Chủ Nhật III Mùa Chay, Năm A
Bài đọc: Exodus 17:3-7; Romans 5:1-2,5-8; John 4:5-42 (4:5-15, 19b-26, 39a, 40-42).
Trong hành trình đức tin, nhiều người nghĩ họ tin vào Thiên Chúa là do ý muốn và công sức của họ; nhưng thực ra, Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc hoán cải tâm hồn con người, Ngài cho họ cơ hội gặp gỡ, dùng Lời Chúa bên ngoài và thúc đẩy của ơn thánh bên trong, để giúp họ nhận ra tình yêu Ngài dành cho họ, và họ tin vào Ngài. Nếu Thiên Chúa không tỏ tình yêu trước, chẳng ai có thể tin vào Ngài để được cứu độ.
Trong 3 tuần lễ liên tiếp của Chủ Nhật thứ ba, thứ tư, và thứ năm của Mùa Chay, Giáo Hội muốn dùng 3 bài Phúc Âm của thánh Gioan, chương 4, 9, và 11, để giáo dục niềm tin của các tân tòng. Mục đích là để giúp họ nhận ra 3 điều chính: Thứ nhất, Thiên Chúa kiên nhẫn đi tìm họ để giúp họ tuyên xưng niềm tin vào Ngài qua nước của bí-tích Rửa Tội qua câu truyện Chúa Giêsu hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Thứ hai, sau khi họ đã trở thành tín hữu, Ngài sẽ tiếp tục giáo dục để họ nhận ra những sự thật khác về Thiên Chúa và về cuộc đời, qua câu truyện Chúa Giêsu mở mắt cho anh mù từ lúc mới sinh. Sau cùng, Ngài sẽ cho họ được sống lại từ cõi chết như Ngài đã cho anh Lazarus đã chết 4 ngày được sống lại.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật sự kiên nhẫn và tình thương tha thứ của Thiên Chúa trong việc hoán cải tâm hồn con người. Trong bài đọc I, khi dân chúng không có nước để uống trong sa mạc, họ kêu trách Moses và đe dọa trở về đất nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa truyền lệnh cho Moses đập vào tảng đá ở núi Horeb khiến cho nước trào ra cho dân chúng uống. Trong bài đọc II, thánh Phaolô xác quyết Thiên Chúa vẫn thương con người ngay khi họ vẫn còn là tội nhân, Ngài đã ban cho con người Đức Kitô để chịu chết và tha tội cho con người, để mở lối cho con người vào hưởng mọi ân sủng, và để chỉ đường cho con người vào chốn trường sinh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kiên nhẫn hướng dẫn người phụ nữ Samaria để chị nhận ra và tin tưởng vào Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Sau khi được soi sáng, chị trở thành nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho dân của chị, và chị đưa mọi người đến với Chúa Giêsu để được Ngài hướng dẫn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?”
1.1/ Con người luôn kêu trách Thiên Chúa khi gặp trái ý: Hành trình của dân Do-thái 40 năm trong sa mạc có thể được so sánh với hành trình của mỗi người chúng ta trên đường tiến về quê trời. Thiên Chúa đã làm rất nhiều ơn lành cho con người, nhưng họ không bao giờ thấy đủ. Khi dân Do-thái thấy không có nước uống trong sa mạc, họ đã kêu trách ông Moses rằng: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” Ông Moses kêu lên cùng Đức Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!”
1.2/ Thiên Chúa luôn kiên nhẫn sửa dạy con người: Ngài vừa mới làm bao nhiêu phép lạ trước mắt họ để đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập. Họ cần hiểu rằng: Nếu Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai-cập, Ngài cũng có uy quyền để cung cấp cho họ những thứ cần thiết trên đường. Ngài đã cho họ có bánh ăn, manna, và giờ đây Ngài cũng sắp cho họ có nước uống.
Manna và nước uống cần thiết cho cuộc sống thể lý của con người; nhưng theo các thánh giáo-phụ, đây chỉ là hình ảnh của thức ăn thiêng liêng mà Thiên Chúa sẽ ban cho con người trong tương lai. Manna tượng trưng cho Mình (thịt) của Chúa Giêsu, và nước uống tượng trưng cho Máu của Ngài. Tảng Đá đây chính là thân thể của Ngài, và khi người lính cầm đòng đâm thâu cạnh sườn của Chúa Giêsu khi Ngài sinh thì trên Thập Giá, tức thì Máu cùng Nước chảy ra.
Thịt và Máu của Chúa Giêsu chính là lương thực thần thiêng mà Ngài ban cho con người qua bí-tích Thánh Thể, để nuôi dưỡng và cung cấp sức mạnh cho con người đời trên hành trình tiến về quê trời. Điều này đã được Gioan cắt nghĩa chi tiết trong chương 6. Chúa Giêsu cắt nghĩa cho người phụ nữ Samaria trong bài Phúc Âm của Gioan tuần này, khi Ngài nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Chúng ta có thể hiểu Nước chính là Máu của Chúa ban cho con người qua bí-tích Thánh Thể.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
2.1/ Những điều con người được lãnh nhận từ Đức Kitô: Theo thánh Phaolô, con người được cứu độ là do hoàn toàn tình thương của Thiên Chúa, chứ không do bởi bất cứ một việc lành nào con người làm. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô liệt kê 5 ơn lành con người được lãnh nhận từ Đức Kitô.
(1) Được trở nên công chính: Con người được trở nên công chính là do bởi việc đặt niềm tin nơi Đức Kitô. Lề luật không có sức mạnh làm con người trở nên công chính.
(2) Được bình an với Thiên Chúa nhờ hòa giải: Tội lỗi gây ra sự xáo trộn trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Đức Kitô chịu chết để xóa tan tội lỗi cho con người, và làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa.
(3) Được hưởng muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa: Cái chết của Đức Kitô mang lại cho con người muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa qua các bí-tích Ngài thiết lập, bắt đầu từ sự kiện người lính cầm đòng đâm thâu cạnh sườn của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
(4) Được hy vọng hưởng vinh quang của Thiên Chúa: Một khi đã được tẩy sạch khỏi tội lỗi và được thánh hóa bằng các ân sủng, con người trở thành những người con thánh thiện, xứng đáng được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa trong Nước Trời.
(5) Được sự hiện diện của Thánh Thần: Để giúp con người nhận ra những sự thật và tình yêu của Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta một Đấng Phù Trợ khác là Chúa Thánh Thần sau khi Đức Kitô về trời.
2.2/ Thiên Chúa chứng tỏ tình thương của Ngài cho con người qua Đức Kitô: Để chứng minh Thiên Chúa là người đi bước trước trong hành trình đức tin của con người, Phaolô đưa ra hai bằng chứng rõ ràng:
(1) Đức Kitô đã chết vì con người khi họ chưa biết Ngài: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.”
(2) Đức Kitô đã chết vì con người khi họ còn là tội nhân: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.”
3/ Phúc Âm: “Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
3.1/ Thiên Chúa đi tìm con người, bất kể hoàn cảnh và thời gian: Giờ thứ sáu của Do-thái là mười hai giờ trưa của chúng ta. Giờ này đa số mọi người ở trong nhà để ăn trưa và nghỉ ngơi. Chúa Giêsu chịu đựng nắng nôi, vất vả đi tìm chiên lạc để dắt về cho Thiên Chúa. Để chinh phục người phụ nữ Samaria, trước hết Chúa Giêsu phải vượt bức tường kỳ thị chủng tộc, vì người Do-thái không muốn có bất cứ sự liên hệ gì với người Samaria, họ coi người Samaria như những Dân Ngoại. Một bằng chứng cho sự kỳ thị này được tìm thấy trong Tin Mừng Lucas, khi dân Samaria không chịu tiếp đón Chúa Giêsu, hai ông Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu để hai ông khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi dân thành đó (Luke 9:53-54). Kế đến, Chúa Giêsu phải vượt bức tường xét đoán của các môn đệ khi Ngài nói chuyện với một phụ nữ. Những điều này được bày tỏ qua câu hỏi ngạc nhiên của người phụ nữ Samaria, sau khi Chúa Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng việc xin nước uống: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”
3.2/ Chúa Giêsu mặc khải về “Nước Hằng Sống:” Chúa Giêsu xin nước uống chỉ là để mở đầu câu truyện, và để mặc khải cho người phụ nữ về một điều quan trọng của Thiên Chúa. Ngài trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”
Chị phụ nữ không nhận ra điều Chúa Giêsu muốn nói về “Nước Hằng Sống.” Chúa Giêsu không dùng mạo từ để xác định nước mà chị phụ nữ đang nói tới. Chị tưởng Chúa Giêsu muốn nói về “nước giếng,” với mạo từ xác định, nên chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”
Chúa Giêsu phân biệt giữa “Nước Hằng Sống” và “nước này.” Ngài nói với chị: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Chúa Giêsu có thể muốn đề cập tới hai điều ở đây: Thứ nhất, Nước Rửa Tội. Nước của bí-tích Rửa Tội sẽ tẩy trừ mọi tội lỗi của con người; không những thế, nó còn ban cho con người mọi ân sủng cần thiết cho cuộc sống đời đời. Thứ hai, Máu của Ngài trong bí-tích Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng và thánh hóa con người để họ trở nên những người xứng đáng lãnh nhận Nước Trời. Chương 6 của Gioan sẽ dành đặc biệt để nói về Mình Thánh Chúa.
Chị phụ nữ tuy không hiểu rõ Chúa Giêsu muốn nói gì, nhưng có lẽ vì muốn tránh mỏi mệt mỗi ngày khi phải kín nước, nên xin Chúa Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”
3.3/ Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho người phụ nữ: Để giúp chị tin vào Ngài, Chúa Giêsu bày tỏ uy quyền của Ngài qua việc cho chị biết: Ngài đã nhìn thấu cuộc đời của chị. Ngài bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giêsu bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”
Thấy người lạ nói “trúng tim đen” của mình, chị phụ nữ giật mình và tuyên xưng: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Jerusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu mặc khải về sự thờ phượng thật trong thần khí và trong chân lý: Khi quốc gia Do-thái bị tách làm hai dưới thời vua Jeroboam, nhà vua cho xây một đền thờ tại Bethel, thuộc Samaria. Mục đích là để cho dân khỏi xuống Jerusalem để bị ảnh hưởng bởi vua của miền Nam. Chúa Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jerusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Messiah, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho người phụ nữ: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Hành trình đức tin của người phụ nữ khởi hành từ chỗ nhìn Chúa Giêsu như một người Do-thái thù nghịch, đến chỗ thú nhận “Ngài là một ngôn sứ.” Sau cùng đến chỗ tin Ngài là Đấng Messiah, khi chị mời gọi mọi người đến với Chúa Giêsu: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”
3.4/ Tin Thiên Chúa là phải thi hành thánh ý của Ngài: Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Rabbi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Đức Giêsu nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.”
Các môn đệ loay hoay lo lắng tìm của ăn phần xác, trong khi Chúa Giêsu vất vả tìm kiếm lương thực phần linh hồn. Lương thực đó không gì khác hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa, mà thánh ý Thiên Chúa là làm sao cho mọi người được cứu độ. Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy kết quả truyền giáo của Ngài: “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng!” Đồng lúa đã chín vàng đây là dân thành Samaria, và chị phụ nữ có thể được coi là nhà truyền giáo đầu tiên trong Tin Mừng Gioan.
3.5/ Niềm tin có được thực sự là do Thiên Chúa, con người chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để mời gọi người khác bắt đầu hành trình đức tin của họ. Khi nghe lời làm chứng của người phụ nữ, có nhiều người Samaria trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, và họ ra giếng gặp Ngài.
Vậy, khi đến gặp Người, dân Samaria xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
Người khác chỉ có thể dùng lời nói hay việc làm khơi dậy niềm tin trong con người chúng ta. Để có thể sở hữu một niềm tin chắc chắn và một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta cần đích thân chạy đến với Ngài, và đào sâu mối liên hệ với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện không ngừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Không phải chúng ta tự ý đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã đi bước trước để chuẩn bị mọi sự cho chúng ta. Điều này chứng tỏ tình thương vô biên của Thiên Chúa.
– Tình thương của Thiên Chúa được biểu tỏ trọn vẹn và hoàn hảo qua Đức Kitô. Chúng ta hãy chạy đến và đào sâu mối liên hệ với Ngài qua Lời Hằng Sống và các bí-tích.
– Con người có trí khôn và tự do. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu để hoán cải con người bằng cách chỉ cho họ thấy tình thương tha thứ của Thiên Chúa, chứ không bằng bất cứ một sự ép buộc nào.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng [audio:http://loinhapthe.com/LCHN/audio/Chu%20Nhat%20III%20Mua%20ChayA.mp3] hoặc tải xuống
Nguồn: loinhapthe.com