Trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Thầy ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Đây là một lời hứa đầy an ủi. Vì chưng, còn gì quí bằng được có Chúa Cứu Thế ở bên mình.
Ý thức về lời hứa ấy, Hội Thánh hay nhắc cho chúng ta ơn trọng được Chúa ở cùng. Những lời trong Phụng vụ, như “Chúa ở cùng anh chị em” là những lời cầu chúc cần chúng ta để tâm suy nghĩ.
Chúa Giêsu hứa ở lại với chúng ta. Nhưng ở lại với mục đích nào?
Chúa ở lại một cách trọn vẹn, có nghĩa là với tất cả tâm tình và cuộc đời cứu thế của Ngài. Một trong những mục đích quan trọng Ngài nhắm tới là đào tạo ta. Ngài ở lại với ta để dạy dỗ ta. Để ta học với Ngài. Để ta có thể được nên giống Ngài.
“Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Ngài quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày chúng ta được sống lại từ trong cõi chết” (Ph 3,10-11).
Khi biết rõ: Đức Kitô ở lại với ta, để dạy dỗ ta, để cuộc đời của Ngài là trường dạy ta, thì bổn phận của ta là cố gắng đi vào sự sống của Ngài.
Đi vào sự sống của Đức Kitô, không phải là nghiên cứu hồ sơ về Đức Kitô, nhưng là phải gặp gỡ chính Đức Kitô.
Gặp gỡ thường xuyên Đức Kitô là một bổn phận cao đẹp và cũng là một công việc linh thiêng ngọt ngào.
Càng gặp gỡ Đức Kitô, càng đi vào cuộc sống Đức Kitô, chúng ta sẽ càng thấy cuộc sống Ngài rất khác cuộc sống ta. Thí dụ cuộc sống ta thường chạy theo tiêu chuẩn thành công, uy tín, hưởng thụ. Còn cuộc sống Đức Kitô lại luôn nhắm vào tiêu chuẩn: Hiền lành, khiêm tốn, từ bỏ mình, yêu thương, phục vụ.
Nhưng điều quan trọng nhất Ngài dạy ta, đó là: Để cứu độ, Ngài đã trải qua chặng đường cực kỳ đau khổ trước khi được sống lại. “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, các thượng tế, các kinh sư loại bỏ. Rồi bị giết chết. Sau cùng sẽ sống lại” (Mc 8,31).
Tất cả những việc đó đã được Đức Kitô thấy trước, báo trước. Và tất cả các việc đó đều đã xảy ra. Đây là một thực tế gây bàng hoàng, ghê sợ. Ấy thế mà, khi gặp gỡ Chúa Giêsu, để lắng nghe bài dạy đào tạo của Ngài, ta thấy Ngài không ngần ngại bảo ta cũng hãy đi theo con đường Ngài đã đi. “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mc 8,34).
Phản ứng trước sự Chúa Giêsu ở lại với chúng ta.
Phúc Âm cho thấy thời Chúa Giêsu, các phản ứng trước con người và cuộc sống Chúa Giêsu là rất nhiều và rất khác nhau. Kẻ thì đón nhận, kẻ thì tin nhưng không theo. Kẻ thì tin và đi theo. Kẻ thì chối bỏ. Kẻ thì săn đuổi và loại trừ Ngài một cách độc ác và gian ác. Những kẻ hung hăng nhất lại là một số các nhà lãnh đạo tôn giáo tức là các thượng tế, các nhà thông thái tức là các kinh sư, các người có uy tín trong xã hội tức là các kỹ lão.
Bởi vì theo thói thường, ai cũng muốn theo một vị thầy, một vị cứu tinh quyền uy, đắc thắng, đè bẹp quân thù, giải thoát thành công khỏi mọi khổ đau, để đi tới vinh quang, hưởng đời sung sướng, được mọi người kính nể. Ai cũng muốn được đào tạo trên con đường trơn tru, dễ dãi. Ai cũng rất ngại con đường khiêm tốn, khó nghèo, từ bỏ ý riêng, để tuân phục thánh ý Chúa. Chúa Giêsu sống khác, dạy khác. Nên bị người ta ghét và chống đối.
Xem ra thời nay hơn kém cũng vẫn thế thôi.
Mấy thí dụ về hiện tình theo Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, công bình mà nói, thời nay không thiếu người đã không theo thói thường trên đây. Họ đã đón nhận Chúa Giêsu, đã tin Ngài, đã đi theo Ngài. Ngài đã đào tạo họ. Họ thực sự đang đi vào cuộc sống của Ngài.
Hiện nay, bao người đang lặng lẽ xông pha như thánh Phaolô xưa: “Giờ đây, bị Thần Linh trói buộc, tôi lên Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này là: Tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi chẳng đáng giá trị gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, cho tròn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,22-24). Họ được như vậy là vì họ có Chúa Giêsu ở lại trong họ và đào tạo họ.
Hiện nay, bao người đang lặng lẽ đi theo Chúa Giêsu đến tận Núi Sọ. Họ chịu đóng đinh mình một cách thiêng liêng vào thánh giá. Trước các thách thức, họ vẫn thinh lặng, hiền từ khiêm tốn dâng chính mình làm của lễ đền tội cho nhân loại và khẩn cầu ơn tha thứ cho những kẻ làm khổ mình. Bởi vì Chúa Giêsu ở lại trong họ, sống trong họ, đào tạo họ để thông phần vào cuộc tử nạn của Chúa. Nhờ đó, vô vàn người đã và đang được sống lại.
Hiện nay, biết bao người đang hằng ngày lặng lẽ đón nhận tinh thần phục vụ, hiền lành và khiêm nhường cầu nguyện của Đức Kitô vào lòng mình như đón nhận một hạt giống. Hạt giống Tin Mừng này đang dần dần mọc lên trong họ một cách thinh lặng dưới sự chăm sóc của Thánh Linh. Để nhờ đó, họ biết có những chọn lựa rất hợp thánh ý Chúa Cha trong mọi tình huống cụ thể, theo hướng dẫn của Thần Linh Đức Kitô.
***
Để kết, tôi xin phép chia sẻ kinh nghiệm riêng tôi về lời Chúa hứa: “Thầy ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Khi Chúa Giêsu ở lại với môn đệ Ngài, thì Ngài cứu họ, nhất là bằng cách đào tạo họ. Nhiều lúc Chúa đào tạo bằng những khổ đau. Có đủ loại khổ đau. Có khổ đau có tên, và có những khổ đau không tên.
Nhưng chính nhờ cách đào tạo qua các thử thách như vậy, mà người môn đệ Chúa sẽ biết bám chặt vào Chúa, sẽ hết sức tin cậy vào Chúa, sẽ tha thiết kết hợp với Chúa, sẽ hết sức cố gắng khiêm nhường từ bỏ mình trong mọi sự để biết tuân phục thánh ý Chúa.
Như vậy, câu hỏi quan trọng mà mỗi người chúng ta cần đặt ra cho lương tâm mình sẽ là: Tôi có khát khao và thực tâm đón nhận Chúa Giêsu không? Tôi có khiêm tốn vâng phục Chúa Giêsu trong kế hoạch Ngài đào tạo bản thân tôi và cộng đoàn tôi không? Rồi, hãy khiêm tốn tin cậy đến với Chúa Giêsu, để tạ ơn, sám hối và nài xin Ngài luôn ở lại với ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ở lại với con mọi giờ, mọi phút, bởi vì Chúa mới là Đấng cứu độ con, là mô hình đào tạo con. Lạy Chúa, xin thương xót con.
Long Xuyên, ngày 7 tháng 5 năm 2001
Trích tập sách ĐƯỢC CHỌN và SAI ĐI của Đức Cha G.B. BÙI TUẦN, LONG XUYÊN năm 2003