Thách Thức Của Kitô Hữu Hôm Nay

Một trong những thử thách mà vua quan ngày xưa thường bày ra để xử tội người có đạo là đặt một cây thánh giá dưới đất rồi truyền cho họ bước qua. Ai chấp nhận bước qua là tỏ dấu công khai từ bỏ đạo Chúa thì được tha về. Ai không chịu bước qua thì được xem là người ngoan cố, phải chịu tra tấn, tù ngục, chịu hành hình và chịu chết.

Có nhiều người kiên quyết không bước qua thánh giá, dù bị hai người lính xốc nách hai bên khiêng qua thì cũng co chân lại để khỏi dẫm đạp lên. Có người lỡ dại dột bước qua, nhưng về sau ân hận nên quay trở lại, khẳng định với quan quân mình không bỏ đạo nữa và xin được chịu chết vì Chúa.

Tất nhiên cũng có người vì sợ ngục tù xiềng xích, gông cùm và tra tấn nên đã bước qua thánh giá. Nhưng trái lại, cũng có nhiều người dứt khoát không bước qua thánh giá, cho dù phải mất hết mọi sự và mất cả mạng sống mình.

Không đi theo đạo yêu thương của Chúa Giê-su là bỏ đạo

Thiên Chúa là Tình Yêu nên đạo của Ngài cũng là đạo Yêu Thương. Chúa Giê-su đến trần gian lập nên đạo yêu thương như một con đường duy nhất đưa nhân loại về cõi phúc.

Những ai theo đạo yêu thương của Chúa Giê-su thì như lời Chúa Giê-su dạy, người ấy phải ở lại trong tình thương: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy. ..mà điều răn của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Gioan 15, 9-12)

Chúa Giê-su chỉ cho thấy tất cả lề luật đều quy về một mối là mến Chúa và yêu người: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” (Matthêu 22, 37-40)

Yêu thương cũng là điều kiện phải có để trở thành môn đệ Chúa Giê-su: “Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Gioan 13, 35).

Thế nên, thánh Phao-lô nhấn mạnh: “ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rôma 13,8)

Đến ngày chung thẩm, mọi người đều phải ra toà Chúa và bị phán xét về tình yêu. Những ai theo đạo yêu thương, tức là ‘ở trong tình thương’ thì được Chúa Giê-su đón nhận vào Vương Quốc của Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa…”; còn những ai ‘ở ngoài tình thương’ là người bỏ đạo Chúa, thì bị liệt vào hàng ngũ những người bị nguyền rủa và bị loại trừ vĩnh viễn khỏi nhan Thiên Chúa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25, 34. 41)

***

Ngày trước trong thời bách hại, tín hữu nào đồng ý bước qua thập giá Chúa Giê-su thì người ta biết đó là người chối Chúa, bỏ đạo. Ngày nay, ai chà đạp lên nhân phẩm, chà đạp tình người, là dấu hiệu chứng tỏ người thực hiện điều đó đã chối bỏ đạo yêu thương của Chúa Giê-su.

Cụ thể là trong đời sống chung giữa xã hội, ai nuôi lòng thù oán anh em mình, xúc phạm đến người khác, gây tổn thương thanh danh, phẩm giá người khác… là người đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa Giê-su.

Trong phạm vi gia đình, đạo yêu thương của Chúa đòi buộc vợ chồng phải nên một với nhau, phải yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Thế nên khi vợ chồng không còn yêu thương hiệp nhất nữa mà đâm ra oán thù, phân li, chia cắt… thì lúc đó, hai người đã lìa bỏ đạo yêu thương của Chúa Giê-su.

Đạo yêu thương Chúa dạy con cái phải thờ cha kính mẹ, thảo hiếu với ông bà tổ tiên; nếu con cái không giữ tròn chữ hiếu, hắt hủi ông bà cha mẹ… là họ đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa rồi.

Thách thức của các kitô-hữu bị bắt bớ cấm cách ngày xưa là quyết không bước qua thập giá dù phải chịu máu đổ đầu rơi. Thách thức của kitô hữu hôm nay là giữ đạo yêu thương của Chúa Giê-su đến cùng dù phải đối mặt với hận thù, bạo lực và ganh ghét.

Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo đường lối Chúa Giê-su, theo đạo yêu thương của Chúa Giê-su đến cùng. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt cũng vẫn không làm cho các ngài từ bỏ đạo Chúa. Là con cháu các ngài, mang dòng máu bất khuất anh dũng của các ngài trong huyết quản, chúng ta cũng phải kiên quyết đi theo đạo yêu thương của Chúa như các ngài, để mai ngày đáng được hưởng triều thiên vinh hiển với các ngài trên thiên quốc.

Lạy các thánh tử đạo tại Việt Nam, xin phù hộ chúng con kiên vững bước theo đạo yêu thương với tinh thần trung kiên sắt đá và tấm lòng yêu mến không vơi.

Lm Inhaxiô Trần Ngà