Thánh Thể ban cho chúng ta sức mạnh để mến Chúa yêu người

Bài Giáo Lý Thứ 23 của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện: Thánh Thể ban cho chúng ta sức mạnh để mến Chúa yêu người

 Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 23 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđicytô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 11 tháng 1 năm 2012. Lần này ĐTC suy niệm về Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly.

* * *

Anh chị em thân mến,

Trong cuộc hành trình suy niệm của chúng ta về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, như được trình bày trong các sách Tin Mừng, hôm nay tôi muốn suy niệm về giờ phút đặc biệt nghiêm trọng của việc cầu nguyện của Người trong Bữa Tiệc Ly. Bối cảnh và thời điểm cảm động của bữa tiệc, trong đó Đức Kitô tạm biệt các bạn hữu của Người, và cái chết sắp xảy đến cho Người, mà Người cảm thấy giờ đây đã gần.

Từ lâu Chúa Giêsu đã bắt đầu nói về Cuộc Khổ Nạn của Người, và cũng cố gắng làm cho các môn đệ để tâm nhiều hơn đến viễn cảnh ấy. Tin Mừng Thánh Marcô cho chúng ta biết rằng ngay từ lúc khởi đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem, ở những ngôi làng xa xôi của vùng Caesarê Philipphê, Chúa Giêsu đã bắt đầu “giảng dạy cho các môn đệ, và nói với các ông rằng, ‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết Người, và Người bị giết chết, rồi ba ngày sau khi chết Người sẽ sống lại’” (Mc 8:31). Ngoài ra, vào chính ngày mà Người chuẩn bị chia tay các môn đệ, cuộc sống của dân [Isreal] đã được đánh dấu bởi việc Lễ Vượt Qua đã gần, nghĩa là lễ tưởng niệm cuộc giải phóng dân Israel khỏi Ai Cập. Cuộc giải phóng này được kinh nghiệm trong quá khứ cùng được tái mong đợi trong hiện tại và tương lai, được sống trở lại trong việc mừng Lễ Vượt Qua trong gia đình.

Bữa Tiệc Ly xảy ra trong bối cảnh này, nhưng với một sự mới mẻ cơ bản. Chúa Giêsu mong chờ Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Người một cách hoàn toàn ý thức về chúng. Người muốn sống Bữa Tiệc Ly này cùng các môn đệ của Người, với một tính chất hoàn toàn khác những bữa ăn khác; Đây là Bữa Tối của Người mà trong đó Người ban cho một điều gì hoàn toàn mới: là Chính Người. Bằng cách này, Chúa Giêsu cử hành Lễ Vượt Qua, dự kiến Thập Giá và Sự Phục Sinh của Người.

Sự  mới mẻ này được thấy rõ bởi thứ tự của những gì xảy ra trong Bữa Tiệc Ly theo Tin Mừng Thánh Gioan, là Tin Mừng không mô tả nó như bữa Vượt Qua, vì Chúa Giêsu có ý khai mở một điều gì mới, có ý mừng lễ Vượt Qua của Người, đương nhiên được liên kết với những biến cố của cuộc Xuất Hành. Và với Thánh Gioan, Chúa Giêsu chết trên thập giá chính vào lúc mà người ta sát tế các chiên Vượt Qua trong Đền Thờ Giêrusalem.

Vì vậy, trọng tâm của Bữa Tiệc Ly là gì? Đây là những cử chỉ – bẻ bánh, phân phát cho những kẻ thuộc về Người, và chia sẻ chén rượu – với những lời đi kèm theo những cử chỉ ấy, và được đặt trong bối cảnh cầu nguyện: đó là việc lập Bí Tích Thánh Thể, là lời cầu nguyện cao cả của Chúa Giêsu và của Hội Thánh. Nhưng chúng ta  hãy nhìn kỹ hơn đến giờ phút này.

Trên hết, các truyền thống Tân Ước về việc lập Bí Tích Thánh Thể (x. 1 Cr 11:23-25; Lc 22:14-20; Mc 14:22-25; Matthew 26:26-29), cho biết rằng lời cầu nguyện mở đầu những cử chỉ và những lời của Chúa Giêsu đọc trên bánh và rượu, sử dụng hai động từ song song và bổ túc cho nhau. Thánh Phaolô và Thánh Luca nói về eucharistia /tạ ơn, “Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông” (Lc 22:19). Trái lại, Thánh Marcô và Thánh Matthêu nhấn mạnh khía cạnh eulogia/chúc tụng “Người cầm lấy bánh và dâng lời chúc tụng, bẻ ra, rồi trao cho các ông” (Mc 14:22). Cả hai thuật ngữ trong tiếng Hy Lạp “eucaristeìn”“eulogein” đều nói về từ “berakha” của tiếng Do Thái, nghĩa là lời cầu nguyện tạ ơn và chúc tụng tuyệt vời của truyền thống Israel để khai mạc các bữa ăn lớn. Hai từ Hy Lạp nói về hai hướng thuộc về bản chất và bổ túc nhau của lời cầu nguyện này. Thực ra, “berakha,” trên hết là lời cảm tạ và chúc tụng dâng lên Thiên Chúa vì món quà đã lãnh nhận: trong Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, đây là bánh – được làm từ lúa mì mà Thiên Chúa cho nảy mầm và lớn lên từ ruộng đất – và rượu – được sản xuất từ ​​những trái chín trên những cây nho. Kinh nguyện ngợi khen và tạ ơn này, được dâng lên Thiên Chúa, trở lại như phúc lành từ Thiên Chúa xuống trên món quà và làm cho nó thêm phong phú. Việc tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa cũng trở nên lời chúc tụng và của lễ dâng lên Thiên Chúa trở lại làm cho con người được Đấng Toàn Năng chúc phúc. Những lời truyền phép Thánh Thể được đặt trong bối cảnh cầu nguyện, trong đó, lời ca ngợi và chúc tụng của “berakha” trở thành phúc lành cùng sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Giêsu.

Trước lời truyền phép, có những cử chỉ: là việc bẻ bánh và dâng rượu. Việc bẻ bánh và chuyền ly rượu trước hết là chức năng của người gia chủ, người đón tiếp các phần tử của gia đình ở bữa ăn của mình; nhưng những cử chỉ ấy cũng là những cử chỉ hiếu khách, chào đón cách thân thiện những người lạ, không phải là phần tử của gia đình, vào sự hiệp thông. Những cử chỉ này, trong bữa ăn mà Chúa Giêsu tạm biệt những kẻ thuộc về Người, có một chiều sâu hoàn toàn mới: Người ban cho một dấu hiệu hữu hình của việc chào đón tại bàn tiệc mà Chính Thiên Chúa dọn. Trong hình bánh và rượu, Chúa Giêsu tự Mình dâng hiến và hiệp thông.

Nhưng làm sao mà có thể thực hiện được tất cả những điều ấy? Làm sao mà Chúa Giêsu có thể tự hiến khi đó? Chúa Giêsu biết rằng sự sống của Người sẽ bị cất đi qua việc chịu đóng đinh trên thập giá, án tử hình dành cho những người không được tự do, mà Cicero gọi là “mors turpissima crusis.”[Cái chết nhục nhã nhất trên thập giá].  Qua món quà bánh và rượu mà Người dâng trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu báo trước Cái Chết và Sự Sống Lại của Người bằng cách thực hiện những gì Người đã nói trong bài giảng về Người Mục Tử Tốt Lành: Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó. Không ai cất mạng sống của Tôi đi được, nhưng chính Tôi tự nguyện hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và có quyền lấy lại nó. Đó là mệnh lệnh mà Tôi đã nhận được từ Cha Tôi (Ga 10:17-18). Như thế, Người ban trước sự sống sẽ bị cất đi, và bằng cách đó biến đổi cái chết tàn bạo của Người thành một hành động tự do ban hiến chính Mình cho người khác và vì người khác. Bạo lực được chịu đựng biến đồi thành một hy lễ tích cực, tự do và cứu độ.

Một lần nữa, trong cầu nguyện, được bắt đầu bằng những hình thức nghi lễ của truyền thống Thánh Kinh, Chúa Giêsu tỏ lộ căn tính của Người và quyết tâm hoàn thành sứ vụ yêu thương trọn vẹn của Người, tự hiến trong sự vâng phục Chúa Cha. Tính chất độc đáo sâu xa của việc tự hiến cho những kẻ thuộc về Người qua tưởng niệm Thánh Thể là tột đỉnh của lời cầu nguyện đánh dấu bữa ăn tối chia tay với những kẻ thuộc về Người. Qua việc chiêm ngắm những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu đêm đó, chúng ta thấy rõ ràng mối quan hệ mật thiết và liên tục với Chúa Cha là nơi mà Người đã thực hiện cử chỉ để lại cho những kẻ thuộc về Người, và cho mỗi người chúng ta, Bí Tích Tình Yêu, “Sacramentum Caritatis”. Hai lần trong Nhà Tiệc Ly, những lời này được vang lên: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24.25). Với món quà Chính Mình, Người đã cử hành Lễ Vượt Qua của Mình, trở thành Chiên Con thật hoàn thành tất cả việc phụng tự cổ xưa. Cho nên Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrinthô rằng: Vì Đức Kitô, [chiên lễ Vượt Qua của chúng ta,] đã chịu hiến tế. Vậy thì, chúng ta hãy ăn mừng đại lễ, không phải với men cũ, là men độc ác và gian tà, nhưng với bánh không men, là (bánh) tinh tuyền và chân thật” (1 Corinthians 5:7-8). 

Thánh Sử Luca đã lưu giữ một yếu tố bổ sung có giá trị khác của những biến cố xảy ra trong Bữa Tiệc Ly, cho phép chúng ta nhìn thấy chiều sâu đầy cảm động của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho những kẻ thuộc về Người đêm đó, sự chú ý của Người đến từng người. Bắt đầu từ lời cầu nguyện tạ ơn và chúc tụng, Chúa Giêsu nói đến hồng ân Bí Tích Thánh Thể, món quà là Chính Người, và, trong khi Người ban thực tại bí tích quyết định, Người quay sang Thánh Phêrô.  Vào cuối bữa ăn, Người nói: Này Simon, hỡi Simon, đây Satan đã muốn sàng các con như sàng lúa mì, nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất đức tin. Vì thế, một khi con đã trở lại, con hãy củng cố các anh em con” (Lc 22:31-32). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, khi cuộc thử thách đến, cũng dành cho các môn đệ, nâng đỡ sự yếu đuối của các ông, sự thiếu khả năng hiểu rằng con đường của Thiên Chúa là qua Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cái Chết và Sự Sống Lại, được liệu trước trong việc dâng hiến của lễ bánh và rượu. Thánh Thể là lương thực cho những khách lữ hành, thành sức mạnh cho những người đang mệt mỏi, kiệt quệ và mất định hướng. Và lời cầu nguyện đặc biệt cho Thánh Phêrô, bởi vì, một khi đã hoán cải trở lại, ông củng cố các anh em trong đức tin. Thánh Sử Luca ghi lại rằng chính cái nhìn của Chúa Giêsu Đấng tìm kiếm khuôn mặt của Thánh Phêrô khi ông vừa chối Người ba lần, để ban cho ông sức mạnh ngõ hầu tiếp tục con đường đi theo sau Người: Và lập tức, trong lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Và Chúa quay lại nhìn ông, ông nhớ lại lời Chúa đã bảo ông, “Hôm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Thầy ba lần(Lc 22:60-61).  note

Anh chị em thân mến, khi tham dự vào Thánh Thể, chúng ta sống một cách phi thường lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dâng và liên tục dâng để cầu cho mỗi người chúng ta ngõ hầu sự dữ, mà tất cả chúng ta đều gặp trong cuộc sống, không thắng chúng ta, và quyền năng biến đổi của Cái Chết và Sự Sống Lại của Đức Kitô hành động trong chúng ta. Trong Bí Tích Thánh Thể, Hội Thánh đáp lại lệnh của Chúa Giêsu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19; x. 1 Cr 11: 24-26.); Hội Thánh lặp lại lời cầu nguyện tạ ơn và chúc tụng, và với lời này, những lời của việc biến thể bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô. Việc cử hành Thánh Thể (Thánh Lễ) của chúng ta được rút ra từ giờ phút cầu nguyện này, một sự kết hợp luôn luôn mới với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.

Ngay từ thủa ban đầu, Hội Thánh đã hiểu những lời thánh hiến (truyền phép) là một phần của lời cầu nguyện của mình cùng với Chúa Giêsu; như là phần trung tâm của lời ngợi khen đầy lòng biết ơn, mà nhờ đó những hoa mầu ruộng đất và lao công của con người được Thiên Chúa ban lại cho chúng ta như Mình và Máu Chúa Giêsu, như món quà tự hiến của chính Thiên Chúa trong tình yêu trút bỏ chính MÌnh của Chúa Con (x. Chúa Giêsu thành Nazareth, II , trang 146).. Trong việc tham dự Thánh Thể, trong việc được nuôi dưỡng bằng Thịt và Máu của Con Thiên Chúa, chúng ta kết hợp lời cầu nguyện của mình với lời cầu nguyện của Chiên Vượt Qua trong đêm tối cao của Người, để sự sống của chúng ta không bị mất, nhưng được biến đổi, bất chấp sự yếu đuối và bất trung của chúng ta.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy xin Chúa rằng, sau khi đã chuẩn bị xứng đáng, cũng nhờ  Bí Tích Thống Hối, sự tham gia của chúng ta vào Bí Tích Thánh Thể của Người, là điều cần thiết cho đời sống Kitô hữu, luôn luôn là tột đỉnh của tất cả các lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin, nhờ được kết hợp sâu xa vào hy lễ mà Người dâng lên Chúa Cha, chúng ta cũng có thể biến đổi thập giá của chúng ta thành hy lễ tự do và có trách nhiệm của tình yêu lên Thiên Chúa và cho anh em của chúng ta. Cám ơn các bạn.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Matthew 26:26-29
View in: NAB
26And whilst they were at supper, Jesus took bread, and blessed, and broke: and gave to his disciples, and said: Take ye, and eat. This is my body.
27And taking the chalice, he gave thanks, and gave to them, saying: Drink ye all of this.
28For this is my blood of the new testament, which shall be shed for many unto remission of sins.
29And I say to you, I will not drink from henceforth of this fruit of the vine, until that day when I shall drink it with you new in the kingdom of my Father.
1 Corinthians 5:7-8
View in: NAB
7Purge out the old leaven, that you may be a new paste, as you are unleavened. For Christ our pasch is sacrificed.
8Therefore let us feast, not with the old leaven, nor with the leaven of malice and wickedness; but with the unleavened bread of sincerity and truth.