Mt 28, 16-20
Anh chị em thân mến,
Tên ngày lễ hôm nay có thể khó hiểu cho giáo dân và cho cả người giảng lễ. Ngày hôm nay, chúng ta không chỉ mừng một tín điều quan trọng của Giáo Hội mà còn thờ phượng tín điều ấy khi chúng ta họp nhau cử hành Phụng vụ. Hôm nay cũng không phải là ngày để giảng giáo lý về vấn đề tại sao Một Thiên Chúa lại có ba ngôi vị, và ba tên khác nhau. Tôi cũng không có ý định dùng cỏ tam diệp, rồi phân tách ra để giảng vì sao Thiên Chúa lại có thể là ba trong một cùng một lúc.
Có người nói “Hễ ai nói về Chúa Ba Ngôi thì nên nói đến cây Thánh giá của Chúa Giêsu thay vì nói những mầu nhiệm khó hiểu ở trên trời” (rất tiếc, không còn nhớ ai đã nói câu nầy). Các Kitô hữu hiểu biết Thiên Chúa qua kinh nghiệm đời sống của mình, những điểm chúng ta nên chia sẻ với Chúa là sự đau khổ và cây Thập giá. Tôi biết một bà đã 56 tuổi. Bà rất thương mến gia đình và gia đình cũng rất yêu thương bà. Các người con xem bà như là một giềng mối liên kết mọi người trong gia đình. Bà bị đau lưng khủng khiếp, và phim X quang cho biết bà ta bị nứt một đốt xương sống.
Đến khi giải phẫu, bác sĩ mới biết bà bị ung thư, và hơn nữa, qua xét nghiệm, bệnh đã di căn đến phổi. Cô con gái bà gọi cho một người bạn khóc nức nở và nói rằng “Tại sao Thiên Chúa lại để mẹ tôi như vậy?” Đó là câu hỏi mà chúng ta thường nghe trong những trường hợp khó khăn và biết đâu đó cũng là câu hỏi của chúng ta khi gặp nhiều trường hợp khó khăn tương tự trong đời sống của chúng ta, cũng như lúc gặp những rối loạn trong đời sống đức tin.
Đó mới thật sự là câu hỏi về Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là ai? Thiên Chúa chúng ta như thế nào? Đó không phải là câu hỏi về tín điều hay những điều bí ẩn trên trời. Trong vườn Giết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu nghĩ đến khổ hình mà Ngài sẽ phải chịu, để rồi run sợ thưa với Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cất cho con khỏi chén này…”. Nhưng Ngài muốn chịu đựng cùng với chúng ta, nên tự chuốc lấy đau khổ ấy. Nếu Ngài cất được chén đắng ấy, chắc chúng ta sẽ thấy cô độc trong cuộc chiến đấu với khổ đau ở thế gian này. Trái lại, nhờ sự vâng phục của Ngài, Ngài luôn đồng hành với chúng ta trong mọi đau khổ từ thể xác đến tâm hồn, vì Ngài đã không lạ gì với những khổ đau ấy. Chúa Giêsu đã khóc, không phải chỉ vì sự đau đớn thể xác, nhưng vì sự sầu khổ trong tâm hồn trên Thập giá như lời Kinh Thánh đã nói.
Trong Kinh Thánh, không có chuyện Thiên Chúa gởi đau khổ đến để thử thách đức tin của chúng ta; có cha me nhân từ nào lại nỡ làm điều này với con cái mình; và chúng ta tin thật Thiên Chúa thương yêu chúng ta, vì chúng ta là con cái của Người chăng? Trong thơ gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phaolô đã nhắc là “Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử …”(Rm 8, 15).
Trong Kinh Thánh không có ghi chép điều gì để an ủi những người đau khổ vì “Thiên Chúa không bao giờ gởi cho chúng ta những đau khổ quá sức chịu đựng của chúng ta”. Khi nói những điều này, tôi cứ nghĩ Thiên Chúa đang nhìn và muốn thử thách đức tin một người nào đó, nhưng không đến nỗi nặng nề cho lắm. Thật là một Thiên Chúa khó khăn! Đó không phải là Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng ngày hôm nay. Một lời khác: “Thiên Chúa chỉ giúp cho những ai đã tự giúp mình”. Tôi nghe câu nói này không biết bao nhiêu lần rồi khi nghe trong nhóm học Thánh Kinh muốn diễn tả về Thiên Chúa. Họ nói câu ấy được đọc từ trong Thánh Kinh. Vậy, nếu chúng ta tự giúp mình được thì cần gì đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa? Khi chúng ta đang chống chọi với đau khổ và cảm thấy cô đơn, chúng ta sẽ không cần đến Thiên Chúa giúp nữa, vì chúng ta đã tự cố gắng giúp mình rồi mà!.
Không đâu, đời sống có biết bao thử thách, đôi khi nặng nề hơn sức chịu đựng của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng giúp chúng ta chịu khó gánh vác những đau khổ ấy. Không phải Ngài chỉ giúp chúng ta tự làm được mà thôi, nhưng Ngài còn giúp chúng ta có thể chịu đựng mạnh hơn khi gặp đau khổ, nhờ đó được trưởng thành hơn. Đó chính là Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu gởi đến để giúp các Môn đệ Ngài đi khắp cùng thế giới để rao giảng Tin mừng.
Khi Chúa Giêsu gởi các Môn đệ ra đi làm phép Rửa nhân danh “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, Ngài cho chúng ta biết: Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, nguồn mạch sự sống; Đấng thương yêu những tạo vật Ngài đã dựng nên. Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người như chúng ta, Ngài cùng sống với chúng ta cho đến chết và đã sống lại. Chúa Thánh Thần, nguồn trợ lực của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta hôm nay, để chúng ta hiệp thông cầu nguyện và vui mừng.
Vậy Chúa Ba Ngôi là như thế nào? Chúa Giêsu đã nói với chúng ta “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt28, 20). Ngài đã cho chúng ta khái niệm về Thiên Chúa. Vậy khi có ai gọi chúng ta để than vãn rằng “Tại sao Chúa lại làm như vậy cho tôi? Tôi đã làm gì để phải chịu khổ cực như thế này?”. Chúng ta có thể trả lời như với người phụ nữ tôi đã kể ở trên là “Tôi không hiểu hết những điều này. Nhưng tôi biết Thiên Chúa không đặt những điều đó trên mẹ cô. Thiên Chúa ở với chúng ta và chính Chúa cũng đã cùng khóc với chúng ta”. Câu trả lời này do một cô bạn trẻ tốt nghiệp trung học, có ba người con. Cô đang nách con bên hông và trả lời cho bạn mình. Đấy, cô ấy là một nhà thần học, giải thích về Thiên Chúa Ba Ngôi một cách dể hiểu như thế.
Lm. Jude Siciliano, op
(Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP)