Chúa Nhật XXIII Thường Niên B
Các phương tiện truyền thông đang nói nhiều đến sự ô nhiễm: ô nhiễm môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn lương thực, ô nhiễm âm thanh. Bên cạnh đó, các nhà giáo dục còn nói đến ô nhiễm những mặt trái của văn minh phương tây, ô nhiễm tinh thần tục hoá của một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ. Hơn lúc nào hết, chúng ta có quá nhiều cái để nghe và cũng có quá nhiều điều để nói đang khi biết bao điều phải nghe mà chưa nghe được, bao nhiêu điều phải nói mà nói không được. Phải chăng, một cách nào đó, chúng ta cũng không hơn chi anh chàng vừa điếc vừa ngọng trong bài Tin Mừng hôm nay khi anh phải nhờ người khác dẫn mình đến với Chúa Giêsu.
“Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi…”. Bài hát của một tác giả như là một lời nhắc nhở chúng ta; hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa còn nói với chúng ta nhiều hơn.
Trình thuật Tin Mừng kể chuyện Đức Giêsu chữa lành một người điếc và ngọng. Phép lạ không chú trọng đến việc chữa lành thể chất nhưng đúng hơn, chú trọng đến việc chữa trị tâm hồn. Đức Giêsu mở tai anh, để anh có thể nghe Lời Chúa; mở miệng anh, để anh có thể tuyên xưng niềm tin vào Ngài, chính Ngài là Đấng Thiên Sai đã được Isaia loan báo trước đó hơn tám thế kỷ, Ngài là Đấng mở mắt người mù, mở tai người điếc và mở miệng người câm như bài đọc thứ nhất và bài đáp ca hôm nay nhắc lại.
Vậy thì Lời Chúa hôm nay nói gì với chúng ta?
Hơn bao giờ hết, chủ đề điếc và ngọng thật hấp dẫn và cũng dễ đụng chạm. Nguyên chuyện khoái điếc, thích ngọng và kể cả muốn mù như căn bệnh mãn tính lâu ngày hoá quen và coi như chuyện nhỏ không thành vấn đề đã là một cái gì đụng chạm ghê gớm.
Anh Chị em, chúng ta sẽ đụng ai khi nói đến những căn bệnh mãn tính nầy? Và một loạt câu hỏi được đặt ra: Đụng ai trước nhất? Vì sao phải đụng? Tại sao chúng ta khoái điếc khi không còn muốn nghe? Tại sao chúng ta thích ngọng khi chẳng còn buồn nói? Ai tập cho chúng ta điếc? Ai dạy cho chúng ta câm?
Có lẽ nhiều người đang nín thở, nhưng dường như tất cả chúng ta đã hiểu lầm hết với câu trả lời của mình. Còn đây mới là câu trả lời đúng nhất, chính xác nhất. Đề cập đến việc khoái điếc, thích ngọng và giả mù của chúng ta sẽ đụng chạm đến chính linh hồn, đụng chạm đến bản thân chúng ta trước nhất.
Chúng ta điếc đặc trước Lời Chúa, ù loà trước tiếng lương tâm, lãng tai trước những nhu cầu của anh chị em chung quanh khi chúng ta thoả hiệp với tội lỗi, nhân nhượng với ích kỷ và sống chung với hèn nhát. Chính lúc đó, chúng ta vô tình chuốc lấy cái bệnh trụt lưỡi và cái khiếm thính mãn tính. Chúng ta sợ đối diện với Lời Chúa nên ngại đặt mình trước mặt Ngài. Vì Lời Chúa là gươm hai lưỡi, thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can. Lời Chúa thẳng băng, luôn mới mẻ, sẵn sàng phanh phui, không nể vì, cũng chẳng thoả hiệp. Chúng ta sợ những phút trầm tư, run rẩy, khi phải lặn sâu xuống lòng mình, bởi lẽ ở đó, tiếng Chúa đang mời gọi, tiếng lương tâm đang kêu réo ới ời.
Không chỉ khoái điếc, chúng ta còn thích ngọng. Trước bao gương mù gương xấu, chúng ta ú ớ không nói được chi, không dám sửa bảo cũng không còn tự tin để chấn chỉnh con cái, bạn bè và đồng nghiệp… vì lẽ chúng ta chưa làm gương tốt đủ, ngôn hành bất nhất, chúng ta không hơn chi các người khác; chúng ta giống hệt các biệt phái ham chuộng bề ngoài mà quên mất nội tâm: miệng thì nam mô, bụng thì mưu mô; lời thì bác ái, lòng thì bái ác; ngoài thì thương yêu nhưng dạ thì ưa thiêu; hết lòng với kẻ ở xa mà đoạn tình với người ở gần, rất gần, ngay trong nhà mình, trong cộng đoàn mình. Vì thế, chúng ta ù ù cạc cạc trước bao điều chướng tai gai mắt. Bên cạnh đó, chúng ta sợ liên luỵ, ngại dấn thân và thích an phận…
Làm sao một người làm cha làm mẹ, làm sao một mục tử, một thầy cô giáo hay một chứng tá của Chúa Kitô trong môi trường mình đang sống lại có thể yên thân? Làm sao chúng ta lại hoá như bao người khác? Mà tại sao lại phải yên thân? Đến đây, có người sẽ nói: Cuộc đời phức tạp lắm, các linh mục không biết đâu! Không, tôi biết. Vì nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ vô tình đánh mất sự hồn nhiên, đánh mất cả sự tự do và đánh mất chính mình. Phải, chúng ta mù loà điếc lác và ngọng miệng, một căn bệnh cần được Đức Giêsu chữa lành.
Đức Hồng Y Gracias nói: “Gương mù cho thế kỷ hôm nay là chúng ta y hệt mọi người khác”, dửng dưng như người khác, thờ ơ như người khác và lạnh lùng như người khác.
Không, mỗi ngày, mỗi người chúng ta đều được mời gọi hướng thượng: nhanh hơn, cao hơn và xa hơn. Chúng ta là con cháu Hồng Bàng, là đại bàng sải cánh giữa lồng lộng trời cao; chúng ta không thuộc họ nhà gà lệt đệt. Bùn càng tanh, sen càng phải thơm tho. Bùn càng đặc, sen càng phải toả ngát. Cắm sâu giữa bùn nhưng sen vẫn mãi là sen vì chỉ có sen mới được quyền nói về bùn, cũng như chỉ có bùn mới được quyền nhắm mắt không thừa nhận sen. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn là vậy.
Chuyện ngày xưa kể rằng, Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề thăm nhà bạn cũ. Người bạn cũ trách Mặc Tử: “Bây giờ thiên hạ còn ai biết đến việc nghĩa, quan lớn cũng như quan bé, mạnh ai nấy sống, lấy cái công làm cái tư, ông tự khổ thân một mình làm việc nghĩa chi cho nhọc xác?”. Mặc Tử trả lời: “Tôi hỏi ông, nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn, thì chẳng phải đứa cày phải cày chăm hơn sao? Bởi vì đứa cày thì ít đứa ăn thì nhiều. Thiên hạ bây giờ không ai chịu làm việc nghĩa, ông phải khuyên tôi cần làm việc nghĩa nhiều hơn mới phải chứ, sao lại ngăn tôi?”.
Ngày xưa cũng như ngày nay, cám dỗ mạnh ai nấy sống luôn luôn hiện diện. Khoái điếc, thích ngọng từ đó cũng là căn bệnh của chúng ta. Hôm nay, Đức Giêsu cũng sẵn sàng chữa lành nếu chúng ta biết đó là bệnh và ước được chữa lành. Mỗi chúng ta có thể cầu nguyện:
Lạy Chúa, có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai con điếc. Có nhiều sợi dây trói buộc làm lưỡi con ngọng. Xin cũng nói với con:“Ephata, Hãy mở ra”, để con nghe được tiếng Chúa, tiếng lương tâm mà hoán cải tâm hồn, đổi mới con tim. Xin hãy phá đi bức tường định kiến, bức tường ích kỷ để con mở rộng cõi lòng đón nhận Lời Chúa, đón nhận anh em. Xin hãy mở miệng lưỡi con, cắt đứt sợi dây ích kỷ, sợi dây sợ sệt, sợi dây ươn hèn để con mạnh dạn nói lời chân lý, lời thứ tha, những lời ca ngợi tình Chúa, những lời chúc khen tình người, Amen.
Lm Minh Anh