Thứ Năm sau Lễ Tro, Năm lẻ
Bài đọc: Deuteronomy 30:15-20; Luke 9:22-25.
Có nhiều quan điểm sống khác nhau: Có những người vô thần cho rằng cuộc sống trên dương gian là tất cả những gì họ có, nên phải sống làm sao để tận hưởng hết những gì thế gian dâng tặng. Đối với những người này, những giá trị tôn giáo vô nghĩa vì họ không tin có Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Phần đông tin có thưởng phạt và cuộc sống đời sau, nên phải sống làm sao để đạt được cuộc sống mai sau.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi các tín hữu xét lại quan niệm sống của mình. Trong Bài Đọc I, Sách Đệ Nhị Luật phân biệt hai lối sống: lối sống yêu mến Thiên Chúa và vâng lời tất cả những gì Thiên Chúa dạy, và lối sống thờ phượng các thần và bất tuân những lệnh truyền của Thiên Chúa. Theo tác giả, chỉ có lối sống thứ nhất mới đem lại hạnh phúc đích thực cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai lối sống: ai muốn theo lối sống của Ngài, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo; ngược lại, ai không theo lối sống này, sẽ có nguy hiểm mất tất cả những gì mình đang sở hữu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai con đường hay hai lối sống
Sách Đệ Nhị Luật đề cao vai trò của Lề Luật, vì chính Thiên Chúa đã ban Lề Luật này. Chỉ có Thiên Chúa biết những gì tốt đẹp cho con người, nên Lề Luật Ngài ban là để giúp con người được hạnh phúc và tránh mọi nguy hiểm. Tác giả diễn tả đơn giản hai lối sống mà con người có thể chọn để sống như sau: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.”
(1) Yêu mến và vâng lời Thiên Chúa sẽ được sống hạnh phúc: “Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu.”
(2) Không yêu mến và bất tuân Thiên Chúa sẽ phải chết vì tai họa: “Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu.”
Lời truyền trên đây, tuy đơn giản, nhưng không ai có thể làm được; vì mọi người đều bất tuân lệnh Thiên Chúa, và vi phạm các Lề Luật của Người. Hậu quả là tất cả đều phải chết; nếu Thiên Chúa không có kế họach khác cho con người. Nhưng Thiên Chúa đã có kế họach cứu độ cho con người, Ngài cho Người Con Một của Ngài xuống trần để gánh tội cho con người; nhờ Đức Kitô, con người được sống.
2/ Phúc Âm: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Con đường Cứu Độ của Đấng Thiên Sai: Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Chỉ trong một câu ngắn ngủi, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ những điều sau đây: (1) Có hai cuộc sống: đời này và đời sau. (2) Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị lọai bỏ và bị giết chết; nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ trỗi dạy vinh quang. (3) Quyền lực thế gian chỉ có thể giết được thân xác, nhưng không động đến được linh hồn. (4) Ngài tự nguyện chịu đau khổ để cứu chuộc con người; Ngài có thể chọn con đường khác.
2.2/ Ba điều kiện để trở nên môn đệ Chúa: Theo Tin Mừng Nhất Lãm, động từ “theo” có nghĩa “trở nên môn đệ.” Theo Chúa Giêsu là muốn trở nên môn đệ của Ngài. Điều này có nghĩa không những người môn đệ chấp nhận lý tưởng mà còn chấp nhận cách thức để đạt lý tưởng của Thầy mình. Lý tưởng của Chúa Giêsu là làm sao cho tất cả mọi người đạt được ơn Cứu Độ mà Ngài sắm sẵn cho họ qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Để đạt tới lý tưởng này, Chúa Giêsu đòi 3 điều kiện như sau:
(1) Phải muốn theo: Con người được Thiên Chúa ban cho tự do để lựa chọn; không ai có thể bắt họ làm điều họ không muốn. Tuy Thiên Chúa có thể bắt, nhưng nếu làm như thế, Ngài sẽ mâu thuẫn với chính Ngài. Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày cho con người biết hết những tốt đẹp của cuộc sống mai sau, và những điều tai hại nếu con người không đạt mục đích này; sau đó, Ngài để cho con người tự do lựa chọn.
(2) Phải từ bỏ chính mình: Chúa Giêsu hiểu con người còn hơn con người hiểu chính mình. Ngài biết con người có khuynh hướng thích những gì dễ dãi, ham danh vọng, thích uy quyền và hưởng thụ; nhưng tất cả những khuynh hướng này chỉ làm cho con người xa lý tưởng mà Thiên Chúa đã dự định cho con người. Vì thế, Chúa Giêsu đòi con người phải từ bỏ chính mình, tức là từ bỏ ý riêng mình để sống theo thánh ý của Thiên Chúa.
(3) Phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo: Chúa Giêsu cũng biết con người không thích đau khổ, nhục mạ, tù đày, đánh đòn, chết chóc; nhưng Ngài muốn con người vác tất cả các đau khổ này hằng ngày mà theo Ngài, vì nó sẽ sinh lợi ích cho con người, và giúp con người đạt tới lý tưởng mà con người theo đuổi. Chính Ngài cũng qua con đường đau khổ đó để đem lại ơn Cứu Độ cho con người.
2.3/ Nghịch lý của cuộc sống: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Để hiểu câu này, chúng ta phải chấp nhận có hai cuộc sống: đời này và đời sau. Người theo Chúa có thể sẽ mất cuộc sống đời này, nhưng sẽ được cuộc sống đời sau. Còn những người muốn cứu mạng sống mình đời này, những người không muốn theo Chúa sẽ mất cuộc sống đời sau.
Vấn đề đặt ra là cuộc sống nào đáng quí trọng hơn? Theo Chúa Giêsu, cuộc sống đời sau quí trọng hơn vì sẽ được sống với Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc muôn đời. Vì thế, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho mọi người suy nghĩ: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai lối sống: theo Thiên Chúa và theo thế gian. Khi chúng ta chọn sống theo lối sống nào, chúng ta phải chấp nhận hậu quả của lối sống đó.
– Kinh nghiệm dạy chúng ta đường rộng rãi thênh thang chẳng làm lợi ích cho con người, mà chỉ dẫn tới diệt vong. Trái lại, đường chật hẹp gian khổ tuy khó đi, nhưng luôn đem lợi ích cho con người.
– Mùa Chay cho chúng ta có cơ hội nhìn lại cuộc đời để xem chúng ta đang sống theo lối sống nào. Rất có thể chúng ta đang sống theo lối thế gian dầu trí óc chúng ta đang muốn theo lý tưởng của Chúa Giêsu.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP