CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN (A)
Isaia 56: 6-7; Tv: 67; Roma 11: 13-15, 29-32; Matthêu 15: 21-28
Anh chị em thân mến,
Bài phúc âm hôm nay diễn tả Chúa Giêsu một cách hơi cao kỳ. Một người đàn bà chán nản đến bẻn lẻn xin Chúa Giêsu giúp đỡ cho con gái bà bị quỷ ám. Nhưng vì bà ta là người Canaan, là người ngoài đạo Do Thái, Chúa Giêsu có vẻ hắt hủi bà ấy. Đầu tiên Chúa Giêsu không để ý đến bà, rồi dùng cách nói khinh miệt thời ấy coi bà ta như “chó”. Còn bạn có nghỉ vậy không?
Câu chuyện trong phúc âm làm chúng ta cảm thấy mình thuộc hàng hạ cấp. Chúng ta cùng hệ với người đàn bà Canaan. Chúng ta mong Chúa Giêsu sẽ dủ lòng thương nghe lời than của một người mẹ. “Đừng chán nản. Chúa Giêsu sẽ nghe Bà”. Thường thường khi chúng ta nghe một người kêu van xin Chúa Giêsu giúp đỡ. thì chính Ngài là người tỏ lòng thương xót giúp đỡ ngay những người tin vào Ngài. Nhưng trong bài phúc âm hôm nay Chúa lại không như vậy. Chẳng lẽ Chúa Giêsu không để ý đến những kẻ kêu xin như chúng ta vừa thấy? Vậy tại sao lại có chuyện như thế?
Điều giúp chúng ta hiểu thêm câu chuyện phúc âm hôm nay là chúng ta nên nhìn vào lòng tin cậy của chúng ta vào Chúa Giêsu. Chúng ta tin gì vào nhân tính của Ngài? Tôi nghĩ rằng phần đông chúng ta có lòng tin mạnh mẻ về thiên tính của Chúa Giêsu. Chúng ta tin Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Chúng ta không được hướng dẫn nhiều về lòng tin vào nhân tính của Ngài: Chúa Giêsu là một người như chúng ta. Thế nên chúng ta phải giử hai phần của đức tin về Thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu ngang nhau. Nhưng chúng ta thường nhấn mạnh một bên, thường là phần thiên tính của Ngài. Còn phần nhân tính chúng ta ít để ý đến; đó là do quá trình được giáo huấn của chúng ta. Chính phần nhân tính của Chúa Giêsu cũng quan trọng như phần thiên tính vậy.
Chúng ta hãy tự hỏi: Nếu có ai đến gỏ cửa Chúa Giêsu, Ngài cần biết người đó là ai trước khi Ngài mở cửa không? Theo lẻ thường chúng ta sẽ trả lời là “có, Chúa Giêsu là Chúa nên Ngài biết hết mọi sự”. Về khía cạnh đó chúng ta thấy cách hành xử của Chúa Giêsu với người đàn bà Canaan hôm nay là cách Ngài muốn thử lòng tin của bà. Và Bà ấy có đức tin thật sự.
Đức tin của bà thúc đẩy bà ta đi đến cùng. Bà là người Canaan, mà bỏ nhà để chạy đến Chúa Giêsu. Các bạn nên nhớ người Canaan là những người trước kia sống nơi đất Chúa hứa, họ đã bị người Israel đuổi ra khỏi phần đất đó. Nên sự chống đối giữa người Do Thái và người Canaan kéo dài từ trước đến nay, việc người đàn bà Canaan đánh liều chạy vào đất của kẻ thù để xin Chúa Giêsu giúp đỡ là một sự can đảm. Có thể khi đi đường bà ta đã biết đất đó là của người Do Thái, nơi đó người Do Thái có Thiên Chúa của họ là Đấng có lòng thương xót, Ngài sẽ giúp bà ta. Sự chán nản và sự can đảm khiến bà một mình chạy đến Chúa Giêsu mà không có người đàn ông đi cùng là một điều rất lạ thời bấy giờ.
Đức tin của bà ấy lại được chứng tỏ trong lời kêu van với Chúa Giêsu. Bà ta không dễ gì chịu thua khi Chúa Giêsu nói là không ném đồ ăn của trẻ con “là người Do Thái” cho chó “là người ngoại”. Cách nói đó cũng như bây giờ chúng ta nói là: “cơm đâu cho chó ăn”. Chúng ta cảm thấy Chúa Giêsu đã bắt đầu mở lòng nghe người đàn bà kêu xin. Ngài đã bớt cứng lòng như người Do Thái thời ấy gọi người Canaan là “chó”. Rồi người đàn bà trả lời là bà ta cũng có chút quyền, mặc dù bà thuộc hạng “chó”. Và “chó” cũng có quyền ăn của dư thừa trên bàn. Bà ta ám chỉ là bà ta tin là Thiên Chúa cho thức ăn các “trẻ con” và các “chó con”, nghĩa là cho người Do Thái và kẻ ngoại.
Trước đó người Pharisiêu đã chỉ trích Chúa Giêsu vì các môn đệ không rữa tay trước khi ăn theo phong tục người Do thái (15:1-20). Và Chúa Giêsu gọi các thầy tư tế là những người giả dối chỉ phục vụ Thiên Chúa ngoài môi miệng thôi. Rồi Chúa Giêsu lại khen người đàn bà Canaan có đức tin mạnh mẽ. Đây là loại người mà các thầy tư tế khinh khi lại được Chúa Giêsu khen. Vậy ai là người có đức tin trước mặt Chúa Giêsu? Đó là những ai nhìn thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài muốn chữa lành, tha tội, và mời kẻ khác vào bàn tiệc với Ngài. Nơi bàn tiệc thánh hôm nay Thiên Chúa chiêu đãi bánh ngon thượng hạng.
Các môn đệ lại muốn đuổi người đàn bà Canaan đi. Nhưng trái lại Bà là người chứng tỏ đức tin còn mạnh hơn đức tin các môn đệ vì bà ta thấy Chúa Giêsu nói về tất cả mọi người, kể cả những người mà các thầy tư tế khinh khi. Thiên Chúa không nghỉ gì đến giai cấp trong xã hội hoặc màu sắc các dân tộc để Ngài ban cho ân sũng. Tất cả những ai có đức tin điều được Thiên Chúa để ý đến lời cầu xin của họ.
Trở lại câu hỏi tôi nêu ở trên. Nếu có ai gỏ cửa Chúa Giêsu thì Ngài có biết người đó là ai trước khi mở cửa không? Nếu chúng ta nhấn mạnh về Thiên tính của Chúa Giêsu thì câu trả lời của chúng ta sẽ là “lẽ cố nhiên là có”. Nhưng trong những năm gần đây chúng ta bắt đầu hiểu thêm về nhân tính của Chúa Giêsu qua những dịp học hỏi kinh thánh. Theo thư thánh Phao lô nói: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Phi.2:6-7). Trong thư Do Thái thánh Phao lô lại viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt. 4:15). Rồi thánh Phao lô lại viết thêm: “Chúa Giêsu phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt. 5:8). Và thánh Luca cho chúng ta biết là sau khi Chúa Giêsu gặp lại Đức Mẹ và thánh Giuse ở đền thờ, nơi Ngài giảng: “Sau đó Người đi cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài”.(Lc.2:51-52) Theo những lời kinh thánh đó chúng ta thấy được Chúa Giêsu, sinh hoạt như mọi người trần, Ngài không vào thế giới chúng ta với tất cả mọi hiểu biết, nhưng Ngài cũng “ngày càng khôn lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc.2:52)
Theo những yếu tố vừa nêu chúng ta có thể nghĩ rằng khi Chúa Giêsu gặp người đàn bà Canaan và nghe lời kêu xin của bà, Ngài nói ngay ý nghĩ của Ngài là phải giảng dạy cho “các chiên lạc của Israel trước đã”. Nhưng sau khi Chúa Giêsu thấy đức tin của người đàn bà ấy quá mạnh, nhất là sau khi bà ta bị các thầy tư tế xua đuổi, Ngài liền thay đổi ý về nhiệm vụ của Ngài.
Người đàn bà Canaan là dấu chỉ rõ rệt về việc cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu là cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, không phải chỉ cho người Do Thái mà thôi. Hôm nay Chúa Giêsu gặp gở người đàn bà Canaan cho chúng ta thấy sự thay đổi trong ý thức nhân tính của Ngài, và theo nhân tính ấy Ngài hiểu thêm ý định của Thiên Chúa đối với loài người. Sự thay đổi đó xảy ra như thế nào? Đó chính là sự kêu xin liên lỉ của người đàn bà Canaan, và bà ta nhất định không lùi bước trước ý định nhỏ hẹp của Thiên Chúa. Bà ta nhận định rằng nguồn gốc dân tộc hay tôn giáo không thể ngăn chặn lòng thương xót loài người của Thiên Chúa. Nếu chúng ta trình bày một Thiên Chúa hẹp lượng và lòng thương có giới hạn thì rỏ ràng chúng ta không nghe hiểu gì về phúc âm cả.
Như thế chúng ta có hai cách tìm hiểu phúc âm hôm nay. Một là: Nhấn mạnh về Thiên tính của Chúa Giêsu qua cách đối xử của Ngài, và yếu tố Thiên Chúa của Ngài trong việc là Đấng hiểu biết mọi sự. Dựa vào đó Ngài thấy đức tin của người đàn bà ngoại đạo là một dạng đức tin sẽ được rao giảng “khắp cùng trái đất”. Hai là: nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu trong việc gặp gỡ người đàn bà Canaan giúp Ngài hiểu thêm việc phục vụ của Ngài là cho tất cả các dân tộc.
Giáo hội thời xưa, cũng như giáo hội thời nay, đã tranh chấp về tin mừng riêng biệt như trong phúc âm hôm nay. Ngay sau khi Chúa Kitô sống lại, có giáo hội nghĩ rằng tin mừng Chúa Giêsu chỉ dành riêng cho dân Israel. Mặc dù phúc âm thánh Matthêu kết thúc với tin mừng Chúa Giêsu sống lại cần được rao giảng cho toàn thế giới: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Matthew 28:18-19).
Thiên Chúa đã dạy trong lời rao giảng của Chúa Giêsu về sự tha thứ và sự hòa giải. Chúng ta không tự hưởng được ơn tha thứ và hòa giải đó. Chúng ta được hưởng là nhờ sự sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, và chúng ta đã chấp nhận lời mời gọi đến bàn tiệc thánh mà Thiên Chúa đã hiến mình cho chúng ta. Hôm nay chúng ta họp nhau nơi bàn tiệc thánh để cùng nghe lời Chúa Giêsu sống lại bảo chúng ta là rao giảng tin mừng cho tất cả các dân tộc.
Có những ai hay những nhóm người có cùng liên kết với các bạn hữu và các thành viên trong nhà thờ của chúng ta không? Có những ai bị bỏ quên không? Ai là những người đứng hạng đầu? Và ai là những người đứng hạng thấp không đáng chúng ta để ý đến? Nói cách khác, ai là những người Canaan trong đời chúng ta mà chúng ta khi dễ hay bỏ rơi họ? Chúa Giêsu nghe lời kêu xin của người đàn bà Canaan và Ngài chấp nhận bà ta. Vậy hằng ngày tôi có lắng nghe những lời kêu xin tới giúp đỡ người khác không? Chúng ta hảy cố gắng đáp lại lời mời gọi của phúc âm để giúp những người khác như chúng ta đã được kẻ khác giúp chúng ta. Cũng như Thiên Chúa đã nghe và đáp lại lời kêu xin của chúng ta, do vậy chúng ta nên lắng nghe và đáp lại lời kêu xin của kẻ khác khi họ cần đến chúng ta giúp đỡ.
Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
Lm Jude Siciliano OP