Chúa Nhật III Mùa Chay:
(Ga 2,13-25)
Cả bốn bản Phúc Âm đều tường thuật lại biến cố thanh tẩy đền thờ. Và đây chắc chắn là một biến cố lịch sử. Người ta cũng có thể phỏng đoán được rằng khi đổ tung tiền bạc và lật nhào bàn ghế của những người đổi tiền cũng như xua đuổi những kẻ buôn bán khác ra khỏi sân tiền đường đền thờ Giê-ru-sa-lem, Ðức Giêsu đã không nghĩ rằng Người có thể tạo được một sự thay đổi lâu dài. Có lẽ ngày hôm sau tất cả mọi sự lại trở lại tình trạng cũ và rồi sự ồn ào náo nhiệt giữa kẻ mua người bán lại tiếp tục, như thể không có gì xảy ra cả. Theo thiển ý, có lẽ Ðức Giêsu xưa kia đã làm như thế là chỉ muốn đem ra một biểu tượng để gây sự chú ý của con người, để thức tĩnh lương tâm họ và muốn cho họ suy gẫm về hành động sai trái của mình mà thôi!
Nếu hôm nay, trong ngày Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại bài Tin Mừng tường thuật biến cô thanh tẩy đền thờ, Giáo Hội muốn nhắn nhủ tất cả mọi tín hữu rất nhiều điều cần thiết, chứ không chỉ kể lại một dữ kiện trong cuộc đời Ðức Giêsu. Vâng, qua hành động xua đuổi tất cả mọi kẻ buôn bán ra khỏi sân đền th Giê-ru-sa-lem xưa kia, Ðức Giêsu muốn đòi hỏi con người phải thanh tẩy đền thờ tâm hồn của họ, ngày nay Giáo Hội cũng muốn thôi thúc chúng ta cần phải suy gẫm cuộc sống của mình và kêu gọi chúng ta phải quan tâm đến việc chỉnh đốn và tẩy uế tình trạng hỗn mang của đền thờ tinh thần của mình.
Ðền thờ của người Do-thái xưa kia được xây dựng tại Giê-ru-sa-lem, trên một khuôn viên hoàn toàn biệt lập và được canh gác gìn giữ cẩn mật. Khuôn viên đó là nơi Thiên Chúa ngự, là sở hữu chủ của Thiên Chúa. Ngoài các tín hữu của Do-thái giáo ra, không có bất cứ kẻ xa lạ nào được bén mảng tới gần. Còn chính ngôi đền thờ được thiết kế rất ngăn nắp chu đáo: Trước hết, tâm điểm của đền thờ là nơi Cực Thánh, nơi Thánh, các sảnh đường với những hàng cột, các sân đền thờ và các sân tiền đường đền thờ. Ở tại trung tâm đền thờ xưa kia, tức Nơi Cực Thánh, được tàng giữ Hòm Bia Thánh, mà con cái Ít-ra-en hết lòng cung kính gọi là bảo vật cực thánh. Còn trong Hòm Bia Thánh chứa đựng hai tảng đá Lề Luật có ghi Mười Ðiều Răn đã được Thiên Chúa ban cho tại núi Sinai, qua trung gian của Tổ phụ Môsê.
Với hành động xua đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, trước hết Ðức Giêsu muốn khẳng định rằng bầu không khí linh thiêng của Nhà Thiên Chúa phải được bảo vệ. Tuy nhiên, thánh sử Gioan còn ghi nhận là Ðức Giêsu cũng muốn nói đến đền thờ thân xác của Người.
Trong thư gửi Giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phaolô cũng nhắc bảo các tín hữu như sau: « Anh em không biết rằng chính anh em là đền thờ Thiên Chúa và Thánh Thần của Người ngự trong anh em sao? Ðền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ đó là chính anh em » (1Cr 3,16-17).
Vậy, nếu chúng ta là đền thờ Thiên Chúa, chúng ta cần phải cố gắng sống thế nào cho tương xứng với sự thánh thiêng và trong sáng của đền thờ. Là những con người yếu đuối, chúng ta luôn luôn dễ bị rơi vào tất cả những tình trạng hỗn mang và vô trật tự. Và đó không chỉ là tình trạng của chúng ta xét như là các tín hữu riêng rẽ mà thôi, nhưng còn tình trạng của chúng ta xét như toàn thể cộng đoàn Kitô giáo. Ðó là lý do khiến Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào ngày Chúa Nhật I Mùa Chay, 12.03.2000, đã công khai xinn lỗi thế giới về những lầm lỗi của Giáo Hội đối với nhân loại trong các thế kỷ qua. Bởi vì chính toàn diện cộng đoàn Kitô Giáo hay Giáo Hội của Ðức Kitô cũng là đền thờ Thiên Chúa (x. Ep 2,21), cũng như mỗi người Kitô hữu chúng ta là đền thờ Thiên Chúa vậy.
Ðền thờ Thiên Chúa luôn có thể bị xúc phạm, bị sa sút xuống cấp, bị tục hóa thành hang trú ngụ của trộm cướp. Do đó đền thờ Thiên Chúa luôn cần phải được thanh tẩy, tôn tạo và hoàn chỉnh hóa không ngừng. Bởi vậy, không phải là điều tình cờ ngẫu nhiên ngay khi chúng ta khởi đầu mỗi giờ kinh đã khiêm tốn nhìn nhận trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt mọi người mình là kẻ có tội. Ðặc biệt trong Mùa Chay Thánh, chúng ta hãy nỗ lực tẩy uế và thánh hiến đền thờ tinh thần của chúng ta, hầu xứng đáng làm nơi Chúa Thánh Thần ngự trị.
Những ai vẫn tiếp tục bừa bãi và phóng túng trong cách ăn uống, hút xách, những ai không biết tự chủ và kiêng khem trong lãnh vực tinh thần cũng như những ai không biết kiềm hãm được tính tò mò của mình và thái quá trong chuyện phim ảnh và tivi, thì họ chẳng những làm tổn hại đến tư cách của mình mà còn làm dơ bẩn đền thờ Thiên Chúa. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta cần phải thành thật tự cật vấn lương tâm mình: Tôi cần phải tháo gỡ và thu dọn những gì đang vướng mắc trong cuộc sống của tôi? Phải chăng tôi không khẩn cấp lo lãnh nhận bí tích Hòa Giải hầu để sữa soạn xứng đáng đón chờ Ðại Lễ Chúa sống Lại?
Ðền thờ Thiên Chúa là mỗi người tín hữu chúng ta. Ðền thờ Thiên Chúa là cộng đoàn Giáo xứ của chúng ta ở N… Ở đây, chúng ta rất vui mừng và rất đáng hãnh diện vì có được một ngôi nhà thờ khang trang đồ sộ. Tuy nhiên, sự phong phú và phồn thịnh của một xứ đạo không hệ ở những toà nhà nguy nga được trưng bày sang trọng hay những cuộc lễ bái được tổ chức thật rộn ràng hào nhoáng bên ngoài, còn phần nội tâm lại hoàn toàn trống rỗng vì thiếu tinh thần cầu nguyện. Không, sự sầm uất phồn thịnh của một xứ đạo trước hết phải là phần tinh thần, tức đời sống đạo, việc thực hành đức tin sâu xa và trưởng thành của các thành phần của xứ đạo, công cuộc từ thiện và bác ái trong giáo xứ luôn sống động. Một điều quan trọng mà mỗi người tín hữu cũng như toàn thể giáo xứ chúng ta cần phải làm là luôn tự hỏi: Phải chăng tình trạng tinh thần của Giáo xứ chúng ta đã tương xứng với sự mong muốn của Ðức Giêsu?
Nói tóm lại, chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau, hãy khích lệ nhau trong việc thanh tẩy tinh thần cần thiết đó! Ðiều mà thánh Phaolô đã đề cập tới như một điều lý tưởng cho giáo đoàn Cô-rin-tô xưa, thì cũng rất có thể trở thành hiện thực nơi giáo xứ chúng ta. Thánh Phaolô viết: « Nếu khi có kẻ không tin hay người ngoại cuộc đến giữa anh em và được chứng kiến sự thánh thiện của anh, sẽ bị động lòng. Người đó sẽ quì xuống tôn thờ Thiên Chúa và tuyên xưng: Quả thật Thiên Chúa ngự giữa quí vị » (x. 1Cr 14,25).
LM Nguyễn hữu Thy