Thứ Ba Tuần 14 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: Genesis 32:23-33; Matthew 9:32-38.
Người Hy-lạp và một số tôn giáo lớn, mặc dù tin có một Đấng dựng nên và điều khiển mọi sự, nhưng họ không tin Đấng Tạo Hóa quan tâm đến đời sống vất vả và cực khổ của con người. Lý do: Họ tin Đấng Tạo Hóa không bao giờ thay đổi. Nếu Đấng Tạo Hóa quan tâm hay nhận lời cầu xin của con người, Ngài đã bị con người thay đổi. Ngược lại, chúng ta tin Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc cho mọi nhu cầu của con người. Thiên Chúa có uy quyền đến độ, tuy Ngài đáp ứng những lời cầu xin của con người, vẫn không thay đổi trong sự quan phòng vũ trụ của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay chứng minh Thiên Chúa quan tâm đến cuộc sống con người và luôn kiên trì để dạy dỗ và chữa lành con người. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật biến cố Thiên Chúa hiện ra và vật lộn với tổ-phụ Jacob suốt đêm. Biến cố này muốn nói Thiên Chúa kiên trì trong việc cứu độ con người, và con người luôn phải bám lấy Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vất vả ngược xuôi để dạy dỗ, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành mọi vết thương hồn xác cho con người. Ngài thương dân vất vả tả tơi như chiên không người chăn, và dạy các môn đệ phải luôn cầu nguyện để Thiên Chúa gởi đến các mục tử tốt lành chăn dắt chiên.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Jacob vật lộn với Thiên Chúa.
1.1/ Mối thù hận giữa Esau và Jacob: Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta cần phải biết mối thù hận giữa hai anh em sinh đôi, Esau và Jacob. Tuy Esau là anh vì sinh ra trước; nhưng bà mẹ Rebekah đã lập kế hoạch để Jacob tước đoạt quyền trưởng nam và lời chúc lành từ cha là Isaac. Esau tức giận về kế hoạch này và tìm cách trả thù. Esau cùng với 400 thuộc hạ của ông đang trên đường đi gặp Jacob, và Jacob đang trên đường chạy trốn Esau, anh mình. Ông rất lo lắng cho số phận của ông và gia đình, nên ông đã cầu nguyện với Thiên Chúa: “Xin giải thoát con khỏi tay anh con, khỏi tay anh Esau, vì con sợ anh ấy, sợ anh ấy đến đánh chúng con, đánh cả mẹ lẫn con” (Genesis 32:12).
(1) Cuộc vật lộn suốt đêm giữa Jacob và người lạ mặt: “Đêm đó, ông Jacob dậy, đem theo hai bà vợ, hai người nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua sông Jabbok. Ông đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua. Ông Jacob ở lại một mình; và có một người đến vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông.”
Cuộc vật lộn giữa con người với thần minh thường xảy ra trong các truyện thần thoại. Trong các câu truyện như thế, thần minh thường là người trấn giữ các con sông, thường có mặt lúc ban đêm, và thường bị buộc phải tiết lộ tông tích hay những điều bí mật cho con người. Tất cả những yếu tố này đều có trong trình thuật hôm nay. Điều này nói lên tác giả Sách Sáng Thế có thể bị ảnh hưởng bởi những truyện này, với mục đích để chuyển giao ý định của Thiên Chúa cho con người.
(2) Kết quả cuộc vật lộn: “Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Jacob bị trật đang khi ông vật lộn với người đó.” Người lạ yêu cầu: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.” Nhưng ông đáp: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi.” Người đó hỏi ông: “Tên ngươi là gì?” Ông đáp: “Tên tôi là Jacob.” Ông Jacob hỏi: “Xin cho tôi biết tên ngài.” Người đó nói: “Sao ngươi lại hỏi tên ta?” Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy.
Người lạ mặt từ chối mặc khải tên mình cho Jacob; nhưng sự kiện người đó chúc lành cho Jacob mặc khải phần nào tông tích của Ngài. Jacob có thể đoán ra được qua việc ông đặt tên cho nơi đó là Peniel, có nghĩa “mặt của Thiên Chúa.” Hơn nữa, lời giải thích sau đó cũng chứng minh Jacob biết đó là Thiên Chúa: Ông Jacob đặt tên cho nơi đó là Penuel, “vì ông nói: tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng.”
1.2/ Hậu quả của cuộc vật lộn:
(1) Thiên Chúa đổi tên và chúc lành cho Jacob: Thiên Chúa đổi tên cho Jacob thành Israel, có nghĩa: “người đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” Động từ thi đấu dùng ở đây là “sarah” được dùng ở thời quá khứ với tiếp vĩ ngữ là “yisra-el.” Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Israel được ví như một cuộc vật lộn, và Israel sẽ thắng dù không xứng đáng. Đổi tên ai là trao cho người đó cho một sứ vụ. Thiên Chúa trao cho Jacob sứ vụ là tổ-phụ của một dân riêng. Dân riêng này mang tên của ông là Israel, dân luôn được Thiên Chúa chúc lành.
(2) Jacob bị trật xương hông: Tuy Jacob thắng thế, nhưng ông phải trả giá cho cuộc vật lộn chứ không hoàn toàn bình an vô sự: ông phải đi khập khiễng vì bị trật xương hông. Việc dân Do-thái không ăn gân đùi có lẽ là một truyền thống xa xưa, vì người Do-thái không còn thói quen này nữa.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kiên trì chữa lành và dạy dỗ con người.
2.1/ Chúa Giêsu đi khắp nơi để chữa lành và rao giảng Tin Mừng: Trong 3 năm công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã lang thang khắp miền Palestine để rao giảng Tin Mừng và chữa lành các vết thương hồn xác cho con người. Tuy thế, Ngài cũng gặp biết bao chống đối từ các kinh-sư, luật sĩ, và nhà cầm quyền Rôma. Trình thuật hôm nay là một trường hợp điển hình.
(1) Hai phản ứng trước phép lạ Chúa Giêsu trục xuất quỉ ám ra khỏi người câm:
+ Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ!” Người chất phác thành thật thấy sao nói vậy; họ không bị ảnh hưởng bởi thành kiến và các tính toán lợi nhuận.
+ Nhưng người Pharisees lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Họ buộc tội Chúa có liên hệ với quỷ vương để khỏi phải tin và giữ những gì Chúa dạy; hơn nữa, họ không muốn toàn dân tin theo Chúa vì họ sẽ mất uy quyền, thế lực, và những lợi nhuận vật chất.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Chẳng quan tâm đến những lời phê bình của họ, Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Ba việc tông đồ Ngài làm gương cho chúng ta:
+ Dạy dỗ: để dân chúng biết đâu là sự thật từ biết bao điều sai trái trong thế gian.
+ Rao giảng Tin Mừng: loan báo tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người, và chỉ đường cho con người biết sống làm sao để đạt được hạnh phúc muôn đời bên Ngài.
+ Chữa lành mọi vết thương hồn xác: Chúa Giêsu cảm thương với những đau khổ hồn xác của con người. Ngài muốn mặc lấy để cứu chữa hay cất đi tất cả khổ đau mà con người phải chịu.
2.2/ Chúa Giêsu lo lắng nhân loại không đủ người dẫn dắt: Không phải chỉ lo cho thế hệ đương thời, Ngài còn lo cho các thế hệ tương lai. Chỉ một câu vắn vỏi, nhưng đã lột tả hết sự quan tâm của Chúa Giêsu: “Khi Đức Giêsu nhìn thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa luôn quan tâm đến cuộc sống của mỗi người chúng ta. Ngài tìm đủ mọi cách để săn sóc, dạy dỗ, và chữa lành mọi vết thương hồn xác của chúng ta.
– Chúng ta phải kiên trì với Thiên Chúa trong đau khổ và thử thách. Một khi đã được chữa lành, chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc săn sóc, dạy dỗ, và chữa lành tha nhân.
– Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt quá ít ỏi. Trong Năm Thánh Linh Mục, chúng ta hãy tìm mọi cách để gia tăng ơn gọi linh mục và tu sĩ; để có nhiều thợ rành nghề làm việc cho Chúa.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
loinhapthe.com