Lễ Hiển Linh (Mt 2, 2-12)
Lễ Hiển Linh mời gọi mỗi người chúng ta theo chân các nhà chiêm tinh- là những người thuộc dân ngoại, lên đường đi tìm ánh sáng chân lý mà Thiên Chúa vừa ban tặng cho nhân loại. Đồng thời qua đó, chúng ta cũng nhận ra sự thờ ơ lãnh đạm của mấy ông Thượng tế và Kinh sư Dothái- những người vốn được xem là nắm giữ chìa khoá chân lý.
Tại Trung đông xưa, các nhà chiêm tinh hay các đạo sỹ là những nhà trí thức của thời đại, thường thuộc hàng Tư tế và làm cố vấn cho các vua. Công việc của các ông là chuyên nghiên cứu, truy tìm tất cả những hiện tượng thiên nhiên thông qua những vì sao trên trời hầu đưa ra những giải thích liên quan ít nhiều đến mệnh hệ của nhà vua cũng như sự sống còn của dân nước. Các nhà chiêm tinh trong Tin mừng đến từ vùng đất phương Đông, quê hương của phù thủy Bilơam, đã chiêm ngắm vì sao lạ và lên đường hướng về Giêrusalem để thờ lạy vị Vua mới sinh như ngôi sao đã loan báo.
Ngôi sao mà các nhà chiêm tinh nhìn thấy vốn là dấu hiệu chỉ vương quyền, nó không chỉ nhắc lại lời sấm chúc phúc của phù thủy Bilơam thuở xưa nói về triều đại vua David và còn loan báo về chính Đấng Mêsia. Theo ánh sao, các nhà chiêm tinh tìm đến để thờ lạy Chúa. Các ông không đến viếng Chúa tay không, các ông đến để dâng lên Chúa Vàng, Nhũ hương và Mộc dược là những lễ vật quý nơi quê hương các ông. Theo các Giáo phụ, vàng, nhủ hương và mộc dược cũng còn là lời tuyên xưng về vương quyền, Thiên tính và nhân tính của Hài nhi Giêsu mà các nhà chiêm tinh muốn tôn vinh.
Nếu những nhà chiêm tinh mau mắn nhận ra ánh sao lạ để rồi lên đường tìm đến nơi hang đá Bêlem, tôn thờ Ngôi Hai Thiên Chúa, thì ngược lại, thái độ của mấy ông Thượng tế và Kinh sư thật đáng buồn thay. Là nhà lãnh đạo tinh thần, ngày đêm nghiên cứu Kinh thánh, suy niệm và giảng dạy Kinh thánh cho dân, lẽ ra khi được các nhà chiêm tinh đến kinh thành Giêrusalem để hỏi vua Hêrôđê về ngôi sao lạ, các ông phải là những người mau mắn lên đường thờ lạy Chúa mới đúng. Đàng này chúng ta thấy, khi đuợc triệu tập để tìm ra nguyên nhân như lệnh của vua Hêrôđê, họ đã tra cứu và đã tìm đúng như những gì Giavê Thiên Chúa đã nói trong Kinh thánh. Họ đã khảo sát và đã giải thích chính xác lời của các ngôn sứ là Mikha và sách Samuel từng loan báo (x. Mk 5,1; 2Sm 5,2). Thế nhưng, họ lại không màng đến những lời trong Kinh thánh. Họ vẫn trói chặt họ vào bức tường thành Giêrusalem, vẫn giậm chân tại chỗ trong những định kiến cố hữu của họ. Chính vì thế, họ sẽ không bao giờ tìm thấy Đấng nay đã Giáng sinh như Kinh thánh đã nói về Người.
Còn vua Hêrôđê, cũng chẳng khá hơn chút nào. Hêrôđê được nói đến trong trình thuật này chính là Hêrôđê Cả, con của Antipatê, người Iđumê, một quan đại thần của vua Gioan Hyacan II trị vì từ năm 63 đến 40 BC. Có thể nói Hêrôđê chỉ có công triệu tập những nhà lãnh đạo tôn giáo Dothái đến kinh thành để điều tra hiện tượng như các nhà chiêm tinh đã loan báo. Và khi được biết sự thật về một “lãnh tụ chăn dắt Israel” đã ra đời, ông đã ngấm ngầm âm mưu tiêu diệt vì sợ mất ngai vàng. Và khi nhận biết các nhà chiêm tinh đã lừa dối mình, lòng căm tức thù hận nổi dậy. Hậu quả của nó là khắp vùng Bêlem và những miền phụ cận, tràn ngập máu của những hài nhi vô tội, ngập tràn nước mắt và nổi thống khổ đớn đau của những bà mẹ vì hành động bỉ ổi của Hêrôđê. Các Thánh anh hài chết đi để cho Hài nhi Giêsu được sống hầu cứu độ thế giới.
Mừng lễ Chúa Hiển linh, phải chăng đó là dịp để mỗi người trong chúng ta một lần nữa nhận ra sự đối kháng rõ rệt giữa thái độ thờ ơ và thù nghịch của dân Dothái đối với Hài nhi và lòng tin mau mắn cách quảng đại của dân ngoại. Các thượng tế và kinh sư vốn nắm vững Kinh thánh và lời các Ngôn sứ mà không nhận ra Đấng Cứu Thế; trái lại những người ngoại đạo lại nhìn nhận dấu chỉ của Người và lên đường kiếm tìm để thờ lạy. Lên đường tìm kiếm Chúa và thờ lạy Ngài không phải là việc của một dân tộc, một màu da, một nền văn hoá mà là của toàn thể thế giới đại đồng
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb