Thứ Năm Tuần 19 TN1.
Bài đọc: Joshua 3:7-10a, 11, 13-17; Mt 18:21-19:1.
Có những người vì muốn bào chữa mình, nên cho Thiên Chúa bắt con người làm chuyện không thể; chẳng hạn: trở nên trọn lành, tha thứ cho kẻ thù, hay giữ các giới răn. Họ quên đi một điều Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài biết rõ con người hoạt động làm sao và cần những gì. Nếu Thiên Chúa bắt con người Ngài làm chuyện không thể, Ngài không còn là một Thiên Chúa uy quyền và khôn ngoan nữa.
Các Bài Đọc hôm nay muốn dẫn chứng Thiên Chúa luôn ban ơn đầy đủ để con người có thể hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao. Trong Bài Đọc I, sau khi ông Moses qua đời, Thiên Chúa trao cho ông Joshua sứ vụ lãnh đạo dân vào Đất Hứa. Đây là sứ vụ rất khó khăn dưới cái nhìn của con người: làm sao con cáiIsraelcó thể giao chiến với những người bản xứ và chiếm xứ sở của họ được? Nhưng Thiên Chúa tỏ cho con cái Israel biết uy quyền và việc Ngài chọn Joshua bằng việc cho họ vượt qua sông Jordan ráo chân; biến cố này nhắc cho con cái Israel việc Ngài đã cho họ vượt qua Biển Đỏ để họ tin vào Thiên Chúa và vào ông Joshua. Trong Phúc Âm, khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu về việc phải tha thứ cho anh/chị/em bao nhiêu lần là đủ? Chúa Giêsu trả lời phải tha thứ luôn luôn và Ngài đưa ra một dụ ngôn để dẫn chứng: con người không những có khả năng để làm việc đó, mà còn phải làm việc đó nếu muốn vào Nước Trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa làm phép lạ cho con cáiIsrael vượt qua sôngJordan.
1.1/ Thiên Chúa ban ơn xứng đáng để nhà lãnh đạo có thể chu toàn sứ vụ: Đức Chúa phán với ông Joshua: “Hôm nay, Ta bắt đầu cho ngươi được nên cao trọng trước mắt toàn thể con cái Israel, để chúng biết là Ta sẽ ở với ngươi như Ta đã ở với Moses. Còn ngươi, ngươi sẽ ra lệnh này cho các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước: khi đến bờ sôngJordan, các ngươi hãy đứng lại trong sôngJordan.”
Thiên Chúa biết lãnh đạo dân chúng, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, là điều không dễ dàng; vì thế, Thiên Chúa vừa phải dọn lòng cho dân tin vào ông Joshua để họ vâng lời ông, vừa phải tỏ cho dân biết cánh tay uy quyền của Ngài luôn ở với dân, để họ có can đảm tiến vào Đất Hứa.
1.2/ Phép lạ vượt sông Jordan có thể so sánh với phép lạ trên Biển Đỏ: Được mặc khải của Thiên Chúa, ông Joshua cho gọi con cái Israel họ và nói cho họ biết những việc Thiên Chúa sắp làm: “Dựa vào điều này, anh em sẽ biết là Thiên Chúa hằng sống ngự giữa anh em và Người sẽ hoàn toàn đuổi người Canaanites, Hittites, Hivites, Perizzites, Girgashites, Amorites, và người Jebusites cho khuất mắt anh em. Này đây, Hòm Bia Giao Ước của Vị Chúa Tể toàn cõi đất sắp dẫn đầu anh em mà qua sôngJordan. Và khi bàn chân các tư tế khiêng Hòm Bia của Đức Chúa, Vị Chúa Tể toàn cõi đất, vừa đặt xuống nước sông Jordan, thì nước sông Jordan, nước mạn ngược chảy xuống, sẽ bị chặn lại và dừng lại thành một khối duy nhất.”
Giống như khi ông Moses đưa con cáiIsraelvượt qua Biển Đỏ, họ không có bất cứ một phương tiện hàng hải nào để vượt sôngJordan; nhưng trông cậy hoàn toàn vào cánh tay uy quyền của Thiên Chúa. Ngài muốn cho dân biết Ngài luôn ở với và bảo vệ họ qua “Hòm Bia Giao Ước.” Ông Joshua truyền lệnh cho các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước dẫn đầu dân. Lúc những người khiêng Hòm Bia vừa đến sông Jordan, và chân các tư tế khiêng Hòm Bia vừa nhúng vào nước ở ven bờ, thì nước mạn ngược chảy xuống dừng lại, dựng đứng thành một khối duy nhất trong một khoảng rất dài, ở Asam là thành ở cạnh Zarethan; còn nước chảy xuống biển Arabah, tức là Biển Muối, thì bị chặn hẳn lại, và dân đã qua sông, đối diện với Jericho. Các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa đứng yên tại chỗ, nơi đất khô cạn giữa lòng sông Jordan, trong khi toàn thểIsraelqua sông trên đất khô cạn, cho đến khi toàn dân đã qua hết.
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có khả năng để tha thứ.
2.1/ Thiên Chúa tha thứ cho con người: Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Người Việt-nam chúng ta có câu “quá tang ba bận;” tha thứ nhiều lắm cũng chỉ tới lần thứ ba là phải làm cho ra chuyện. Phêrô nghĩ có nhiều lắm thì cũng chỉ bảy lần là quá nhiều. Câu trả lời của Chúa Giêsu có nghĩa bất cứ lúc nào anh em ăn năn xin tha lỗi, chúng ta phải tha thứ hết. Câu trả lời này chắc chắn làm Phêrô và nhiều người chúng ta phải sửng sốt, vì làm sao có thể tha thứ nhiều lần như thế? Câu chuyện Chúa Giêsu đưa ra làm chúng ta phải suy nghĩ:
(1) Được tha nợ nhiều: “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.” Nếu chúng ta thành tâm xét mình, chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ cho không biết bao nhiêu lần tội to tội nhỏ, từ ngày có trí khôn đến giờ. Nếu chúng ta đã được Thiên Chúa rộng lượng tha thứ như thế, Ngài có lý do để đòi chúng ta cũng phải tha thứ cho anh em.
(2) Nhưng lại không tha nợ ít cho tha nhân: Chúa Giêsu tiếp tục kể: “Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.” Trước tiên, chúng ta nói về số tiền nợ, 100 quan tiền chỉ là món tiền quá nhỏ so với 10,000 yến vàng. Điều này chứng minh sự keo kiệt của đương sự. Thứ đến, chúng ta xét về thái độ đối xử: y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Đây là một kẻ tiểu nhân mang hai mặt: khiêm nhường giả tạo trước người có quyền thế, nhưng thẳng tay đàn áp người cô thân cô thế. Sau cùng, anh là kẻ không có lòng thương cảm, anh sẵn sàng buộc tội và bỏ tù tha nhân vì một món nợ quá nhỏ bé.
2.2/ Thiên Chúa muốn con người phải tha thứ cho tha nhân: Anh làm như thế vì anh tưởng không ai biết hành động tiểu nhân anh làm; nhưng anh không ngờ Thiên Chúa có mắt. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Rồi Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Khi Chúa đòi chúng ta phải làm điều gì hay trao cho chúng ta một sứ vụ, Ngài luôn ban ơn đủ để chúng ta có thể làm điều Ngài đòi hỏi hay chu toàn sứ vụ Ngài giao phó.
– Chúa biết con người chúng ta yếu đuối; nhưng sức mạnh đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ chúng ta. Ơn thánh của Thiên Chúa luôn hoạt động trong những yếu đuối của con người; vì như thánh Phaolô tuyên bố: khi tôi yếu đuối là lúc tôi mạnh.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP