Thiên Chúa Không Kết Án nhưng Thứ Tha

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY -C

Isaia 43: 16-21; T. vịnh 126; Philipphê 3: 8-14; Gioan 8: 1-11

Hôm nay, chúng ta được nghe một đoạn Tin mừng khác với trích dẫn quen thuộc. Người ta có thể không biết được bối cảnh của nó, nhưng chắc chắn họ biết trích dẫn đoạn văn đó, “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (hoặc trong một bản dịch phổ biến hơn dịch rằng: “Ai sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”).

Câu chuyện bắt đầu với việc “Đức Giêsu đến núi Ôliu”. Chúng ta biết rằng khu vườn này là nơi Đức Giêsu thường đến cầu nguyện. Đó cũng chính là nơi Người khóc than cho Giêrusalem. Đức Giêsu đã trở lại Núi mỗi ngày để nghỉ ngơi (Lc 21,37) vào một đêm nọ Người lại đến đó để chịu trao nộp (Mt 26,39). Có thể các môn đệ của Người đã đi đâu đó, nhưng vào cuối ngày thì Đức Giêsu lại lên Núi Ôliu.

Thánh Gioan kể lại cho chúng ta biết rằng các Kinh sư và những người Pharisêu đem một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến với Đức Giêsu “nhằm thử Người.” Nếu Đức Giêsu ủng hộ Lề luật [Luật Môsê] và đồng ý cho ném đá người phụ nữ này thì kẻ thù của Người sẽ buộc tội Người trước Philatô, vì chính quyền Dothái không được phép hành quyết bất cứ ai. Còn nếu Đức Giêsu đồng ý tha thứ cho người phụ nữ đó, thì họ sẽ buộc tội Người là chống lại Luật Dothái và như thế Người sẽ không còn thế giá trước mặt dân chúng nữa.

Những thế lực đem người phụ nữ ngoại tình đến cho Đức Giêsu là những kẻ có quyền thế: các Kinh sư có sự hiểu biết tinh thông, không chỉ trong việc viết lách (“biên chép”) Lề luật, mà còn chú giải nữa. Các Pharisêu nổi tiếng la những người tuân giữ Lề luật cách tỉ mỉ trong cuộc sống hằng ngày. Song, các Kinh sư và những người Pharisêu chẳng phải lương thiện gì. Trước hết, nếu họ quan tâm đến việc tìm kiếm công lý thì hẳn rằng họ đã đem người phụ nữ này đến những nhà lãnh đạo tôn giáo. Bởi lẽ, Đức Giêsu không phải là một thẩm phán chính thức của những vấn đề pháp lý. Thứ đến, họ cũng bóp méo Lề luật, bởi vì trong trường hợp ngoại tình, Luật yêu cầu cả người đàn ông và người phụ nữ phải chết (Đnl 22,22; Lv 20,10). Vậy mà, họ đã đem người phụ nữ đến trước, nhưng lại không đá động gì đến người đàn ông. Họ có biết người đàn ông đó là ai không? Có phải là một người bạn của họ chăng? Ông ta có phải là một trong những kẻ tiếp tay để cho vụ việc này được vạch trần hay không? Vì “bị bắt gặp đang ngoại tình” cơ mà!

Dân chúng không biết Đức Giêsu đã viết những gì khi Người cúi xuống “lấy ngón tay viết”. Chúng ta không biết gì về điều này, nhưng hành động đó giúp ta biết được một biểu tượng khả thi ở đây. Sách Xuất hành có nói: “Sau khi phán với ông Môsê trên núi Sinai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia Chứng Ước, hai tấm bia đá do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18). Còn trong Tin mừng theo thánh Luca thì ta đọc thấy rằng: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20). Đây là ám chỉ đầu tiên trong Tin mừng theo thánh Gioan khi nói đến việc Đức Giêsu dùng ngón tay để viết. Đức Giêsu, với “ngón tay của Thiên Chúa,” đã viết lên một điều luật mới – điều luật đó đã giải phóng phạm nhân khỏi tội lỗi. Đấng được Thiên Chúa sai đến có quyền thế của một vị Thiên Chúa để phán quyết và giải phóng con người.

Chẳng lẽ quý vị không lấy làm thích thú khi Đức Giêsu không tuyên bố cách dứt khoát về việc khoan dung hoặc tha thứ cho người phụ nữ kia? Người không nói: “Hãy đứng dậy mà đi, tội chị đã được tha” (như trong Lc 5,20). Người cũng chẳng nói rằng chị không làm gì sai trái cả. Lúc bấy giờ Người chỉ im lặng, còn chúng ta thì giải thích rằng những lời của Đức Giêsu nói với người phụ nữ kia chính là sự tha thứ; Người đã giải phóng chị và đem lại cho chị sự tự do. Chúng ta có thể hình dung ra cảnh tượng mà chị phải trải qua: bị bắt gặp đang thực hiên một hành vi đáng xấu hổ; đang đứng bên bờ vực bị kết án tử; nhìn thấy những người buộc tội chị âm thầm bỏ đi vì đã nhận ra tội lỗi của mình; và sau đó chị ta được tự do nhờ một Người đã cứu chị và nói với chị rằng: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Ta có thể thấy được rằng khi nghe Lời Chúa, mà Lời đó đã không buộc tội người phụ nữ kia, lại còn giải phóng chị nữa, thì Lời đó đã có khả năng tái tạo và làm cho chị khởi đầu một sự sống mới. Nhưng nếu khi chúng ta làm điều gì sai trái và sẵn sàng chịu xét xử đích đáng và nghiêm khắc thì Lời đó liệu có ảnh hưởng gì trên cuộc đời chúng ta hay không? Liệu chúng ta có cảm nhận rằng “ngón tay của Thiên Chúa” đã đụng chạm và giải phóng, nhờ đó chúng có thể khởi đầu lại tất cả hay không?

Chúng ta không phải được mời gọi để phớt lờ hay bỏ qua những hành động tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu hành động với lòng nhân từ và sự thương xót với người khác, đồng thời trao ban sự thứ tha. Đoạn Tin mừng hôm nay nhắc nhở rằng chúng ta không phải bắt chước những người xung quanh. Thậm chí khi họ đúng lý đi nữa, thì họ cũng có thể sai nếu thiếu lòng nhân từ và sự thông cảm. Chúng ta có khuynh hướng trách cứ “người khác” vì những sai trái trong xã hội, như người nghèo, những người mới nhập cư, môi giới, ông chủ, đồng nghiệp hay vợ chồng với nhau,v.v… trong khi đó chính chúng ta cũng sai phạm cùng một lỗi lầm như thế nhưng lại đỗ lỗi cho họ.

Đức Giêsu thực hiện điều bất ngờ cho người phụ nữ và cho chị ta được tự do, Người đang làm những điều mà ngôn sứ Isaia đã hứa Thiên Chúa sẽ thực hiện. “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” Vị ngôn sứ đã dùng những hình ảnh hồi tưởng về sự xuất hành của dân Israel, đó là việc giải thoát của họ ra khỏi nô lệ Aicập, một lần nữa hình ảnh đó đã nhen nhóm lên niềm hy vọng trong dân chúng lúc bấy giờ họ đang bị giam cầm vào thời lưu đày Babylon. Ngôn sứ Isaia không thông báo từ một khoảng cách xa; nhưng vị ngôn sứ đã ở với dân nơi chốn lưu đày khi loan báo điều đó. Ông nhắc nhở họ về tất cả những gì mà Thiên Chúa đầy uy quyền đã thực hiện cho họ, và nhắc nhở họ sao lại quên tất cả những điều đó! Thậm chí Thiên Chúa còn thực hiện nhiều điều kỳ diệu hơn để giải phóng họ.

Cũng giống như dân tộc Israel, thỉnh thoảng chúng ta trải qua những khó khăn về vật chất hoặc những thử thách về tinh thần, lúc đó chúng ta lại mơ về quá khứ. Chúng ta có thể gắn bó với quá khứ, vì quá khứ của chúng ta là một Thiên Chúa duy nhất. Ngôn sứ Isaia khích lệ chúng ta hãy tìm thấy niềm hy vọng từ trong quá khứ của chúng ta. Thiên Chúa không chỉ lặp lại những gì Người đã thực hiện trước đây, mà còn thực hiện nhiều điều hoàn toàn mới mẻ cho chúng ta. Quá khứ của chúng ta là một Thiên Chúa về sự bất ngờ.

Bài đọc của ngôn sứ Isaia đã soi sáng cho hành động của Đức Giêsu đối với người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Đức Giêsu là cuộc xuất hành của chị ta. Người khiến chị ngạc nhiên và dẫn chị từ quá khứ của mình đến “một việc mới.” Người tuyên bố: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

“Ngón tay của Thiên Chúa” là một hình ảnh quan trọng trong Kinh thánh, một nhắc nhở cho chúng ta về hành động hiện tại của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Tin mừng không chỉ đơn thuần trình bày một Đức Giêsu như là một kiểu mẫu về lòng trắc ẩn mà chúng ta nên bắt chước. Hơn thế nữa, Tin mừng rõ ràng là những kinh nghiệm trên chính cuộc đời của chúng ta, bởi lẽ, chúng ta, những con người không có khuynh hướng động lòng trắc ẩn khi có điều sai trái. Nhưng nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đến gần với chúng ta. Chúng ta được “ngón tay của Thiên Chúa” đụng chạm đến, và do đó chúng ta được trao quyền để hành động đầy lòng thương xót như Đức Giêsu đã thực hiện. Thiên Chúa đã đụng chạm chúng ta bằng ân sủng, và vì thế chúng ta đến với người khác để thể hiện dấu chỉ yêu thương cứu độ của Thiên Chúa.

Bản tính của Đức Giêsu là cứu chữa qua lòng nhân từ và tha thứ. Nhờ Phép rửa, tất cả chúng ta được trở nên thọ tạo mới và chia sẻ bản tính của Người. Khi những người khác vội vã kết án thì Đức Giêsu tuyên bố, im lặng và cho họ cơ hội để rút lui. Chẳng có ai ở lại với người phụ nữ ngoại trừ Đức Giêsu, và câu chuyện nhắc nhở chúng ta rằng bản tính của Người không phải là kết án, nhưng là để giải thoát. Đức Giêsu đã nghiêm túc nhìn nhận người phụ nữ kia. Chị không phải là đối tượng cho việc tranh luận về vấn đề đạo đức với các Kinh sư và những người Pharisêu. Thay vào đó, Đức Giêsu xem chị như một con người có trách nhiệm, bất luận quá khứ của chị ra sao, Người đã giải thoát và ban cho chị ta một tương lai mới mẻ. Chúng ta lên án tội lỗi, nhưng trong khuôn mặt của tội nhân, chúng ta nên động lòng trắc ẩn như Đức Giêsu đã làm.

Đoạn Tin Mừng này được chọn cho Chúa Nhật Mùa Chay – chính điều đó đã nhắc nhở rằng dù quá khứ của chúng ta có ra sao, chúng ta vẫn luôn có thể thay đổi được. Thiên Chúa chưa kết thúc đời ta. Như người phụ nữ được trao cho một cơ hội, chúng ta vẫn có thể bắt đầu lại tất cả và lớn mạnh lên.

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ: Anh Em HV. Đaminh Gò Vấp