Thực Hành Giới Răn Trọng Nhất

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B

Mc 12, 28b-34

Thưa quý vị,

Với bài đọc Phúc Âm hôm nay, chúng ta được chứng kiến giây phút hoà hợp lạ lùng giữa Chúa Giêsu và một kinh sư. Kinh sư hỏi Chúa: “Thưa thày trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” Chúa trả lời: “ Điều răn đứng hàng đầu là, nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Giây phút này là cuộc gặp gỡ và đồng thuận hoàn hảo nhất giữa hai truyền thống Công giáo và Do thái. Tình yêu Thiên Chúa vượt hẳn các đòi hỏi, luật lệ, tuân thủ và trung thành khác của tôn giáo. Hẳn quí vị “bảo thủ” nghe Chúa tuyên bố phải giật mình. Bởi tình yêu này thúc đẩy chúng ta cho đi bản thân mình hoàn toàn, khi đó tình yêu đồng loại là tất yếu. Nó là thể hiện rõ nét tình yêu của ta đối với Chúa. Nếu không lấy gì làm bằng chứng? Tình yêu Thiên Chúa chỉ có tính “xác thực” khi nó cụ thể hoá nơi tha nhân. Thiên Chúa đến với chúng ta trong sự có mặt của anh chị em đồng loại: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Ông kinh sư nói với Đức Kitô: “Thưa thày, hay lắm thày nói rất đúng.” Bài đọc một trích từ Đệ Nhị Luật (6,4) song song với nội dung bài Phúc Âm.

Tiên tri Môsê tập trung toàn thể dân Israel bên bờ sông Giođan. Họ sắp sửa vượt sông để chiếm cứ đất hứa. Nhưng nhà tiên tri lại qua đời trước khi sự việc xảy ra. Ông ta ban lời giáo huấn cho dân và nhắc nhớ họ rằng họ chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và họ phải yêu mến Ngài bằng trọn cả bản thân mình. Thoạt kỳ chúng ta được nghe đọc như vậy. Rõ ràng và minh bạch. Nhưng ý nghĩa còn đi xa hơn. Bởi lẽ bản văn được viết ra rất lâu sau biến cố, khi quốc gia Do thái đã ổn định và phát triển. Họ đã định cư “an toàn” trong đất hứa vì vậy bài đọc có bối cảnh khác với bờ sông Giođan và cũng nhằm một áp dụng khác nữa. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau:

Lúc sách được viết ra không còn kẻ thù, không phải chiến đấu chiếm đất mà đã “ấm cúng” trong hoàn cảnh bình an. Quốc gia đã được xây dựng. Tôn giáo có thể trở nên tự mãn và cậy dựa vào sức riêng, quan niệm riêng, thường khi là sai lầm. Cho nên bằng cách gợi lại lời giáo huấn của Môsê, Đệ nhị luật kêu gọi tuyển dân trở về với lương tâm, với Thiên Chúa. Thẩm quyền và tiếng tăm của Môsê có thể là lợi khí để nhắc nhớ họ trước tiên phải trung thành với Thiên Chúa, Đấng giải phóng họ khỏi nô lệ Ai Cập, sau là yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Kinh nghiệm nhiều lần đổ vỡ, bại trận và đi đày, dạy dỗ tuyển dân những bài học cay đắng. Chỉ xin nhìn lại các cuộc lưu lạc đày đoạ cũng có thể nhận ra sự dại dột của mình, khi kiêu căng cậy dựa vào quyền lực quân sự, chính trị mà quên bẵng Đấng tác thành và gìn giữ. Có lẽ các kẻ bại trận và lưu đày sẽ tỉnh ngộ khi nghe giáo huấn cổ xưa của Môsê mà kiến thiết lại quốc gia và nhìn nhận giây phút tái sinh, bằng cách lại quay về với Thiên Chúa và yêu mến Ngài với hết linh hồn hết trí khôn và hết sức lực mình.

Lời lẽ của Môsê cũng hữu ích cho chúng ta trong nhiều hoàn cảnh. Trước hết đối với những ai tưởng mình bền vững trong lòng đạo đức, lời ông cho cơ hội suy nghĩ và quyết tâm phụng thờ Chúa, được nuôi dưỡng trong bàn thờ Thánh Thể để có thể tiếp tục là các tôi tớ trung thành. Còn đối với những ai có tinh thần tự lập, cậy dựa vào sức mình, lời ông nhắc nhớ bổn phận đầu tiên của họ là lệ thuộc và trung tín với Thiên Chúa, sau đó đến các yêu cầu khác. Chúng có thể dẹp sang bên dễ dàng so với bổn phận thứ nhất. Cuối cùng đối với cộng đoàn, giống như các kẻ lưu đày, nhìn ra thế giới, toàn thấy đổ vỡ, thất bại và cần canh tân hy vọng thì lời ông Môsê nhắc nhớ mình được kêu mời yêu mến Thiên Chúa toàn vẹn. Ngài sẽ đến cứu chữa chúng ta, hàn gắn các vết thương, chia rẽ, hiềm thù bởi vì căn tính của Ngài là như vậy. Ngài yêu mến chúng ta trước với hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực Ngài.

Tuy nhiên các vị rao giảng nên ý tứ chớ truyền đạt nội dung nghiệt ngã, chỉ yêu mến Thiên Chúa và tha nhân mà thôi. Làm như vậy chúng ta sẽ biến Thiên Chúa thành nhà độc tài đáng ghét. Thực ra giới răn yêu mến Thiên Chúa không ban ra như mệnh lệnh từ một Thiên Chúa ích kỷ muốn thiên hạ làm nô lệ cho mình, dễ bảo, dễ dạy. Những đòi hỏi như vậy không thể đến từ thượng đế tối cao, đầy yêu thương, nhân ái. Môsê kêu gọi lòng yêu mến tuyệt đối trong ý nghĩa tuyển dân đã được Chúa chọn. Lang thang 40 năm trong hoang địa và nhận ra Thiên Chúa của mình là Thiên Chúa tình yêu. Vì thế, để đáp trả Môsê đòi hỏi tuyển dân tình yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực bởi họ đã được tình yêu Ngài dẫn dắt và biến đổi.

Sự biến đổi này quá lớn lao và sâu sắc đến nỗi nó tràn ra từ lòng trí chúng ta tới Thiên Chúa và cụ thể hoá nơi tha nhân. Giống như Môsê, Chúa Giêsu cũng kêu gọi yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả thực tại của mình. Đời sống và cái chết của Ngài là thể hiện rõ ràng Thiên Chúa yêu mến từng cá nhân. Cho nên Ngài nhắc nhớ mỗi người rằng Thiên Chúa là trung tâm linh hồn họ. Thiên Chúa hiện diện vững bền trong hữu thể mỗi người. Đó là lý do Chúa Giêsu nhắc lại kinh “Shema”, một xác quyết lớn nhất của Israel về đức tin và tình yêu Thiên Chúa. Người ta có thể muờng tượng lời kinh của Đệ nhị luật đến với môi miệng Chúa Giêsu dễ dàng và nhanh chóng. Bởi vì các người Do thái đạo đức đọc nó sáng và chiều mỗi ngày: “Hỡi Israel hãy nghe đây. Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Đức Chúa duy nhất…”. Chúa Giêsu nói lên tinh thần của ngũ kinh “Torah”, câu trả lời thày thông luật của Ngài là từ Đệ nhị luật. Ngài tuyên bố tình yêu đối với Thiên Chúa là khao khát và mục tiêu đệ nhất của mỗi linh hồn tuyển dân.

Các thày tiến sĩ luật đếm được 613 mệnh lệnh của Torah: 248 là lệnh tích cực phải làm, 365 tiêu cực phải tránh. Các thày còn đang tranh luận với nhau xem luật nào nhẹ, luật nào nặng ký. Tức luật nào đúng đầu hay quan trọng nhất. Đó là bối cảnh cho câu chất vấn hôm nay. Chúa Giêsu nhắc lại hai mệnh lệnh của Torah để trả lời. Khi làm như vậy Ngài gợi ý rằng chẳng có khoản nào trong luật có thể trả lời đầy đủ câu hỏi của thày tiến sĩ, mà phải dùng đến hai. Hai khoản luật trả lời cho một câu hỏi, có nghĩa chúng chỉ là một không tách rời nhau được. Chúng lập thành một giới răn duy nhất và quan trọng nhất: giới răn của lòng yêu thương. Chúa Giêsu sẽ chiến thắng thế gian bằng vũ khí này. Nhưng người ta, theo âm mưu của satan, thường khi có khuynh hướng tách rời, vì lợi ích cá nhân. Nhiều vụ án đen tối trong lịch sử Giáo Hội chứng minh điều đó. Thiệt hại chết người đã xảy ra, không thể sửa chữa được nữa. Vậy xin nhớ, giống như sự thật, tình yêu không thể sai lầm. Nếu lầm thì chính Chúa Giêsu lầm trước hết và nặng nề nhất. Thực ra chỉ có ghen ghét hận thù mới sai lầm mà thôi. Các thày thông luật khi nghe Chúa Giêsu đơn giản hoá hai khoản luật thành một ngõ hầu dễ tuân giữ thì đã khâm phục Ngài hết lòng. Họ chẳng dám chống đối nửa lời vì lo sợ Ngài bãi bỏ luật Torah. Phúc Âm kể: “Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.”

Khoản luật thứ hai, yêu mến tha nhân, là từ sách Lê vi ký (19,18) truyền dạy phải yêu mến thân cận như chính mình: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa.” Thách đố của Chúa Giêsu là chúng ta phải bày tỏ tình yêu này ra sao? Trong Cựu Ước, “thân cận” có nghĩa rất hẹp hòi. Nó chỉ là các phần tử trong gia đình, hoặc đồng bào trong một quốc gia, ít khi mở rộng ra các sắc tộc khác, nhất là các thành viên của các tôn giáo khác. Lời dạy của Chúa Giêsu trong các dụ ngôn, thí dụ người Samaritanô nhân hậu, ý nghĩa khoáng đạt hơn nhiều. Ngài bao gồm mọi dân mọi nước nói chung cả nhân loại chứ không giới hạn vào một nhóm người hay quốc gia nào. Hơn nữa, đối với Ngài yêu mến Chúa và thương xót tha nhân không phân biệt thứ nhất quan trọng nhất và thứ hai kém cần thiết hơn. Nhưng cả hai hợp thành một ưu tiên lớn hơn tất cả các lệnh truyền khác. Thày tiến sĩ luật hiểu ra vấn đề và đồng ý với Chúa Giêsu. Ông nhắc lại kinh “Shema” của Đệ nhị luật và sách Lê vi ký, rồi tuyên bố chẳng có việc tuân giữ tôn giáo nào, kể cả dâng lễ hy tế, lớn hơn các việc đó. Chúa Giêsu khen ông trả lời khôn ngoan rồi nói: “ Ông không còn xa nước Thiên Chúa đâu”. Nước Thiên Chúa tức là triều đại Ngài đang nỗ lực rao giảng. Hoặc là chính Ngài. Ông ta không còn xa Ngài bao nhiêu. Nhưng ông ta còn thiếu chi?

Đón nhận nước trời với tấm lòng của một trẻ thơ: đơn sơ, tin cậy, phó thác, khó nghèo như Ngài dạy bảo. Ông cũng phải nhận ra rằng mình không thể vào nuớc đó bằng sức riêng, tuân giữ lề luật, ăn chay, bố thí, hay bất cứ công việc đạo đức nào khác, mà phải hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa để được ơn làm thành phần nước trời. Cuối cùng ông phải tôn trọng giới răn mà Ngài vừa ban truyền; mến Chúa yêu người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực mình. Xin lưu ý từ đầu Phúc Âm Marcô, Gioan tẩy giả tiên báo là có Đấng đến sau ông, lớn hơn ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (1, 7-8). Chúa Giêsu ứng nghiệm lời hứa ấy. Ngài ban ơn sự sống là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ cung cấp khả năng cho chúng ta chu toàn giới răn mến Chúa yêu người mà Ngài vừa dạy thày thông luật. Ông ta không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu, nhưng không thể vào nếu không được ân thiêng Thiên Chúa đổ xuống. Liệu chúng ta có nhận ra sự thật, hay vẫn nghênh ngang tự cao tự đại? Phong mình là thần thánh, bước vào nước trời bất cần Thiên Chúa. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP