Chữ “Church” được dịch từ chữ “ecclesia” của tiếng La Tinh có nghĩa là một buổi tập họp dân chúng trong Cựu Ước. Trong Tân Ước “ecclesia” vừa có nghĩa là một Dân Mới của Thiên Chúa, vừa có nghĩa là Ngôi Thánh Đường, nơi chúng ta quy tụ để cùng với Hội Thánh thờ phượng Chúa trong Phụng Vụ.
Khi chúng ta quy tụ lại để thờ phượng Thiên Chúa trong Phụng Vụ, chúng ta tham dự vào kinh nguyện của Ðức Kitô dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Mọi lời cầu nguyện Kitô giáo đều bắt nguồn từ và kết thúc với Phụng Vụ.
Phụng vụ từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “việc công cộng”, “việc làm do dân chúng và vì dân chúng”. Qua Phụng Vụ, Ðức Kitô, Ðấng Cứu Độ và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu độ trong, với và qua Hội Thánh. Phụng Vụ nhắm đến hai mục tiêu rõ ràng: phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người. Vì là công việc của Ðức Kitô Tư Tế và Nhiệm Thể của Người là Hội Thánh nên mọi cử hành Phụng Vụ đều là việc làm chí thánh, có hiệu lực hơn tất cả mọi việc khác của Hội Thánh.
Trong Phụng Vụ thiên quốc, Ðức Kitô chịu đóng đinh và sống lại, vị Thượng Tế duy nhất, vừa là chủ tế vừa là lễ vật, vừa dâng vừa được dâng lên. Chúa Thánh Thần là con sông có nước trường sinh chảy ra từ ngai Thiên Chúa và Con Chiên. Kế đó là muôn loài đã được qui tụ trong Ðức Kitô: các thiên sứ, Đức Mẹ và các thánh trong Cựu và Tân Ước.
Phụng Vụ bí tích – Dưới thế, Phụng Vụ là hành động của toàn thể Nhiệm Thể Đức Kitô kết hợp với Đầu là Đức Kitô. Các hoạt động phụng vụ không phải là hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh. Mọi chi thể đều được tham dự vào “chức tư tế cộng đồng” của Ðức Kitô, vị Tư Tế duy nhất, nhưng mỗi phần tử có những phần vụ khác nhau trong phụng vụ, như linh mục chủ tế, và những thừa tác vụ khác như Thừa Tác Viên Lời Chúa (Đọc Sách Thánh), Giúp Lễ, Ca Đoàn, Thừa Tác Viên cho Rước Lễ, được Đức Giám Mục xác định tùy theo truyền thống và nhu cầu mục vụ. “Trong các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay tín hữu mỗi người chu toàn phận vụ của mình, chỉ làm và làm trọn vẹn những gì bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ qui định cho mình”. Dù đóng vai trò gì đi nữa, mọi người đều được mời gọi tham gia Phụng Vụ một cách đầy đủ, có ý thức và linh hoạt.
Thánh Đường là ngôi nhà của Thiên Chúa ở giữa những người đã được hòa giải và liên kết với nhau trong Ðức Kitô. Thánh đường là nơi hội họp để cầu nguyện, cử hành và cất giữ Thánh Thể, cùng biểu thị và biểu lộ Hội Thánh đang sống tại địa phương. Khi các tín hữu tụ tập, điều quan trọng là chính họ phải là “những viên đá sống động để xây nên đền thờ Chúa Thánh Thần”. Trong Thánh Đường có:
ü Bàn thờ của Giao Ước Mới là Thập Giá Ðức Kitô, nơi phát xuất các bí tích của mầu nhiệm Vượt Qua. Bàn thờ là trung tâm của thánh đường, và tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Kitô.
ü Nhà Tạm phải đặt nơi xứng đáng và vinh dự nhất trong nhà thờ để giúp các tín hữu dễ dàng thờ phượng Chúa Giêsu đang hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể. Đèn sáng cạnh nhà tạm là dấu chỉ rằng Chúa Giêsu đang thật sự ngự trong Nhà Tạm dưới hình Mình Thánh.
ü Dầu Thánh được bảo quản và tôn kính tại một nơi chắc chắn trong cung thánh.
ü Ghế của giám mục hay của linh mục chủ tế “phải nói lên nhiệm vụ của Ngài là chủ tọa cộng đoàn và điều hành buổi cầu nguyện”.
ü Giảng đài phải ở một nơi thích hợp trong nhà thờ, để loan báo Lời Chúa. Không được dùng giảng đài để đọc các thông báo.
ü Thánh đường phải có giếng rửa tội để cử hành bí tích Thánh Tẩy và có những bình nước thánh để nhắc các tín hữu nhớ đến những lời hứa ngày rửa tội.
ü Thánh đường phải có nơi thích hợp để tiếp đón hối nhân đến bày tỏ lòng thống hối và lãnh nhận ơn tha thứ.
Thánh Ðường cũng phải là nơi giúp tín hữu hồi tâm và thinh lặng cầu nguyện để nối dài và nội tâm hóa Thánh Lễ. Thánh Ðường còn mang ý nghĩa cánh chung. Ðể vào Nhà Chúa, chúng ta bước qua ngưỡng cửa thánh đường nghĩa là từ giã thế giới tội lỗi để bước vào thế giới của Ðời Sống Mới. Thánh Ðường hữu hình tượng trưng cho Nhà Cha, là nhà của tất cả con cái Thiên Chúa, luôn mở rộng đón mời mọi người.
giaoly.org