Thiên Chúa Nói Với Con Người Bằng Ngôn Ngữ Nhân Loại

Sách Xuất Hành có kể lại, ba tháng sau khi Ông Môi-sen dẫn  dân Do Thái ra khỏi Ai-cập, Ông đã lên cầu nguyện trên núi Si-nai 40 đêm ngày. Sau đó, Thiên Chúa hiện ra ban lề luật cho Dân. Khi Ngài ngỏ lời để truyền dạy Mười Điều Răn thì mọi người nghe như tiếng sấm sét hãi hùng, núi bốc khói với ánh lửa bập bùng. Dân chúng kinh sợ nói với Ông Môi-sen: “Xin chính Ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe. Nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất!” (x Xh 20,18-21).

Rồi, mỗi lần Thiên Chúa hiện ra để truyền lệnh hay ngỏ lời với con người, họ đều sợ hãi, vì cảm thấy bất xứng: “khốn thân tôi,  tôi sẽ chết mất, vì tôi là người miệng lưỡi nhơ bẩn!” (Is 6,4-5). Con người vừa sợ hãi, vừa mạc cảm vì thân phận tội lỗi của mình. Sau này, chính Phê-rô, người tông đồ trưởng, khi chứng kiến mẻ cá lạ, ông nhận ra quyền năng Thiên Chúa nơi Người và thảng thốt kêu lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8).  

Tuy vậy, vào thuở ban đầu của thời sáng tạo thì không như thế. Tác giả sách Sáng thế kể lại, vào những buổi chiều, khi mối thân tình giữa Thiên Chúa với con người chưa ám màu tội lỗi,  trong làn gió hiu hiu, Thiên Chúa vẫn đi dạo với con người để đàm đạo với họ. Thiên Chúa – Con Người, đó là mối tâm phúc  cha con, thày trò và bạn hữu. Chỉ từ khi Adam và Evà bất tuân ăn trái cấm, mối thân tình ấy mới phai nhạt. Đúng hơn, vì tội lỗi, con người tự thấy mình bất xứng không dám đến gần Chúa nữa. Thật vậy, hai ông bà nguyên tổ đã chẳng vội nép mình trốn ẩn vào lùm cây, khi Chúa đến đàm đạo với họ như thường lệ đó sao? (x St 4,8). Do tội lỗi, ngôn ngữ của họ đã biến dạng không thể tâm sự với Chúa được, và họ cũng không có khả năng nghe những gì Thiên Chúa muốn thông truyền cho họ. 

Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến nối lại mối giây thân tình bị gián đoạn đó. Chính Ngài đã đi bước trước để thiết lập lại trật tự đã bị phá vỡ. Biết bao hình ảnh sinh động và tươi đẹp vẫn được dùng để diễn tả Ngày lễ Giáng Sinh: đất với trời xe chữ đồng; trời với đất gặp gỡ nhau, Thiên Chúa ở với con người; Ngôi Lời đã làm người. Vâng,Thiên Chúa đã có sáng kiến sai Con của Ngài xuống trần gian. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã hạ cố, đã cúi mình xuống để nói với chúng ta bằng ngôn ngữ loài người. Thiên Chúa không còn nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của sấm sét. Ngài cũng không dùng những ngôn ngữ bí ẩn cao siêu, không dùng ngôn ngữ của các thiên sứ trên trời, nhưng Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con (x Dt 1,1).  

Lời đã làm người. Thiên Chúa ở với nhân trần. Thiên Chúa cao xa đã nên gần gũi, bình dị với con người. Đức Giêsu đã trở nên con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Người chia sẻ kiếp sống phàm nhân. Người hòa mình vào cuộc sống nhân thế với những phong tục tập quán, với những truyền thống của các nền văn hóa khác nhau. Qua mầu nhiệp nhập thể, Thiên Chúa vĩnh cửu đã bước vào thời gian, Đấng vô hình đã trở nên hữu hình. Con người có thể gặp gỡ, tâm sự, lắng nghe Đấng Cao Cả mà không phải chết, nhưng trái lại, tìm được niềm vui hoan lạc và hạnh phúc. Đức Giêsu đã nên người bạn, người tâm phúc của mỗi người chúng ta. Ngài đang nói với chúng ta bằng ngôn ngữ nhân loại, với sự cảm thông sâu xa và tình mến dạt dào. Amen. 

+GM Giuse Vũ Văn Thiên

Trích website của Giáo Phận Hải Phòng