu đi tính tự nhiên. Còn với Chúa Giêsu thì ngược lại. Lời giáo huấn của Người dựa vào uy quyền của Thiên Chúa. Lời giáo huấn của Chúa Giêsu chính là Lời Thiên Chúa nên lời đó có giá trị vĩnh cửu. Bởi Chúa Giêsu chính là Lời hằng sống đến từ Thiên Chúa, nên giáo huấn của Người là giáo huấn tinh tuyền, giáo huấn tình yêu và lòng bao dung tha thứ. Lời Chúa là lời sống động, có sức thu phục và cải biến lòng người. Chính vì thế, tín hữu Dothái bị thu hút và sửng sốt kinh ngạc trước những giáo huấn mà Chúa Giêsu giảng dạy cũng là điều dễ hiểu.
Chúa Giêsu không chỉ có uy quyền trong lời giáo huấn, uy quyền đó còn được tỏ hiện trong hành động. Điều này được thể hiện qua việc Người chữa lành cho người bị thần ô uế ám. Dân chúng ngày xưa quan niệm rằng tất cả sự dữ hay bệnh tật trên thế gian này đều do bàn tay của ác thần. Chính vì thế, khi có người nào bị bệnh, dân ngoại- kể cả dân Dothái, thường hay chạy đến với các thầy phù thuỷ, các pháp sư hay một vị nào đó có thẩm quyền về tôn giáo để nhờ can thiệp, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi sự quấy nhiễu của ác thần. Chính vì thế, đứng trước uy quyền của Chúa Giêsu, thần ô uế phải khiếp sợ, bởi hơn ai hết, nó biết rõ Chúa Giêsu là ai. “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Với câu nói này, vô hình trung, ma quỷ đã nói chính xác danh tính Chúa Giêsu là Đấng Mêsia- người được xức dầu Thánh hiến. Đấng được xức dầu thánh hiến đến trần gian cũng có nghĩa là thời của ác thần đến ngày tận số. Chúa Giêsu không thoả hiệp với sự dữ. Người làm tất cả để cứu con người ra khỏi ách thống trị của ác thần. Chính điều này đã làm cho ma quỷ phải trục xuất khỏi người bệnh, trả anh về với con người tinh tuyền không vương tội lỗi. Khi ma quỷ ra khỏi con bệnh cũng có nghĩa là từ nay, anh là người có Chúa ở cùng. Có Chúa là có tất cả, không còn bất cứ sự dữ nào có thể tấn công và làm hại anh.
Thời đại chúng ta đang gánh chịu sự quấy nhiễu của ác thần. Sự tác quai tác quái do các thế lực sự dữ gây ra cho thế giới này tưởng chừng làm chúng ta quỵ ngã, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Một thế giới tục hoá, không tôn trọng sự sống; một thế giới đầy dẫy những bất công và đói nghèo; một thế giới thù hằn ngày càng chồng chất, chiến tranh, khủng bố đe doạ đến sự tồn tại của nhân loại. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, thế giới này cần biết bao sự hiện diện của Chúa. Và ước gì câu nói của Chúa xưa khiến cho thần ô uế xuất ra khỏi người bệnh, nay cũng được vang lên để thế giới này bớt đi hận thù, chia rẽ thay vào đó là một thế giới biết quý trọng sự sống, biết yêu thương và phục vụ hướng tới một thế giới đại đồng trong sự chúc phúc của Thiên Chúa.
Thần tính của Chúa Giêsu được vén mở cho nhân loại để từ đây nhân loại không chỉ nhận thấy uy quyền của Chúa trong lời rao giảng mà còn cả trong việc làm của Người nữa. Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta tái khám phá Thần tính ấy để không ngừng xin Chúa gia tăng niềm tin, cậy, mến để vượt thắng thần ô uế đang ngự trị trong thế giới này.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb