Chúa Nhật 24 Thường Niên B
Mc 8, 27 – 35
Xêdarê Philípphê được xem là miền đất dân ngoại- nơi có một trung tâm rộng lớn thờ thần Baan. Tương truyền đây là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias – thần thiên nhiên. Vào năm 2 trước CN, chính quận vương Hêrôđê Philípphê đã xây dựng nơi đây thành địa danh linh thiêng đối với cư dân xứ này. Trên thành này, ông đã cho xây và đặt đầu tượng Xêda- hoàng đế Rôma được ông xem là vị thần, để tôn thờ. Chính tại “linh địa” dân ngoại này, một sự kiện độc nhất vô nhị xuất hiện. Đó là sự kiện một người con vô danh của dân làng Nazarét được tuyên xưng là Đấng Kytô. Sự kiện đó thế nào? Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau suy chiêm.
Trước khi thăm dò các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đã phần nào biết được dư luận bàn tán về nhân thân của Người như thế nào. Thật vậy, dư luận dân chúng xem Chúa Giêsu là một Ngôn sứ. Còn vua Hêrôđê Antipa thì khẳng định Chúa Giêsu chính là Gioan Tẩy giả – người mà ông đã ra lệnh chém đầu- đã sống lại (x. Mc 6, 16). Dư luận thì như thế, còn các môn đệ thì sao? Chúng ta thấy rõ ràng các môn đệ đã không bị cuốn hút vào thông tin từ phía dư luận. Hay nói khác hơn, lần này các ông đã “khôn hơn” chứ không còn “ngu muội” nữa. Các ông đã có cách đánh giá, cách nhìn nhận sáng suốt và đúng đắn về người thầy của mình. Phêrô đã đưa ra một nhận định đầy tính quyết đoán : “Thầy là Đấng Kytô”, nghĩa là Đấng Mêsia sứ giả của Giavê Thiên Chúa.
Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kytô, có lẽ Phêrô cũng như các môn đệ chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của danh hiệu này. Lý do là vì, chúng ta thấy ngay sau khi Phêrô tuyên xưng, thì liền sau đó, chính ông lại là người “cản mũi kỳ đà” khi nghe Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ phải chịu khổ hình. Như thế, đối với Phêrô, Đấng Kytô không thể như thế được. Bởi theo ông cũng như đa số dân Dothái lúc bấy giờ, Đấng Mêsia sẽ là Đấng được Giavê Thiên Chúa gìn giữ bảo vệ và Người sẽ được miễn trừ đau khổ và chết chóc. Không những thế, Phêrô và các môn đệ có thể đã hiểu danh hiệu này theo kiểu hoàn toàn thế gian. Nghĩa là danh hiệu đó gắn liền với màu sắc chính trị. Các ông mong muốn Chúa Giêsu sẽ là người có nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập tự chủ cho quốc gia.
Sứ mệnh của Chúa Giêsu sẽ không bao giờ phù hợp với những suy nghĩ duy chính trị và tầm thường như Phêrô và dân Dothái đã quan niệm. Sứ mệnh của Người là chu toàn thánh ý của Chúa Cha, cứu độ nhân loại bằng hiến tế tình yêu thập giá. Điều này hoàn toàn mới lạ và khó hiểu với hầu hết dân chúng thời đó chứ không hẳn chỉ mình Phêrô. Chính vì thế, phản ứng của Phêrô, xét cho cùng cũng là điều dễ hiểu. Quả là trứng không khôn hơn vịt. Để rồi từ đây, khi lời tuyên bố cách chắc nịch của Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ và dân chúng rằng “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”, các ông mới dần dần hiểu rõ danh hiệu đích thực của Đấng Kytô là gì để rồi quyết dấn thân đến cùng.
Phần chúng ta – những Kytô hữu của thời đại hôm nay, Chúa Giêsu là ai trong tâm thức tín ngưỡng của mỗi người? Rất có thể chúng ta đang vẽ một Chúa Kytô khác hẳn hoàn toàn với một Chúa Kytô là Thiên Chúa khiêm nhu và hiền hậu. Một Chúa Kytô hoàn toàn do con người tạo ra. Một Chúa Kytô quyền lực. Một Chúa Kytô đầy quyền thống trị. Một Chúa Kytô được vẽ lên do trí tưởng tượng của con người để phục vụ cho những lợi ích tầm thường của họ. Thế nên, “Chúa Giêsu là ai?” vẫn mãi là câu hỏi cần mỗi người Kytô chúng ta đi tìm lời giải đáp.
Đối với niềm tin Kytô giáo, Chúa Giêsu luôn là một hình ảnh duy nhất không đổi thay. Đó chính là hình ảnh “Chúa Kytô hôm qua, hôm nay và mãi mãi” – là hình ảnh Thiên Chúa cứu độ duy nhất của nhân loại. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta thấm nhuần chân lý này, ngõ hầu trong bất cứ nghịch cảnh nào của cuộc sống, chúng ta luôn tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu như Phêrô đã từng tuyên xưng danh thánh Chúa giữa miền đất dân ngoại khi xưa.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb