Chúa Nhật IV Mùa Chay
(Gs.5,9a.10-12; 2Cor.5, 17-21; Lc.15, 1-3.11-32)
Đa số người đều nhận biết có một Đấng Tuyệt Đối, nhờ Ngài mà vạn sự vạn vật hiện hữu. Ngài vượt trên mọi sự mọi loài, không ai với tới Ngài được, Ngài ở trên trời. “Ông Trời” trong ngôn ngữ Việt Nam cũng chỉ một thực tại siêu vượt, rất gần và rất xa con người. Một số người tức giận khi thấy cảnh bất công mà không thấy Ông Trời can thiệp, nên họ châm biếm “Ông Trời không có mắt”; họ đòi Ông Trời phải can thiệp bênh đỡ người cô thế cô thân bị áp bức bóc lột. Nhiều người hiểu và diễn tả Tuyệt Đối như một người, và đòi Ngài phải hành xử như họ suy nghĩ. Thực ra, con người hữu hạn nên không thể hiểu và diễn tả trọn vẹn về Tuyệt Đối được; hơn nữa, đường lối của Tuyệt Đối không giống như con người: “như trời cao hơn đất bao nhiêu, tư tưởng của Ta cũng vượt quá tư tưởng của các ngươi”.
Với dân Do Thái, Thiên Chúa là Đấng đã đưa dân ra khỏi Aicập, đã giải phóng dân khỏi kiếp nô lệ bên Aicập. Thiên Chúa là Đấng đã tuyển chọn tổ phụ của họ là Abraham, Isaac, và Giacóp, là Đấng đã can thiệp vào lịch sử của họ qua Môsê, Giôsua, và các tiên tri, là Đấng đã để các nước lân bang thống trị và thậm chí còn bị lưu đầy sang Babylon nhưng cuối cùng Ngài vẫn cứu thoát họ. Thiên Chúa là Đấng rất gần gũi dân, Thiên Chúa là Thiên Chúa của dân Israel, và Israel là dân riêng của Thiên Chúa. Niềm hy vọng của dân Do Thái là Thiên Chúa. Chính vì vậy, khi bị sống trong cảnh đô hộ bị áp bức, dân Do Thái luôn trông chờ Đấng được xức dầu (Kitô), Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng họ khỏi cảnh áp bức.
Thiên Chúa trong Cựu Ước được trình bày như một vị Thiên Chúa công bằng, có chỗ nhấn mạnh như thể Thiên Chúa trừng phạt con người tội lỗi đến ba bốn đời: “cha ăn nho xanh, đời con ghê răng”. Hôm nay trong tin mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu dùng dụ ngôn người cha nhân hậu luôn sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho người con, để diễn tả tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với con người.
Thiên Chúa yêu thương và tôn trọng con người, như người cha yêu thương và tôn trọng con mình trong dụ ngôn Lc.15, 11-32. Người con thứ đòi người cha chia gia tài; người cha chia gia tài cho anh ta cho dù người con không có quyền đòi hỏi như vậy, dù biết rằng người con đó chẳng chóng thì chầy sẽ bỏ nhà ra đi. Người cha biết con mình một khi bỏ nhà đi sẽ khổ, sẽ mất hết tài sản, nhưng người cha vẫn tôn trọng người con. Người cha rất đau lòng nhưng ông vẫn làm như người con muốn. Thiên Chúa ban tự do cho con người, Ngài luôn tôn trọng tự do của con người cho dù con người có lạm dụng tự do đó để phản bội Ngài.
Khi người con thứ bỏ nhà ra đi, người cha sống trong niềm hy vọng và chờ đợi. Người cha chờ đợi người con trở về. Chẳng vậy, khi người con thứ còn ở đằng xa, với quần áo xốc xếch và dáng đi rụt rè e ngại, người cha đã chẳng nhận ra con mình. Ông chạy ra ôm người con hoang trở về và hôn lấy hôn để. Người cha vẫn luôn mong đợi người con trở lại, cho dù người con đã xúc phạm đến mình, cho dù người con đã hoang phí biết bao của cải mà người cha đã tốn bao sức lực, với bao vất vả gian lao mới có thể có được. Tất cả những điều đó không quan trọng đối với người cha; điều quan trọng đối với ông, là người con và sự an nguy của anh ta. Thiên Chúa là Đấng hy vọng và chờ đợi tôi hơn bất cứ ai. Với Thiên Chúa, mỗi người là tuyệt đối quan trọng.
Người cha hy vọng mong chờ người con trở về, và rồi sẵn sàng tha thứ cho dù người con chưa nói lên lời xin lỗi. Thiên Chúa mong chờ người tội lỗi trở về, mong chờ họ ăn năn sám hối, để họ được an bình và hạnh phúc. Như người cha năn nỉ người con trưởng vào nhà, Thiên Chúa cũng năn nỉ con người tội lỗi trở lại với Ngài. Hình ảnh Thiên Chúa trong dụ ngôn người cha nhân hậu, thật là dịu dàng, nhẫn nại, bao dung, tha thứ. Người ta thấy Thiên Chúa như thể rất mềm yếu. Thực vậy, chính vì yêu mà Thiên Chúa kiên nhẫn và nhân từ vô cùng đối với con người.
Nhờ Đức Giêsu Kitô, người ta nhận ra dung mạo của Thiên Chúa thật đặc biệt: Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Một khi nhận ra Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể, con người nhận ra tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với con người. Khi phạm tội xúc phạm đến Thiên Chúa và anh em mình, tương quan giữa con người với Thiên Chúa bị phá hủy, con người không thể tin tưởng nhau được nữa. Qua Đức Giêsu, con người nhận ra Thiên Chúa vẫn yêu thương con người vô cùng. Tương tự như người con hoang đàng trở về vẫn được người cha yêu thương và nhận làm con, con người biết Thiên Chúa vẫn luôn nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm của con người. Trước khi được tha thứ, người con hoang đàng không biết số phận của mình như thế nào, vì ao ước của anh ta có thể bị từ chối. Tuy nhiên, khi thấy thái độ của người cha, anh ta nhận ra cha anh là người rất tuyệt vời.
Hôm nay vẫn cần những trung gian để trình bày cho con người thấy dung mạo tuyệt vời của Thiên Chúa: Đấng yêu thương con người vô cùng. Thánh Phaolô đã nói với những người Ngài rao giảng: Thiên Chúa là Đấng nhân từ và mong ước con người trở lại. “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa đi” (2Co.5, 20). Thiên Chúa yêu thương con người, và điều này có thể được thấy qua việc Thiên Chúa mong con người, cần con người trở lại với Ngài. Yêu ai thì cần người đó. Thiên Chúa yêu tôi nên Ngài cần tôi, Ngài cần tôi vì Ngài yêu tôi. Tự bản chất, Thiên Chúa không cần ai cả, Ngài hạnh phúc với chính Ngài; không cần ai làm gì để Ngài hạnh phúc; Ngài là hữu thể tròn đầy, không ai làm Ngài mất hạnh phúc được. Tuy nhiên, Thiên Chúa được tôn vinh hơn khi tôi triển nở và hạnh phúc; Ngài hạnh phúc khi tôi hạnh phúc. Chính vì yêu mà Ngài cần con người. Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người đến độ không thể hiểu được: Ngài dám ban Con Một của Ngài cho con người, Ngài sẵn sàng làm tất cả để được con người, để giúp con người nhận ra tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
- Với bạn, từ ngữ hay hình ảnh nào diễn tả tuyệt nhất về Thiên Chúa?
- Bạn được gì khi tin rằng Thiên Chúa yêu thương bạn?
LM Phạm Thanh Liêm, SJ