Thánh Giuse Khiêm Nhường

Hội Thánh dành trọn tháng Ba để kính Thánh Giuse. Giữa tháng ba này, tức lễ thánh Giuse (16.3.2008) sẽ là đỉnh cao lòng mộ mến của ta đối với Ngài.

Một vẻ đẹp của Ngài vẫn thu hút tôi nhiều nhất, đó là đức khiêm nhường.

Thực vậy, thánh Giuse rất khiêm nhường trong mọi liên hệ.

1/ Đối với Chúa.

Thiên Chúa đối với thánh Giuse luôn là một hiện diện. Chúa hiện diện không như một lý thuyết, nhưng như một Đấng sống động. Đấng sống động ấy đi vào đời, để cứu chuộc. Đấng ấy là Tình Yêu. Người sẽ cứu chuộc nhân loại bằng tình yêu.

Tình yêu cứu chuộc là tình yêu khiêm nhường, tình yêu cho đi đến hiến dâng mạng sống chính mình. Đó là sự thực.

Sự thực ấy được nhận ra từ đâu ? Thưa từ ơn Chúa kêu gọi trở về. Trở về là khiêm tốn chờ đợi Chúa, chờ đọi kiên trì bằng cầu nguyện khiêm nhường. Chúa sẽ trở thành hiện diện khi con người cầu nguyện tỉnh thức. Con người tỉnh thức cầu nguyện sẽ thấy sự Chúa hiện diện là một sự thực mầu nhiệm. Chúa ban cho ta sự thực đó một cách nhưng không. Sự thực đó vô cùng cần thiết, đặt liên hệ con người Chúa :“Thầy ở đó, và Người gọi con” ( Ga11, 28).

Với nhận thức như trên, thánh Giuse biết mình, trước mặt Chúa, chỉ là một tạo vật được Chúa ban ơn trở về. Trong ơn trở về đó, có ơn được Chúa yêu thương, được Chúa gọi, được Chúa sai đi. Tất cả đều do Chúa. Còn bản thân mình nào có gì đâu. Do đó, thánh Giuse luôn rất khiêm nhường trước mặt Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu khiêm nhường.

2/ Đối với tha nhân

Một người thực sự khiêm nhường trước mặt Chúa sẽ phải nhận rằng : Mình phải thực sự khiêm nhường trong liên hệ với tha nhân. Bởi vì mỗi người là một cõi riêng tư. Chúa nhìn mỗi người như một vũ trụ duy nhất. Nếu mình được Chúa thương một cách nhưng không, thì các người khác cũng có thể được yêu thương như vậy.

Tình yêu riêng tư là một cái gì không so sánh được, nó cũng là một cái gì không dễ diễn tả cho người khác hiểu được.

Vì thế người ta có thể phán đoán việc làm của nhau là điều rất khó. Có thể nói là không nên làm.

Thánh Phaolô viết :“Còn tôi, dù có bị anh em hay tòa nào xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì . Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình… Quả thật, Đấng xét xử tôi chính là Chúa”( 1Cr 4, 3-$).

Chính Chúa mới là Đấng xét xử. Phúc Âm cho thấy : “Người ta xét xử thế này, nhưng Chúa xét xử lại thế khác”( x Mt 20, 1-16).

Trong Phúc Âm, chân lý căn bản nhất là tình yêu. Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót. Tình yêu này sẽ xét xử không theo thống kê, nhưng theo thân phận của từng người. Ai sẽ đủ sáng suốt với từng thân phận cho bằng tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa.

Vì thế, thánh Giuse không hề xét xử, kết án ai. Ngài để Chúa làm. Ngài khiêm tốn cầu cho mọi người. Ngài khiêm tốn với mọi người.

3/ Đối với cộng đoàn tôn giáo

Tôn giáo thời đó bị tha hoá. Chắc thánh Giuse biết tình hình đáng buồn đó. Nhưng Ngài vẫn khiêm nhường trong địa vị một người tín hữu mọn hèn giữ trọng trách gia trưởng.

Ngài giữ luật đạo. Nhưng Ngài không cho việc chính yếu của người tín hữu là giữ đúng luật, mà là làm chứng cho tình yêu.

Ngài làm chứng cho tình yêu trong mọi mối quan hệ. Quan hệ với những vị đứng đầu cộng đoàn. Quan hệ với gia đình trong cộng đoàn. Quan hệ với hàng xóm và những người cùng làm nghề mộc. Trong mọi quan hệ. Ngài nhắm vào tình yêu. Ngài rất nghèo của cải, nhưng không nghèo tình yêu.

Ngài biết lắng nghe những tâm sự của người khác và giữ kín trong lòng. Ngài biết an ủi đỡ nâng những người gánh nặng muốn chia sẻ với Ngài.

Khi thiết lập và nuôi dưỡng các liên hệ. Ngài luôn khiêm nhường. Ngài kín đáo che giấu ơn gọi đặc biệt Chúa trao cho Ngài là bảo vệ Chúa Cứu Thế và Đức Maria. Ngài xuất hiện khiêm nhường như một người tín hữu khiêm nhường, một gia trưởng khiêm nhường.

Ngài biết giới hạn hoạt động tôn giáo của mình vào những việc khiêm tốn của gia trưởng và của người giáo dân hồi đó. Ngài biết rằng : Công việc khiêm tốn, nhưng với tình yêu sâu, vẫn là công việc rất đẹp lòng Chúa.

4/ Đối với chính mình.

Thánh Giuse khiêm nhường đối với Chúa, đối với tha nhân, đối với cộng đoàn tôn giáo. Ngài cũng rất khiêm tốn đối với chính mình. Liên hệ của ngài đối với chính mình không phải là một liên hệ đóng, nghĩa là mình với mình, nhưng là một liên hệ mở ra. Liên hệ đó như một cuộc xuất hành. Ngài ra khỏi mình, để trở về với Chúa. Một sự trở về sâu thẳm. Ngài đi ra để nghe Chúa. Ngài đi ra để biết ý Chúa. Ngài đi ra để Chúa thanh luyện ngài tuỳ ý Chúa.

Mọi thanh luyện đều có những gì phải rơi xuống. Như cắt tỉa để cây sinh trái. Như đẽo gọt, để mảnh gỗ trở thành tác phẩm nghệ thuật. Thánh Giuse rất khiêm nhường trong tay Chúa thanh luyện. Ngài nhìn mình như một tạo vật hèn mọn.

Suy gẫm trên đây của tôi chắc còn rất xa với sự khiêm nhường thực của thánh Giuse.

Với nhận thức đó, tôi hết lòng cầu nguyện xin thánh Giuse cầu bầu cho chúng ta được càng ngày càng đi sâu hơn vào đức khiêm nhường của Ngài. Hy vọng nhờ đó, chúng ta sẽ cùng thánh Giuse tham gia vào sứ mạng bảo vệ Hội Thánh Chúa tại ViệnNamhôm nay.

+ĐGM GB.Bùi Tuần