Chúa nhật 3 Mùa Chay B – Ga 2, 13-25
Hôm nay, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngưỡng trước ngôi Đền thờ đích thực là thân thể của Chúa Kytô- ngôi đền thờ bị người Dothái phá đổ, nhưng sau ba ngày, Người sẽ xây dựng lại bằng chính sự phục sinh vinh hiển. Ngôi Đền thờ này có gì khác với đền thờ Giêrusalem hoành tráng? Chúng ta cùng xem.
Chúng ta biết Đền thờ Giêrusalem được vua Hêrôđê Cả trùng tu từ năm 20 trước công nguyên và kéo dài tới thời tổng trấn Rôma Albinus khoảng năm 63 sau công nguyên (scn) mới hoàn thành. Biến cố mà Tin mừng Gioan ghi lại có lẽ xảy ra vào khoảng năm 27 scn, lúc đó những phần chính yếu đã làm xong. Đền thờ gồm có cung thánh, sân tư tế, sân đàn ông, sân đàn bà và sân ngoại giáo rất rộng. Người Dothái luôn tự hào về Đền thờ của họ bởi nó được xây dựng nguy nga, to lớn xứng đáng nơi Thiên Chúa ngự và thích hợp cho mọi người đến cầu nguyện, dâng lễ vật Sự việc diễn ra trong Tin mừng mà Gioan ghi lại xảy ra tại sân ngoại giáo. Đây là nơi dành cho dân ngoại lui tới và là nơi diễn ra việc buôn bán trục lợi với những mánh khoé bất chính, những thủ đoạn lộ liễu. Việc buôn bán này do các tư tế Đền thờ cầm đầu. Con cháu họ giữ việc buôn bán đổi tiền. Gia nhân của họ cầm dùi cui, sẵn sàng đánh những ai cản trở việc buôn bán của con cháu họ.
Thật ra, việc buôn bán chiên cừu, bồ câu cho khách hành hương để dâng lễ vật là một việc chính đáng, vì vừa giúp khách hành hương khỏi phiền phức đem lễ vật từ xa đến vừa thu lợi cho Đền thờ trong việc bảo quản sửa sang. Việc đổi tiền ngoại quốc ra tiền Đền thờ cũng là việc phải lẽ. Bởi dân Dothái thời Chúa Giêsu bị thống trị bởi đế quốc Rôma. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rôma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma. Đây là loại tiền bằng bạc, một đồng cân nặng 3,8 g và tương đương với 0, 875 quan vàng. Mặt phải của đồng tiền in đầu hoàng đế Tibêriô đội vòng nguyệt quế với dòng chữ: Tiberius Caesar Augustus, Divi Augusti Filius (Hoàng đế Tibêriô Augustô- con của thần August). Mặt trái của đồng tiền là hình hoàng hậu Livia hay thần chiến thắng trên một cỗ xe tứ mã với Tư tế Pontif.
Người Dothái cho rằng đồng tiền Roma là đồng tiền dơ bẩn không xứng đáng để dâng cúng vào Đền thờ. Thế nên để có tiền dâng vào Đền thờ theo tín ngưỡng, người Rôma chấp nhận cho người Dothái sử dụng một loại tiền khác gọi là tiền Đền thờ. Loại tiền này được người dân dâng cúng vào Đền thờ khi có dịp, muốn vậy thì phải đổi tiền Rôma để lấy tiên này.
Vấn đề ở đây là thay vì các thầy Tư tế và gia nhân của họ phục vụ vì mục đích tốt đẹp, họ lại lợi dụng để thu lợi bất chính cho mình. Người dân biết, nhưng phải im lặng vì động đến họ là động đến nồi cơm, là động đến món lợi tức kếch xù và vì thế, sẽ bị gây khó dễ khi đến cầu nguyện và tế lễ.
Chính trong khung cảnh đó, Chúa Giêsu đã can thiệp. Sự can thiệp của Chúa được thể hiện qua hành động và lời nói. Về hành động, Gioan miêu tả khá tỉ mỉ: Chúa Giêsu cầm một dây thừng dùng làm roi, đuổi những lái buôn chiên bò; Người lật nhào, đổ tung bàn ghế của những người đổi tiền; cùng với hành động là lời quở trách với những người bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi làm nơi buôn bán”. Chúa Giêsu muốn thanh tẩy đền thờ như ngôn sứ Dacaria đã loan báo thuở xưa (x. Dcr 14,21), bởi đền thờ cũng như nền phụng tự đó đã lỗi thời và xuống cấp về luân thường đạo lý, cần phải được canh tân đổi mới.
Phản ứng tự nhiên của nhóm người thân cận hàng Tư tế là hạch sách Chúa Giêsu: Ông lấy quyền ai mà dám làm điều này? Nếu lấy quyền Chúa, ông hãy làm một dấu lạ chứng tỏ Chúa sai ông đi? Trả lời cho thái độ hạch sách đó, Chúa Giêsu nói: “Phá Đền thờ này đi, nội 3 ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Thánh sử Gioan, trong lối hành văn của mình, nhiều lần sử dụng kỹ thuật “gây hiểu lầm” (Technique of misunderstanding), gây ít nhiều khó khăn cho thính giả, cụ thể là cho người Dothái. Rõ ràng câu nói của Chúa Giêsu không có ý nói đến ngôi Đền thờ xây bằng đá, trang hoàng bằng vàng này, mà chỉ ám chỉ chính thân thể của Người. Chúa Giêsu chính là Đền thờ và Người đến để thay thế ngôi Đền thờ Giêrusalem bằng đá bằng chính thân thể Người. Câu trả lời của Chúa còn mô tả cái chết thân xác của Người. Một cái chết chiến thắng vì trong giới hạn 3 ngày, Người sẽ chỗi dậy. Một cái chết phá huỷ Đền thờ cũ để xây dựng một ngôi Đền thờ mới thờ “Thiên Chúa trong chân lý và Thánh Thần” như Chúa đã từng dạy.
Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự và là nơi mời gọi con người đến cầu nguyện và giao hoà với Thiên Chúa. Dĩ nhiên rồi. Nhưng một khi biến nơi thánh thiêng đó trở nên nơi “buôn thần bán thánh”, nơi đầu trộm đuôi cướp thì rõ ràng đã đi ngược lại với ý tưởng tốt đẹp của Thiên Chúa. Chính vì thế, cần phải một cuộc canh tân đổi mới và thanh tẩy nơi thờ phượng đó cho xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự. Riêng với người Kytô, ngôi đền thờ thiêng liêng không chỉ được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố, được trang hoàng nguy nga tráng lệ mà còn được xây đựng bằng chính tâm hồn của mỗi người. Thật thế, tâm hồn chúng ta được sánh ví là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, là nơi Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Ngôi đền thờ thiêng liêng này vượt xa giá trị của những ngôi đền nguy nga hoành tráng đôi khi chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc, nhưng không mang lại giá trị cứu chuộc.
Thật thích hợp trong Mùa Chay thánh hướng chúng ta đến sự cần thiết để thanh tẩy tâm hồn, thanh tẩy ngôi đền thờ thiêng liêng để mãi mãi tâm hồn chúng ta là nơi Thiên Chúa ngự trị. Xin cho mỗi người chúng ta chuẩn bị thật tốt ngôi đền thờ này để nơi đây vang mãi bài ca tình yêu Tự Hiến của Con Thiên Chúa.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb