Chủ Nhật VI Phục Sinh, Năm A.
Bài đọc: Acts 8:5-8,14-17; 1 Peter 3:15-18; John 14:15-21.
Để giúp con người thông phần vào sống cuộc thần linh, Thiên Chúa ban tặng con người Thánh Thần của Ngài. Nhưng để con người có thể ý thức được sự hiện diện của Thánh Thần này, và ngôi vị của Ngài trong cung lòng Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa trước tiên đã làm con người trở nên sống động qua điều linh thiêng nhất trong việc tạo dựng: hơi thở của sự hô hấp (Genesis 2:7) và sức mạnh của gió (Exodus 14:21-22; 15:8-10). Bằng hai yếu tố này, con người dần ý thức được hành động của Thánh Thần của Thiên Chúa trong chính họ và trong muôn người. Sau khi đã dần được linh thiêng hóa, con người ý thức rằng Thánh Thần của Thiên Chúa làm việc trong thế giới không gì khác hơn là chính Thánh Thần, hành động không chỉ qua gió hay hơi thở, nhưng qua các bí-tích khác nhau của Giáo Hội, để mang đời sống thần linh mới cho con người và cho một dân mới.
Chủ Nhật sau cùng của Mùa Phục Sinh chuẩn bị cho việc Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần. Các bài đọc hôm nay nhằm nói lên những đặc tính riêng của Chúa Thánh Thần và giúp đỡ chúng ta học hỏi về Ngài. Trong bài đọc I, tác giả Sách CVTĐ phân biệt hai Phép Rửa: Phép Rửa bởi nước của Gioan để được ơn tha tội, và Phép Rửa bởi Thánh Thần bằng việc cầu nguyện và đặt tay để được các ơn thánh giúp thánh hóa các tín hữu. Trong bài đọc II, tác giả nêu lên hai đặc tính của Thánh Thần: Ngài là nguyên ủy của sự thật và sự sống. Chính Thánh Thần đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ nhiều điều về Thánh Thần: Ngài là sự thật, Ngài sẽ ở với con người luôn mãi. Ngài là một Paracletos khác bên cạnh Chúa Giêsu để bênh vực cho con người. Ai có Ngài, thì cũng có Chúa Giêsu và Chúa Cha.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.
1.1/ Phép Rửa bởi Nước để được ơn tha tội: Người Do-thái chỉ biết tới Phép Rửa bởi nước được làm bởi ông Gioan Tẩy Giả để được tha tội. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong giáo hội sơ khai được tường thuật bởi tác giả sách CVTĐ như sau: “Trong khi ông Apollo ở Côrintô thì ông Phaolô đi qua miền thượng du đến Ephesô. Ông Phaolô gặp một số môn đệ và hỏi họ: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?” Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” Ông hỏi: “Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào?” Họ đáp: “Phép rửa của ông Gioan.” Ông Phaolô nói: “Ông Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu.” Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người.” (Acts 19:1-7).
1.2/ Phép Rửa bởi Thánh Thần để thánh hóa con người: Để hiểu Phép Rửa bởi Thánh Thần, chúng ta cần trở về với trình thuật của Matthew tường thuật biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Jordan: “Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilee đến sông Jordan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thánh Thần Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Matthew 3:13-17). Chúa Giêsu không cần chịu Phép Rửa bởi nước để được tha tội, vì Ngài chẳng có tội gì để được tha; nhưng Ngài muốn làm gương cho các tín hữu, và muốn thánh hóa nước sông Jordan và tất cả mọi nước mà Giáo Hội sẽ dùng để rửa tội sau này.
Tin Mừng Nhất Lãm đều bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu sau biến cố Ngài chịu Phép Rửa tại sông Jordan và biến cố Ngài được Thánh thần mang vào trong sa mạc để chịu cám dỗ. Lucas bắt đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu tại Nazareth, khi Ngài vào trong hội đường và đọc những lời tiên tri của Isaiah: “Thánh Thần của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than” (Isaiah 61:1-2). Vì thế, việc xức dầu tấn phong của Chúa Thánh Thần và sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu liên quan mật thiết với nhau. Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Đấng Thiên Sai: tha tội, chữa lành, phóng thích, và thánh hóa con người.
Theo trình thuật CVTĐ hôm nay, khi “Các Tông Đồ ở Jerusalem nghe biết dân miền Samaria đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.” Giáo Hội vẫn theo truyền thống này khi ban bí-tích Thêm Sức cho các tín hữu bằng việc xức dầu tấn phong, cầu nguyện, và đặt tay. Tất cả những dấu chỉ này muốn nói người tín hữu đã nhận được Chúa Thánh Thần và tất cả các quà tặng của Ngài, để bắt đầu cuộc sống thần linh và chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Đức Kitô.
2/ Bài đọc II: Nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.
2.1/ Thánh Thần là yếu tố làm cho con người được sống: Theo truyền thống Do-thái, họ chỉ có một chữ “ruah” để chỉ chung Thánh Thần, gió và hơi thở. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa “thổi hơi” vào lỗ mũi con người, và họ trở thành một sinh vật. Cũng vậy, khi Thiên Chúa rút hơi thở ra là họ trở về cát bụi (Psa 103:29-30; Eze 37). Vì thế, Thần Khí của Thiên Chúa là yếu tố làm cho muôn vật được sống, con người không phải là chủ nhân của sự sống.
Đức Kitô khi mang trong mình thân xác con người cũng phải chịu chết: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” Tin Mừng Gioan diễn tả giây phút từ giã cuộc đời của Chúa Giêsu như sau: “Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (John 19:29-30).
Tuy nhiên, “thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.” Thánh Thần của Thiên Chúa lại tiếp tục đến với Ngài và làm cho Ngài sống dậy từ cõi chết. Mọi tín hữu trung thành theo Đức Kitô cũng được phục sinh như Ngài. Điều này cũng đã được mô tả chi tiết trong thị kiến “Ruộng Xương Khô” của Ezekiel 37.
2.2/ Thánh Thần giúp con người sống ngay thẳng theo sự thật của Đức Kitô: Thánh Thần là chính sự thật, Ngài giúp con người nhận ra sự thật và hướng dẫn họ tới sự thật toàn vẹn. Trong trình thuật hôm nay, tác giả Thư Phêrô I diễn tả tiến trình biết và sống theo sự thật như sau:
(1) Phải nhìn nhận sự thật: “Hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em.” Sự thật bắt đầu với Đức Kitô. Chính Đức Kitô đã mặc khải sự thật về Thiên Chúa cho con người. Sự thật này đã được ghi chép lại rõ ràng trong Kinh Thánh. Người môn đệ phải nhìn nhận Đức Kitô là sự thật và học hỏi tất cả những lời của Ngài dưới sự chỉ dẫn của Thánh Thần.
(2) Làm chứng cho sự thật: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng.” Người Kitô hữu làm chứng cho sự thật bằng cuộc sống vui tươi, chân thành và bác ái.
(3) Kiên trì sống theo sự thật: “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác.” Người Kitô hữu được trang bị để kiên trì làm việc lành và chịu đau khổ bằng những ân huệ được ban tặng bởi Chúa Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.
3.1/ Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận: Danh xưng “Paracletos” rất khó dịch sang tiếng Việt-nam. Theo nghĩa đen, có nghĩa là người được gọi đến để trợ giúp trong khi cần: có thể là Trạng Sư để bênh vực trước tòa án, có thể là người an ủi khi sầu khổ, có thể là Cố Vấn khi phải đương đầu với các vấn nạn khó khăn, có thể là người động viên tinh thần để giúp cho khỏi bị chán nản. Để biết ý nghĩa chính xác, chúng ta cần xem xét vai trò của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, vì Ngài cũng là một “Paracletos.” Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa, là bạn hữu, là Mục Tử Tốt Lành, là người an ủi, là người khích lệ, người bảo vệ… Có lẽ để yên theo tiếng Hy-lạp là hợp lý nhất. Thánh Thần sẽ do Chúa Cha ban theo lời cầu xin của Đức Kitô, và Ngài sẽ ở với các tín hữu luôn mãi. Triều đại chúng ta đang sống là triều đại của Ngài. Chúng ta cần ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Điều kiện để được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Thánh Thần là phải giữ các giới răn của Chúa Giêsu. Thánh Thần là sự thật, thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không biết sự thật. Các môn đệ biết Người, vì các môn đệ biết sự thật đã được mặc khải bởi Chúa Giêsu.
3.2/ Anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em: Chúa Giêsu tuy không còn ở ở với các môn đệ bằng thân xác; nhưng Ngài ở với các môn đệ bằng sự kết hiệp với Thánh Thần. Nơi nào có Thánh Thần thì cũng có Chúa Cha và Chúa Giêsu. Thánh Thần là sự sống, Ngài đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và Ngài ban tặng sự sống thần linh cho các môn đệ qua các bí-tích và những hồng ân của Chúa Thánh Thần.
Thánh thần là tình yêu: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Tình yêu Chúa Giêsu đề cập đến ở đâu không phải là tình yêu do cảm giác hay cảm xúc; nhưng tình yêu phải được biểu lộ cụ thể qua sự vâng lời là giữ các giới răn của Ngài. Tình yêu thực sự đòi phải luôn làm lành, sẵn sàng hy sinh chịu đau khổ, và kiên trì làm như thế trọn đời. Điều này chắc chắn sẽ khó đối với sức con người, nhưng có thể làm dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy luôn ý thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống. Ngài là nguyên ủy của sự sống: thể chất, trí tuệ, cũng như thần linh.
– Ngài là sự thật và sẽ hướng dẫn chúng ta đến toàn sự thật. Ngài là tình yêu liên kết chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con, và với nhau. Ngài là Đấng thánh hóa làm chúng ta càng ngày càng trở nên giống Thiên Chúa.
– Thân xác chúng ta là Đền Thờ của Thánh Thần, những ai sống theo lối sống của thế gian và xác thịt là đi ngược lại với lối sống của Thánh Thần. Ngài sẽ không ở trong những ai có một lối sống như thế.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP