Chủ Nhật V Mùa Chay, Năm A
Bài đọc: Eze 37:12-14; Romans 8:8-11; John 11:1-45 (11:3-7, 17, 20-27, 33b-45).
Ai cũng mong được sống mãi, nhưng ai cũng phải đối diện với cái chết. Chết có phải là hết không? Trong lịch sử, đã có nhiều người cho chết là hết; nhưng đại đa số đều tin linh hồn bất tử vì linh hồn con người không được cấu tạo bằng chất liệu như thân xác. Nhưng những câu hỏi như: linh hồn đi đâu sau khi chết, linh hồn của kẻ lành và kẻ dữ có cùng chung một số phận, con người sẽ làm gì trong cuộc sống đời sau… chỉ tìm thấy câu trả lời thỏa đáng trong đạo Công Giáo.
Các bài học hôm nay chuyển hướng từ bầu khí Mùa Chay để hướng chúng ta tới bầu khí của sự sống lại và sự sống. Trong bài đọc I, trình thuật hôm nay là đoạn kết của “thị kiến ruộng xương khô.” Thiên Chúa có uy quyền tạo dựng và Ngài cũng có uy quyền tái tạo dựng. Ngài truyền cho ngôn sứ Ezekiel tuyên sấm trên các xương khô để chúng tháp nhập lại với nhau, có gân để giữ, có da để bọc; nhưng chưa có hơi thở để sống. Thiên Chúa cho chúng hơi thở và chúng trở thành những con người sống. Trong bài đọc II, thánh Phaolô trong chương 8 của Thư Rôma, so sánh hai lối sống theo xác thịt và theo thần khí. Lối sống làm nô lệ cho xác thịt chỉ đưa con người tới sự hủy diệt; nhưng lối sống theo thần khí sẽ làm cho con người được sống và sống muôn đời. Trong Phúc Âm, thánh Gioan tường thuật Chúa Giêsu làm một phép lạ chưa từng nghe nói tới. Ngài cho Lazarô sau khi đã chết 4 ngày được sống lại. Ngài cũng mặc khải cho con người chiều kích cánh chung hiện tại: “bất cứ ai sống và tin vào Ngài sẽ không bao giờ phải chết.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi.
1.1/ Quan niệm của người Do-thái về Sheol: Danh từ này có nhiều nghĩa: huyệt mộ, vực sâu, nơi tăm tối, nơi ở của người chết… Quan niệm về Sheol của người Do-thái thay đổi theo thời gian. Thoạt đầu, người Do-thái tin Sheol là chỗ ở chung cho tất cả, vì mọi người đều phải chết (Psalm 89:47-48). Những người tin Thiên Chúa và giữ cẩn thận Lề Luật sẽ được Ngài chúc lành cho thịnh vượng, con đông, và sống lâu khi còn ở đời này; nhưng một khi từ giã cuộc đời, mọi người đều phải vào Sheol. Khi con người đã vào đó là không bao giờ có cơ hội được sống lại hay trở về nhà (Job 7:9-10). Tuy Sheol là nơi tăm tối, người Do-thái tin Thiên Chúa nhìn thấy Sheol và tất cả những người trong đó (Job 26:6, Psalm 139:8). Dần dần, quan niệm này biến đổi và Sheol trở thành nơi ở của những người gian ác và tội lỗi, những người đã quên Thiên Chúa (Psalm 9:17). Có lẽ quan niệm này biến đổi cùng lúc với quan niệm của người Do-thái về cuộc sống trường sinh.
Tác giả của một số Thánh Vịnh và Sách Ngôn Sứ ví cuộc sống khổ cực của dân Do-thái trong nơi lưu đày như đang ở trong Sheol, và việc được trở về đất Israel được ví như người được ra khỏi huyệt mộ: “Vì hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ, ví tựa người kiệt sức còn chi! Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc” (Psalm 88:4-6).
1.2/ Chỉ có Thiên Chúa mới có uy quyền đưa con người ra khỏi Sheol: Đưa ra khỏi huyệt mộ, vực sâu, hay Sheol được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước (Psalm 30:3,49:15, 71:20, 86:13, 88:4-6, Lam 3:54ff, Jon 2:3-7). Thiên Chúa có uy quyền giải thoát người ở trong Sheol khi họ kêu cầu Ngài (Psalm 116:3-6).
Trình thuật của Ezekiel, ngôn sứ nơi lưu đày, tiếp tục truyền thống này khi Ezekiel tuyên sấm: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel.” Trình thuật này nằm trong bối cảnh của “thị kiến cánh đồng xương khô.” Trong chương 37, đã có 2 lần Thiên Chúa bảo Ezekiel tuyên sấm: lần thứ nhất trên xương để chúng nhập vào nhau, lần thứ hai trên gió để chúng cung cấp hơi thở và làm cho các thân xác được sống lại.
Nhưng trong trình thuật ngắn hôm nay, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.” Một người có thể nhận ra ngay tác giả muốn ám chỉ những gì Thiên Chúa đã làm khi tạo dựng con người trong Sách Sáng Thế 2:7. Nhưng đâu là sự khác biệt giữa sự tuyên sấm lần thứ hai của Ezekiel và lần này? Rất khó giải thích, vì trong tiếng Do-thái, họ chỉ có một chữ ruah dùng cho gió, hơi thở, thần khí của một người, và Thánh Thần.
Điều quan trọng là khi nhìn thấy các điều này xảy ra, “bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa.” Khi con người nhìn thấy Thiên Chúa mở huyệt và đưa con người ra khỏi huyệt, họ sẽ nhận ra Ngài là Đức Chúa; vì không một ai có thể làm được điều này. Điều này có thể xem là đã được thực hiện khi Thiên Chúa cho các người Do-thái được hồi hương từ các nơi lưu đày; nhưng đa số các thánh Giáo Phụ cho là Cuộc Phán Xét trong Ngày Tận Thế, khi hồn nhập vào thân xác để chịu phán xét.
2/ Bài đọc II: Lối sống theo Thần Khí và lối sống theo xác thịt
Chương 8 của Thư Rôma phải được đọc chung với chương 6-7. Lý do là vì con người đã được Đức Kitô giải phóng để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, Lề Luật, và sự chết để sống theo Thần Khí. Nhiều người hiểu lầm thánh Phaolô là ngài quảng bá tư tưởng: con người chỉ cần đặt niềm tin vào Đức Kitô là được cứu độ và không cần làm gì cả. Trong chương 8, thánh Phaolô cắt nghĩa con người được Đức Kitô giải phóng khỏi phải làm nô lệ cho tính xác thịt, để được tự do sống theo Thần Khí.
2.1/ Sống theo tính xác thịt: là sống theo các cảm xúc của con người như sự tham lam của con mắt, sự ham muốn của trái tim, và mọi đam mê dục vọng. Người sống theo tính xác thịt chẳng khác loài cầm thú, vì chúng hành động theo bản năng tự nhiên; nhưng con người không được phép sống như thế, vì ngoài thân xác, Thiên Chúa còn ban cho con người có linh hồn, trí tuệ, và ý chí để điều khiển các quan năng của xác thịt. Thánh Phaolô diễn tả điều này như sau: “Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em.” Thần Khí của Thiên Chúa cũng là Thần Khí của Đức Kitô ngự trong các tín hữu để hướng dẫn và ban sức mạnh để các tín hữu có thể sống theo sự thật, những gì Đức Kitô dạy bảo: “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.”
2.2/ Sống theo thần khí của Đức Kitô: Thánh Phaolô liệt kê ba lợi điểm của những người sống theo Thần Khí:
(1) Thần Khí làm cho con người được sống: Sống theo thần khí mới là sống thật, sống theo tính xác thịt là làm nô lệ cho tội lỗi và hậu quả là cái chết.
(2) Thần Khí làm cho con người được trở nên công chính: bằng tin và thực hành những gì Đức Kitô truyền dạy. Lề Luật không có sức mạnh làm cho con người nên công chính.
(3) Thần Khí sẽ làm cho con người sống lại từ cõi chết: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.”
3/ Phúc Âm: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”
Trình thuật hôm nay, chương 11, được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu sắp hoàn tất cuộc đời rao giảng trên dương thế của Ngài. Theo cấu trúc của Tin Mừng Gioan, bắt đầu Cuộc Thương Khó là chương 13. Trong chương 11, Ngài cho Lazarô sống lại. Đây là một yếu tố quyết liệt cho cuộc đời rao giảng của Ngài trước khi bắt đầu Cuộc Thương Khó. Ngài muốn cho mọi người thấy rõ nếu Ngài có uy quyền làm cho kẻ chết sống lại, Ngài cũng có thể tự mình sống lại như Ngài đã báo trước cho các môn đệ. Sự chết không có một sức mạnh chi trên Ngài cả. Điều này cũng có tác động mạnh trên khán giả vì họ cũng là những người ham sống và mong muốn được sống đời đời.
Chương 12 là phản ứng của con người trước phép lạ Ngài làm cho Lazarô sống lại, và đó là lý do quyết liệt để những người trong Thượng Hội Đồng của người Do-thái quyết định án tử cho Ngài (John 11:53) và cho cả Lazarô (John 12:10-11), vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu. Các người Pharisees đã ghen tị khi thấy ảnh hưởng của Chúa Giêsu trên dân chúng nên họ bảo nhau: “Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!” (John 12:19). Chúng ta có thể phân tích trình thuật thành 4 hồi như sau.
3.1/ Chúa Giêsu với các môn đệ: Tại sao khi nghe tin Lazarô đau nặng, Chúa Giêsu không đi Bethany ngay, nhưng còn chờ hai ngày nữa mới đi? Có ý kiến cho rằng Chúa Giêsu muốn Lazarô thực sự chết và bắt đầu có mùi, để người chứng kiến không nghi ngờ về quyền năng làm cho sống lại của Ngài. Có ý kiến cho rằng Chúa Giêsu không muốn làm vì ảnh hưởng của người khác, như khi Đức Mẹ yêu cầu tại tiệc cưới Cana (John 2:1-11) hay khi các anh em Ngài thúc giục Ngài đi Jerusalem (John 7:1-10). Chúa Giêsu muốn Ngài làm khi nào Ngài muốn. Cả hai ý kiến đều có thể xảy ra.
Trong Gioan không có 3 lần tường thuật phản ứng của các môn đệ khi Chúa Giêsu báo trước cho các ông về những gì sắp xảy ra cho Ngài tại Jerusalem như trong Tin Mừng Nhất Lãm. Đây là lần duy nhất các môn đệ ngăn cản Chúa Giêsu trong Gioan khi Chúa Giêsu muốn trở lại miền Judah: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?”
Ban ngày của người Do-thái có 12 giờ, được tính từ lúc bình minh (6 AM) tới hoàng hôn (6 PM), ban đêm được chia thành canh, và là giờ nghỉ ngơi, chứ không phải để làm việc. Lý do là họ không có đèn điện như chúng ta ngày nay. Có nhiều sự thật chứa đựng trong câu nói kế tiếp của Chúa Giêsu với các môn đệ: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!” Thứ nhất, cuộc đời con người đã được ấn định bởi Thiên Chúa. Nếu con người muốn làm gì thì hãy làm đi kẻo trễ; khi Chúa muốn gọi con người về, con người không thể xin hoãn để hoàn tất điều muốn làm. Câu này cũng tương tự như câu Chúa nói với các môn đệ tuần trước (John 9:4). Thứ hai, con người có đủ giờ để làm việc mà không cần phải vội vã. Đừng bao giờ để nước đến chân mới nhảy. Sau cùng, con người phải biết lợi dụng thời giờ để sinh ích cho mình và cho tha nhân. Đừng lười biếng hay phung phí thời giờ.
Chúa Giêsu có thói quen dùng chữ có hai ý nghĩa trong Gioan; ví dụ: sinh bởi ơn trên hay sinh một lần nữa (John 3:3-8); nước uống hay nước hằng sống (John 4:10-15); và trong trình thuật hôm nay: koimasthai vừa có nghĩa “ngủ” vừa có nghĩa “chết, ngủ muôn đời.” Các môn đệ hiểu theo nghĩa thứ nhất, nên họ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.” Bấy giờ Người mới nói rõ: “Lazarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” Ông Thomas, gọi là Didymus, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!”
3.2/ Chúa Giêsu với Martha: Trong Tin Mừng Nhất Lãm cũng như trong Gioan, Martha biểu lộ tâm tính của một người luôn nhanh nhẩu hoạt động; trong khi Maria là người luôn thâm trầm hướng về đời sống nội tâm. Nghe tin Chúa Giêsu đến, cô nhanh nhẩu chạy ra đón Ngài và nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Martha tin Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh. Còn việc Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại, có lẽ cô chưa bao giờ nghĩ tới.
(1) Cánh chung đời sau: Người Do-thái sống thời Chúa Giêsu đã có niềm tin vào sự sống đời sau. Điều này được biểu tỏ trong Sách Daniel và II Maccabees. Vì thế, khi Chúa Giêsu nói: “Em chị sẽ sống lại!” Martha nghĩ Chúa Giêsu nói về cánh chung đời sau, nên thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.”
(2) Cánh chung hiện tại: Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” Theo Chúa Giêsu, con người không cần phải đợi tới đời sau mới được hưởng sự sống đời đời. Nếu họ tin vào Ngài, họ đã bắt đầu được sống đời đời ngay từ cuộc đời này, cái chết chỉ là một sự thay đổi tạm thời từ đời này sang đời sau, trong khi mối liên hệ của họ với Thiên Chúa không gì có thể thay đổi được. Khi một người không sợ ngay cả cái chết, lúc đó họ mới thực sự sống, và sống tròn đầy.
3.3/ Chúa Giêsu với Maria: Tục lệ của người Do-thái là khóc thương người chết trong vòng từ 7 ngày cho đến một tháng, tùy sự liên hệ và sự thương tiếc. Có lẽ vì không muốn cho quan khách biết việc Chúa Giêsu đến hay đã được dặn bởi Chúa Giêsu, Martha về nhà và nói nhỏ với Maria: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!” Nghe vậy, cô Maria vội đứng lên và đến với Đức Giêsu. Tuy vậy, những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Maria để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.
(1) Phản ứng của Maria: Giống như chị Martha biểu lộ lòng thương em, khi em Maria vừa thấy Chúa Giêsu, liền phủ phục dưới chân Người và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Khi chứng kiến nỗi khổ đau của Maria và thân hữu của cô, trình thuật kể “Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến” và “Ngài khóc.” Hai động từ Hy-lạp dùng để diễn tả cảm xúc của Chúa Giêsu là embrimasthai và tarassein. Động từ thứ nhất xảy ra 5 lần trong Tân Ước: 3 lần trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mark 1:43,14:5; Matthew 9:30), có nghĩa là “ngăn cấm” một người không cho ai được biết việc gì đã xảy ra cho họ; hai lần trong Gioan (John 11:33,38) được dịch là “bị cảm nhận sâu xa” bởi thần khí, vì điều ngăn cấm đó xảy ra cho chính mình. Động từ thứ hai xảy ra 13 lần trong Tân Ước, hai lần trong Gioan (5:4, 7) có nghĩa “khuấy động;” 4 lần khác (11:33, 12:27, 13:21, 14:1) có nghĩa “bị thử thách.”
Có một số người không tin Thiên Chúa có thể bị khuấy động và thử thách bởi con người (Stoics); nhưng theo tác giả Thư Do-thái, Chúa Giêsu mặc lấy thân xác con người có nghĩa Ngài trở nên giống chúng ta về mọi phương diện chỉ trừ tội lỗi. Ngài đồng cảm với con người, và rất nhiều lần trong Tin Mừng diễn tả Chúa Giêsu “có hay tỏ lòng thương xót” cho con người. Ngài yêu 3 chị em Martha, và Ngài đồng cảm với họ tới nỗi Ngài đã bật khóc khi chứng kiến nỗi đau khổ của họ.
3.4/ Chúa Giêsu với Lazarô: Mộ của người chết bên Do-thái thời Chúa Giêsu không phải là những ngôi mộ riêng biệt, nhưng là những nhà mồ. Tùy vào số người trong gia đình mà nhà mồ được chia thành nhiều ngăn, nó có hình dạng giống như phòng ngủ với giường tầng hai bên và một lối đi chính giữa. Lối vào là một tảng đá có thể khép lại như cửa kéo. Người chết được cuốn khăn chung quanh chân tay, mặt được cuốn riêng, rồi cả thân thể được ướp thuốc thơm và bọc trong một bao vải. Thi thể người chết sẽ được đặt lên giường và để tự nó thối rữa đi, xương cốt còn lại sẽ được thu gọn để lấy chỗ chôn những người khác.
(1) Niềm tin của Martha: Đức Giêsu truyền: “Đem phiến đá này đi.” Cô Martha là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” Đức Giêsu bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Martha có thể nghĩ Chúa Giêsu muốn nhìn mặt em mình lần cuối, nhưng mặt đã bị băng kín và đã có mùi rồi. Martha có thể chỉ tin uy quyền của Chúa Giêsu cách giới hạn trong việc chữa bệnh, chị không tin Chúa Giêsu có uy quyền làm cho em chị đã chết 4 ngày được sống lại. Chúa Giêsu nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa làm được mọi sự, ngay cả việc làm cho người đã chết được sống lại.
(2) Niềm tin của Chúa Giêsu: Ngài biết Chúa Cha luôn nhận lời Ngài cầu xin dù bất cứ sự gì. Mục đích của việc cho Lazarô sống lại là để khơi mào đức tin của dân chúng đang đứng chung quanh Ngài, chứ không phải để làm vinh danh cá nhân Ngài. Chúa Giêsu muốn dân chúng tin Ngài là Đấng Messiah, được sai đến bởi Chúa Cha. Cầu nguyện xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” Chúng ta thử tưởng tượng chính mình được chứng kiến cảnh tượng này và toàn thân sẽ toát lạnh vì sợ hãi. Xưa nay, chưa từng có ai được chứng kiến cảnh người đã chết trong mộ 4 ngày nhờ một lệnh truyền được bước ra khỏi mộ.
(3) Niềm tin của những người Do-thái: Trong số những người Do-thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nếu Ngài không bởi Thiên Chúa mà đến, Ngài sẽ không thể làm được một phép lạ lớn lao như vậy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đức Kitô muốn chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, để Ngài dẫn chúng ta đến sự thật trọn hảo. Chúng ta đừng sống theo những đam mê của xác thịt.
– Thiên Chúa có quyền trên sự sống và sự chết. Chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng vào Ngài và đừng sợ cái chết, nó chỉ là sự thay đổi tạm thời trước khi chúng ta được sống muôn đời với Ngài.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng [audio:http://loinhapthe.com/LCHN/audio/Chu%20Nhat%20V%20Mua%20ChayA.mp3] hoặc tải xuống
Nguồn: loinhapthe.com