Thiên Chúa Đã Viếng Thăm Dân của Người

Chúa Nhật X Thường Niên Năm C

Tiên tri Êlya đã làm cho con bà góa thành Sarepta sống lại. Đức Giêsu Kitô cũng đã làm phục sinh người thanh niên con bà góa thành Naim. Nhưng hai câu chuyện, hai cách thức làm cho kẻ chết sống lại khác nhau làm sao! 

Tuy nhiên phụng vụ Lời Chúa hôm nay không muốn so sánh Êlya với Đức Giêsu. Phụng vụ muốn giáo dục chúng ta về mặt đạo đức. Và bài học của phụng vụ nằm trong cả ba bài đọc. Không tất nhiên ba bài Kinh Thánh đều nói lên một ý; nhưng đọc kỹ chúng ta vẫn có thể nhận ra một chủ đề nào đó với nhiều ý tưởng phụ xoay quanh. Chủ đề ấy chúng ta sẽ dễ thấy nổi lên sau khi đọc lại các bài Kinh Thánh vừa nghe. 

1) Tôi biết là Người Của Thiên Chúa

Bài sách Các Vua thuật lại một câu chuyện trong cuộc đời của tiên tri Êlya. Chúng ta chẳng có một sách tiểu sử đầy đủ nào về nhà tiên tri này. Sách Các Vua quyển I kể nhiều chuyện về ông. Nhưng đó là những “mẩu” chuyển rời rạc không dính vào nhau để làm thành một cuốn tiểu sử. Câu chuyện hôm nay chẳng hạn. Người ta thường gọi là chuyện Êlya làm cho con bà góa thành Sarepta sống lại. Nhưng như chúng ta vừa nghe, chẳng có chữ nào trong bài kể hôm nay nói rằng bà góa ấy ở thành Sarepta. Chỉ vì trước đó sách Các Vua kể rằng Êlya theo lệnh Chúa đi đến Sarepta và lưu lại ở đó. Ông đã gặp một bà góa đi mót củi. Ông xin bà cho bánh ăn và nước uống. Và bà ta có một đứa con. Tuy nhiên chẳng có gì chắc chắn khiến người ta có thể bảo bà góa con côi ấy cũng chính là mẹ góa con côi trong chuyện này. Ngược lại, chỉ cần lưu ý ít nhiều đến danh từ và cách kể, người ta thấy đây là hai chuyện khác nhau. Bà góa đi mót củi ở Sarepta không phải là “bà chủ nhà” trong câu chuyện này. Tiếng “bà chủ nhà” khiến người ta phải nghĩ đến một mệnh phụ quí phái hơn người đàn bà đi mót củi. Và nhất là cuộc đối thoại giữa bà chủ nhà với nhà tiên tri trong câu chuyện hôm nay cho thấy giữa hai người dường như chưa hiểu nhau. Đang khi bà góa ở Sarepta đã hiểu biết nhà tiên tri rồi. 

Đằng khác, ai hiểu biết Kinh Thánh có thể nhận ra ngay rằng câu chuyện kể trong sách Các Vua quyển II về tiên tri Êlya. Ông này cũng làm cho con một bà lớn ở Shumen sống lại. Do đó có người nghĩ câu chuyện kể hôm nay đã được môn đồ của Êlya viết thêm vào cuộc đời của Êlya làm cho nhà tiên tri này sáng giá hơn. 

Quả thật, dường như đây là mục đích của chính bài tường thuật hôm nay. Người muốn viết cho mọi người biết Êlya là người của Thiên Chúa. Thoạt tiên bà góa kia cũng như hầu hết các người đồng thời không biết như vậy. Họ thấy Êlya là người khác thường. Họ biết ông có một nhiệt tình lạ lùng đối với Giavê. Luôn luôn ông kêu gọi người ta sống trung thành với giao ước và đừng thờ một thần nào khác ngoài Giavê. Lắm lúc ông đe dọa người ta những hình phạt khủng khiếp. Kể cả vua Israen thời bấy giờ. Nhà vua tránh né Êlya chỉ sợ gặp lại phải nghe các đòi hỏi của Thiên Chúa và các hình phạt theo sau nếu nhà vua không đáp ứng những đòi hỏi kia. 

Do đó người ta sợ Êlya hơn là muốn nghe theo ông. Người ta chưa chắc ông là người của Thiên Chúa. Nói đúng hơn, vì yếu đuối và sợ các đòi hỏi của tôn giáo chân thật, người ta chưa muốn công nhận ông là người của Thiên Chúa. 

Chính vì Êlya khiến người ta sợ hơn là lôi cuốn được hạ theo mình, nên khi Êlya ở tại nhà bà góa kia mà con bà bị bệnh chết, thì bà ta đã đổ tội cho nhà tiên tri. Bà nói: Ngài và tôi có việc gì (với nhau) mà ngài lại đến tôi để hạch tội tôi và làm con tôi chết? Nhà tiên tri bị buộc tội như vậy chẳng biết làm gì hơn để giải oan là xin lấy xác đứa con để làm sao cho nó sống lại. 

Chúng ta thấy ông nằm dài trên đứa trẻ ba lần, khác nào như làm phù phép. Nhưng rõ ràng không phải cử chỉ và hành động này đã làm cho đứa trẻ sống lại, nhưng là lời Êlya cầu nguyện xin Thiên Chúa cho hồn vía đứa trẻ trở về lại mình nó. Chính lời cầu nguyện này đã kéo Êlya ra khỏi cảnh lúng túng và đem sự kiện lạ lùng này mà bà chủ nhà cũng như mọi người sẽ nghe biết chuyện mới thấy rõ Thiên Chúa ở với Êlya và ông thật là người của Thiên Chúa. 

Do đó câu chuyện này xảy ra để giúp Êlya. Chủ ý của người viết là làm sáng giá cho nhà tiên tri. Tuy nhiên câu chuyện cũng dạy dân Do Thái một bài học: Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại. Và chết chưa phải là hết. Nếu người ta tin vào Chúa và biết cầu xin với Người thì Người có thể làm cho con người sống lại. Một niềm tin như thế đòi hỏi ta phải biết sống như thế sẽ có sự phục sinh. Ai không thấy đó là một mạc khải lớn lao và đầy hy vọng cho con người, nhất là ở thời xa xôi và tại những nơi chưa có lời giảng dạy chắc chắn nào về đời sau. Riêng đối với chúng ta, cần nhờ câu chuyện trong bài sách Các Vua hôm nay để hiểu hơn về bài Tin Mừng trong thánh lễ này. 

2) Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Của Người

Người ta có thể nói tác giả Luca đã vay muộn một số nét của bài kể trong sách Các Vua. Nhưng những điểm dị đồng đáng để ý hơn nhiều, nhất là chủ ý của hai tác giả rất khác nhau. 

Luca thuật lại một câu chuyện đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, có đông đảo dân chúng chứng kiến, đang khi bài sách Các Vua chỉ tường thuật việc xảy ra trong nhà một mẹ góa con côi. Và như vậy có thể nói một việc đã xảy ra có hệ đến toàn dân, còn việc kia chỉ liên quan đến một gia đình, nếu không muốn nói là một người. Chúng ta hãy tạm bỏ câu chuyện xưa xảy ra thời Êlya, để chú ý đến việc xảy ra dưới thời Chúa Giêsu mà Luca đã thuật lại để nói rằng nó rất có hệ đến chúng ta thời bây giờ. 

Hôm ấy Đức Giêsu đi với môn đồ và đông đảo quần chúng đến một thành gọi là Naim. Người đi vào xã hội loài người vì theo Kinh Thánh “thành” là nơi loài người sinh sống. Và “thành” mà không có Chúa thường được ví như một góa phụ. Hơn nữa “bà góa” ấy không nuôi nổi con mình. Cố gắng của loài người không có thể làm cho con người được sống thật và sống đời đời. 

Do đó khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì này người ta đang khiêng đi chôn đứa con gái của bà góa. Thật là não nuột. Có một đứa con mà bà góa vẫn không giữ được. Xã hội loài người cũng bất lực bó tay. Dân chúng trong thành chỉ biết đi chôn đứa con với bà. 

Người thường, nếu nhìn thấy cũng chỉ biết cảm thông. Đức Giêsu thì khác, Người đi vào thế gian là để cứu sống nên tác giả Luca viết: “Chúa chạnh lòng thương”. Lần đầu tiên trong tác phẩm của ông, Luca xưng Đức Giêsu là “Chúa”. Từ ngữ này, các tác giả Tân Ước chỉ dùng để nói về Người sau khi Người đã sống lại. Luca còn dùng kiểu nói “chạnh lòng thương” là kiểu nói chỉ dùng để nói về chính Thiên Chúa khi Người muốn biểu lộ tình thương cứu độ đối với dân Người. Như vậy trong câu nói vắn tắt kia, Luca đã nhìn thấy nơi Đức Giêsu, chính Thiên Chúa đang muốn tỏ lòng thương cứu độ nhân loại khổ sở nằm chết trong tội lỗi. Hơn nữa tác giả còn ngầm ý bảo rằng: nơi Đức Giêsu có sự phục sinh. 

Thật vậy, ở đây Đức Giêsu không cầu nguyện như Êlya. Người bảo bà góa đừng khóc lóc nữa. Người đụng đến quan tài. Các kẻ khiêng đứng lại tức khắc. Sao Người uy quyền như vậy? Người ta đã tin ở Người rồi, vì nếu không, các kẻ kia không dễ vâng lời như thế. Rồi Người truyền lệnh: “Thanh niên! Ta bảo ngươi hãy trỗi dậy”. Và người chết ngồi chồm dậy và lên tiếng nói, (để làm chứng đã sống lại thật). 

Phản ứng của mọi người là kinh sợ trước quyền và công việc Thiên Chúa. Thiên Chúa đang ở trước mặt họ. Người vừa cho họ thấy một biểu dương uy quyền của Người. Bà góa thành Sarepta thấy Êlya cầu nguyện mà làm cho con bà sống lại, thì nhận ra Êlya là người của Thiên Chúa nên được Chúa nhận lời, còn ở đây người ta thấy sự sống lại do chính Đức Giêsu mà đến, nên Người là một tiên tri cao cả, và đúng hơn, Người là chính Thiên Chúa cứu độ mà loài người chết trong tội lỗi đang chờ đợi. 

Do đó như các bài sách Các Vua đã muốn chứng tỏ Êlya là người của Thiên Chúa, thì bài Tin Mừng Luca muốn làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ. Nơi Người có sự phục sinh để làm cho loài người sống lại, nên Người là vị tiên tri cao cả và là Thiên Chúa đến viếng thăm dân của Người. Chúng ta hãy tin vào sức mạnh cứu độ của Người. Và điều này bài thư Phaolô cũng muốn làm chứng. 

3. Thiên Chúa đã mạc khải Con của Người trong tôi

Quả vậy, Phaolô viết thư cho người Galát để ít ra trong đoạn trích hôm nay – Xác minh mình là tông đồ chân chính. Trước đây người Galát vẫn tin như vậy. Nhưng nay có mấy người Do Thái đến đặt điều vu khống và dèm pha uy tín của người, để lôi kéo người Galát trở về với những tập tục Do Thái là cắt bì và giữ luật Môsê. Họ nói rằng Phaolô đã không được đặt làm tông đồ. Người đã làm việc tự ý. Tin Mừng người rao giảng không đáng tin. 

Phaolô phản kháng mạnh mẽ. Trong đoạn văn này. Người khẳng định chính Thiên Chúa đặt người làm tông đồ, khi mạc khải Đức Giêsu Kitô cho người. Quả vậy, xưa người không như thế. Người cũng chỉ biết đạo Do Thái và chỉ hơn đồng đạo ở điểm hăng say phục vụ.người đã tình nguyện đi bắt bớ và ra công triệt hạ Hội Thánh của Thiên Chúa. Tại đâu người đã thay đổi ra như ngày nay? Chính nhờ Thiên Chúa đã tách người ra ngay từ lòng mẹ và kêu gọi người. Phaolô ý thức ơn người đã được là do lòng thương của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã tuyển chọn và kêu gọi người như Giêrêmia ở đây để nói lên niềm tin ấy. Hơn nữa khi kêu gọi người, Thiên Chúa đã không mạc khải một sứ điệp, hoặc một sứ mệnh, như trong trường hợp các tiên tri. Thiên Chúa cho Phaolô biết Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, để từ nay người phải rao giảng Ngài. 

Do đó Phaolô không cần học với một ai. Chính Thiên Chúa đã dạy Phaolô biết Chúa Giêsu, biết tất cả các chân lý về Ngài và mọi điều phải rao giảng về Ngài. Việc tiếp xúc với các tông đồ khác không cần thiết tuyệt đối theo nghĩa Phaolô phải cần học hỏi thêm với các ngài. Khi đã nhận được mạc khải của Đức Giêsu Kitô và được đặt làm tông đồ rồi, người ta muốn nắm vững các chân lý của đạo. Việc tiếp xúc với các tông đồ khác chỉ có ý nghĩa hiệp thông, duy nhất. Và nếu nó có làm giàu thêm cho kho tàng mạc khải mà mỗi người đã lãnh nhận, thì cũng chỉ là một sự soi sáng thêm để đi sâu hơn vào chân lý mà thôi. Phaolô không những được quyền lợi và vinh dự như mọi tông đồ; nhưng vì đã được mạc khải một cách đặc biệt và độc đáo, người còn xứng đáng được tôn vinh như một tông đồ độc hạng và kiệt xuất. Và được như vậy, một lần nữa người ta nên biết, là tự người đã được ơn hiểu biết Chúa Giêsu Kitô một cách phi thường. Do đó, hiểu biết Chúa Giêsu Kitô là điều quan trọng và quan trọng hơn hết. Bài Tin Mừng đã muốn làm cho người ta được sự hiểu biết này. Bài thư Phaolô làm chứng khi sự hiểu biết này sâu sắc đặc biệt, thì người ta cũng được chọn một cách đặc biệt. Vinh dự và hạnh phúc của người ta vượt xa sự sung sướng của bà góa thành Sarepta khi hiểu biết tiên tri Êlya. 

Chúng ta tự nhiên muốn được sự hiểu biết này. Hội Thánh muốn giúp đỡ chúng ta không ngừng. Đặc biệt trong các thánh lễ. Phụng vụ Lời Chúa là một mạc khải liên tục về Chúa Giêsu Kitô. Và nhất là Bí tích cử hành nơi bàn thờ. Tại đây Chúa Giêsu Kitô không muốn cho chúng ta gặp Người như Phaolô trên đường Đamas sao? Chúng ta phải nói còn hơn thế nữa. Chúng ta sẽ lãnh nhận chính mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, là chính mầu nhiệm của Người, là chính mầu nhiệm biểu lộ Người hoàn toàn và đầy đủ hơn hết. Người không những là Đấng Tiên Tri của Thiên Chúa, nhưng còn là chính Con Thiên Chúa sinh ra làm người để tha thứ tội lỗi và làm cho chúng ta được sống lại và sống sự sống mới. Chúng ta hãy có lòng tin yêu để  đón nhận và để sống sự sống của Chúa Giêsu Kitô.

Đức cố Giám Mục Bartôlômêô  Nguyễn Sơn Lâm

Trích từ tập sách ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’