Thứ Bảy Tuần 12 TN, Năm lẻ.
Bài đọc:
Genesis 18:1-15; Matthew 8:5-17.
Một trong những hiểm họa mà chúng ta đang phải đương đầu với là lối sống ích kỷ và hưởng thụ của con người hiện đại: họ không quan tâm đến người khác, cho dù là Thiên Chúa, cha mẹ, hay thân nhân; nhưng chỉ quan tâm đến bản thân và nhu cầu cá nhân của họ. Chẳng cần phải dùng đến đạo lý sâu xa, chúng ta cũng biết những người này sẽ không tiến xa trên đường đời, vì họ sẽ bị Thiên Chúa và tha nhân đào thải.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những tấm gương sáng trong cách đối xử với Thiên Chúa và tha nhân. Bài Đọc I dạy chúng ta tinh thần hiếu khách của tổ-phụ Abraham: Tuy không biết người khách đến thăm mình là ai, Abraham nài nỉ xin quí khách ở lại để nghỉ chân, ăn uống và dưỡng sức. Nhận ra tinh thần hiếu khách của Abraham, khách đã loan báo tin vui là Abraham sẽ có một người con trai để nối dõi tông đường vào cũng thời gian này năm sau. Trong Phúc Âm, một viên Đại Đội Trưởng người Rôma khiêm nhường đến nài xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho người đầy tớ của ông đang nằm bại liệt ở nhà. Biết Chúa là người Do-thái và tin Chúa có quyền năng chữa bệnh bằng lời, ông xin Thiên Chúa không cần đến nhà, mà chỉ cần phán một lời, là đầy tớ của ông sẽ khỏi bệnh. Nhận ra đức tin và lòng thương xót của ông, Chúa ban cho ông được toại nguyện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lòng hiếu khách của tổ-phụ Abraham
1.1/ Ông Abraham ân cần và nồng hậu tiếp khách: Nhiều học giả Kinh Thánh dùng đoạn này để chứng minh mầu-nhiệm Chúa Ba Ngôi. Trong câu thứ nhất, Đức Chúa được xử dụng ở ngôi thứ nhất số ít: “1 Đức Chúa hiện ra với ông Abraham tại cụm sồi Mamrê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày.” Trong câu thứ hai, Abraham nhìn thấy ba người: “2 Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông.” Câu thứ ba lại tiếp tục dùng ở số ít, trong khi câu thứ 4 và thứ 5 lại dùng ở số nhiều: “Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!” Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói!”
1.2/ Khách loan tin mừng có con cho gia chủ: Nhận được lòng hiếu khách của Abraham, khách nói với ông: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sarah vợ ông sẽ có một con trai.” Đây là một tin ông bà đang mong, nhưng không thể nào xảy ra theo lối thường, vì ông Abraham và bà Sarah đã già nua tuổi tác, và bà Sarah không còn điều thường xảy đến cho đàn bà. Vì thế, Bà Sarah cười thầm tự bảo: “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão!” Đức Chúa phán với ông Abraham: “Tại sao Sarah lại cười và nói: “Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng?” Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Sarah sẽ có một con trai.””
2/ Phúc Âm: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.
2.1/ Đức tin của viên Đại Đội Trưởng thành Capernaum:
(1) Cách biểu lộ đức tin của ông:
– Ông là người có lòng thương xót: Người ông van xin Chúa Giêsu chữa khỏi bại liệt không phải là máu mủ ruột thịt gì của ông, nhưng chỉ là một người đầy tớ. Theo truyền thống Rôma, người đầy tớ chỉ được coi như một món hàng để mua bán và để xử dụng. Chúng ta không lạ gì khi Chúa Giêsu đáp trả lòng thương xót của ông, vì Ngài là Đấng Thương Xót.
– Ông là người rất tinh tế và khiêm nhường: Ông biết truyền thống Do-thái không cho phép người Do-thái vào cùng một mái nhà với người Dân Ngoại; vì thế, để tránh tai tiếng cho Chúa Giêsu, viên Đại Đội Trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Câu trả lời này đã được Giáo Hội dùng để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu trước khi rước Mình Thánh Chúa.
– Ông là người rất tin tưởng: Khi nghe Chúa Giêsu trả lời “Chính tôi sẽ đến chữa nó;” ông không một chút nghi ngờ quyền năng của Chúa Giêsu. Hơn nữa, với kinh nghiệm của một sĩ quan, ông còn tin Chúa Giêsu có thể chữa bệnh mà không cần hiện diện.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Trước cách biểu lộ đức tin của một viên sĩ quan Dân Ngoại,
Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.” Sự thật đau lòng, nhưng phải mở mắt tất cả tín hữu: những người vô đạo biểu lộ đức tin cách sâu xa hơn những người có đạo!
– Ngài cũng cảnh cáo những con cái trong nhà mà thiếu đức tin: “Tôi nói cho các ông hay: từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob trong Nước Trời; nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Con cái trong nhà có quyền thừa hưởng gia tài của cha ông để lại; nhưng nếu con cái bất nhân bất nghĩa, gia tài sẽ được trao cho những ai có lòng tin yêu và biết cách xử dụng gia tài tốt hơn. Quyền thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa chỉ dành cho những ai tin và trung thành với Thiên Chúa.
– Niềm tin yêu của viên Đại Đội Trưởng được đền đáp xứng đáng: Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
2.2/ Người đã mang lấy các tật nguyền của ta: Matthew tiếp tục tường thuật hai phép lạ nữa và trích dẫn lời tiên-tri Isaiah trong Bài Ca Thứ Tư về Người Tôi Trung của Yahveh: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.”
– Gương sáng của bà mẹ vợ Phêrô: Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà, vì bà là mẹ vợ của Phêrô, môn đệ yêu mến của Ngài. Được Chúa Giêsu chữa khỏi, Bà không nại cớ mới bệnh dậy để nghỉ ngơi dưỡng sức; nhưng vội vã chỗi dậy để phục vụ Chúa và các môn đệ của Ngài. Đây phải là gương sáng cho chúng ta noi theo: Đã nhận được cách nhưng không thì cũng phải cho đi cách nhưng không. Người chỉ biết đưa tay nhận lãnh sẽ không tiến xa trong cuộc đời.
– Chúa Giêsu chữa lành mọi người bị đau khổ tật nguyền: “Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau.” Điều này chứng minh: Thiên Chúa không muốn con người phải đau khổ. Các đau khổ xảy ra là do chính con người gây nên hay ảnh hưởng của thời tiết; tuy nhiên, Ngài để các đau khổ xảy ra cho các mục đích tốt đẹp hơn mà chúng ta đã nhiều lần đề cập tới.
<b>ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:</b>
– Chúng ta phải luôn đối xử tử tế với mọi người, vì “ở hiền gặp lành.” Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ sai các thiên sứ của Người đến phù trợ và bảo vệ chúng ta.
– Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là chúng ta phải tuyệt đối tin và yêu Thiên Chúa, bằng cách thực thi những gì Ngài dạy bảo. Cãi lời Thiên Chúa bằng cách lý luận quanh co để biện minh cho các hành động sai trái của mình, là lý do để bị quăng ra ngoài Nước Trời.
– Chúng ta phải luôn nhớ: danh hiệu Kitô hữu không đủ để cứu chúng ta phải hư mất; nhưng chúng ta phải thành tâm thi hành thánh ý của Thiên Chúa mọi ngày trong cuộc sống.