Tha Thứ để được Thứ Tha

Chúa nhật 24 thường niên A

Mt 18, 21-35

Vẫn trong loạt bài giảng về đời sống cộng đoàn, Tin mừng hôm nay đề cập đến một vấn đề do Phêrô nêu ra không chỉ liên quan đến những ai chọn đời sống chung mà còn cho hết mọi người. Vấn đề đó là, chúng ta phải tha thứ cho người anh em xúc phạm đến chúng ta bao nhiêu lần? Chúa Giêsu sẽ giúp Phêrô và mỗi người chúng ta giải quyết vấn đề này.

Nêu lên vấn đề này với Chúa Giêsu, chắc hẳn Phêrô cũng hiểu rằng việc tha thứ mà các vị Kinh sư đem ra dạy trong đạo Dothái chỉ có thể tối đa ba lần mà thôi. Riêng với Thầy, ông thấy dĩ nhiên Thầy mình “ăn đứt” mấy vị Kinh sư kia về đường nhân đức, cách giáo huấn cũng như thực thi công bình bác ái. Thế nên Phêrô nghĩ Thầy mình sẽ hào phóng mà tha thứ cho kẻ xúc phạm bảy lần một ngày là hoàn hảo và trọn vẹn lắm rồi. Bởi đây là cách tha thứ hào phóng và quảng đại nhất từ xưa đến nay chưa ai đạt tới, ngay cả các Kinh sư cũng chỉ dừng lại ở con số ba mà thôi. Ngỡ ngàng với Phêrô về điều mà ông cho là hào phóng nhất thì với Chúa Giêsu chẳng đáng là gì. Bởi Chúa Giêsu không tha thứ ba lần như các Kinh sư đã dạy, cũng chẳng tha thứ đến bảy lần như Phêrô đề nghị mà tha thứ đến “bảy mươi lần bảy”! Tuy lời Chúa Giêsu về việc tha thứ 77 lần hay 70 lần 7, tức 490 lần vẫn chưa nhất thống, bởi các giáo phụ khi viện dẫn và đối chiếu lời Chúa Giêsu hôm nay (Mt 18, 22) với sách Sáng thế (St 4, 24), các ngài thấy có sự khác biệt giữa hai bản văn Kinh thánh Hípri và bản Kinh thánh Hylạp, tức bản LXX, nhưng dù thế nào đi nữa, điều Chúa Giêsu muốn là hãy tha thứ cách quảng đại, vô điều kiện, vô giới hạn với người anh em xúc phạm đến mình. Lòng tha thứ vô giới hạn này được Chúa Giêsu diễn giải qua dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót”.

Đọc qua dụ ngôn, hẳn mỗi người chúng ta tự hỏi: Tên nô lệ nào mà lại mắc nợ nhà vua món nợ khủng khiếp như thế? Đây không phải là tên nô lệ bình thường mà là một quan đại thần trong triều đình. Bởi miền Trung cận đông xưa, các quan đại thần được xem là những “tên nô lệ” của nhà vua. Và do đó, việc quan “nô lệ” này mắc nợ nhà vua đến 10.000 nén vàng có thể hiểu được. Thế nhưng đây lại là số nợ ngoài sức tưởng tượng của con người mà quan nô lệ này vướng phải. Chúng ta có thể làm một phép tính để thấy được món nợ lớn khủng khiếp như thế nào. Nếu mỗi nén vàng thời xưa là 6000 quan tương đương với 6000 ngày công thì 10.000 nén vàng sẽ tương đương với 60 triệu (60.000.000) ngày công. Nếu mỗi năm tương đương với 365 ngày thì 60 triệu ngày sẽ tương đương với 164.383 năm vẫn còn dư 205 ngày! Sở dĩ phải tính toán như thế để chúng ta thấy rằng việc nhà vua bất ngờ tha hết món nợ khủng khiếp, không bán tên nô lệ, vợ con và tài sản để trừ nợ vì lời van xin của anh ta nói lên lòng tha thứ hải hà và quảng đại vô bờ bến của nhà vua. Lòng đại lượng tha thứ vô bờ bến của nhà vua một lần nữa lại gây bất ngờ không chỉ cho viên quan nô lệ mà còn cho hết mọi người chúng ta. Không bất ngờ sao được khi chỉ trong nháy mắt từ thân phận một con nợ mắc một món nợ kếch sù không còn lối thoát, anh ta được vua xoá sạch nợ nần, vẫn còn nguyên vợ con, tài sản và thậm chí cả chức tước nữa.

Thế nhưng đến lượt mình, tên quan nô lệ này lại không làm được điều mà chỉ mới đây thôi nhà vua đã làm cho anh ta. Chúng ta thấy bạn anh ta có lẽ cũng là quan đại thần trong triều đình, chỉ mắc nợ anh ta có 100 quan, vậy mà anh ta tiến đến túm lấy và bóp cổ anh bạn tội nghiệp này. Chưa hết, anh ta lại còn tống giam người bạn vào tù trước lời van xin của bạn. 100 quan có đáng là gì so với 10.000 nén vàng, vậy mà anh ta đã quên mất lòng tha thứ vô bờ bến mà nhà vua đã ban tặng cho anh ta. Tên quan nô lệ này quả là dại dột. Hắn đã được nhà vua tha thứ, xoá sạch nợ nần, vậy mà hắn lại không mảy may động lòng trắc ẩn trước lời van xin của bạn. Hắn đã không biết tha thứ cho người bạn của mình. Kết quả của hành vi phi nhân tính này, tên quan nô lệ này phải trả giá cho điều hắn đã đối xử với người bạn của mình.

Mỗi người trong chúng ta không ai là không mắc nợ Thiên Chúa cũng như mắc nợ bố mẹ, thầy cô và những người sống chung quanh mình. Chắc một điều, lòng yêu thương, sự nhẫn nại và lòng quảng đại tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn nhiều so với nhà vua trong Tin mừng. Điều Thiên Chúa muốn là hoa trái của lòng yêu thương và tha thứ cũng được trỗ sinh trong lòng mỗi người chúng ta, để đến lượt mình, chúng ta cũng hãy bắt chước lòng yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa đối với anh em mình.

“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Hãy nhớ rằng lời Chúa Giêsu vẫn còn đó như một mời gọi…

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb